Nghệ thuật hoàn thiện bản thân thời Trung Hoa cổ đại
Trong nhiều năm qua, tôi thường khuyến khích những người quen biết phát triển niềm đam mê đọc sách. Tôi đặc biệt khuyến khích các bậc phụ huynh (khơi dậy niềm đam mê sách cho con) và các bạn trẻ (khi vẫn còn trẻ, đọc sách có thể giúp bạn sau này trở nên thông thái và uyên bác).
Điều tôi muốn chia sẻ là việc đọc sách không chỉ đơn thuần để giải trí – trên thực tế, đó là cách đọc sách thấp nhất. Phương pháp đọc sách cao quý nhất chính là sự học hỏi, mà qua đó, mỗi người chúng ta có thể nâng cao đức hạnh của chính mình. Tôi thường nói, mọi người nên tìm hiểu về chủ đề lịch sử, bởi lịch sử đem đến cho chúng ta vô số những ví dụ về cách đối nhân xử thế, mà qua đó chúng ta có thể có được chỉ dẫn ở mọi phương diện để tạo lập một cuộc sống phong phú và ý nghĩa – là những điều như: nhân cách, hành xử, và trí tuệ.
Tôi rất hứng khởi nhớ đến chân lý này khi đọc thiên đầu tiên trong một cuốn sách Trung Hoa cổ của Tuân Tử. Thiên sách có tựa đề là “Khuyến học”. “Quân tử” được Tuân Tử định nghĩa là người không ngừng nâng cao đạo đức bản thân thuận theo Đạo, (một khái niệm tương tự với “quy luật tự nhiên” trong triết lý Tây phương). Tầm quan trọng của điều này được gói gọn trong câu mở đầu: “Người quân tử nói: đạo học vấn là chẳng nên lùi bước.” “Người quân tử học cho rộng, tự xét bản thân ba lần mỗi ngày thì trí tuệ sáng suốt và hành vi sẽ không có lỗi lầm.”
Tự xét bản thân – một khái niệm tuyệt hảo! Khái niệm này từ lâu cũng đã được những bộ óc vĩ đại của phương Tây tán đồng, đối lập hẳn với những thứ tầm thường cũ mòn, ích kỷ, không ngừng buông thả mà chúng ta phải thường xuyên tiếp xúc trong văn hóa đại chúng.
Nhưng hơn thế nữa, sách “Tuân Tử” nhấn mạnh rằng đức hạnh cần thiết để trở thành một quân tử chỉ có thể có được khi hiểu biết tường tận về quá khứ: “Chẳng lên núi cao thì chẳng biết trời cao; chẳng xuống khe sâu thì chẳng biết đất dày; chẳng nghe lời tiên vương để lại thì chẳng biết sự học vấn là có ích lợi.” Câu nói này đã cho thấy rằng kinh nghiệm là một yếu tố quan trọng tạo nên trí tuệ và bồi dưỡng đức hạnh (do đó, trong văn hóa truyền thống Trung Hoa, người ta thường tôn kính những người lớn tuổi). Nói cách khác, sẽ thật là ngớ ngẩn và phi lý khi tin vào ý tưởng về sự cấp tiến vô tận, và cũng thật là thiển cận khi nghĩ rằng cái mới luôn luôn tốt hơn cái cũ.
Sách “Tuân Tử” cũng khẳng định rằng một người quân tử học tập để nâng cao đức hạnh của chính mình – chứ không phải để hiển thị: “Đời xưa, người ta học để tu dưỡng thân tâm; đời nay, người ta học cốt để khoe khoang. Cái học của người quân tử dùng để làm đẹp thân tâm; cái học của kẻ tiểu nhân dùng làm món quà cầu đẹp lòng người mà mưu danh lợi.”
Tương tự như vậy, người quân tử chấp nhận phải chăm chỉ miệt mài để đề cao đức hạnh: “Người quân tử sinh ra, chẳng phải khác người, giỏi là ở chỗ biết tận dụng mọi việc.” Điều này khác hẳn với các “phong trào” hiện đại và hệ tư tưởng độc hại nhấn mạnh rằng một người không cần phải luyện tập và rèn giũa mà vẫn có được đức hạnh.
Sách “Tuân Tử” cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những mối quan hệ trong việc đề cao đức hạnh: “Trong học tập thì không gì tiện bằng ở gần người hiền.” Tục ngữ có câu: “Gần mực thì đen” và chân lý mà người Trung Hoa đã biết từ hơn 2000 năm trước vẫn đang được người ngày nay tiếp thu.
Sự nâng cao đức hạnh, theo sách “Tuân Tử”, cuối cùng sẽ đưa đến một trạng thái mà nhà đại triết gia gọi là “Định”, ông mô tả nó như sau: “Đến độ đó thì quyền lợi chẳng thể làm cho mình ngửa nghiêng, quần chúng chẳng đủ làm cho mình thay đổi, cả thiên hạ cũng chẳng đủ làm cho mình nao núng. Sống chết theo chính đạo đã học; đó mới là tiết tháo của người cầu học.” Trạng thái “Định” là khả năng nhận thức được bản chất của sự vật, sự việc, và tùy theo đó mà đối đãi, hành xử, bất kể là chuyện gì. Trong sách nói rằng: “Có tiết tháo đó mới định được tâm bên trong, mới ứng phó được với (sự) vật bên ngoài. Định được tâm, ứng được vật, thế gọi là con người “thành tựu”.
Quan điểm vô cùng thực tế nhưng đầy khát vọng này khiến tôi nhớ về điều mà Jordan Peterson, giáo sư tâm lý học ở Đại học Toronto tại Canada, từng nói: “Hãy đón nhận lấy đau khổ của bạn và chịu đựng nó! Hãy cố gắng trở thành một người tốt, để bạn không khiến cho sự tình tệ hơn! … Hãy vững vàng đứng lên để mọi người có thể đặt niềm tin nơi bạn!”
Một người có đức hạnh chính là như vậy – đó là một con người đích thực.
Khi đọc những cuốn sách như “Tuân Tử”, người ta sẽ thấy nhiều ví dụ mà tôi gọi đùa là “những tiêu đề 2200 năm tuổi” – nghĩa là, tôi đang đọc những thứ hữu ích và quan trọng cho tất cả chúng ta trong năm 2021 hơn là các tiêu đề ngày nay. Người ta phát hiện ra rằng bản chất của con người trong hàng ngàn năm không thay đổi nhiều, và những yếu tố tạo nên hạnh phúc đích thực, chỉ có thể tìm được ở đức hạnh, về cơ bản vẫn giống nhau ở mọi thời điểm và đối với tất cả mọi người. Một người có đức hạnh chắc chắn không phải là người, theo cái gọi của “tư tưởng hiện đại”, chạy theo những ham muốn bốc đồng và thiển cận.
Sự sáng suốt và thông tuệ như trong sách Tuân Tử đề cập là rất cần thiết trong những thời kỳ [đạo đức] suy đồi và buông thả như hiện nay. Mong rằng chúng ta khôi phục lại truyền thống cao thượng này; đó là trí tuệ vĩnh hằng! Mong rằng chúng ta không tự giới hạn bản thân, và biết được rằng một người là ngu ngốc (nên cần phải hoàn thiện bản thân), nhưng loài người thì thông thái.
Tác giả Joshua Charles là cựu thành viên viết bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc cho cựu Phó Tổng thống Mike Pence, ông là nhà sử học, diễn giả và là tác giả của một số cuốn sách bán chạy số 1 trên Thời báo New York Times. Ông cũng là cố vấn lịch sử cho một số bộ phim tài liệu và xuất bản sách về các chủ đề khác nhau, từ Tổ phụ lập quốc, Israel, đến tác động của Kinh Thánh đối với nền văn minh nhân loại. Ông cũng là một nghệ sĩ dương cầm có bằng thạc sĩ chuyên ngành chính phủ và luật.