Lời hứa mong manh của Taliban hung bạo về tôn giáo và các quyền của phụ nữ
Nhiều người hẳn đã chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng trong cuộc tiến công không gì có thể ngăn cản được của phiến quân Taliban tại Afghanistan. Đi cùng cuộc tiến công này là sự đàn áp tàn bạo, các vụ hành quyết những người bị nghi ngờ cộng tác với chính phủ hoặc đồng minh Hoa Kỳ của chính phủ đó, cũng như sự miệt thị phụ nữ và các bé gái.
Vào ngày 15 và 16/08, phi trường Kabul đã chứng kiến những cảnh tượng vô cùng thảm khốc, nhiều người dân bám vào những chiếc phi cơ quân sự và bị rơi từ trên cao xuống.
Nội trong mười một ngày, cả đất nước Afghanistan đã bị Taliban chiếm đóng.
Khi tiến vào thủ đô Kabul, Taliban phát hiện ra thành phố đó về căn bản là không được phòng thủ. Các phiến quân Taliban đã dọn vào Dinh Tổng thống bỏ trống – Tổng thống Ashraf Ghani đã đào thoát ra ngoại quốc sống lưu vong. Cứ như thể những vị trí then chốt của thành phố đã được trao cho nhóm khủng bố này, những kẻ sẽ sớm tuyên bố thành lập một Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thừa nhận rằng các sự kiện này đã xảy ra nhanh hơn rất nhiều so với những gì mà chính phủ của ông dự đoán. Tuy nhiên, thay vì thừa nhận trách nhiệm đối với sự tàn sát và sự sụp đổ của Afghanistan, ông ấy đã đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự của quốc gia này vì đã bỏ cuộc và tháo chạy khỏi đất nước họ.
Khi phủ nhận vai trò của mình trong sự sụp đổ của Afghanistan, phản ứng của Tổng thống Hoa Kỳ bộc lộ sự ngây thơ của chính phủ của ông. Nó cũng là dấu hiệu cho thấy tình trạng bất ổn đang đe dọa di sản dân chủ của phương Tây.
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng hơn đặt ra cho các đồng minh dân chủ, và đó là cuộc khủng hoảng nhân quyền sắp tới có thể xuất hiện dưới sự cai trị của Taliban.
Chính quyền của Taliban đã được một số quốc gia độc tài công nhận.
Trong lần nắm quyền gần đây nhất vào năm 1996, nhóm khủng bố này chỉ được ba quốc gia công nhận, bao gồm: Pakistan, Saudi Arabia, và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Lần này, Nga, Pakistan, Trung Quốc, và Iran vẫn duy trì đại sứ quán của họ ở Kabul, trong khi các quốc gia như Úc và Hoa Kỳ đã đóng cửa đại sứ quán của mình.
Moscow đã công nhận chính quyền của Taliban, và đang khuyến khích các quốc gia khác thiết lập “mối bang giao hữu hảo” với các nhà lãnh đạo mới của Afghanistan và “chấm dứt chính sách vô trách nhiệm trong việc áp đặt các giá trị xa lạ từ ngoại bang.”
Bắc Kinh cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với giới lãnh đạo Taliban về ngoại giao, kêu gọi “các mối bang giao lành mạnh”, trong khi Thủ tướng Pakistan Imran Khan thì hăng hái tuyên bố rằng người Afghanistan đã “phá bỏ xiềng xích của chế độ nô lệ”.
Hiện ngay cả Liên minh Âu Châu đã quyết định tối thiểu công nhận phần nào Taliban.
“Taliban đã chiến thắng trong trận chiến này, vì vậy chúng tôi sẽ phải thương thảo với họ,” ông Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên minh Âu Châu, cho biết trong một cuộc họp báo. “Đây không phải là chuyện công nhận chính thức. Đây là chuyện đối phó” với Taliban.
Vậy, một số hậu quả trước mắt của phiến quân Taliban hung bạo này là gì? Lần cai trị lần đầu tiên từ 1996 đến 2001 của Taliban có thể cho chúng ta một số chỉ dấu.
Đầu tiên là, hệ tư tưởng của Taliban có thể sẽ kích động những kẻ khủng bố trên toàn thế giới. Thậm chí những phiến quân này còn thông báo trên truyền hình rằng nhiệm vụ của họ sẽ chỉ hoàn thành khi cả thế giới phải quy phục trước danh hiệu khủng bố Hồi giáo của họ. Do đó, sẽ có cảm giác bất an ở phương Tây, khi mà hoạt động khủng bố có khả năng sẽ xảy ra tàn khốc hơn.
Thứ hai là, sự sụp đổ của chính phủ Afghanistan sẽ đưa đến một hậu quả chắc chắn là phụ nữ và các bé gái sẽ lại tiếp tục phải chịu sự phân biệt đối xử và bị áp bức dã man.
Trong một bài báo được xuất bản vào hôm 16/08, ông Greg Sheridan, biên tập viên ngoại quốc của tờ The Australian đã viết:
Từ giờ trở đi, một lần nữa, các thiếu nữ, bé gái chưa đến tuổi vị thành niên, sẽ bị gả cho những người đàn ông lớn hơn họ nhiều tuổi, thường là có rất nhiều vợ.
Các bé gái sẽ không được đến trường, sẽ không được cho học đọc và viết, chứ đừng nói là hát, họ sẽ không được phép làm việc ở hầu hết các ngành nghề, không được phép đi chợ nếu không có sự cho phép, và thường phải có mặt người đàn ông là chủ gia đình của họ.
Và thứ ba là, việc Taliban quay trở lại cai trị Afghanistan có nghĩa là sẽ có sự trở lại của luật Sharia, cách diễn giải luật Hồi giáo của nhóm khủng bố này.
Để hiểu nghĩa là như thế nào, những người Afghanistan theo đạo Cơ đốc tại đất nước này đã thuật lại rằng, khi Kabul bị tiếp quản, họ dự đoán là họ sẽ bị hành quyết. Một số báo cáo xác nhận rằng Taliban đã “đang tiến hành các vụ hành quyết có chủ đích đối với các tín đồ Cơ đốc và các nhóm tôn giáo thiểu số khác, được truy tìm ra qua nhu liệu Kinh thánh được cài đặt trên điện thoại di động của họ.”
Kể từ khi chính quyền Taliban sụp đổ năm 2001, cộng đồng Cơ đốc giáo đã phát triển đáng kể, một phần nhờ vào chút an ninh được duy trì bởi lực lượng Hoa Kỳ đóng quân tại đây.
Vào năm 2019, nhiều người Afghanistan theo Cơ đốc giáo đã tự nguyện đưa tôn giáo của họ vào thẻ căn cước quốc gia. Giờ đây, việc Hoa Kỳ rút quân đã khiến người Afghanistan phải đối mặt với nguy cơ sắp bị hành quyết công khai, bị đánh bằng roi, và bị cắt cụt tứ chi dưới thời Taliban.
Có tin là các tín đồ Cơ đốc giáo đang trốn lên vùng đồi núi để cố gắng tìm nơi an toàn. Trong khi đó, hãy nghĩ rằng các chính phủ dân chủ – bao gồm cả chính phủ Úc – có rất ít quyền hạn để bảo vệ phụ nữ Afghanistan và các nhóm tôn giáo thiểu số.
Hiện giờ sẽ có những lời buộc tội lẫn nhau và những lời chỉ trích không dứt về cách mà cuộc chiến này đã diễn ra.
Một số người sẽ nói một cách miệt thị rằng liên minh đã tiếp cận dự án Afghanistan như một sự kiện thể thao của các quý ông, và họ chưa bao giờ sẵn sàng hoàn tất công việc được giao phó.
Dĩ nhiên, thất bại này không liên quan nhiều đến năng lực công nghệ hoặc quân sự của Hoa Kỳ và các đồng minh, mà liên quan nhiều hơn đến sự suy yếu các giá trị và quyết tâm của phương Tây trong việc đạt được các thành quả có thể tính được.
Máu của người vô tội sẽ dẫn đến sự nhượng bộ của công lý khi mà các nhà lãnh đạo dân chủ không tránh khỏi việc phải nhắm mắt làm ngơ trước những hành động diệt chủng của nhóm khủng bố này.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Ông Gabriël A. Moens là giáo sư luật danh dự tại Đại học Queensland, và từng là phó viện trưởng, trưởng khoa, và giáo sư luật tại Đại học Murdoch.
Tiến sĩ Augusto Zimmermann là giáo sư và trưởng khoa luật tại Viện Giáo dục Đại học Sheridan ở Perth. Ông cũng là chủ tịch của Hiệp hội Lý thuyết Pháp lý Tây Úc, tổng biên tập của tạp chí luật Western Australian Jurist, và là một cựu ủy viên cải cách luật ở Tây Úc.