Một cuộc khủng hoảng ngân hàng đang cận kề
TUOMAS MALINEN
Gần đây các bài viết của tôi đã trở nên khá bi quan, nhưng đó là một lý do chính đáng. Mới hồi đầu tuần (02/10), chúng tôi đã được xác nhận rằng hệ thống tài chính của chúng ta, một lần nữa, đang trên bờ vực sụp đổ, khi Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) buộc phải ban hành, trên thực tế, một gói cứu trợ cho các quỹ hưu trí của Vương quốc Anh.
Vào khoảng trưa ngày 28/09, Ngân hàng Trung ương Anh đã trở lại thị trường trái phiếu chính phủ và bắt đầu mua trái phiếu chính phủ có kỳ hạn dài hơn để ngăn chặn sự sụp đổ về giá trị của các trái phiếu này – một tình huống có thể khiến hệ thống tài chính trở nên tồi tệ. Các quỹ hưu trí đã phải đối mặt với các lệnh gọi ký quỹ lớn (margin calls), đe dọa gây ra phản ứng dây chuyền trút như thác lên các nghĩa vụ phải trả của họ, do sự tin tưởng vào tính thanh khoản và khả năng thanh toán của họ ngày càng bị nghi vấn bởi số nhà đầu tư và khách hàng ngày càng tăng.
Trên thực tế, BOE đã vào cuộc để hạn chế vòng luẩn quẩn của các lệnh gọi ký quỹ mà các quỹ hưu trí phải đối mặt vì giá trị của các quỹ hưu trí bị sụt giảm [thấp hơn mức yêu cầu].
Nếu không có sự can thiệp của BOE, thì sự vỡ nợ hàng loạt của các quỹ hưu trí, với giá trị tài sản khoảng 3 ngàn tỷ USD – và do đó rất có thể kéo theo các tổ chức tài chính khác – có lẽ đã bắt đầu vào chiều hôm đó. Rõ ràng là nếu một trong những trung tâm tài chính lớn của thế giới, thành phố London, đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính, thì khủng hoảng sẽ lập tức lan ra phần còn lại của thế giới.
Có vẻ như một lần nữa hệ thống tài chính toàn cầu đã được các ngân hàng trung ương kéo khỏi bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, đây chỉ là một cách khắc phục tạm thời.
Rõ ràng là một cuộc sụp đổ tài chính rốt ráo đang đe dọa tất cả các nền kinh tế phương Tây, bởi vì nếu các quỹ hưu trí, thường được xem là các nhà đầu tư rất tẻ nhạt vì cách thức đầu tư tránh rủi ro của họ, đối mặt với mối đe dọa mất khả năng thanh toán, thì sự đe dọa này có thể xảy ra với bất kỳ tổ chức tài chính nào khác. Tôi cho rằng lĩnh vực ngân hàng sẽ là ngành tiếp theo có nguy cơ sụp đổ.
Ngân hàng là một ngành kinh doanh của sự tin tưởng. Nếu sự tin tưởng vào ngân hàng hoặc vào sự hỗ trợ không giới hạn của các cơ quan chính phủ dành cho ngân hàng biến mất, thì việc rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng sẽ bắt đầu.
Trong cuốn sách có nhan đề “Hiểu Sai Về Các Cuộc Khủng Hoảng Tài Chính: Tại Sao Chúng Ta Không Thấy Chúng Sắp Xảy Ra” của mình, một trong những học giả nổi tiếng nhất về khủng hoảng tài chính – ông Gary B. Gorton – đã định nghĩa khủng hoảng tài chính là “một sự kiện trong đó những người nắm giữ các khoản nợ ngắn hạn do các tổ chức tài chính trung gian phát hành rút tiền hàng loạt hoặc từ chối gia hạn các khoản cho vay của họ.”
Theo ngôn ngữ thông thường, ông Gorton nói rằng trong các cuộc khủng hoảng tài chính, một lượng lớn người nắm giữ các khoản nợ tài chính của các ngân hàng, chẳng hạn như các khoản tiền gửi, muốn rút tiền ra. Do đó, người ta mới gọi hiện tượng này là: rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng.
Ví dụ, trong Cuộc Hoảng Loạn năm 1819 ở Hoa Kỳ, người dân đã xếp hàng dài bên ngoài các ngân hàng để đổi những sản phẩm tài chính mới của họ, các loại tiền giấy, sang tiền kim loại. Cuộc Hoảng loạn năm 1819 đã giúp tạo ra cuộc suy thoái kinh tế đầu tiên ở Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, việc rút tiền ồ ạt khỏi một ngân hàng có thể không nhìn thấy được, theo nghĩa các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác “rút tiền ồ ạt” trên các khoản nợ của một ngân hàng. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng 2007–2008, đã có một sự kiện rút tiền ồ ạt trên thị trường các hợp đồng bán và mua lại (repo), thị trường thương phiếu, và trên các số dư của các tổ chức môi giới cao cấp (prime broker). Hầu hết mọi người đã không nhận thấy những giai đoạn đầu tiên của sự hoảng loạn, bởi vì các công ty tài chính rút ồ ạt trên các khoản nợ và tài sản của các công ty tài chính khác.
Điểm chính ở đây là, khi các khoản nợ phải trả được rút ra dưới bất kỳ hình thức nào, một cách ồ ạt, thì cuối cùng ngân hàng sẽ hết tài sản để cầm cố/bán nhằm thực hiện các yêu cầu rút tiền, và ngân hàng đó sẽ sụp đổ.
Trong tương lai, rủi ro lớn nhất của một sự kiện rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng một cách có hệ thống rất có thể nằm ở u Châu.
Các công ty và gia đình ở u Châu đã và đang tiếp tục bị suy tàn do lạm phát hoành hành, lãi suất tăng nhanh, và giá năng lượng tăng vọt. Họ đang bị ảnh hưởng từ mọi phía, và điều này sẽ, rất có thể, khiến nhiều người trong số họ phá sản về mặt tài chính.
Các ngân hàng hiện cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm nghiêm trọng giá trị của trái phiếu chính phủ mà họ sử dụng làm tài sản thế chấp. Những yếu tố này có thể dễ dàng dẫn đến các khoản lỗ lớn đối với các ngân hàng, có thể với tốc độ, quy mô, và độ rộng chưa từng thấy trước đây.
Tôi thấy thật khó để tưởng tượng những diễn biến này sẽ không dẫn đến một cuộc khủng hoảng ngân hàng, nếu không có sự can thiệp lớn của các chính phủ và ngân hàng trung ương. Và giống như tôi đã trình bày chi tiết, một cuộc khủng hoảng ngân hàng bắt đầu ở u Châu sẽ không dừng lại ở đó.
Vậy thì quý vị chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng này như thế nào?
Một tính năng đặc trưng của một cuộc khủng hoảng ngân hàng là nhiều ngân hàng, có thể là tất cả các ngân hàng, sẽ đóng cửa với khách hàng, và ban hành hạn mức rút tiền. Một đặc điểm khác là những gián đoạn trong hệ thống tài chính, đáng chú ý nhất là đối với thanh toán thẻ, khiến cho toàn bộ hệ thống thanh toán bán lẻ có khả năng đột ngột ngừng hoạt động.
Khi tôi ở Hy Lạp hồi hè năm 2015 với vợ cũ của tôi, toàn bộ nền kinh tế về căn bản là trở thành một nền kinh tế dựa trên tiền mặt vào cuối tuần. Cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Hy Lạp hồi năm 2015 là do Ngân hàng Trung ương u Châu gây ra, khi Ngân hàng Trung ương u Châu, hoàn toàn vô trách nhiệm và có nhiều khả năng bị thúc đẩy bởi các động cơ chính trị, đã không cung cấp quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp.
Các giới hạn rút tiền mặt đã được thiết lập, các máy thẻ tín dụng “biến mất” hoặc “hỏng hóc” trong các nhà hàng, cửa hiệu, v.v., và cuối cùng, tiền mặt đã không còn rút ra được từ các máy ATM. Các biện pháp kiểm soát vốn được ban hành, và khả năng chuyển tiền ra ngoại quốc của các thường dân Hy Lạp gặp rất nhiều trở ngại. Đương nhiên, chúng tôi có đủ tiền mặt chi dùng, vì tôi nghiên cứu về kinh tế mà; tôi biết cần phải làm gì.
Điểm chính là (hoặc từng là), trong các cuộc khủng hoảng ngân hàng, quý vị sẽ không có toàn quyền truy cập vào các khoản tiền gửi của mình trong ngân hàng. Kết quả là, những giao dịch thanh toán điện tử chẳng hạn như bằng thẻ ngân hàng có thể sẽ trở nên vô dụng. Trong trường hợp cực đoan, các khoản tiền gửi của quý vị có thể được sử dụng để tái cấp vốn cho các ngân hàng ốm yếu trong một quy trình được gọi là “bảo lãnh” (bail-in).
Những luật như vậy đã được ban hành sau cuộc khủng hoảng năm 2008, và chúng được ban hành lần đầu tiên để giải quyết cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Cyprus vào năm 2013.
Về mặt kỹ thuật, mọi số tiền mà quý vị có trong ngân hàng cao hơn ngưỡng bảo hiểm tiền gửi, một giới hạn cũng có thể là không chắc chắn, sẽ bị những vụ bảo lãnh trong một cuộc khủng hoảng ngân hàng đe dọa.
Chúng tôi đã cảnh báo hồi tháng 03/2017 rằng hệ thống tài chính toàn cầu, vốn nứt vỡ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chưa bao giờ thực sự được chữa lành. Chúng tôi đã lưu ý rằng hệ thống tài chính và nền kinh tế toàn cầu được duy trì chẳng qua là bằng những lần can thiệp liên tục của ngân hàng trung ương và chính phủ cũng như các khoản cấp tín dụng gần như không giới hạn. Hôm 28/09, chúng ta đã nhận được xác nhận cuối cùng từ BOE rằng lần này thực sự là trường hợp như vậy.
Chúng ta đang gặp rắc rối lớn, rất lớn.
Tác giả Tuomas Malinen gửi lời cảm ơn ông Peter Nyberg vì những nhận xét và đề nghị thấu đáo của ông.