Lưu Bá Ôn và những câu chuyện tiên tri vượt thời gian
Dật Danh Thực
Lưu Bá Ôn, tên Cơ, tự là Bá Ôn, sinh ngày 1 tháng Bảy năm 1311, tại thôn Vũ Dương, trấn Nam Điền, huyện Văn Thành, quận Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang (trước đây thuộc huyện Thanh Điền). Ông là một nhà quân sự, chính trị gia, và thi nhân vào cuối triều Nguyên và đầu triều Minh. Lưu Bá Ôn thông kinh sử, hiểu thiên văn, và giỏi binh pháp. Ông phò tá Chu Nguyên Chương – bình định Trần Hữu Lượng ở phía tây, Trương Sĩ Thành ở phía nam, lật đổ nhà Nguyên, hoàn thành đế nghiệp cho nhà Minh. Thành tích ấy cộng thêm rất nhiều khả năng tiên đoán thần kỳ, nhờ đó tên tuổi Lưu Bá Ôn vang lừng thiên hạ.
Câu chuyện thần kỳ
Nghe nói có một câu chuyện thần kỳ về sự ra đời của Lưu Bá Ôn. Tằng tổ phụ của Lưu Bá Ôn tên là Lưu Hạo, đậu Tiến sĩ thời nhà Tống. Vào thời Nam Tống, gia đình ông chuyển từ Phong Bái ở Giang Tô đến Hàng Châu. Sau khi triều Nam Tống sụp đổ, gia đình lại chuyển từ Hàng Châu đến vùng núi Nam Điền, thuộc huyện Thanh Điền.
Phụ thân và mẫu thân của ông đều là những người rất nhân từ và lương thiện. Phụ thân Lưu Dược từng làm chức quan Giáo dụ (nắm giữ việc tế tự văn miếu). Một hôm, có một người ăn xin bị chốc đầu đến nhà xin ăn. Phụ mẫu của Lưu Bá Ôn không chỉ cung cấp cơm nước, mà còn lên núi lấy thuốc chữa bệnh lở loét đầu cho anh ta. Người ăn xin cảm động thiện tâm của họ, nên bảo hai người hãy đem hài cốt tổ tiên chôn dưới chân núi Ngũ Phong ở phía sau nhà, sau này tất có tài năng tương xứng. Lưu Dược liền đem hài cốt tổ tiên chôn ở chân núi. Ba năm sau, vợ của Lưu Dược sinh hạ được Lưu Bá Ôn.
Lưu Bá Ôn kỳ nhân kỳ sự
Lưu Bá Ôn thuở nhỏ thần trí hơn người. Ông có năng lực cái gì đã xem qua thì không bao giờ quên. Mới 3 tuổi đã bắt đầu biết chữ, 5 tuổi có thể đọc thuộc lòng thơ Đường. Lúc 12 tuổi, Lưu Bá Ôn đã theo phụ thân đến thành Quát ở phủ thành Xử Châu để nghiền ngẫm “Kinh Xuân Thu”. Năm 1327, Trịnh Phục Sơ, một nhà lý luận học nổi tiếng lúc bấy giờ, đến giảng bài ở Thạch Môn Động, cách huyện Thanh Điền bảy mươi dặm. Trong một lần đến thăm, ông đã khen ngợi phụ thân của Lưu Bá Ôn và nói: “Tổ tiên của ông tích được công đức sâu dày, để lại phúc ấm cho con cháu đời sau. Cậu bé này xuất chúng như thế, tương lai chắc chắn sẽ làm rạng rỡ gia tộc nhà ông.”
1. Bí ẩn trong mật thất hoàng cung
Theo “Tam cương thức lược” ghi chép lại, trong đại nội hoàng cung triều Minh có một mật thất, tương truyền là do Lưu Bá Ôn thiết lập, được canh gác nghiêm ngặt. Các đời đều nối nhau truyền rằng: không gặp đại biến thì không được mở. Hai trăm năm sau, Lý Tự Thành vây thành Bắc Kinh. Cuộc vây hãm và tiến đánh rất cấp bách. Hoàng đế Sùng Trinh đích thân mở căn mật thất đó. Bên trong có một tủ sách, trong đó cất giấu ba bức họa.
Bức tranh đầu tiên vẽ mấy chục quan viên văn võ, xõa tóc đi lại hỗn loạn. Ông hỏi nội thần và được hồi đáp rằng: “Lẽ nào là nói phần lớn các quan viên tham gia vào việc làm loạn pháp?” Bức tranh thứ hai vẽ nhiều binh lính và tướng lĩnh trở giáo vứt giáp, dân chúng khó nhọc chạy tán loạn. Hoàng đế Sùng Trinh lại hỏi: “Chẳng lẽ là nói quân dân đều làm phản hết rồi sao?” Mở bức tranh thứ ba, thấy người trong tranh giống hệt mình, mặc áo màu trắng, chân phải để trần, xõa tóc treo dưới gốc cây. Nội thần không dám trả lời, Hoàng đế Sùng Trinh đột nhiên biến sắc. Vài ngày sau, thành bị chiếm và Hoàng đế Sùng Trinh treo cổ tự ải trên núi Cảnh Sơn, giống y như những gì trong tranh vẽ.
2. ‘Thiêu bính ca’
Một hôm, Minh Thái Tổ đang ngự trong nội điện và ăn bánh nướng. Vừa cắn một miếng, nội giám báo tin Quốc sư Lưu Bá Ôn xin yết kiến. Sau khi dùng cái bát đậy lên bánh nướng, Thái Tổ liền cho triệu Lưu Bá Ôn vào nội điện. Hành lễ xong, Thái Tổ hỏi: “Khanh tinh thông lý số, có thể biết trong bát là vật gì không?” Lưu Bá Ôn bấm ngón tay tính toán một lát, đáp rằng: “Bán tự nhật hề bán tự nguyệt, tằng bị kim long giảo nhất khuyết, thử thực vật dã.” (Nghĩa là: Nửa giống mặt trời, nửa giống mặt trăng, từng bị rồng vàng cắn một miếng, đây là đồ ăn vậy.) Mở bát ra, quả nhiên đúng như những gì ông nói. Chu Nguyên Chương vừa ăn bánh nướng, vừa bảo Lưu Bá Ôn dự đoán vận mệnh thiên hạ của Chu gia. Vua tôi người hỏi, người đáp, và hình thành nên nội dung của “Thiêu bính ca”.
Trong “Thiêu bính ca” dự đoán rất nhiều đại sự bắt đầu từ Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương cho đến sau này: Việc Yên Vương soán ngôi, biến cố Thổ Mộc, hoạn quan loạn chính, sự sụp đổ của nhà Minh, Sùng Trinh tự ải, quân Thanh vào Quan Trung, người Hán cắt tóc, thời đại thịnh thế của Khang Hy và Càn Long, triều đại cuối cùng Mãn Thanh. Những lời tiên tri này đều đã được lịch sử kiểm chứng.
3. Văn bia của Lưu Bá Ôn
Vào năm Ất Mão 1915, đất Sơn Tây bị nứt, hiện ra văn bia của Lưu Bá Ôn. Người đời sau gọi nó là “Thái Bạch sơn Lưu Bá Ôn bi ký” (Bia ký của Lưu Bá Ôn ở núi Thái Bạch). Văn bia được làm theo thể thơ ngũ ngôn, gồm hai thiên, tổng cộng có 148 câu. Trong đó dự đoán rõ ràng những biến cố lớn mà xã hội Trung Quốc phải đối mặt từ cuối thời nhà Thanh cho đến hiện nay. Văn bia này là lời cảnh báo đến thời kỳ mạt Pháp mạt kiếp, mức độ bại hoại của đạo đức nhân loại, những tai họa mà nhân loại phải đối mặt, việc Phật Di Lặc hạ thế để cứu độ chúng sinh, cho đến những thái độ khác nhau của chúng sinh đối với sự kiện này sẽ mang lại kết quả khác nhau.
Trong đó, Phật Di Lặc nói: “Thiện tai! Thiện tai! Các thiện nam tín nữ, Phật ta đây truyền ba chữ và ba Pháp, chính là Tam Bảo của Phật. Ngoài ra còn có hai viên ngọc trường sinh và ba mươi sáu Phật bảo, một bước đạt được, không cầu miệng suông, chỉ cầu chân tâm và sự thực hành chân thật. [Nếu có những thứ ấy] tất sẽ đắc những điều huyền diệu, trường sinh mãi mãi, đạt được chính quả, từ phàm nhân trở thành Thánh nhân, vĩnh viễn thoát khỏi biển khổ.”
Bức tranh bí mật ở mật thất trong hoàng cung do Lưu Bá Ôn để lại và những lời tiên tri trong “Thiêu bính ca” đều được lịch sử chứng nghiệm. Giờ đây, lời tiên tri của “Bia ký Lưu Bá Ôn ở núi Thái Bạch” phù hợp với sự bùng phát của “Viêm phổi Trung Cộng” vào năm Hợi (2019) và Tý (2020). Phần cuối cùng trong dự đoán của Lưu Bá Ôn cũng đi đến giai đoạn sắp được chứng thực ở nhân gian.