Mỹ trả lại gấu trúc, khép lại chính sách ‘ngoại giao gấu trúc’ của Bắc Kinh
Alex Wu
Khi ba chú gấu trúc lớn cuối cùng được trả về Trung Quốc vào tháng Mười Hai năm nay, Sở thú Quốc gia Smithsonian sẽ không còn gấu trúc lần đầu tiên trong 50 năm.
Sau chuyến công du của cựu Tổng thống (TT) Richard Nixon tới Trung Quốc năm 1972, nhà cầm quyền cộng sản này đã áp dụng “ngoại giao gấu trúc” tại Vườn thú Quốc gia ở Hoa Thịnh Đốn – nơi liên tục đón nhận những chú gấu trúc lớn từ Trung Quốc, tượng trưng cho sự gần gũi hơn trong mối bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc.
Các sở thú khác tại Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác cũng đang trả lại gấu trúc lớn cho Trung Quốc. Các nhà quan sát Trung Quốc tin rằng chiến lược “ngoại giao gấu trúc” đại diện quyền lực mềm của nhà cầm quyền cộng sản này sắp kết thúc, khi thế giới đang giảm bớt rủi ro và tách rời khỏi nhà cầm quyền này.
Sau khi những con gấu trúc lớn ở Vườn thú Quốc gia được đưa về Trung Quốc, sẽ chỉ còn lại bốn con gấu trúc ở Hoa Kỳ, tại Vườn thú Atlanta. Hai con trong số đó dự kiến sẽ được gửi trở lại Trung Quốc vào đầu năm tới. Hai con còn lại có khả năng sẽ trở lại Trung Quốc trước cuối năm sau khi hợp đồng thuê hết hạn. Hiện vẫn chưa có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc gia hạn hoặc tái ký hợp đồng thuê.
‘Ngoại giao gấu trúc’
Cặp gấu trúc đầu tiên được Trung Quốc tặng cho Sở thú Quốc gia vào năm 1972 sau chuyến thăm lịch sử của cựu TT Nixon tới Trung Quốc vào năm đó, mở ra cánh cửa cho nhà cầm quyền cộng sản của Trung Quốc gia nhập cộng đồng quốc tế.
Trong chuyến thăm, cựu Đệ nhất Phu nhân Pat Nixon đã đến Sở thú Bắc Kinh để xem gấu trúc lớn. Nhận thấy sự yêu thích của bà đối với gấu trúc lớn, Thủ tướng Bắc Kinh đương thời, ông Chu Ân Lai, đã tặng hai con gấu trúc lớn tên Linh Linh (Lingling) và Hưng Hưng (Xingxing) cho Hoa Kỳ. Hành động này đã gửi đi một tín hiệu về sự hòa giải trong mối bang giao giữa hai nước. Kể từ đó, nhà cầm quyền cộng sản này chính thức bắt đầu “ngoại giao gấu trúc” để làm dịu bớt hình ảnh của mình trong cộng đồng quốc tế.
Khi ngày càng nhiều nguyên thủ các quốc gia phương Tây đến thăm Trung Quốc sau chuyến công du của cựu TT Nixon, thì việc tặng gấu trúc lớn đã trở thành một “thủ tục tiêu chuẩn” cho chính sách ngoại giao của Trung Cộng trong mười năm tiếp theo.
Từ 1973 đến 1983, Trung Cộng liên tiếp tặng gấu trúc lớn cho các quốc gia như Nhật Bản, Pháp, Anh, Mexico, Tây Ban Nha, và Đức. “Ngoại giao gấu trúc” đã dần trở thành một công cụ ngoại giao của Trung Cộng.
Ông Tống Quốc Thành (Song Guochen) – nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Chính trị (National Chengchi University) ở Đài Loan – nói với The Epoch Times rằng “ngoại giao gấu trúc” là một loại ngoại giao quan hệ công chúng về mặt hình ảnh. “Vì gấu trúc rất dễ thương và trông ngây thơ nên họ [Trung Cộng] sử dụng loài vật này để tạo ấn tượng thân thiện, cho nên gấu trúc bị biến thành [công cụ] ngoại giao gấu trúc.”
Năm 1984, Bắc Kinh ngừng việc tặng miễn phí gấu trúc lớn mà thay vào đó thực hiện mô hình cho thuê giá cao, cho các sở thú ngoại quốc thuê để triển lãm ngắn hạn.
Sau năm 2000, mô hình cho thuê ngắn hạn được thay thế bằng các hợp đồng thuê “dự án hợp tác nghiên cứu” dài hạn, thường là 10 năm và có thể gia hạn, với chi phí 1 triệu USD mỗi năm. Nếu một chú gấu trúc sinh con, số tiền thuê hàng năm sẽ tăng thêm 600,000 USD và chú gấu con sẽ được trả về Trung Quốc khi được 3 hoặc 4 tuổi.
Gấu trúc là đòn bẩy chính trị
Úc, Pháp, và Canada đều đã nhận được gấu trúc lớn sau khi đồng ý bán công nghệ hạt nhân và uranium cho Trung Quốc. Scotland đã nhận được một cặp gấu trúc lớn năm 2011 như một phần của thỏa thuận chia sẻ công nghệ khoan dầu ngoài khơi và cung cấp cá hồi cho Trung Quốc. Người Hà Lan đã thuê một con gấu trúc lớn năm 2013 khi Hà Lan đồng ý cung cấp thiết bị y tế cao cấp cho Trung Quốc.
Năm 2019, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng căng thẳng, Trung Cộng đã lấy lại chú gấu trúc lớn Bạch Vân (Bai Yun) và gấu trúc con Tiểu Lễ Vật (Xiao Liwu) từ Sở thú San Diego.
Vào tháng Chín năm nay, sau khi Hà Lan theo chân Hoa Kỳ trong việc hạn chế bán thiết bị vi mạch bán dẫn tân tiến cho Trung Quốc, Trung Cộng đã lấy lại chú gấu trúc lớn 3 tuổi Phạm Tinh (Fanxing) từ một sở thú Hà Lan.
Trong bối cảnh căng thẳng hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tất cả gấu trúc lớn tại các sở thú ở Memphis và San Diego đã được đưa trở lại Trung Quốc.
Nếu các thỏa thuận cho thuê hiện tại không được gia hạn, Vương quốc Anh sẽ trả lại hai chú gấu trúc lớn cuối cùng của mình vào tháng Mười Hai và Úc sẽ trả lại những chú gấu trúc lớn của mình cho Trung Quốc vào năm tới.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi) – giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney – nói với The Epoch Times: “Tình bằng hữu [giữa chính quyền Trung Quốc và Hoa Kỳ] không còn tồn tại nữa, gấu trúc lớn rất đắt đỏ và khoảng 80% người dân Mỹ có cái nhìn tiêu cực [về Trung Cộng], nên những con gấu trúc lớn ở Hoa Thịnh Đốn không còn giá trị chính trị nữa.”
Ông Phùng nói tiếp: “Nhiều quốc gia – gồm Hoa Kỳ, các nước Âu Châu, Vương quốc Anh, và Úc – đã gửi trả gấu trúc về Trung Quốc, điều đó đồng nghĩa với việc mối liên hệ đã sụp đổ và các quốc gia này không còn là bằng hữu [với Trung Cộng]. Bây giờ vấn đề là tách rời, giảm rủi ro, và thoát khỏi Trung Quốc vì bị xem là mối rủi ro.”
Về cuộc hội kiến có thể xảy ra giữa ông Tập và TT Hoa Kỳ Joe Biden tại hội nghị APEC sắp tới và liệu ông Tập có thể sử dụng lại phương thức “ngoại giao gấu trúc” để xoa dịu căng thẳng giữa hai nước bằng cách tặng thêm gấu trúc cho Hoa Kỳ hay không, ông Tống tin rằng việc này sẽ ít có khả năng xảy ra.
“Nếu không có bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc ở mức độ cơ cấu nền tảng, thì rất khó có khả năng khởi động [cú hích] ngoại giao gấu trúc thứ hai.”
Ông Tống nói rằng việc tất cả gấu trúc tại các sở thú Hoa Kỳ quay trở lại Trung Quốc cho thấy chính sách ngoại giao gấu trúc của Trung Cộng đã sụp đổ.
“Ngoại giao gấu trúc giờ đã mất đi ý nghĩa. Hiện vẫn chưa rõ ông Tập Cận Bình có tham dự APEC hay không.”
“Hoa Kỳ thì muốn duy trì trật tự quốc tế như hiện trạng, còn họ [Trung Cộng] lại muốn lật đổ trật tự đó. Đây là một kiểu đối đầu giữa cảnh sát và băng đảng xã hội đen. Không có yếu tố hay dấu hiệu nào cho thấy trong vài năm tới, cuộc đối đầu mang tính nền tảng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể được giải quyết,” ông nói.