Nguồn gốc của nền giáo dục công lập Hoa Kỳ (Phần 15-2) Ngã rẽ lịch sử cho giáo dục tư nhân: Bùng nổ hay thoái trào?
Đây là phần tiếp theo của bài viết “Ngã rẽ lịch sử cho giáo dục tư nhân: Bùng nổ hay thoái trào?” Trong phần trước, bài viết đã đề cập đến bối cảnh về sự tái sinh của các trường tư thục, cũng như đặt ra câu hỏi về việc giáo dục tư thục thực sự hồi sinh?
Những điều đã xảy ra
Trong nhiều chương trình phiếu tài trợ thuế (tax-funded voucher), các tiểu bang sử dụng quỹ thuế để hỗ trợ các trường tư thục và trường tôn giáo; chính phủ đã điều tiết và tìm cách kiểm soát các trường này. Tòa án Tối cao cũng đã phê duyệt các kế hoạch như vậy.
Tất cả mọi thứ từ tuyển dụng và tuyển sinh đến các chương trình giảng dạy và tiêu chuẩn đều nằm trong tầm ngắm. Các nhà phê bình còn cảnh báo rằng khi các chương trình “lựa chọn trường học” phổ biến trên khắp Hoa Kỳ, các trường tư thục và nhà trẻ mẫu giáo sẽ bị “mắc câu” bởi tiền tài trợ của chính phủ và sau đó rốt cuộc cũng buộc phải tuân theo chính phủ.
Tài trợ thuế, chương trình tài trợ, viện trợ, trợ cấp, hoặc bất cứ thứ gì như miếng phô mai trong bẫy chuột. Lúc đầu, phô mai dường như là miễn phí. Nhưng sau khi con chuột chộp lấy nó, cái bẫy sập xuống với kết quả thật thảm khốc.
Cựu cố vấn giáo dục cao cấp Charlotte Iserbyt, người từng phục vụ tại Bộ Giáo dục trong thời chính phủ Reagan trước khi “thổi còi” về những gì bà nhìn thấy ở đó đã cảnh báo rằng: Phán quyết của vụ Espinoza sẽ dẫn đến việc chính phủ tiếp quản “những tàn tích cuối cùng của trường học tại gia, giáo dục tư nhân và tôn giáo dành cho con của chúng ta.”
“Bất kỳ tổ chức nào, kể cả trường học công hay tư mà nhận một xu tiền thuế cho mọi thứ, bao gồm xe buýt, bàn làm việc, tranh ảnh trên tường, bữa trưa ở trường, sách giáo khoa đều sẽ bị kiểm soát và sẽ phải tuân theo các quy định của liên bang,” bà nói với The Epoch Times.
Bà Iserbyt, người đã viết cuốn sách gây chấn động, “Sự Xuống Dốc Có Chủ Đích Của Hoa Kỳ” (The Deliberate Dumbing Down of America), nói rằng đối với các trường tư thục, sự kiểm soát cuối cùng cũng sẽ mở rộng sang chương trình giảng dạy và đào tạo giáo viên.
Trích dẫn một loạt các vụ án, quy định và tuyên bố của các quan chức trong nhiều năm, bà Iserbyt cảnh báo rằng quỹ tài trợ hoặc hỗ trợ của chính phủ sẽ dẫn đến cái chết của một nền giáo dục độc lập phi chính phủ. Bà còn cảnh báo trong nhiều thập kỷ rằng đây là kế hoạch của các cơ sở giáo dục.
Trong những năm gần đây, cuộc chiến về các trường tư thục ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới đã tăng tốc và đang trở nên rõ ràng.
Ví dụ, ở New York, các trường yeshiva của người Do Thái được hưởng một số tài trợ thuế, hiện đang bị chính quyền nhắm mục tiêu vì bị cáo buộc không cung cấp đủ nền giáo dục “thế tục” [trạng thái trong đó chủ thể tách biệt khỏi tôn giáo].
Ở Thụy Điển, chính phủ đã sử dụng kế hoạch “lựa chọn trường học” để tất cả các trường tư thục và tôn giáo phụ thuộc vào chính phủ. Sau đó, họ buộc tất cả các trường này phải dạy chương trình đầy tranh cãi của chính phủ, trong đó cấm cầu nguyện hoặc đọc Kinh Thánh trong giờ học. Giáo dục tại nhà cũng bị cấm.
Ở cấp độ toàn cầu, “Hội đồng Nhân quyền” của Liên Hiệp Quốc, bao gồm Trung Cộng và các chế độ độc tài giết người khác, cũng đang kêu gọi chính phủ kiểm soát các trường tư thục nhiều hơn.
Vào năm 2015, hội đồng đã kêu gọi các chính phủ trên toàn thế giới “thực hiện quyền với giáo dục”, bên cạnh các chương trình khác, bằng cách “đưa ra một khuôn khổ pháp lý được định hướng bởi các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế dành cho các nhà cung cấp giáo dục – vốn hỗ trợ việc thiết lập các quy định tối thiểu và các tiêu chuẩn thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục.”
Tách biệt trường học và nhà nước
Cuối cùng, để bảo vệ quyền tự do giáo dục, một số người ủng hộ đang kêu gọi tách biệt hoàn toàn giữa trường học và nhà nước.
Trung tá E. Ray Moore, Giám đốc điều hành của Exodus Mandate đã thúc giục các tín đồ Cơ Đốc thoát ra khỏi hệ thống trường học của chính phủ trong nhiều thập kỷ.
Gần đây, nhà giáo dục tại gia tiên phong đã tán dương Tòa án Tối cao vì đã bảo vệ quyền sử dụng chương trình tín dụng thuế trên cơ sở tôn giáo của những người theo tôn giáo.
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về viễn cảnh phán quyết của Espinoza sẽ mở ra cánh cửa cho các chương trình phiếu tài trợ từ tiền thuế trong tương lai, hẳn sẽ gây nguy hiểm cho sự độc lập của giáo dục tư nhân và giáo dục Cơ Đốc Giáo.
Ông nói với The Epoch Times: “Sự tách biệt hoàn toàn giữa trường học và nhà nước là cách an toàn nhất cho giáo dục tôn giáo tư nhân,” và Hoa Kỳ đang đứng trước một cơ hội đáng kinh ngạc để lấy lại tự do trong giáo dục.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The Epoch Times, Giáo sư luật Jeffrey Tuomala của Đại học Liberty cũng bày tỏ lo ngại về tiềm năng của việc chính phủ kiểm soát và điều hành giáo dục tư nhân.
Trong nhiều trường hợp, điều đó đã xảy ra, ông nói – đặc biệt là khi chính phủ cung cấp các phiếu tài trợ hoặc viện trợ trực tiếp khác.
Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Tu chính án thứ nhất có thực sự nhằm hỗ trợ các trường công lập thế tục trong khi cấm các trường tôn giáo hay không, ông đã chia sẻ nghiên cứu của mình về những câu hỏi hiến pháp quan trọng này.
Ông nói: “Tòa án ở cấp cao chưa bao giờ định nghĩa về tôn giáo. Tuy nhiên, nó đã tạo ra sự khác biệt căn bản giữa thế tục và tôn giáo.”
Sau đó, câu hỏi đặt ra là làm sao người ta có thể biết liệu chính phủ có “thành lập” một tôn giáo hay không nếu các thuật ngữ thậm chí không được xác định.
Trong vụ 10 Điều Răn liên quan đến Chánh án Alabama Roy Moore, trong đó Thẩm phán đặt một tượng đài của Decalogue trong tòa nhà tư pháp, các tòa án liên bang đã bác bỏ định nghĩa do Moore đưa ra vốn đã được Virginia lưu giữ vào năm 1776 dưới sự lãnh đạo của James Madison và Thomas Jefferson.
Định nghĩa của Virginia gọi tôn giáo là “nghĩa vụ mà chúng ta phải có trước Đấng Tạo Hóa của mình và cách thức thực hiện nghĩa vụ này”.
Các tòa án liên bang trong vụ án 10 Điều Răn đã bác bỏ điều đó, và thậm chí còn nói rằng việc đưa ra một định nghĩa về tôn giáo là “không khôn ngoan và thậm chí nguy hiểm”.
“Quý vị nhìn vào đó và nói rằng điều đó thật nực cười,” ông Tuomala nói. “Nhưng đó là tình trạng bây giờ.”
Trên thực tế, những người sáng lập xem việc đi học và giáo dục là một phần quan trọng của “nghĩa vụ mà chúng ta phải có trước Đấng Tạo Hóa của mình”.
Do đó, “giáo dục nằm trong định nghĩa của Madison, và vì vậy, đó cũng là định nghĩa của Hiến pháp về tôn giáo,” ông Tuomala trình bày rõ hơn về quan điểm của mình về chủ đề này tại hội nghị quốc gia hàng năm của Hiệp hội Pháp lý Cơ Đốc Giáo.
“Về cơ bản, như tôi thấy, tiểu bang đang vi phạm điều khoản thành lập khi thành lập trường học – bất kỳ trường học nào – bởi vì chúng định hình tâm trí của trẻ em,” ông nói.
“Nhà nước không có quyền bảo mọi người phải nghĩ gì. Chúng ta là một nước cộng hòa. Chúng ta phải nói với các quan chức của mình những gì lẽ ra họ nên nghĩ. Việc chính phủ cho chúng ta biết những gì chúng ta phải làm và suy nghĩ là hoàn toàn trái ngược với hệ thống nhà nước của chúng ta.”
Con đường phía trước
Vào thời điểm này, rõ ràng là giáo dục tư nhân và giáo dục tại nhà sẽ chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong bối cảnh giáo dục ở Hoa Kỳ những năm tới.
Những người ủng hộ tự do giáo dục cũng như những người ủng hộ sự kiểm soát hoàn toàn của chính phủ đều công nhận điều này.
Đối với những người hy vọng bảo vệ quyền của cha mẹ, quyền tự do tôn giáo, tự do giáo dục và sự độc lập của các trường tư thục và trường học tại gia, sẽ có một trận chiến lớn sắp xảy ra.
Tuy nhiên, vì lợi ích của trẻ em Mỹ – và nền cộng hòa lập hiến vững chắc của quốc gia – đó là cuộc chiến mà những người Mỹ có tư tưởng tự do phải chiến đấu bằng tất cả sức lực của mình.
Tương lai của tự do và văn minh đang bị đe dọa theo đúng nghĩa đen.
(Hết phần 15)
Tác giả Alex Newman là nhà báo quốc tế từng đoạt giải thưởng, nhà giáo dục, nhà văn, nhà tư vấn, đồng tác giả cuốn “Tội Ác của Các Nhà Giáo Dục: Cách Những Người Utopia Đang Dùng Trường Học Công Lập Để Hủy Hoại Trẻ Em Hoa Kỳ” (Crimes of the Educators: How Utopians Are Using Government Schools to Destroy America’s Children). Ông cũng là giám đốc điều hành của Liberty Sentinel Media.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là của tác giả và không nhất định phản ánh quan điểm của The Epoch Times.