Mỡ nội tạng: Kẻ sát nhân vô hình có thể gây ung thư
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan và Mercura Wang
Mỡ nội tạng hay còn gọi là mỡ bụng là lớp mỡ bao quanh các cơ quan nội tạng trong ổ bụng. Mặc dù việc cơ thể dự trữ một ít chất béo để lấy năng lượng và cách nhiệt là điều bình thường và cần thiết, nhưng mỡ nội tạng dư thừa có thể gây hại cho sức khỏe.
Một trong những nguyên nhân là do mỡ nội tạng có thể gây viêm trong cơ thể. Viêm mạn tính có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2, và một số bệnh ung thư.
Mỡ nội tạng có hoạt động trao đổi chất, sản xuất hormone và các phân tử tín hiệu khác có thể ảnh hưởng đến phản ứng viêm của cơ thể.
Ví dụ, dư thừa mỡ nội tạng có thể dẫn đến việc sản xuất quá nhiều cytokine và gây viêm. Trạng thái này dẫn đến viêm mạn tính ở mức độ thấp, khiến cơ thể luôn trong trạng thái cảnh giác, ngay cả khi không có mối đe dọa nào.
Ngoài ra, mỡ nội tạng có thể dẫn đến kháng insulin – trạng thái mà tế bào trong cơ thể trở nên kém đáp ứng với insulin. Kháng insulin có thể dẫn đến phản ứng viêm gia tăng do sản xuất nhiều cytokine và các phân tử gây viêm khác.
Một bài đánh giá được công bố trên The Journal of Clinical Investigation (Tập san Khám phá Lâm sàng) cho biết các phân tử gây viêm có thể phá vỡ chức năng bình thường của tế bào mỡ, dẫn đến tăng tích trữ chất béo. Ngoài ra, tình trạng viêm cũng có thể làm tăng tích mỡ nội tạng.
Điều nguy hiểm nhất về mỡ nội tạng là cơ thể có thể chứa rất nhiều mỡ nhưng không biểu hiện rõ ràng. Kết quả là, một số người có ngoại hình gầy nhưng lại có nhiều mỡ thừa bên trong, hay nói cách khác là ngoài gầy, trong béo. Và họ sẽ gặp phải các vấn đề sức khỏe tương tự như những người thừa cân.
Sự tích tụ mỡ nội tạng này có thể làm tăng nguy cơ phát triển một số bệnh.
Mỡ nội tạng dư thừa làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch
Dư thừa mỡ nội tạng có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch. Điều này là do tình trạng viêm mạn tính ở mức độ thấp có thể làm thương tổn các mạch máu dẫn đến sự phát triển của chứng xơ vữa động mạch. Trong tình trạng này, mảng bám tích tụ trong lòng động mạch, làm giảm lưu lượng máu, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Mỡ nội tạng cũng có thể ảnh hưởng đến các yếu tố nguy cơ khác đối với bệnh tim mạch, chẳng hạn như gây kháng insulin.
Một nghiên cứu được công bố trên Journal of the American College of Cardiology (Tập san của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ) đã phát hiện ra rằng mỡ nội tạng là yếu tố dự báo nguy cơ tim mạch tốt hơn so với chỉ số tổng lượng mỡ cơ thể hoặc chỉ số khối cơ thể (BMI).
Một nghiên cứu khác, trên Frontiers in Neurology (Tập san Lĩnh vực Thần kinh học), phát hiện ra rằng mỡ nội tạng là nguyên nhân cơ bản của bệnh béo phì trung tâm nên mỡ nội tạng có mối liên hệ nhân quả đáng kể với tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ, vì tỷ suất chênh là 1.30 với mỗi 1 kg khối lượng mỡ nội tạng gia tăng. Ngoài ra, mỡ nội tạng cũng được phát hiện là nguyên nhân đáng kể gây ra đột quỵ do tắc mạch vành.
Mỡ nội tạng dư thừa có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2
Vì mỡ nội tạng có thể dẫn đến kháng insulin nên đây cũng là yếu tố chính gây ra bệnh tiểu đường loại 2.
Một nghiên cứu được công bố trên journal Nutrients (Tập san Dinh dưỡng) đã phân tích dữ liệu của gần 6,000 người trưởng thành và phát hiện ra rằng mỡ nội tạng là yếu tố dự báo nguy cơ bị bệnh tiểu đường mạnh hơn chỉ số BMI hoặc chu vi vòng eo.
Theo một khảo lược hệ thống của 10 nghiên cứu theo dõi dọc [longitudinal: quan sát cùng nhóm người trong một thời gian] được công bố trên International Journal of Clinical Practice (Tập san Quốc tế về Thực hành Lâm sàng), béo bụng, còn được gọi là béo nội tạng, làm tăng đáng kể nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2. Nhìn chung, những người béo bụng có nguy cơ bị bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 114% so với những người không béo nội tạng.
Mỡ nội tạng dư thừa có thể gây ung thư
Viêm mạn tính cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ bị một số bệnh ung thư đại tràng, vú, và tuyến tiền liệt. Mặc dù cơ chế chính xác chưa được hiểu đầy đủ nhưng người ta cho rằng tình trạng viêm mạn tính có thể làm hư hại DNA và làm tăng nguy cơ đột biến dẫn đến ung thư.
Các phân tử viêm do mỡ nội tạng tạo ra có thể làm thương tổn tế bào và dẫn đến đột biến có thể gây ung thư. Do đó, tình trạng viêm mạn tính có liên quan đến sự phát sinh ung thư.
Theo đánh giá được công bố trên International Journal of Molecular Sciences (Tập san Quốc tế về Khoa học Phân tử), béo nội tạng là yếu tố nguy cơ đáng kể đối với các loại ung thư mạn tính, bao gồm tuyến tụy, đại trực tràng, vú, thận và tuyến tiền liệt. Ngoài tình trạng viêm mạn tính, lượng mỡ nội tạng quá mức có thể dẫn đến rối loạn chức năng trao đổi chất, từ đó có thể ảnh hưởng đến sự tiến triển của ung thư.
Một nghiên cứu ở Hàn Quốc phát hiện ra rằng béo nội tạng làm tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ sau mãn kinh lên 150%.
Sau khi kiểm tra hơn 120 người tham gia, một nghiên cứu được công bố trên Obesity Research (Tập san Nghiên cứu Tiểu đường) đã phát hiện ra những người tham gia có lượng mỡ nội tạng cao hơn có nguy cơ phát triển ung thư tuyến tiền liệt cao hơn 360% so với những người tham gia có lượng mỡ bụng tương đối thấp.
Dư thừa mỡ nội tạng có thể góp phần gây ra tình trạng viêm mạn tính ở mức độ thấp, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm bệnh tim mạch, tiểu đường loại 2 và một số bệnh ung thư.
Cách hiệu quả nhất để giảm mỡ nội tạng là qua ăn uống, tập thể dục và thay đổi lối sống.
Cách ăn uống lành mạnh có thể giảm đáng kể mỡ nội tạng
Khẩu phần ăn chứa nhiều thực phẩm nguyên chất, như trái cây, rau và protein nạc, đồng thời ít thực phẩm chế biến sẵn, đường và chất béo bão hòa, có thể giúp giảm mỡ nội tạng.
Nghiên cứu được công bố trên International Journal of Obesity (Tập san Quốc tế về Béo phì) cho thấy ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả có thể làm giảm lượng mỡ nội tạng. Ngược lại, ăn các món chiên rán, rượu, thịt đỏ, thức uống có đường và ngũ cốc tinh chế có liên quan đến lượng mỡ nội tạng và/hoặc vòng eo to hơn.
Nghiên cứu dài hạn toàn diện kéo dài hai năm với hơn 624 người tham gia khỏe mạnh được công bố trên Nutrients (Tập san Dinh dưỡng) đã phát hiện ra rằng dùng 7 chất dinh dưỡng – chất xơ hòa tan, manganese, potassium (kali), magnesium, vitamin K, acid folic và acid pantothenic – có thể làm giảm đáng kể mỡ nội tạng, tác dụng độc lập với chỉ số BMI và chu vi vòng eo. Do đó, ăn thuần thực vật có thể làm giảm mỡ nội tạng.
Nghiên cứu được công bố trên Current Obesity Reports (Tập san Báo cáo về Béo phì hiện tại) cho thấy cách ăn Địa Trung Hải có thể làm giảm đáng kể lượng mỡ nội tạng. Cách ăn Địa Trung Hải đặc trưng bởi việc tiêu thụ đáng kể trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, ngũ cốc và dầu ô liu nguyên chất, cũng như tiêu thụ một số sản phẩm từ sữa, cá và gia cầm.
Nghiên cứu được công bố trên Diabetes Research and Clinical Practice (Tập san Thực hành Lâm sàng và Nghiên cứu về Tiểu đường) cũng cho thấy ăn ít calorie và ít carbohydrate có thể có hiệu quả trong việc giảm mỡ nội tạng.
Những nghiên cứu này cho thấy khẩu phần ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc tích mỡ nội tạng và việc áp dụng cách ăn uống lành mạnh, thực phẩm nguyên chất, nhiều protein và ít carbohydrate, có thể giúp giảm mỡ nội tạng.
Tập thể dục có thể giảm mỡ nội tạng hiệu quả
Tập thể dục, bao gồm tập thể dục nhịp điệu và rèn luyện sức mạnh, cũng là cách hiệu quả để giảm mỡ nội tạng.
Một lược khảo hệ thống và phân tích gộp được công bố trên Tập san PLoS One đã phát hiện ra rằng tập thể dục nhịp điệu ở mức độ vừa phải đến mạnh mẽ có khả năng giảm mỡ nội tạng cao nhất ở người trưởng thành thừa cân, ngay cả khi không ăn ít calorie. Cụ thể, sau 12 tuần, tập thể dục nhịp điệu có thể giảm hơn 30 cm2 mỡ ở phụ nữ trưởng thành thừa cân và hơn 40 cm2 ở nam giới.
Một lược khảo hệ thống khác, được công bố trên Advances in Nutrition (Tập san Dinh dưỡng Chuyên sâu), đã phân tích 43 thử nghiệm trên 3,552 người và nhận thấy rằng tập thể dục nhịp điệu và rèn luyện sức mạnh của cơ bắp (resistance training) có thể giảm mỡ bụng một cách hiệu quả. Hơn nữa, việc kết hợp tập thể dục nhịp điệu và rèn luyện đối kháng có thể hiệu quả hơn so với việc chỉ tập luyện riêng lẻ.
Một nghiên cứu được công bố trên Journal of Diabetes Research (Tập san Nghiên cứu về Tiểu đường) cho thấy tập luyện cường độ cao ngắt quãng (HIIT) có hiệu quả hơn trong việc giảm mức mỡ nội tạng so với tập luyện liên tục cường độ vừa phải (MICT).
Những nghiên cứu này cho thấy rằng tập thể dục, đặc biệt là tập thể dục nhịp điệu và HIIT, làm giảm lượng mỡ nội tạng một cách hiệu quả.
Vấn đề lối sống
Ngoài cách ăn uống và tập thể dục, các yếu tố lối sống khác có thể góp phần làm giảm mỡ nội tạng và tình trạng viêm.
Nghiên cứu chéo ngẫu nhiên, có đối chứng được công bố trên Journal of the American College of Cardiology (Tập san của Hội Tim mạch Hoa Kỳ) cho thấy việc thiếu ngủ (4 tiếng mỗi đêm) có thể làm tăng 11% lượng mỡ nội tạng ở bụng, so với ngủ đủ giấc (ngủ tới 9 tiếng mỗi đêm).
Nghiên cứu với sự tham gia của gần 1,000 nam giới được công bố trên Annals of Nutrition and Metabolism (Tập san Biên niên sử về Dinh dưỡng và Trao đổi chất) cho thấy việc tiêu thụ rượu có liên quan đến lượng mỡ nội tạng cao hơn. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng tiêu thụ 14 ly rượu tiêu chuẩn trở lên mỗi tuần có thể làm tăng nguy cơ bị hội chứng chuyển hóa.
Một nghiên cứu khác, được công bố trên Diabetes Care (Tập san Chăm sóc Bệnh tiểu đường), đã kiểm tra gần 3,000 người tham gia và phát hiện ra rằng lối sống lành mạnh, bao gồm hoạt động thể chất thường xuyên, ăn uống lành mạnh và không hút thuốc, có liên quan đến lượng mỡ nội tạng thấp hơn.
Tóm lại, giảm mỡ nội tạng qua ăn uống và tập thể dục có thể giúp giảm viêm và cải thiện kết quả sức khỏe. Bằng cách lựa chọn lối sống lành mạnh, chúng ta có thể giảm nguy cơ bị bệnh mạn tính và cải thiện toàn diện sức khỏe và tinh thần.
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan (Jingduan Yang) có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách “Tâm thần học tích hợp”, “Các vấn đề về thuốc”, và “Liệu pháp tích hợp cho bệnh ung thư”.