Nguyên nhân gốc rễ của lạm phát 8.5%
Tòa Bạch Ốc đã chuẩn bị cho người dân Mỹ trước tình trạng lạm phát “tăng cao bất thường” theo số liệu quan trọng của tháng Ba, bằng việc mô tả lạm phát cao trong 40 năm như là “sự tăng giá do ông Putin”.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm của Hoa Kỳ đã tăng lên 8.5% hồi tháng trước (03/2022), vượt trên ước tính thị trường là 8.4%. Tỷ lệ lạm phát căn bản, không bao gồm các lĩnh vực năng lượng và thực phẩm dễ biến động, đã tăng 6.5%.
Trong khi cuộc xâm lược Ukraine của Tổng thống Nga Vladimir Putin làm gia tăng áp lực lạm phát, đặc biệt là đối với lương thực và năng lượng, thì nhiều nhà phân tích thị trường tin rằng nguyên nhân gốc rễ của việc giá cả tăng cao liên quan nhiều đến việc mở rộng tài chính và tiền tệ ở Hoa Thịnh Đốn hơn là cuộc xung đột ở Đông Âu.
Theo ông Luke Tilley, nhà kinh tế trưởng tại Wilmington Trust, lạm phát đang ở mức cao nhất trong bốn thập niên do chính sách kích thích “quá lớn” của chính phủ, và chính sách tiền tệ điều chỉnh bất thường từ ngân hàng trung ương Hoa Kỳ, cũng như chi tiêu hàng hóa và các vấn đề về chuỗi cung ứng do COVID-19 gây ra.
Ông nói với The Epoch Times: “Lạm phát là một thách thức vô cùng khó dự đoán. Chúng ta đã vượt xa bất kỳ tình huống bình thường nào từng thấy trong lịch sử.”
Ông Tilley lưu ý, những ví dụ trong lịch sử không hữu ích lắm, bởi vì “trong những ví dụ trong lịch sử đó, chúng ta không có một đại dịch nào đang khiến chuỗi cung ứng và sản xuất tắc nghẽn. Chúng ta cũng không có cùng một loại kích thích chi tiêu tài khóa đồ sộ, thực sự quá đồ sộ trực tiếp vào ví tiền của người tiêu dùng như chúng ta đã thực hiện trong năm 2020 và trong năm 2021.”
Ông nói: “Tôi nghĩ rằng lạm phát sẽ tiếp tục tăng cho đến khi lãi suất lên cao hơn.”
Ông Scott Sheridan, một chuyên gia thị trường và là giám đốc điều hành của công ty cung cấp dịch vụ môi giới trực tuyến, đã lặp lại những suy nghĩ này, khi nói với The Epoch Times rằng: “đó là một cuộc đàm luận mang nhiều sắc thái hơn so với các cuộc thảo luận về lạm phát điển hình mà chúng ta đã có trong quá khứ.”
Các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu và những thay đổi trong mô hình chi tiêu do hậu quả của đại dịch COVID-19 đã làm tăng lạm phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, kể từ nửa đầu năm 2021, lạm phát ở Hoa Kỳ đã vượt qua lạm phát ở các nước phát triển khác.
Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco gần đây đã công bố “Bức thư kinh tế” tìm hiểu lý do tại sao lạm phát ở Hoa Kỳ cao hơn tỷ lệ trung bình ở các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), như Canada và Vương quốc Anh.
Các nhà kinh tế của Fed cho biết trong báo cáo: “Trong lịch sử, tỷ lệ lạm phát ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác đã theo nhau rất sát sao.”
Các nhà kinh tế học đã ám chỉ Đạo luật CARES (Viện trợ, Cứu trợ và An ninh Kinh tế) trị giá 2.2 ngàn tỷ USD CARES được ký thành luật hồi tháng Ba năm 2020 và Đạo luật Kế hoạch Giải cứu nước Mỹ 1.9 ngàn tỷ USD năm 2021 được ban hành một năm sau đó.
Các tác giả báo cáo lưu ý rằng, “Cả hai Đạo luật này đều dẫn đến một đợt cung cấp tiền hỗ trợ trực tiếp lớn chưa từng có, với thời gian tương đối ngắn. Ngược lại, thu nhập cá nhân thực tế khả dụng theo mẫu OECD của chúng ta chỉ tăng vừa phải trong thời kỳ đại dịch.”
Ông Sheridan lưu ý rằng việc cứu trợ tài chính có thể là cần thiết để chống đỡ các đòn kinh tế từ đại dịch, nhưng sẽ luôn có “hậu quả”.
Ông nói: “Không phải tôi không đồng ý với sự cần thiết của việc kích thích, nhưng tôi nghĩ rằng hầu hết chúng ta đều nhận ra rằng sẽ có những hậu quả ở một thời điểm nào đó. Thành thật mà nói, một khi quý vị thêm vào những tác động của COVID và cuộc chiến hiện tại ở Ukraine, tôi nghĩ quý vị sẽ khó mà thấy lạm phát không gia tăng.”
Ông Mark Gardner, chủ tịch công ty quản lý tài sản Retire Well Dallas, cho biết bất chấp rất nhiều dấu hiệu của lạm phát giá tràn lan xuất hiện trong suốt năm 2021, sự tăng trưởng giá cả cao ngất diễn ra trong 12 tháng qua đã “gây ngạc nhiên đối với dự kiến của nhiều nhà kinh tế.”
Mặc dù Fed và chính phủ của ông Biden đang dự báo lạm phát thấp hơn vào cuối năm 2022, ông Gardner cho biết người Mỹ có thể cần chuẩn bị cho việc giá cả tăng cao.
Ông nói với The Epoch Times: “Vì vậy, hãy chuẩn bị tinh thần, vì giá sẽ tăng trong suốt năm dương lịch này. Tuy nhiên, chúng sẽ khác nhau tùy theo loại hàng – chi phí của các mặt hàng trong chai và lon sẽ tiếp tục tăng trước khi chúng giảm xuống do số lượng có hạn.”
Cục Dự trữ Liên bang có hai nhiệm vụ: kiềm chế lạm phát và tăng tối đa số lượng việc làm. Trong khi ngân hàng trung ương đã chuyển sang chính sách chống lạm phát, một số nhà phân tích tin rằng tác động của nó sẽ được cảm nhận theo thời gian. Họ dự đoán sẽ mất nhiều năm để khôi phục lạm phát về mức mục tiêu 2%.
Ông chủ Dịch vụ Tài chính Stack ở Missouri, William Stack, cảm thấy rằng nhiều yếu tố tạo nên lạm phát hiện đang nằm ngoài tầm kiểm soát, trong đó có các biện pháp phong tỏa mới ở Trung Quốc và sự chậm lại của các chuyến xe tải giao hàng trong nước.
Ông Stack nói với The Epoch Times: “Cục Dự trữ Liên bang sẽ gặp khó khăn trong việc quản trị lạm phát trong môi trường này, điều mà họ đã giúp tạo ra một cách oái oăm.”
Sự đồng thuận cho rằng lạm phát vẫn sẽ nóng khiến một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang hối thúc ban lãnh đạo ngân hàng trung ương hành động nhanh chóng và tích cực hơn để bảo đảm tổ chức này không rơi vào hoàn cảnh bất lợi.
Chủ tịch James Bullard của Ngân hàng Fed St. Louis gần đây đã tuyên bố rằng ông muốn thấy lãi suất chuẩn của Fed ở mức 3.5% vào cuối năm 2022.
Ông Robert Johnson, giáo sư tại Đại học Kinh doanh Heider thuộc Đại học Creighton và Giám đốc điều hành của Hiệp hội Chỉ số Kinh tế, giải thích rằng “không công bằng” khi cáo buộc Fed để mất kiểm soát về lạm phát và chậm tăng lãi suất.
Ông Johnson nói với The Epoch Times: “Sự kết hợp giữa việc gián đoạn chuỗi cung ứng như là tác động phụ của đại dịch và áp lực lên giá hàng hóa do xung đột Ukraine đã gây ra áp lực lạm phát. Sẽ là không công bằng nếu cho rằng Fed đã ‘mất kiểm soát’ đối với lạm phát hoặc Fed ‘phản ứng chậm’ trong việc chống lại lạm phát, với nền kinh tế suy yếu do hậu quả của đại dịch virus corona. Về bản chất, Fed đã phải đối mặt với một tình huống rất khó khăn và đang cố gắng khéo léo trong việc bảo đảm toàn dụng lao động và chống lạm phát.”
Trong tuần trước (04–10/04), biên bản từ Ủy ban Thị trường Mở Liên bang tháng Ba (FOMC) tiết lộ rằng ngân hàng trung ương đã sẵn sàng nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào tháng tới, và cắt giảm bảng cân đối kế toán 9 ngàn tỷ USD với tốc độ 95 tỷ USD mỗi tháng.
Theo Công cụ FedWatch của CME, hầu hết thị trường đang dự kiến mức tăng nửa điểm phần trăm tại các cuộc họp FOMC vào tháng Năm và tháng Sáu.