Mỹ chỉ trích Trung Quốc và Nga lập ra một trật tự thế giới ‘vô cùng phi đạo đức’
Hôm 23/02, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price đã chỉ trích Trung Quốc và Nga vì nỗ lực lập ra một trật tự thế giới mới “vô cùng phi đạo đức”. Hành động xâm lược của Nga nhằm vào Ukraine là một phần trong đó.
Trong một cuộc họp báo định kỳ, ông Price đã dẫn chứng tuyên bố chung Trung–Nga được công bố hồi đầu tháng này làm bằng chứng cho khát vọng đạt được một trật tự thế giới như vậy.
Ông nói: “Nhưng đây là một trật tự đang và sẽ vô cùng phi đạo đức, một trật tự trái ngược với hệ thống mà các quốc gia trên thế giới… đã xây dựng trong bảy thập niên qua.”
“Đó là một trật tự mang tính phá hoại thay vì mang tính xây dựng trên rất nhiều phương diện.”
Hôm 04/02, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến công du đến thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, trong ngày khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2022, để gặp gỡ lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc hội đàm đó, họ đã đưa ra một bản tuyên bố dài, khẳng định rằng hai quốc gia có chung đường biên giới này đã nâng cấp mối bang giao lên mức bền chặt chưa từng có – một mối liên kết đối tác “không có giới hạn” và “không có lĩnh vực hợp tác nào ‘bị cấm’”.
Tuyên bố trên cũng cho thấy Trung Quốc về phe Nga trong việc phản đối “sự mở rộng hơn nữa của NATO”.
Ông Price cho biết mọi quốc gia có trách nhiệm trên thế giới này, trong đó có Trung Quốc, đều có “nghĩa vụ sử dụng bất kỳ ảnh hưởng nào mà mình có” để kêu gọi ông Putin giảm leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine này.
“Quý vị sẽ phải hỏi CHND Trung Hoa xem họ đã sử dụng ảnh hưởng đáng kể của mình với Liên bang Nga để đạt được mục đích đó hay chưa,” ông nói.
Một phóng viên đã hỏi ông Price về những tín hiệu trái chiều đến từ Bắc Kinh về lập trường của họ đối với Ukraine, đồng thời cho thấy cách nhà cầm quyền cộng sản này một mặt thì nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ quyền quốc gia, mặt khác cũng lên tiếng phản đối sự mở rộng của NATO.
Trung Quốc thường sử dụng ‘chủ quyền quốc gia’ như một cái cớ để làm xao lãng sự chỉ trích của quốc tế về các chính sách của họ ở Hồng Kông, Đài Loan, Tây Tạng, và Tân Cương. Nhà cầm quyền cộng sản này tuyên bố rằng những gì đang xảy ra trong những khu vực này là “công việc nội bộ” của họ.
Đáp lại, ông Price lưu ý rằng trong đường lối cai trị nhà nước của mình, Bắc Kinh thường hay khẳng định nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ là “bất khả xâm phạm” và “không thể đụng chạm đến”. Sau đó ông bảo vị phóng viên này hãy đi hỏi Trung Quốc.
Ông Price nói rằng, “Thế nên, anh sẽ phải hỏi CHND Trung Hoa họ làm sao có thể bám cứng lập trường lâu đời đó mà không sử dụng ảnh hưởng và thế lực đáng kể mà họ có với Liên bang Nga để kêu gọi ông Vladimir Putin rút lui, nhằm giảm leo thang.”
Hôm 23/02, Ukraine đã ban bố tình trạng khẩn cấp và đưa ra danh sách lính trừ bị, đồng thời kêu gọi công dân của mình rời khỏi Nga ngay lập tức. Hôm 24/02, ông Putin đã tuyên bố tiến hành một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Ít nhất năm quốc gia – Úc, Canada, Nhật Bản, Vương quốc Anh, và Hoa Kỳ – đã áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga khi cuộc khủng hoảng Ukraine ngày càng trầm trọng.
Hôm 22/02, Ngoại trưởng Antony Blinken đã nói với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị về sự cần thiết phải “bảo tồn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine” trong cuộc điện đàm của họ.
Hôm 06/02, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan đã cảnh báo, Trung Quốc “sẽ phải chịu” một phần phí tổn nếu nhà cầm quyền này được xem là hỗ trợ Nga xâm lược Ukraine.
Ba ngày trước đó, hôm 03/02, ông Price đã cảnh báo các công ty Trung Quốc rằng họ sẽ phải đối mặt với hậu quả nếu cố gắng lẩn tránh bất kỳ biện pháp kiểm soát xuất cảng nào mà Hoa Kỳ áp đặt lên Nga trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine.
Ông Price nói rằng: “Chúng tôi có một loạt các công cụ có thể thực thi nếu chúng tôi thấy các công ty ngoại quốc, bao gồm cả những công ty ở Trung Quốc, tìm mọi cách có thể để vượt qua các hành động kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ, để lẩn trốn và lảng tránh những biện pháp đó.”