Ngôn ngữ của loài hoa
Hoa có thể khơi dậy hy vọng và đem lại niềm vui, an ủi, và những suy tư tĩnh lặng. Floriography, còn được gọi là ngôn ngữ của các loài hoa, đã từng là một phương cách giao tiếp dạng mật mã trong nhiều thế kỷ.
Thông qua việc sắp xếp các loại hoa cụ thể, thông điệp được mã hóa có thể được gửi đến người nhận. Cây cối vì thế mà trở thành ẩn dụ cho đức hạnh hoặc bại hoại.
Nguồn gốc về biểu tượng của các loài thực vật được cho là từ văn chương thời cổ đại, từ các tác phẩm tôn giáo và từ các nghiên cứu về thảo mộc học thời Trung Cổ. Trong Kinh Thánh có nhiều câu chuyện về những loài cây cối hoa quả mang hàm nghĩa thiêng liêng.
Nhiều nhà văn và họa sĩ tôn giáo từ thời Trung Cổ đến thời Phục Hưng đã sử dụng ngôn ngữ của các loại hoa như một phương tiện để giải thích và diễn đạt những niềm tin tôn giáo.
Tu sĩ dòng Benedictine người Anh vào thế kỷ thứ bảy, Bede the Venerable đã ví Đức Trinh Nữ Maria như hoa loa kèn, rằng “những cánh hoa trắng biểu thị cho thân thể thuần khiết của [Đức Mẹ], những bao phấn vàng là ánh sáng rực rỡ của tâm hồn Bà.” Chính vì vậy hoa loa kèn đã trở thành biểu tượng cho sự thuần khiết và khiêm nhường.
Việc sử dụng hình ảnh các loại thực vật phát triển mạnh vào thế kỷ 15 và 16 khi nhiều họa sĩ bắt đầu quan tâm đến việc minh họa các vật thể từ thiên nhiên với phong cách tả thực.
Trước thế kỷ 17, hoa chủ yếu là vật trang trí mang tính biểu tượng nhằm phục vụ cho chủ đề chính. Để cung cấp thêm bối cảnh và nội hàm của bức tranh, một loài hoa sẽ đưa ra manh mối về danh tính hoặc mô tả về phẩm hạnh của chủ thể.
Ludger tom Ring the Younger, một họa sĩ vẽ chân dung người Đức ở thế kỷ 16, đã vẽ một cặp tranh hoa được coi là những tác phẩm vẽ riêng về hoa đầu tiên. Các dòng chữ trên cả hai bình đều có nội dung “Chỉ dụ của Chúa trời, trong cây cối, và trong những tảng đá.”
Ambrosius Bosschaert the Elder là họa sĩ vẽ thực vật vĩ đại người Hà Lan đầu tiên, và là người dẫn dắt cả một gia đình nghệ sĩ. Ông khởi đầu truyền thống vẽ hoa mà về sau có ảnh hưởng lớn đến một thế hệ họa sĩ chuyên vẽ tranh hoa quả ở Hà Lan.
Bosschaert và các họa sĩ Hà Lan khác thường đề cập đến thảo mộc và các loại thực vật khác khi vẽ tranh tĩnh vật hoa. Những lẵng hoa này thường kết hợp những bông hoa từ các quốc gia và châu lục khác nhau trong một chiếc bình, việc cắm các loại hoa khá phổ biến với những người bảo trợ và các nhà quý tộc trên khắp Âu Châu.
Chủ đề chiếm ưu thế trong thời kỳ này của tranh tĩnh vật Hà Lan là vanitas (vô thường). Vanitas là một tác phẩm nghệ thuật tượng trưng cho sự vô thường của cuộc sống với hy vọng được cứu rỗi và phục sinh. Hoa trở thành biểu tượng lý tưởng cho ý nghĩa ngắn ngủi và vô thường đó.
Một số loài hoa phổ biến nhất trong các tác phẩm vanitas Hà Lan gồm có Cẩm Chướng, Tulip, Diên Vỹ, Tầm Xuân, và Anh Túc.
Hoa Dianthus, một chi của Cẩm Chướng, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là “Hoa của thần Zeus”. Hoa Cẩm Chướng Đỏ thường tượng trưng cho tình yêu thiêng liêng hoặc tình yêu thế tục.
Cái tên Diên Vỹ (Iris) bắt nguồn từ thần thoại Tiền–Cơ Đốc giáo. Iris là Nữ Thần của cầu vồng, và là sứ giả của các vị Thần. Qua nhiều thế kỷ, hoa Diên Vỹ dần thâm nhập vào Cơ đốc giáo và trở thành biểu tượng của những thông điệp linh thiêng, đức tin, và hy vọng.
Hoa Anh Túc (poppies) biểu tượng cho giấc ngủ vĩnh hằng, trong khi hoa Tulip tượng trưng cho tình thương và ân điển của Đức Thánh Linh.
Hoa Tầm Xuân năm cánh tượng trưng cho Khổ Nạn của Chúa Jesus, và sự chịu đựng khổ đau là để cứu rỗi con người ra khỏi sự trừng phạt bởi những tội lỗi nơi nhân thế.
Các tác phẩm vanitas (trường phái hư vô) Hà Lan có các yếu tố chung khác trong bố cục, chẳng hạn như việc sử dụng biểu tượng của côn trùng và trái cây. Con sâu bướm tượng trưng cho sự tồn tại của con người trên trái đất, trong khi con bướm tượng trưng cho linh hồn. Hình ảnh một cái tổ đầy trứng cũng là một biểu tượng cổ xưa cho sự phục sinh của một linh hồn.
Ruồi cũng thường xuất hiện trong các tranh vanitas Hà Lan để mô tả tội lỗi. Ruồi mang theo dịch bệnh và các loại bệnh khác; do đó chúng được xem là biểu tượng của quả báo và cái ác.
Nhện tượng trưng cho sự mong manh của con người, còn thằn lằn là hiện thân của quá trình phân hủy, kết thúc sự tồn tại của cơ thể con người.
Thời kỳ hoàng kim của tranh tĩnh vật hoa Hà Lan đã là nguồn cảm hứng không ngừng cho văn hóa đương đại – đặc biệt là nghệ thuật cắm hoa. Vài thế kỷ sau khi những tác phẩm nghệ thuật này hoàn thành, chúng vẫn luôn dẫn hướng cho những hướng đi mới trong thiết kế hoa.
Lễ Hội Hoa Springfield hàng năm được tổ chức vào cuối tuần thứ hai của tháng 4 năm 2021. Những người tham gia trưng bày các bố cục hoa dựa trên “những suy ngẫm” của họ từ năm 2020. Cô Heather Sullivan, chủ cửa hàng Durocher Florist, đã tạo ra một “làn sóng hoa” để đại diện cho những cảm xúc mà cô đã trải qua trong trận đại dịch và những thách thức mà cô phải đối mặt khi điều hành công ty của mình trong thời gian ngừng hoạt động. Cô cho biết con sóng đã ập xuống vào tháng 12 khi cha cô qua đời.
Phi Yến (Delphinium) là một trong những loài hoa chính mà Heather lựa chọn để cắm. Hoa Phi Yến tượng trưng cho khả năng phấn đấu và đạt được mục tiêu. Nó cũng có thể tượng trưng cho sự thay đổi về cơ hội và mở lòng với những cảm giác và cảm xúc mới.
“Tác phẩm của tôi là dành cho cha,” cô Heather viết, “Ông ấy luôn giúp tôi nhận ra và đạt được bất kỳ mục tiêu nào mà tôi đặt ra cho bản thân mình! Thành công lớn nhất là sở hữu và điều hành tốt cửa hàng hoa của riêng tôi! Sự ra đi của ông chắc chắn đem lại cảm giác và cảm xúc mà tôi chưa bao giờ cảm nhận được trước đây. Nhưng biết được ông đã tự hào về tôi như thế nào đã giúp tôi tiến về phía trước trong bao nỗi buồn của năm 2020 và sự vô thương trong đại dịch!”
Cho dù chúng ta nhờ những đóa hoa để bày tỏ những suy nghĩ của mình cho người nhận hay để ghi lại vẻ đẹp quý giá trong tự nhiên, hoa luôn có sức mạnh để trò chuyện với chúng ta.