Nghệ thuật trang trí đồ mỹ nghệ bằng lông của chim bói cá
LORRAINE FERRIER
Đối với một cặp vợ chồng mới cưới ở Trung Quốc hồi thế kỷ 19, khi họ bước chân vào phòng tân hôn thì cũng là lúc kết thúc một ngày náo nhiệt với những nghi lễ đám cưới và bắt đầu cuộc sống chung của họ. Cô dâu đội một chiếc mão bằng vàng và ngọc lam tuyệt đẹp với những viên đá quý và mạng che mặt bằng ngọc trai. Theo truyền thống Trung Quốc, phu quân chỉ mở mạng cho nương tử sau khi lễ cưới kết thúc và khi cặp vợ chồng mới cưới đã ở trong phòng tân hôn của họ.
Truyền thống lâu đời và các biểu tượng tốt lành là để đánh dấu sự kiện trọng đại. Ví dụ, một cuộc hôn nhân hạnh phúc có thể được tượng trưng bằng một đôi rồng vờn một viên ngọc trai rực lửa trên chiếc mão của cô dâu. Để tượng trưng cho một cuộc hôn nhân viên mãn, phu quân sẽ gắn trâm cài trên tóc của nương tử lên một vị trí được định sẵn ở giữa tấm lưới phía sau giường cưới.
Chiếc mão rực rỡ của cô dâu được làm bằng đá hoặc men ngọc lam cổ xưa. Tuy nhiên, viên đá xanh ngọc không óng ánh như màu xanh lam trên mão của cô dâu. Quan sát kỹ hơn chất liệu màu ngọc lam huyền ảo sẽ thấy ánh sáng lung linh diệu kỳ từ những chiếc lông vũ của loài chim bói cá.
Chim bói cá được ưa thích
Điều thú vị là lông của chim bói cá không hề có màu xanh lam mà trong suốt. Màu xanh ngọc sống động này đến từ sự khúc xạ ánh sáng.
Các nghệ nhân Trung Quốc đã dùng lông màu xanh lam óng ánh của loài chim bói cá làm lớp phủ cho các đồ mỹ nghệ và đồ trang trí kể từ thời nhà Hán (206 TCN–220 SCN). Người Trung Quốc rất yêu thích chim bói cá Việt Nam và Campuchia.
Hoàng hậu và các phi tần là những người đầu tiên sử dụng mão đội đầu như thế. Sau đó, bắt đầu từ thế kỷ 19, quý tộc và những phu nhân giàu có cũng bắt đầu đội chúng vào những dịp đặc biệt như lễ cưới và lễ mừng thọ.
Ngoài trang sức đội đầu, những đốm sáng rực rỡ của lông chim bói cá được đính trên quạt, đồ trang sức, trâm cài, thắt lưng, váy, mền, bình phong và thậm chí cả xe ngựa.
Điểm xuyết bằng lông vũ chim bói cá
Một kỹ thuật đáng chú ý được các nghệ nhân Trung Quốc sử dụng được gọi là tian-ts’ui (nghĩa đen là “điểm xuyết bằng lông chim bói cá” hay còn gọi là điểm thúy), tức là sử dụng lông vũ của chim bói cá để phủ lên đồ mỹ nghệ, khi hoàn thành thì sản phẩm tựa như được phủ một lớp men.
Theo Bảo tàng Pitt Rivers, đầu tiên người nghệ nhân tạo hình các khung họa tiết khác nhau như hoa, rồng, phượng hoàng hoặc bướm bằng dây kim loại trên các miếng kim loại mỏng. Người ta sẽ chia từng họa tiết thành các phân đoạn để đính. Chiếc lông vũ sau đó được cắt theo kích thước và mảnh lông vũ đó được nhúng vào keo nhẹ (làm từ da động vật hoặc bong bóng cá và chiết xuất rong biển), trước khi cẩn thận đặt vào các khung dây mảnh mai.
Vào năm 1908, tác giả Mary Parker Dunning đã quan sát một nghệ nhân khảm thúy một chiếc trâm cài. “Người thợ xuất sắc, kiên nhẫn, người Trung Hoa ấy, cắt lấy một mảnh lông vũ từ cánh chim, quét nhẹ qua một chút keo, và đặt lên nền bằng bạc. Rồi lặp lại công đoạn cho một mảnh lông khác đặt bên cạnh chiếc đầu tiên. Sau đó, lại thêm một chiếc khác, rồi tiếp nữa, và tiếp nữa, không ngừng nghỉ, mỏi mắt và cho đến khi những mảnh lông vũ đã nằm sát vào nhau đến mức chúng trông giống như một miếng men xanh ngọc,” bà viết trong cuốn sách năm xuất bản năm 1968 có tựa đề “Mrs. Marco Polo Remembers” (như được trích dẫn trong một bài báo trên trang web của Bảo tàng Pitt Rivers.)
Sau đó, người nghệ nhân sẽ trang trí tác phẩm bằng các vật liệu quý như hồng ngọc, mã não, ngọc bích, san hô, hổ phách và ngọc trai.
Các đồ vật được khảm lông chim bói cá hiếm khi tồn tại được lâu dài vì tính chất mỏng manh của chúng. Tuy nhiên, tại triển lãm của Viện Nghệ thuật Chicago, người thưởng lãm có thể chiêm ngưỡng “Trang sức đội đầu khảm bằng lông vũ chim bói cá đến từ Trung Quốc”, bao gồm hơn 20 vật phẩm từ trâm cài đến trang sức, mũ mão đội đầu được chế tác công phu.
Triển lãm “Trang sức đội đầu phủ lông vũ chim bói cá đến từ Trung Quốc” của Viện Nghệ thuật Chicago kéo dài đến ngày 21/5/2023. Để tìm hiểu thêm, xin truy cập ArtIC.edu
Cô Lorraine Ferrier viết về mỹ thuật cho The Epoch Times. Cô đặc biệt quan tâm đến những ngành nghệ thuật và thủ công ít được biết đến. Cô hy vọng chúng ta có thể bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống. Cô sống và sáng tác tại vùng ngoại ô thành phố London, Anh quốc.