Maine: Tiến đến việc liên kết phiếu đại cử tri với ứng cử viên chiến thắng trong cuộc Bầu cử Phổ thông Toàn quốc
Bill Pan
Cơ quan lập pháp của Maine đã thông qua dự luật sẽ trao bốn phiếu đại cử tri của tiểu bang trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cho người giành được đa số phiếu trong cuộc bầu cử phổ thông toàn quốc.
Hôm 02/04, dự luật do Đảng Dân Chủ hậu thuẫn này đã được Hạ viện Maine thông qua với tỷ lệ sít sao 73 phiếu thuận–72 phiếu chống trước sự phản kháng quyết liệt từ Đảng Cộng Hòa. Thượng viện tiểu bang đã lập tức làm theo vào ngày hôm sau, khi thông qua dự luật này bằng cuộc bỏ phiếu chủ yếu theo quan điểm đảng phái với 18 phiếu thuận–12 phiếu chống, và Thượng nghị sĩ tiểu bang thuộc Đảng Cộng Hòa Matt Pouliot bỏ phiếu ủng hộ trong khi một vài thành viên Đảng Dân Chủ phản đối.
Hiện dự luật đang chờ sự chấp thuận của Thống đốc Janet Mills – người có 10 ngày để ký, phủ quyết, hoặc cho phép dự luật trở thành luật mà không cần chữ ký của bà.
Vị thống đốc Đảng Dân Chủ này vẫn chưa cho biết liệu bà có ký dự luật này thành luật hay không. Nếu bà chọn không phủ quyết, Maine sẽ cùng 15 tiểu bang khác và District of Columbia áp dụng Hiệp ước Liên tiểu bang về Lá phiếu Phổ thông Toàn quốc – cam kết rằng các lá phiếu đại cử tri của họ sẽ thuộc về ứng cử viên tổng thống có tổng số phiếu bầu cao nhất trên toàn quốc.
Các tiểu bang đó là California, Colorado, Connecticut, Delaware, Hawaii, Illinois, Maryland, Massachusetts, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Rhode Island, Vermont, và Washington. Tính đến thời điểm hiện tại, các tiểu bang thành viên của hiệp ước này đang cùng nhau kiểm soát 205 lá phiếu đại cử tri, thiếu 65 phiếu so với số phiếu cần thiết để đưa người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu phổ thông toàn quốc vào thẳng Tòa Bạch Ốc.
“Năm 2000, chúng ta đã bầu một tổng thống không nhận được nhiều phiếu bầu nhất và sau đó một lần nữa vào năm 2016, chúng ta đã bầu một tổng thống không nhận được nhiều phiếu bầu nhất,” Dân biểu tiểu bang Maine Arthur Bell, người bảo trợ hàng đầu cho dự luật này, nói hồi tháng Một. “Điều đó thật khó xử và mang lại cảm giác không ổn chút nào.”
Ông Bell đang đề cập đến các cựu Tổng thống (TT) George W. Bush và Donald Trump. Cựu TT George W. Bush đã giành được nhiều phiếu bầu nhất về cả phiếu phổ thông lẫn phiếu đại cử tri hồi năm 2004, và vẫn là tổng thống Đảng Cộng Hòa gần đây nhất đã làm được điều này. Trong khi đó, Đảng Dân Chủ đã giành được số phiếu phổ thông trong mỗi cuộc bầu cử kể từ chiến thắng tái tranh cử của TT Bush năm 2004.
“Luật sẽ mang lại cho phiếu bầu của mọi người một trọng lượng như nhau,” ông Bell cho biết, nói về đề xướng của mình. “Phiếu bầu của quý vị sẽ được tính giống như của tôi và giống như ai đó ở California hoặc Texas hoặc bất kỳ nơi nào khác.”
Các thành viên Đảng Cộng Hòa không đồng tình. Họ lập luận rằng việc ràng buộc số phiếu đại cử tri của Maine với mức độ phổ biến của một ứng cử viên ở cấp quốc gia sẽ khiến tiếng nói của cử tri Maine ít quan trọng hơn – đặc biệt là đối với những người ở khu vực nông thôn có tư tưởng bảo tồn truyền thống của tiểu bang này.
“Dự luật này sẽ xóa bỏ tiếng nói của quý vị,” Dân biểu tiểu bang Laurel Libby nói với cử tri của bà trên Facebook. “Trong tương lai với hiệp ước này, tiếng nói của quý vị sẽ không được lắng nghe trong cuộc bầu cử tổng thống khi dự luật này có hiệu lực.”
Lên án dự luật này là một “đường tắt” “lừa dối hệ thống”, bà Libby nói thêm rằng nếu Đảng Dân Chủ muốn thay đổi cách người Mỹ bầu ra các tổng thống của mình, thì họ nên thúc đẩy sửa đổi Hiến Pháp thay vì theo đuổi chiến lược hiệp ước liên tiểu bang.
Cần phải có ⅔ số phiếu trong Quốc hội Hoa Kỳ để thông qua bản tu chính Hiến Pháp, bên cạnh việc phải có sự phê chuẩn của ¾ số tiểu bang – một ngưỡng cao hơn đáng kể so với việc chỉ thông qua dự luật trong Cơ quan Lập pháp tiểu bang.
Bà nói: “Đó là hành vi trốn tránh Hiến Pháp một cách trắng trợn. Nó cho thấy sự thiếu tôn trọng đối với người dân Maine, đối với Hiến Pháp, và đối với các nguyên tắc lập quốc của đất nước chúng ta.”
Ngoài ra, trong số những người chỉ trích biện pháp này còn có ông Matthew Gagnon, Tổng giám đốc của tổ chức nghiên cứu phi đảng phái Viện Chính sách Maine. Ông nói rằng các thành viên Đảng Dân Chủ nên cẩn thận với những gì họ mong muốn, vì những nỗ lực trước đây của họ nhằm thực hiện những thay đổi sâu rộng về thể chế để đạt được các lợi ích ngắn hạn đã dẫn đến những hậu quả không lường trước được.
“Quý vị có nhớ khi Đảng Dân Chủ thay đổi các quy tắc tranh luận không giới hạn cản trở thông qua dự luật (filibuster) ở Thượng viện để tấn công những người được bổ nhiệm tư pháp thời cựu Tổng thống Obama không? Chà, tiền lệ đó là lý do vì sao Tối cao Pháp viện hiện có khối đa số bảo tồn truyền thống 6-3, vì Đảng Cộng Hòa đã tận dụng tối đa lợi thế,” ông Gagnon viết trong bài bình luận hôm thứ Tư (03/04).
Kêu gọi thống đốc phủ quyết dự luật này, ông Gagnon lưu ý rằng chỉ vì Đảng Cộng Hòa dường như đang “thua” về mặt giành chiến thắng các cuộc bầu cử phổ thông toàn quốc, không có nghĩa là xu hướng này sẽ tiếp tục vô thời hạn trong các cuộc bầu cử trong tương lai.
Ông viết: “Hãy cẩn thận khi tin rằng một trong hai đảng đang giành chiến thắng nhiều cuộc bầu cử phổ thông hơn ở bất kỳ thời đại nào chỉ vì họ được yêu thích hơn. Nếu bầu cử là một cuộc cạnh tranh đơn giản về mức độ phổ biến, thì họ sẽ thực hiện các chiến dịch hoàn toàn khác, và chúng ta sẽ không bao giờ biết những chiến dịch đó sẽ thành công như thế nào.”
“Nếu chúng ta thực sự muốn thực hiện sự thay đổi này, thì cần phải được thực hiện thông qua tu chính Hiến Pháp. Bà Mills phải phủ quyết dự luật này.”