Lời khuyên từ Tổ phụ John Adams: ‘Điều quan trọng hơn cả là…’
Một trong những vị Tổ phụ Lập quốc mà tôi yêu mến là ngài John Adams. Theo quan điểm của tôi, ngài ấy không chỉ là người có trí tuệ xuất sắc nhất trong số các Tổ phụ Lập quốc, mà còn là người thông thái nhất. Ngài sở hữu cả kiến thức vĩ đại lẫn trí tuệ vĩ đại. Ngài ấy không nhìn thế giới qua lăng kính màu hồng. Tuy nhiên, ngài cũng không phải là một người đa nghi – mặc dù trên thực tế thì ngài có những lý do dễ hiểu để trở thành một người như vậy.
Ngài Adams là người có vốn hiểu biết sâu rộng, đặc biệt là về lịch sử. Ngài thông thạo một số ngôn ngữ, đặc biệt là tiếng Latin, và có thể đọc các tác phẩm kinh điển của Hy Lạp và La Mã bằng chính ngôn ngữ gốc. Khi đương đầu với những thách thức tất yếu phải có gắn liền với việc thiết lập nền độc lập của một quốc gia, và thiết lập các thể chế sáng lập của quốc gia đó, ngài luôn xem lịch sử như kim chỉ nam và có thể trích dẫn nhiều ví dụ từ nhiều quốc gia làm những tấm gương đối chiếu để phỏng theo hay tránh khỏi.
Nhưng một trong những điều ở ngài khiến tôi thấy thu hút nhất là cách ngài ấy viết cho các con của mình, đặc biệt là cho cậu con trai lớn, ông John Quincy Adams, người trở thành nghị sĩ, ngoại trưởng, và là tổng thống Hoa Kỳ (trong số nhiều vai trò khác). Ngài Adams đã đưa con trai John Quincy trong chuyến đi Âu Châu với tư cách là Bộ trưởng Hoa Kỳ đến Pháp vào năm 1778. Lý do cho việc này có lẽ được bày tỏ rõ ràng nhất bởi mẹ cậu, phu nhân Abigail Adams, trong những bức thư đầu tiên của bà gửi cho cậu bé 10 tuổi này khi cậu đến Paris: “Hãy nâng cao hiểu biết của con để có được kiến thức hữu dụng và đức hạnh, những thứ sẽ khiến cho con trở thành điểm sáng cho xã hội, niềm Vinh Dự cho Đất Nước của con, và là Phước Lành cho cha mẹ của con.” Trở thành một phần của gia đình Adams có nghĩa là sự phụng sự cho cộng đồng gần như là một điều hiển nhiên.
Tôi yêu thích nhất môt trong những bức thư ngài Adams viết năm 1782 cho con trai ông. Người cha thì ở Amsterdam, còn cậu con thì ở St. Petersburg, làm thư ký cho đại sứ Hoa Kỳ tại Nga. Ngài Adams lần đầu tiên khen ngợi con trai mình về những vấn đề thực tiễn hơn:
“Cha rất hài lòng về việc con học tiếng Đức vì nhiều lý do, và chủ yếu là bởi cha được biết rằng khoa học và văn học hiện nay đang nở rộ mạnh mẽ ở Đức hơn bất cứ nơi đâu. Nhiều loại ngôn ngữ sẽ không có hại gì trừ phi con có thói quen quan tâm nhiều đến ngôn từ hơn là các sự vật sự việc.”
Bảo đảm cho con trai mình trở thành một người đa ngôn ngữ là điều quan trọng đối với ngài Adams, vì điều đó không chỉ giúp con trai ông trở thành một nhà ngoại giao tài giỏi hơn mà còn là một người đọc các văn bản cổ điển tốt hơn nữa – vốn là ngọn nguồn chủ yếu của sự giáo dục mà chính ngài Adams và nhiều vị Tổ phụ khác có được. Nhưng, như ngài đã nhấn mạnh với ông John Quincy, mục đích của ngôn ngữ là để mô tả sự vật sự việc, và do đó hiểu rõ hơn về thực tế là điều mà ngài ấy chú trọng.
Nhưng vàng ròng thực sự là nằm ở đoạn thứ hai (và cũng là đoạn cuối cùng) của bức thư này:
“Nhưng, con trai yêu quý à, trên hết thảy, con hãy giữ lấy sự thuần khiết và lương tâm trong sáng. Đạo đức của con đối với bản thân con và cả thế giới là quan trọng hơn tất cả mọi ngôn ngữ và mọi loại khoa học. Một vết nhơ trong nhân phẩm dù nhỏ nhất cũng sẽ làm tổn hại hạnh phúc của con nhiều hơn tất cả các thành tích mà con sẽ đạt được.”
Ở đây, chúng ta thấy điều cốt lõi trong sự hiểu biết của ngài John Adams là đạo đức có tính ưu việt vượt xa tính thực tiễn và tính cần thiết. Vì ngài ấy biết một nền cộng hòa tự do đòi hỏi một nền tảng đạo đức để tồn tại, nên ngài biết chân lý đồng dạng cũng áp dụng cho các cá nhân. Thật vậy, mọi nơi mọi lúc, cả ngài Adams và phu nhân Abigail đều dạy ông John Quincy rằng không chỉ có tư cách đạo đức là cần thiết để có hạnh phúc, mà còn phải chịu trách nhiệm trước Đức Chúa Trời về hành vi của mình trong cuộc sống này.
Như Benjamin Franklin đã nói trong ấn bản năm 1741 của “Poor Richard’s Almanack” (“Niên Giám của Richard Đáng Thương”), “một lương tâm trong sạch là một Giáng Sinh trường kỳ.” Làm những gì chúng ta biết là đúng là điều cần thiết để có một cảm giác lành mạnh về giá trị bản thân và lòng tự tin. Lương tâm bị phân cực là con đường dẫn đến bất an, tức giận, và bất hạnh. Vô luận chúng ta chiến đấu để có được lương tâm ấy như thế nào, thì chúng ta buộc phải tầm cầu phía thiện lương.
Và quả là một bài học cho tất cả chúng ta suy ngẫm, đặc biệt là trong thời đại mà hệ thống giáo dục của chúng ta đã bị chế ngự bởi quan điểm kinh tế và kỹ trị (technocratic), như thể mục đích căn bản và thiết yếu của việc đào tạo chỉ đơn thuần là khiến con cháu chúng ta đạt được hiệu quả về mặt kinh tế, chứ không phải đào tạo chúng trở thành người có đức hạnh vậy! Cho nên không có gì ngạc nhiên khi số người trẻ tuổi bị trầm cảm và lo lắng đang ở mức kỷ lục.
Nhưng vì ngài John Adams đã biết – và khi ông dạy con trai mình về điều này, một trong những lời khuyên của bậc làm cha hay nhất của ông – để hạnh phúc, đạo đức là quan trọng hơn nhiều so với năng suất lao động, cả trong đời này và đời sau.
Tác giả Joshua Charles từng là người viết diễn văn tại Tòa Bạch Ốc cho cựu Phó Tổng thống Mike Pence. Ông là nhà sử học, diễn giả và là tác giả của một số cuốn sách bán chạy số 1 trên The New York Times. Ông cũng là cố vấn lịch sử cho một số bộ phim tài liệu và xuất bản sách về các chủ đề khác nhau, từ các Tổ phụ Lập quốc, Israel, vai trò của đức tin trong lịch sử Hoa Kỳ, đến tác động của Kinh Thánh đối với nền văn minh nhân loại.