Mứt trái hồng có công hiệu dưỡng phổi và giảm ho
Lý Giai
“Hàn lộ thị tử hồng liễu bì” (qua tiết Hàn lộ, trái hồng đã đỏ). Qua tiết Hàn lộ là đã đến mùa thưởng thức trái hồng. Trái hồng ngon ngọt, màu vàng sáng. Ngay cả thi nhân Tô Thức cũng không khỏi khen ngợi “sắc thắng kim y mỹ, cam du ngọc dịch thanh” (màu đẹp hơn vàng, vị ngọt thanh hơn ngọc dịch). Trái hồng không chỉ ngon, đẹp mà còn nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, ăn trái hồng có nhiều điều kiêng kỵ hơn so với các loại trái cây khác.
Trái hồng có lịch sử đã hơn ngàn năm tại Trung Hoa. Đây là một loại thực phẩm truyền thống có hai công dụng, không chỉ làm trái cây đơn thuần mà còn được dùng làm thuốc. Theo quyển “Bản Thảo Cương Mục”, trái hồng có nhiều tác dụng như kích thích tiêu hóa, tiêu đàm giải khát, giải độc, dưỡng tim phổi.
Theo dinh dưỡng học Tây phương, trái hồng chứa nhiều vitamin A, vitamin C, Carotene, vitamin B3, vitamin B6, và nhiều khoáng chất như kalium, calcium, magnesium, sắt, phosphorus, kẽm, và chất xơ hòa tan mà cơ thể cần hấp thu hàng ngày. Những chất dinh dưỡng này có nhiều tác dụng khác nhau cho cơ thể người.
4 lợi ích sức khỏe của trái hồng
- Chống oxy hóa, ngăn ngừa bệnh tim mạch
Trái hồng rất dồi dào vitamin C, hàm lượng còn cao hơn so với trái kiwi; hàm lượng vitamin C đạt 75.9 mg / 100 gram trái hồng, cao hơn chanh 2.2 lần và hơn táo 10 lần. Vì vậy, trái hồng có tác dụng chống oxy hóa rất mạnh, có thể bảo vệ tế bào khỏi ảnh hưởng của các gốc tự do, ngăn ngừa xơ cứng động mạch, phòng ngừa các bệnh tim mạch và ung thư.
- Bảo vệ mắt
Là thành viên trong họ trái cây màu cam, trái hồng có hàm lượng vitamin A và Carotene rất cao, có thể giúp phòng ngừa các bệnh về mắt như khô mắt, quáng gà, đục thủy tinh thể, rất có lợi cho thị lực và sức khỏe của mắt.
- Dưỡng ẩm, làm trắng da
Trái hồng chứa nhiều Carotene có thể giúp dưỡng ẩm giúp cho làn da trở nên mượt mà. Vitamin C bảo vệ da khỏi ảnh hưởng của các gốc tự do, còn có tác dụng làm trắng da.
- Cải thiện chứng táo bón, giúp tăng cường sức khỏe tiêu hóa
Trái hồng có nhiều chất pectin, là chất xơ hòa tan, có thể kích thích sự co bóp của đường ruột, điều tiết thành phần vi khuẩn đường ruột, giúp nhuận tràng thông tiện, cải thiện táo bón.
Mứt hồng còn có công hiệu tốt hơn trái hồng tươi
Mứt hồng, là trái hồng sau khi được gọt vỏ rồi đem phơi khô thành mứt, hay còn gọi là hồng khô. Bên ngoài mứt hồng thường có phủ một lớp phấn trắng, vì vậy loại mứt này còn được gọi là “bạch thị” (hồng bạch), còn lớp phấn trắng phủ bên ngoài gọi là “thị sương” (sương hồng, phấn hồng).
Sau khi trái hồng được phơi khô thành mứt, tính hàn của nó giảm bớt trở thành tính bình. Theo “Bản Thảo Cương Mục”: Bạch thị (mứt hồng) có vị ngọt, tính bình, có tác dụng kiện tỳ ích khí, tiêu đàm giải khát, trị chứng nôn ra máu, dưỡng tim phổi, còn có thể bổ hư do vất vả mệt mỏi mà thiếu hụt.
Đặc biệt, lớp phấn trắng bên ngoài mứt trái hồng thường bị người hiện đại nhầm lẫn là tinh bột, chất bảo quản hoặc nấm mốc, thật ra đều không phải. Sương hồng chính là “chất dịch” của trái hồng, có tác dụng trị bệnh, theo “Bản Thảo Cương Mục” cho rằng nó có khả năng “thanh tâm phế nhiệt, sinh tân giải khát, tiêu đàm làm dịu cơn ho, chữa trị các vấn đề về cổ họng”.
Điều cần lưu ý, một phần hàm lượng vitamin C có trong mứt hồng sẽ mất đi trong quá trình chế biến, nhưng lượng chất xơ lại tăng gấp đôi và lượng calo nhiều hơn so với trái hồng tươi. Vì vậy, những người cần bổ sung vitamin C có thể chọn ăn trái hồng tươi.
Bài thuốc chữa bệnh từ mứt trái hồng: Cháo mứt hồng
Bác sĩ Trung y Lâm Quý (Lin Gui) đã giới thiệu một bài thuốc với cách làm vô cùng đơn giản. Đó chính là bài thuốc từ mứt trái hồng, có tác dụng bổ tỳ, dưỡng phổi, làm se ruột, cầm máu, thích hợp cho những người bị các chứng thể hư, nôn ra máu, ho khan, ho ra máu, kiết lỵ mạn tính, tiểu ra máu, sa trĩ chảy máu và các chứng bệnh xuất huyết khác.
Cháo mứt hồng:
Nguyên liệu:
Mứt hồng từ 2–3 trái, bỏ cuống, cắt miếng nhỏ
Gạo 100 gram
Cách làm: Cho tất cả nguyên liệu vào nấu cháo, sau đó nêm thêm đường phèn hoặc đường cát trắng rồi dùng.
Kiêng kỵ: Người lớn tuổi có chứng hàn không nên ăn loại cháo này.
Những người không thích hợp ăn hồng
Bác sĩ Trung y Lâm Quý cho biết, một số người nên thận trọng hoặc không nên ăn hồng, gồm:
- Những người bị bệnh tiểu đường.
- Những người có dạ dày yếu, bị tiêu chảy.
- Sản phụ.
- Những người viêm dạ dày mạn tính, tiêu hóa không tốt, chức năng dạ dày kém.
- Những người đang lọc thận cần thận trọng khi ăn hồng.
Những kiêng kỵ khi ăn trái hồng
Đề cập đến những điều kiêng kỵ khi ăn trái hồng, điều đầu tiên mọi người thường nghĩ đến chính là con cua. Dù xét từ góc độ Trung y hay Tây y, thì đều không nên ăn hồng và cua cùng với nhau. Theo Trung y, trái hồng và cua đều là thực phẩm có tính hàn nên không thể ăn cùng với nhau. Theo quan điểm của Tây y, điều này chủ yếu là do trái hồng có chứa acid tannic, trong khi cua là thực phẩm nhiều protein. Protein gặp acid tannic sẽ kết tủa lại thành khối, tức là “sỏi dạ dày”, dẫn đến các triệu chứng như nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy.
Trên thực tế, không chỉ cua, mà các loại thực phẩm sau đây khi ăn cùng trái hồng cũng có thể gây “sỏi dạ dày”; vì thế không nên ăn chung: