Nghị trình xanh của bà Angela Merkel đã khiến nền kinh tế Đức sụp đổ như thế nào
STEPHEN MOORE
Quý vị còn nhớ thế giới, đặc biệt là giới truyền thông Mỹ, đã xuýt xoa như thế nào trước cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel?
Sự tôn thờ vượt trội đến nỗi vào năm 2015, tạp chí Time đã chọn bà Merkel là “Nhân vật của năm”. Tờ báo này mô tả bà Merkel là “Thủ tướng của Thế giới Tự do”.
Tạp chí Time nợ các độc giả còn lại của mình một lời xin lỗi trang trọng. Ngày nay, người Đức đang phải hứng chịu những trái đắng của gần như mọi quyết định quan trọng về kinh tế và địa chính trị của bà Merkel trên cương vị thủ tướng.
Bắt đầu với nền kinh tế Đức mà bà đã cố gắng thiết lập lại cho thế kỷ 21, điều này gợi nhớ đến cách Tổng thống Joe Biden giải thích với các cử tri mệt mỏi về lạm phát rằng chúng ta đang trải qua “một sự chuyển đổi đáng kinh ngạc”.
Nhưng nước Đức của bà Merkel đã đi trước chúng ta trong quá trình “chuyển đổi”. Ngày nay, nền kinh tế Đức đang trong tình trạng tồi tệ. Một nhan đề gần đây từ Business Insider đã tóm lược sự hỗn loạn: “Các ngành công nghiệp của Đức có thể sụp đổ do Nguồn cung Khí đốt Tự nhiên của Nga bị Cắt giảm”. Tờ Daily Telegraph gần đây đã mô tả Đức là “kẻ ốm yếu của Âu Châu”. Mọi thứ đang trở nên tuyệt vọng đến mức người Đức hiện đang xem xét phân phối định lượng về khí đốt cho các ngành công nghiệp chính của họ để duy trì hoạt động.
Làm thế nào mà một trong năm quốc gia giàu có nhất thế giới lại nhanh chóng rơi vào con đường kinh tế này?
Đó là tầm nhìn của bà Merkel về một nước Đức mới. Bà Merkel là người đã đưa ra quyết định cách đây một thập niên để chuyển nước Đức khỏi nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân và thay vào đó là “đi theo hướng xanh”. Cuộc thập tự chinh năng lượng xanh của bà – được các nhà môi trường xem là hình mẫu cho thế giới – gần như làm kiệt quệ nền kinh tế sản xuất của Đức cho đến khi toàn bộ năng lượng mặt trời và năng lượng gió bị tan tành. (Đáng buồn thay, dường như ông Biden không bao giờ hiểu được bài học đó.)
Quyết định của bà Merkel, đã đi ngược lại lời khuyên của cựu Tổng thống (TT) Donald Trump lúc bấy giờ, là xây dựng đường ống Nord Stream. Khi ông Trump cảnh báo một cách nghiêm khắc hồi năm 2018 rằng người Đức sẽ hối hận về việc họ trở nên quá phụ thuộc vào năng lượng của TT Nga Vladimir Putin, chính phủ của bà Merkel đã công khai chế giễu.
Ông Putin không phải là người duy nhất giàu lên từ những sai lầm của bà Merkel. Bà đã đàm phán các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, phá hoại một cách trắng trợn chiến lược cô lập kinh tế của ông Trump trước hiểm họa Bắc Kinh. Bà đã chọn cách đưa Đức hợp tác với các chế độ quân phiệt và lừa đảo ở Nga, Trung Quốc, và Iran. Điều này đã làm suy yếu mối quan hệ chặt chẽ với Hoa Kỳ của NATO và Đức sau Đệ nhị Thế chiến.
Bà từ chối đóng góp tăng lên 2% GDP để NATO bảo vệ Âu Châu, và nổi giận khi ông Trump yêu cầu tăng lên 4%. Có lẽ nếu người Đức và người Âu Châu chú ý đến lời khuyên của ông Trump, thì sự sụp đổ của Ukraine đã không xảy ra.
Các hãng truyền thông Mỹ, trong suốt thời gian mà bà Merkel đang dẫn dắt Đức vượt qua một thảm họa năng lượng xanh, đã đứng về phía bà Merkel trong cuộc tranh chấp công khai với ông Trump. Bà Susan Glasser của tờ New Yorker đã chê bai hồi năm 2018 rằng ông Trump đã “gây chiến với bà Angela Merkel và Âu Châu” và các nước NATO đã “hết kiên nhẫn với vị [cựu] Tổng thống”.
Ngày nay tuyên bố đó thật ngốc nghếch, trong bối cảnh đồng euro sụp đổ và suy thoái kinh tế trên toàn lục địa Âu Châu.
Ngay cả khi là một nhà bảo vệ môi trường, vị cứu tinh của Âu Châu cũng là một kẻ thất bại. Bà Merkel đã khuyến khích các ngành công nghiệp của Đức sử dụng năng lượng tái tạo đắt tiền và không đáng tin cậy – bằng cách loại bỏ khí đốt tự nhiên và đóng cửa các nhà máy hạt nhân. Cuộc thử nghiệm đã thất bại thảm hại, và giờ đây, Đức đang gia tăng đáng kể thị phần điện của mình có từ việc đốt than. Đó không phải là chiến lược để ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Dưới sự lãnh đạo yếu kém của bà Merkel, đồng euro từng được cho là sẽ sớm thay thế đồng USD trở thành tiền tệ thế giới. Nhưng thay vào đó, đồng euro là một loại tiền tệ đang sụp đổ. Ngay cả đồng ruble của Nga cũng mạnh hơn.
Chủ nghĩa Merkel có thể được tóm lược như một chiến lược bảo trợ địch thủ và xa lánh các đồng minh. Bây giờ với nhận thức muộn màng 20/20, rõ ràng di sản của Chủ nghĩa Merkel là một thế giới hỗn loạn và một nước Đức đang suy tàn.
Hóa ra hòa bình thông qua sự yếu kém là một chiến lược an ninh quốc gia và kinh tế thất bại. Nếu bà Merkel là “Thủ tướng của Thế giới Tự do”, thì tại sao thế giới ngày nay lại không an toàn hơn?
Thế giới không sạch hơn.
Thế giới không tự do hơn.
Và thế giới không phải là một nơi thịnh vượng hơn.
Nói tóm lại, mọi quyết định quan trọng liên quan đến các vấn đề toàn cầu của bà đều khiến thế giới trở nên nguy hiểm hơn, kém tự do hơn, và kém thịnh vượng hơn. Bà ấy đối với Đức giống như ông Biden đối với Hoa Kỳ – một thất bại hoàn toàn và ảm đạm.
Hy vọng rằng chúng ta nhận ra điều này nhanh hơn người Đức.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Stephen Moore là thành viên cao cấp tại FreedomWorks và là đồng sáng lập của Ủy ban Khai phóng Thịnh vượng. Ông từng là cố vấn kinh tế cao cấp cho ông Donald Trump. Cuốn sách mới của ông có nhan đề: “Govzilla: How the Relentless Growth of Government Is Impoverishing America” (Govzilla: Sự Phát Triển Không Ngừng của Chính Phủ Đang Làm Mỹ Nghèo Đi Như Thế Nào).