Nền giáo dục của chúng ta đối với chủ nghĩa toàn trị và sự chuyển giới
Sự tiến bộ của nền giáo dục tại Bắc Mỹ và Tây Âu – không nhất thiết là sâu sắc hơn – ít nhất đã có một tác động đáng ngạc nhiên: đó đã làm gia tăng đáng kể số lượng người có tư tưởng độc tài. Những người trẻ tuổi bị giáo dục nhồi nhét quá nhiều dẫn đến việc họ nhìn thế giới thông qua các lăng kính ý thức hệ bị méo mó.
Hệ tư tưởng thời thượng có thể thay đổi ít nhiều, nhưng một số quan điểm suy nghĩ chính thì vẫn còn, giống như nụ cười toe toét đặc trưng của chú mèo Cheshire. Không ai biết được ý thức hệ sau 10 năm tới sẽ là gì, nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng, dù là gì đi nữa, sẽ đi kèm với sự giận dữ hay thù địch đối với những người không đồng quan điểm, thậm chí chỉ khác chút ít.
Hiện tại, thái độ của một người đối với hiện tượng chuyển giới (như vẫn thường được gọi) là tiêu chuẩn đo lường, ít nhất là đối với giới trí thức, quyết định đạo đức chính trị của anh ta – đã trở thành một giá trị duy nhất được coi trọng ngày nay, các yếu tố khác như hành vi riêng tư cá nhân không có ý nghĩa đạo đức gì.
Ngày nay, bất kỳ ai phủ nhận việc phụ nữ chuyển giới là phụ nữ thực sự – giống việc phủ nhận việc Jackie Kennedy (vợ cố Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy) là phụ nữ; hoặc phủ nhận cô ấy là phụ nữ từ lúc sinh ra; mặc dù có vẻ bề ngoài không đúng lắm; hoặc tin rằng sinh học đã tạo ra tất cả những gì cần thiết để phân biệt nam giới và phụ nữ – thì sẽ bị đánh giá về mặt đạo đức, giống như việc theo chủ nghĩa phát xít, hoặc là thành viên của nó.
Hiện nay một việc khá phổ biến là, các cuộc cách mạng thường bắt đầu từ những người trẻ tuổi, và các thay đổi trong đường lối chính trị chính thống có xu hướng khiến thế hệ trước của những nhà hoạt động cấp tiến bỏ lại phía sau, và xem họ như những kẻ phản động, phát xít.
Những người thế hệ mới tin rằng cuối cùng họ đã tìm ra chân lý chính trị tuyệt đối, và quan niệm hiện tại của họ sẽ định hình tư tưởng cho 1,000 năm tới dành cho các thế hệ sau, chỉ rồi sau một thời gian, mà càng ngày càng ngắn đi, sẽ bị lấn át bởi các học thuyết và tư tưởng mới hơn.
Khi những tay sai của Stalin lần lượt bị xử tử, thì những người cấp tiến (thay thế họ) cũng bắt đầu trở thành phản động trong mắt những người sẽ kế nhiệm.
Chuyện ở The Guardian
Một nạn nhân gần đây của xu hướng này là cô Suzanne Moore, một ký giả người Anh, tự gọi mình là nhà nữ quyền cánh tả. Cô đã viết nhiều năm cho tờ báo nổi tiếng, The Guardian, đang ngày càng trở thành “the Pravda” (cơ quan truyền thông của Đảng Cộng Sản Liên Xô) của giới trí thức Anh Quốc.
Phản ứng lại một trong những bài viết của cô, 338 nhân viên của tờ báo đã ký một bức thư phản đối gửi đến tổng biên tập, và kết quả là cô đã từ chức. Ai muốn làm việc cho một tổ chức mà hơn một phần ba số nhân viên phàn nàn về bạn lên cấp quản trị?
Nhưng cô đã viết gì mà xúc phạm đến 338 “bình bông” mong manh của The Guardian đến nỗi họ thấy cần phải tố cáo cô lên cấp quản lý? Những từ ngữ xúc phạm đó như sau:
“Ý nghĩa sâu xa của chủ nghĩa nữ quyền là giới tính, là gò ép quan niệm của xã hội – vì vậy các bé gái và phụ nữ không có nghĩa vụ phải có nữ tính, và tương tự các bé trai và đàn ông không cần phải có nam tính. Nhưng chúng ta đã nhìn mọi thứ qua một lăng kính hẹp và được dạy rằng giới tính là chỉ một quy định xã hội. Người ta cho rằng giới tính được chỉ định khi sinh ra, thay vì là một đặc điểm sinh học – thực ra, trên thực tế, giới tính có thể được nhận biết từ khi đang nằm trong bào thai (đây là điều khiến việc lựa chọn giới tính thai nhi trở nên khả thi). Giới tính không phải là cảm giác. Giới tính nữ là phân loại sinh học áp dụng cho tất cả các sinh vật sống. Nếu bạn có thể sản sinh ra các tế bào trứng, bạn có giới tính nữ. Ngay cả đối với một con ếch. Đây không phải là điều phức tạp, càng không phải là một khái niệm trừu tượng, mặc dù có một số lượng nhỏ những người lưỡng tính khiến định nghĩa này cũng không hoàn toàn tuyệt đối.”
Việc này đối với tôi rất kỳ lạ nếu có người nào đó, chứ không nói có đến 338 thành viên của giới trí thức, cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm vì những câu chữ rất đỗi bình thường này, và có thể khiến anh ta hay cô ta phản ứng lại một cách dữ dội và kết quả là cuộc sống của tác giả bị xáo trộn. Lập luận phản đối của họ như sau:
“Chúng tôi… thất vọng với những quyết định có tính lặp lại của The Guardian trong việc đăng tải những quan điểm chống người chuyển giới… việc đăng tải các nội dung xuyên tạc như vậy đã ảnh hưởng đến công việc của chúng tôi, và tô vẽ hình ảnh của chúng ta như một tờ báo có thái độ thù địch với quyền chuyển giới và các nhân viên chuyển giới.”
Nói cách khác, đề cập đến sự khác biệt về các yếu tố sinh học giữa giới tính nam và nữ được coi là sự thù địch cá nhân đối với những người muốn thay đổi giới tính – một mong muốn mà dưới góc nhìn của hầu hết mọi người, vì những lý do sinh học, sẽ không thể đạt đến sự hài lòng hoàn toàn được, và vì vậy sẽ đi kèm với những khía cạnh không tốt.
Đe dọa về trí tuệ
Hậu tố “ám ảnh” đã trở thành một công cụ đe dọa về mặt trí tuệ. Nó không còn có nghĩa là một nỗi sợ hãi phi lý về một cái gì đó, ví dụ như, ám ảnh không gian hẹp, nỗi sợ hãi vô lý khi ở trong một căn phòng kín.
Ám ảnh giờ đây có nghĩa là sự căm ghét vô cớ và không kiểm soát được đối với một thứ gì đó, một sự căm ghét mà sớm hay muộn sẽ dẫn đến một “đêm tàn phá” (sự kiện đánh dấu việc thảm sát người Do Thái trong Đệ nhị Thế chiến) để chống lại những thứ hay những người bị ghét.
Có thể dễ dàng hình dung ra thế giới sẽ thế nào nếu 338 tiểu “Lenin” ở The Guardian nắm quyền kiểm soát thế giới, quyền kiểm soát mà họ nghĩ đương nhiên họ xứng đáng có và phải có, vì đạo đức của họ cao hơn hết những người khác.
Cần phải nhớ rằng, Lenin đã lập luận rằng bất kỳ sự phủ định nào, dù nhỏ đến đâu, đối với học thuyết chân chính – nghĩa là học thuyết mà chính ông đã tự xây dựng – đều là sự phản bội hoàn toàn đối với chính nghĩa. Đây chính xác là suy nghĩ của 338 người đồng ký tên vào lá thư tố cáo gửi ban biên tập của The Guardian.
Bên cạnh đó, tôi không phải là người tán thành với các bài viết của Suzanne Moore, cả về hình thức lẫn nội dung. Nhưng đó không phải là vấn đề. Tôi là người thế hệ cũ nhưng có quan điểm tự do tương đối mở, đủ để thấy cô ấy cần có quyền được nói ra những gì cô ấy nghĩ, và cần được bảo vệ trước những người xấu xa muốn thay đổi tiến trình lịch sử của The Guardian, những người mà tham vọng của họ là tô vẽ thế giới một cách thời thượng theo cách họ muốn, và theo quan niệm đạo đức hay sự nhiệt tình mới nhất của họ.
Điều đáng lo ngại hơn nữa là hệ thống giáo dục của chúng ta dường như đang tạo ra ngày càng nhiều những người kiểu này, mà không cần một sự điều khiển tập trung nào.
Ông Theodore Dalrymple là một bác sĩ đã nghỉ hưu. Ông cũng là biên tập viên của the City Journal of New York và là tác giả của 30 cuốn sách, bao gồm “Cuộc sống ở mức dưới cùng”. Cuốn sách mới nhất của ông là “Cấm vận và những câu chuyện khác”.
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.