Mô hình Trung Quốc thất bại ở Thượng Hải
Vào cuối thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, lý thuyết về ‘sự cáo chung của lịch sử’* cho rằng mọi quốc gia trên thế giới muốn thịnh vượng và tiến bộ thì nhất định phải tuân theo cả tự do về kinh tế và dân chủ về chính trị. Theo lý thuyết này, quý vị không thể có cái này mà không có cái kia. Đó là điều tất yếu.
Thế giới này đã chờ đợi Trung Quốc đi theo hướng của Đông Âu và nhiều quốc gia khác.
Điều đó đã không xảy ra. Mặc dù đang tự do hóa những cải tổ kinh tế, nhưng Trung Cộng vẫn kiểm soát chính trị một cách hà khắc trong nhiều thập niên sau đó. Tuy nhiên, nền kinh tế của họ đã phát triển và lớn mạnh. Điều này đã làm nảy sinh một lý thuyết mới: có lẽ những quốc gia thành công nhất sẽ thúc đẩy chủ nghĩa tự do kinh tế trong khi vẫn bảo đảm sự kiểm soát chính trị chặt chẽ, như vậy có thể giải quyết được những vấn đề kém hiệu quả của nền dân chủ.
Dường như Trung Quốc hội tụ đủ tất cả các yếu tố này.
Giờ đây, chúng ta có bằng chứng về những gì bất ổn với một nhà nước độc đảng có một lãnh đạo quyền lực. Nhà nước này sẽ hoạt động cho đến khi nào nó không còn hoạt động được nữa. Những gì đã ngừng hoạt động ở Trung Quốc lẽ ra đã có thể được dự liệu từ nhiều năm trước. Trung Cộng tin rằng họ đã giải quyết được vấn đề các mầm bệnh thông qua những vi phạm nghiêm trọng đến quyền tự do của con người trên diện rộng.
Ngày nay, người dân Thượng Hải đang phải chịu đựng nhiều tuần bị phong tỏa, thiếu lương thực, và những người khỏe mạnh bị cách ly nghiêm ngặt. Tất cả đều nhằm mục đích diệt trừ một loại virus mà phần còn lại của thế giới cuối cùng đã nhận ra phải trở thành “endemic” (bệnh đặc hữu). Hiện giờ, ngay cả ông Fauci cũng đang thừa nhận điều này (sau hai năm thúc giục nhiều biện pháp hạn chế hơn).
Nhưng ở Trung Quốc thì sao? Trẻ em đang bị tách khỏi cha mẹ; thú nuôi của những người có kết quả xét nghiệm dương tính đang bị đem bắn; người dân đang la hét từ các tòa cao ốc, và thực phẩm đang thối rữa trong các nhà kho ngay cả khi người dân gào lên là họ đang chết đói. Có những video trực tuyến về các cửa hàng bị cướp sạch. Có một cuộc thảo luận về cách mạng sắp xảy ra.
Đừng bao giờ quên: Trung Quốc là nơi sản sinh ra các đợt phong tỏa. Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới đã từng ca ngợi các đợt phong tỏa hồi đầu năm 2020 ở Vũ Hán. Trong một bức thư hồi tháng 01/2020, WHO đã chúc mừng Trung Quốc và kêu gọi nước này “tăng cường các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn đợt bùng phát hiện nay.” Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã nhấn mạnh thêm quan điểm này bằng một bài đăng trên Twitter, viết rằng, “Theo nhiều cách, Trung Quốc đang thực sự đặt ra một tiêu chuẩn mới cho việc ứng phó bùng phát dịch bệnh.”
Ông Neil Ferguson đến từ Đại học Hoàng gia cũng vậy. “Chúng ta từng nói rằng đó là một nhà nước độc đảng cộng sản. Chúng ta từng nghĩ chúng ta không thể phong tỏa mà không có hậu quả gì ở Âu Châu… và rồi sau đó nước Ý đã làm được. Và chúng ta đã nhận ra rằng chúng ta có thể làm được.” Và do đó Trung Quốc đã trở thành một hình mẫu cho thế giới: Vũ Hán, Bắc Ý, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và sau đó là tất cả các nước, ngoại trừ một số quốc gia trên thế giới, đều noi theo mô hình phong tỏa này.
Cho đến ngày nay, ông Tập Cận Bình chắc chắn đã đắm chìm trong những lời tán tụng ngày càng nhiều này. Điều đó phô bày sức mạnh chính sách của Trung Quốc trước thế giới. Khi tôi đang viết bài này, Yahoo đưa tin liên quan đến Thượng Hải như sau:
“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ca ngợi chiến lược zero COVID ‘đã được thử nghiệm’ của nước này hôm thứ Sáu – ngay cả khi chính quyền Thượng Hải đã chuẩn bị gần 130,000 giường cho các bệnh nhân nhiễm COVID-19 trong bối cảnh các ca bệnh gia tăng và sự phẫn nộ của công chúng dâng cao.”
Chúng ta chỉ có thể suy đoán bằng cảm tính về những gì đang diễn ra ở đây. Đối với ông Tập, các đợt phong tỏa là thành công lớn nhất của ông ta. Dường như chúng đã khởi tác dụng hai năm trước. Ông ta đã nhận được nhiều lời tán dương trên toàn thế giới, và thế giới đã noi theo hình mẫu của ông ta. Có lẽ điều này khiến ông và Trung Cộng đều cảm thấy tự hào và tự tin một cách lạ thường. Họ đã làm điều đó một cách chính xác, và phần còn lại của thế giới đã sao chép ý tưởng đó mà không thực hiện phong tỏa hoàn toàn được như Trung Quốc.
Cuối cùng, các chính phủ có thể tự tin vào tuyên truyền của chính họ. Đó dường như là những gì đã xảy ra ở đây. Ảo tưởng đó đã ngăn cản ông Tập và Đảng quan sát những gì lẽ ra là điều hiển nhiên đối với bất kỳ ai có chút kiến thức ít ỏi nào về các loại virus, chẳng hạn như điều này: Trong một xã hội và thị trường đang hoạt động, virus sẽ lây lan bất luận thế nào. Như ông Vinay Prasad đã liên tục nhắc nhở chúng ta, mọi người rồi sẽ nhiễm COVID. Và thông qua con đường đó, cuối cùng chúng ta sẽ vượt qua đại dịch này.
Những gì đã xảy ra ở Trung Quốc hiện nay có thể được tiên liệu trước, cũng giống như sự thất bại của chính sách “zero COVID” ở Úc và New Zealand.
Điều này có nghĩa là các ca nhiễm không có dấu hiệu dừng lại ở Trung Quốc. Chúng sẽ lan rộng đến mọi thành phố, mọi thị trấn, mọi miền quê cho đến khi con số khổng lồ 1.4 tỷ người đều bị phơi nhiễm. Có thể điều này có nghĩa là các đợt phong tỏa sẽ kéo dài trong nhiều năm, cùng với tất cả những thiệt hại và bất ổn chính trị nhất thiết sẽ kéo theo. Chắc chắn điều này sẽ có một tác động sâu sắc đến sự tăng trưởng kinh tế và có thể là uy tín của chính Trung Cộng.
Trung Cộng đã phạm một sai lầm rất lớn. Hầu hết các nơi trên thế giới đã phạm sai lầm. Hoa Kỳ không sai lầm ở mức độ khủng khiếp như Thượng Hải, nhưng đây là vấn đề về mức độ, bởi vì lý thuyết đó cũng đã được thử nghiệm ở đây. Trong các nền chính trị dân chủ, các chính trị gia và quan chức chủ yếu cố gắng hạ thấp những sai lầm nghiêm trọng của họ, đồng thời viện cớ để mở cửa trở lại mà không phải xin lỗi. Nhiều người muốn người dân quên đi toàn bộ thảm họa này.
Liệu điều đó sẽ xảy ra ở Trung Quốc? Sự tập quyền đáng kinh ngạc của các đợt phong tỏa đối với những thành tựu mà Trung Quốc tự nhận thấy trong hai năm qua chính là vấn đề. Chừng nào còn có những người nắm quyền ở Bắc Kinh thực sự tin rằng phong tỏa là con đường tiến về phía trước – và không có đảng đối lập nào có quan điểm khác – thì điều này có khả năng vẫn sẽ tiếp tục, đồng thời đặt ra những câu hỏi đáng lưu tâm về tương lai chính trị và kinh tế của đất nước này.
Sự kết hợp kỳ diệu giữa tự do chính trị và kinh tế hóa ra không phải là sự cáo chung của lịch sử. Nhưng chế độ độc tài kiểu Trung Quốc cũng không phải là sự cáo chung, đơn giản là vì nước này không có cơ chế hoạt động để sửa chữa những sai lầm nghiêm trọng. Điều đã cứu Hoa Kỳ khỏi nỗi lo sợ phong tỏa chính là chủ nghĩa đa nguyên chính trị và chủ nghĩa liên bang; Trung Quốc cũng không thể thiết lập theo cách đó được. Do đó, sai lầm về mặt nhận thức này sẽ dẫn đến những hậu quả phi đạo đức.
Các đợt phong tỏa không phải là một giải pháp cho sự lây lan mầm bệnh, trái ngược với những lời bảo đảm của WHO hoặc các nhà khoa học nổi tiếng ở Anh hoặc Hoa Kỳ. Khi các chính phủ trên thế giới cố gắng chứng minh năng lực của mình bằng cách tuyên chiến với sinh học tế bào, cuối cùng họ đã gặp đối thủ. Vô luận một nhà nước mạnh mẽ đến đâu, đều sẽ có những lực lượng của tự nhiên chế ngự nó.
Tucker Carlson on the COVID lockdown in Shanghai: "Has there ever been a clearer picture of what hell is like?" pic.twitter.com/6I1RPtjPIV
— The Post Millennial (@TPostMillennial) April 12, 2022
Tin từ Viện Brownstone
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Jeffrey Tucker là người sáng lập và là chủ tịch của Viện Brownstone. Ông là tác giả của năm cuốn sách, bao gồm “Right-Wing Collectivism: The Other Threat to Liberty” (Chủ Nghĩa Tập Thể Cánh Hữu: Mối Đe Dọa Khác đối với Tự Do).