‘Máy cưa và máy xay sinh tố’: Argentina sắp sa thải 70,000 nhân viên chính phủ
Bill Pan
Tổng thống Argentina Javier Milei đã công bố kế hoạch sa thải 70,000 nhân viên chính phủ trong những tháng tới, nhấn mạnh một bước tiến khác nhằm thực hiện tầm nhìn của những người theo chủ nghĩa tự do về một xã hội với một chính phủ có quy mô nhỏ.
“Chúng tôi tin tưởng vào việc thực hiện một cuộc điều chỉnh tài khóa, vốn liên quan đến rất nhiều máy cưa và máy xay sinh tố,” ông Milei nói trong bài diễn văn kéo dài một tiếng tại sự kiện do Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Khu vực châu Mỹ tổ chức hôm 26/03 tại Buenos Aires. Ông đã đề cập đến kế hoạch nhanh chóng đưa tỷ lệ lạm phát đang dao động quanh mức 250% của quốc gia Nam Mỹ này xuống mức một chữ số.
“Chúng tôi đã loại bỏ hoàn toàn các dự án xây dựng công trình công cộng, vốn là điều mà tôi tự hào, và cũng là điều mà tất cả những người có lương tri nên phản đối. Chúng tôi đã loại bỏ việc chuyển tiền tùy ý đến các tỉnh. Chúng tôi đã sa thải 50,000 viên chức công quyền. Các hợp đồng đã bị hủy bỏ, và 70,000 hợp đồng khác sẽ bị cắt giảm.”
Ông Milei – người tự xưng là một nhà tư bản vô chính phủ – cũng khuyến khích việc chấm dứt hơn 200,000 chương trình phúc lợi xã hội mà ông cho rằng đã được thực hiện một cách “bất thường”. Ông cam đoan với khán giả rằng, “Chính sách xã hội sẽ không bao giờ bị bỏ bê,” đồng thời nói đến việc chính phủ sẽ tăng nguồn phân bổ để giúp người dân trang trải chi phí thực phẩm và học tập.
Trong một tuyên bố với tờ La Nación của Argentina, Casa Rosada [văn phòng tổng thống và trụ sở chính phủ Argentina] giải thích rằng con số 70,000 gồm rất nhiều hợp đồng với nhân viên chính phủ hiện đang được xem xét. Chính phủ của ông Milei lưu ý thêm rằng việc cắt giảm sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, với khoảng 20% nhân viên trong số đó sẽ bị sa thải vào cuối tháng này.
Nhiệm kỳ tổng thống của ông Milei bắt đầu với lời hứa sẽ ngăn chặn vòng xoáy dẫn nền kinh tế đến bờ vực sụp đổ kéo dài hàng thập niên của Argentina. Hồi tháng 12/2023, khi ông tuyên thệ nhậm chức, hơn 26 triệu người – tương đương 49% dân số của đất nước – đang sống trong cảnh nghèo đói.
Mặc dù có nguồn tài nguyên kinh tế phong phú nhưng Argentina đã chín lần vỡ nợ. Đất nước này thường phải đối mặt với khoản nợ ngoại quốc ngày càng tăng, bao gồm các khoản vay hàng chục tỷ dollar từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và gần đây là từ Trung Quốc – đối tác thương mại lớn thứ hai của nước này.
Trước khi ông Milei xuất hiện, nền chính trị Argentina bị chi phối bởi chủ nghĩa Peron – một phong trào dân túy được thành lập vào những năm 1940 với đặc trưng là các chính sách công tập thể và thiên tả như quốc hữu hóa ngân hàng trung ương và các tập đoàn lớn, mở rộng phúc lợi xã hội, và thiết lập liên minh với các nghiệp đoàn lao động.
Trong bài diễn văn hôm 26/03, ông Milei nhắc lại lời hứa của mình về việc từ bỏ hiện trạng chủ nghĩa Peron hiện tại, mà ông mô tả là một “thảm họa thực sự”.
“Người Argentina chúng ta đã mất 80% thu nhập của mình trong hoạt động dân túy liều lĩnh diễn ra những năm gần đây,” ông nói. “Năm triệu người Argentina không đủ ăn. Và chúng ta cũng bị thâm hụt kép [thâm hụt tài khóa và thâm hụt mậu dịch] 17 điểm GDP.”
Ông Milei cũng bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng biện pháp cắt giảm quy mô kiểu máy cưa này không bền vững, rằng chính phủ của ông phải hành động nhanh chóng để làm những gì cần thiết nhằm đạt được sự phục hồi kinh tế theo mô hình “dạng chữ V”. Ông cũng chỉ trích các chính trị gia “không muốn từ bỏ công việc và tìm cách duy trì các đặc quyền của mình” đang cản trở cuộc cải tổ của ông.
Ông nói, “Chúng tôi đã làm những gì chúng tôi phải làm, và điều đó cho thấy một sự dũng cảm mà những người khác không có, gây bất hạnh cho câu lạc bộ trực thăng* đó và tất cả những người muốn chúng tôi không thành công, đặc biệt là những người phàn nàn rằng chúng tôi đã cắt giảm công việc của họ.”
Kể từ khi nhậm chức vào năm ngoái, nhà kinh tế học trường phái Áo được bầu làm tổng thống này đã thực hiện các biện pháp nhằm chống lại chủ nghĩa can thiệp nhà nước trong quá khứ của Argentina, bao gồm việc phá giá đáng kể đồng peso và giảm mạnh chi tiêu của chính phủ.
Trong bài diễn văn hôm 17/01 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Milei lập luận rằng chìa khóa để chống đói nghèo trên toàn cầu là chấp nhận – chứ không phải bác bỏ – những lý tưởng của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do.
“Không phải là nguyên nhân gây ra các vấn đề của chúng ta, chủ nghĩa tư bản doanh nghiệp tự do, với tư cách là một hệ thống kinh tế, là công cụ duy nhất chúng ta có trong tay để chấm dứt nạn đói, nghèo, và vô gia cư,” ông cho biết. “Kinh nghiệm thực chứng là không thể chối cãi.”
Cuộc cải tổ sâu rộng của ông Milei đã nhận được sự ủng hộ từ các nhà quan sát bên ngoài, trong đó có Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen – người tán dương Argentina đã thực hiện “các bước quan trọng nhằm khôi phục tính bền vững tài khóa, điều chỉnh tỷ giá hối đoái, và chống lạm phát.”
Bà Kristalina Georgieva, người đứng đầu IMF, cũng lên tiếng ủng hộ những nỗ lực của chính phủ ông Milei.
“Nền kinh tế Argentina đang trong tình trạng tồi tệ đến mức cần phải thay đổi toàn diện. Tổng thống Milei và nhóm của ông ấy đang làm chính xác điều đó,” bà nói trong cuộc phỏng vấn với CNN tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi tháng Một. Argentina hiện là con nợ lớn nhất của IMF với số dư nợ lên tới 46 tỷ USD.
[*“Câu lạc bộ trực thăng” là cách gọi đối với nhóm các nhà lãnh đạo chính trị và nghiệp đoàn, những người bày tỏ mong muốn ông Mauricio Macri không kết thúc nhiệm kỳ của mình vào tháng 12/2019].