NATO sắp mở văn phòng Á Châu–Thái Bình Dương đầu tiên tại Nhật Bản
REBECCA ZHU
NATO được cho là đang trù tính mở một văn phòng liên lạc ở Tokyo, văn phòng đầu tiên ở khu vực Châu Á–Thái Bình Dương. Tổ chức này đang tìm cách gia tăng quan hệ với các quốc gia trong khu vực giữa bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về mối đe dọa đến từ chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Nikkei Asia đưa tin cho biết văn phòng khu vực này sẽ cho phép liên minh quân sự NATO tiến hành tham khảo ý kiến với các đối tác chính ở khu vực Châu Á–Thái Bình Dương (AP4) – Úc, New Zealand, Nhật Bản, và Nam Hàn – và hoạt động như một địa điểm liên lạc với các quốc gia khác trong khu vực.
Kế hoạch được đề xướng là mở một văn phòng một người ở Tokyo vào năm tới. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về việc văn phòng này sẽ do Nhật Bản cung cấp hay do NATO tài trợ vẫn đang tiếp diễn.
Đại sứ Đan Mạch tại Nhật Bản, ông Peter Taksøe-Jensen, cho biết bối cảnh địa chính trị đã thay đổi mạnh mẽ kể từ bản Khái niệm Chiến lược năm 2010 của họ.
“Vào thời điểm đó, Nga được xem là một bên hợp tác tiềm năng, và trong đó không có đề cập nào đến Trung Quốc. Năm 2022, tại Hội nghị thượng đỉnh Madrid, các nhà lãnh đạo đồng minh đã quyết định rằng Nga không còn là một quốc gia hợp tác mà là một địch thủ, và cũng thừa nhận rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ và có thể tác động đến an ninh xuyên châu Âu,” ông nói với Nikkei Asia.
“Đây là lý do vì sao điều quan trọng đối với NATO là duy trì quan hệ với các đối tác của chúng tôi trong khu vực này.”
Ông Taksøe-Jensen cho biết văn phòng mới sẽ đại diện cho ý nghĩa lớn hơn là chỉ một mối quan hệ mang tính biểu tượng giữa NATO và Nhật Bản, vì sự hợp tác giữa hai bên sẽ tập trung vào các thách thức như an ninh mạng và thông tin sai lệch.
Được biết ý tưởng này đã được thảo luận lần đầu tiên trong chuyến thăm của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đến Tokyo ngày 31/01 và dự kiến sẽ sớm được hoàn thiện.
Các nhà lãnh đạo của AP4 lần đầu tiên được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo NATO năm 2022 tại Madrid và một lần nữa dự kiến sẽ tham dự sự kiện năm nay tại Lithuania. Điều này cho thấy rằng việc đưa AP4 vào cuộc có thể trở thành quy chuẩn mới.
Quan hệ hợp tác NATO–Nhật Bản
NATO và Nhật Bản đã gia tăng liên lạc với tư cách là những bên hợp tác chia sẻ các giá trị chung, đồng thời đưa ra cảnh báo trong một tuyên bố chung rằng sự hợp tác quân sự ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga, trong đó có các cuộc tập trận quanh lãnh hải Nhật Bản, có thể gây bất ổn cho khu vực.
Trong chuyến thăm hồi tháng Một của ông Stoltenberg, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thông báo rằng Nhật Bản dự tính thường xuyên tham gia các cuộc họp cao cấp của hội đồng và các cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng các nước để thúc đẩy liên lạc chặt chẽ hơn giữa Nhật Bản và liên minh này.
“Liên quan đến việc Trung Quốc nhanh chóng tăng cường các năng lực quân sự và mở rộng các hoạt động quân sự, chúng tôi mạnh mẽ khuyến nghị Trung Quốc cải thiện tính minh bạch và hợp tác mang tính xây dựng với các nỗ lực quốc tế nhằm kiểm soát, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân,” tuyên bố kể trên cho biết.
Tương tự, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của “hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan” và kêu gọi chính quyền cộng sản Trung Quốc chấm dứt các hành động gây hấn khiêu khích Đài Loan.
“Lập trường căn bản của chúng tôi về Đài Loan không thay đổi, và chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình và ổn định trên Eo biển Đài Loan như một yếu tố không thể thiếu đối với an ninh và thịnh vượng trong cộng đồng quốc tế,” tuyên bố viết.
Trung Quốc được xác định rõ là một mối đe dọa
NATO đã bắt đầu tích cực tham gia vào khu vực Châu Á–Thái Bình Dương do những tác động của cuộc xung đột Ukraine.
Bản Khái niệm Chiến lược năm 2022 của NATO lần đầu tiên nhấn mạnh chính quyền cộng sản Trung Quốc như một ưu tiên. Khái niệm Chiến lược là tài liệu quan trọng thứ hai trong NATO, đưa ra đánh giá chung của các nước về môi trường an ninh hiện tại, và là văn bản định hướng cho việc phát triển chính trị và quân sự của NATO.
“PRC (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) sử dụng một loạt các công cụ chính trị, kinh tế và quân sự để tăng sự hiện diện trên toàn cầu và thể hiện sức mạnh trong khi vẫn không bày tỏ rõ ràng về chiến lược, ý định, và việc xây dựng quân đội của mình,” tài liệu này cho biết.