Lo ngại lạm phát gia tăng khi hàng hóa tăng giá
Các nhà kinh tế bắt đầu cảm thấy bất ổn hơn khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) có vẻ đã quá tự mãn với dự báo lạm phát của họ và rồi thắt chặt chính sách tiền tệ hơi muộn màng để ngăn chặn cơn lạm phát nguy hại.
Một số nhà kinh tế đã cảnh báo trong nhiều tháng rằng chi tiêu quá mức của chính phủ để giúp Hoa Kỳ phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch gây ra có thể làm nền kinh tế quá nóng và thúc đẩy lạm phát.
Người Mỹ đang chứng kiến giá cả nhiều loại sản phẩm tăng vọt trong tháng Năm này. Tình trạng thiếu hụt hàng hóa trên toàn thế giới dẫn đến việc tăng giá nhiều loại nguyên liệu thô là những dấu hiệu mới nhất cho thấy lạm phát có thể đang gia tăng nhanh chóng.
Trong khi các quan chức FED tuyên bố rằng họ nắm giữ đủ công cụ để kiểm soát lạm phát, các nhà kinh tế nổi tiếng bày tỏ lo ngại rằng ngân hàng trung ương rốt cuộc có thể đang chờ quá lâu trước khi có hành động.
Theo nhà kinh tế John Taylor của Đại học Stanford, có nhiều chỉ số cho thấy nền kinh tế đã khởi sắc, nhưng chính sách chưa được điều chỉnh tương ứng.
Ông nói với The Epoch Times: “Vì vậy, tôi lo ngại rằng FED có thể can thiệp chậm trễ, và không đủ khả năng để ứng phó với lạm phát.”
Ông Taylor, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách Các vấn đề Quốc tế thời Tổng thống George W. Bush từ năm 2001 đến 2005, không hy vọng FED sẽ có hành động mạnh mẽ ngay bây giờ, mà thay vào đó sẽ đưa ra một chiến lược về lãi suất, tăng trưởng nguồn cung tiền, và chương trình mua tài sản.
Ông nói: “Chiến lược được vạch ra càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ làm giảm bớt một số lo ngại của người dân về lạm phát.”
Theo dự đoán vào tháng 03/2021, ngân hàng trung ương đã phát tín hiệu rằng họ sẽ giữ lãi suất gần bằng 0 đến năm 2023. Họ cũng đã loại trừ bất kỳ việc cắt giảm thu mua tài sản trong thời gian tới.
Kể từ tháng 03/2020, FED đã bơm một lượng tiền lớn chưa từng có vào hệ thống bằng cách mua một lượng lớn trái phiếu chính phủ và chứng khoán được bảo đảm bằng nhà ở trên thị trường.
Thước đo cung tiền M1 (các loại tiền vật lý như tiền mặt, tiền gửi không kỳ hạn, ngân phiếu du lịch, tiền gửi thanh toán khác) cho thấy mức tăng trưởng tiền tệ đạt 336% trong 12 tháng vừa qua, làm dấy lên những nỗi lo ngại lạm phát.
Ngoài ra, nhu cầu nguyên liệu thô toàn cầu rất mạnh so với nguồn cung, khiến thị trường hàng hóa trở nên nhộn nhịp trong những tuần gần đây. Từ gỗ và ngũ cốc cho đến quặng sắt và đồng, giá hàng hóa đều tăng vọt.
Ông Warren Buffett cảnh báo lạm phát
Tình trạng thiếu hàng hóa lan rộng sang các phần khác nhau của chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí sản xuất cho nhiều công ty như Procter & Gamble, Kimberly-Clark, và Coca-Cola. Tuần trước, tỷ phú Warren Buffett, người được mệnh danh là Nhà tiên tri của Omaha, đã có đồng quan điểm với nhiều chủ doanh nghiệp, đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về áp lực lạm phát ngày càng tăng.
Ông Buffett nói trong cuộc họp cổ đông thường niên danh tiếng của công ty ông hôm 01/05/2021: “Chúng ta đang thấy mức lạm phát rất cao.”
“Điều này rất thú vị. Chúng ta đang tăng giá. Mọi người đang tăng giá với chúng ta và điều này đang được chấp nhận,” ông nói khi đề cập đến việc đang nắm giữ các tài sản trong lĩnh vực nhà cửa.
Theo ông Sameer Samana, một chiến lược gia cao cấp về thị trường toàn cầu tại Công ty Tư vấn Đầu tư Wells Fargo, do tác động của đại dịch COVID-19 đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, dự kiến sẽ có một đợt tăng giá hàng hóa.
Ông nói với The Epoch Times rằng, “Câu hỏi thực sự là liệu đó là [sự tăng giá] nhất thời như FED từng kỳ vọng hay sẽ là dài hạn. Chúng tôi tin rằng hàng hóa kinh tế [commodities: cà-phê, vàng, lúa mì, bắp, v.v.] có thể đang đứng trước một siêu chu kỳ tăng giá khác; tuy nhiên, lạm phát sẽ vẫn trong tầm kiểm soát sau một đợt tăng ngắn trong năm tới, chủ yếu là do FED giữ lại khá nhiều công cụ để kiểm soát lạm phát.”
Chủ tịch FED, ông Jerome Powell, nhắc lại trong tuần lễ từ 26/04 đến 02/05 rằng ông kỳ vọng giá sẽ tăng cao hơn, nhưng điều này sẽ chỉ có “tác động nhất thời đối với lạm phát”. Các quan chức FED tin rằng lạm phát cuối cùng sẽ điều chỉnh quay trở lại mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Ông Phil Flynn, nhà phân tích cao cấp tại Price Futures Group, một công ty môi giới hàng hóa có trụ sở tại Chicago, nói với The Epoch Times: “FED muốn nghĩ rằng đó là nhất thời. Nhưng tôi nghĩ rằng có một số vấn đề thực sự về nguồn cung, khi quý vị nhìn quanh thị trường hàng hóa kinh tế.”
Một số nhà phân tích, bao gồm ông Flynn, dự đoán rằng một siêu chu kỳ mới – một thời kỳ giá cao kéo dài – đối với hàng hóa kinh tế đang xuất hiện.
Chi tiêu của Liên bang
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng chi tiêu rộng rãi của liên bang sẽ khiến nền kinh tế nhiều khả năng trở nên quá nóng.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã đề nghị tổng cộng 6 nghìn tỷ USD chi tiêu mới, trong đó bao gồm gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1.9 nghìn tỷ USD mà ông đã ký trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hoa Kỳ tăng trưởng với tốc độ 6.4% hàng năm trong quý đầu tiên của năm nay, ghi nhận một trong những mức mạnh nhất kể từ quý 3 năm 2003.
Theo ông Scott Anderson, nhà kinh tế trưởng tại Bank of the West ở San Francisco, một trong những điều bất ngờ trong báo cáo GDP là chỉ số giá GDP tăng 4.1% hàng năm, vượt xa những dự báo của thị trường. Chỉ số này đo lường sự thay đổi giá cả của hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nước.
Ông Anderson đã viết trong một báo cáo hôm 30/4/2021 rằng báo cáo về GDP nhấn mạnh “nguy cơ nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển quá nóng cả về kinh tế và tài chính và có khả năng là FED có thể đã quá tự mãn.”
Ông nói các yếu tố khác hỗ trợ cho quan điểm nền kinh tế đang quá nóng bao gồm thị trường chứng khoán bùng nổ và giá nhà dân dụng đã đưa giá trị [tài sản] ròng của các gia đình Hoa Kỳ lên những mức cao kỷ lục.
Ngoài ra, tăng trưởng thu nhập và tiết kiệm cá nhân đã tăng lên do kích thích tài khóa. Báo cáo GDP cho thấy thu nhập khả dụng thực tế đã tăng 61.3% trong quý đầu tiên, đưa tỷ lệ tiết kiệm của Hoa Kỳ lên đến 21%.
Ông Anderson viết: “Mặc dù hầu như tôi có cùng quan điểm lạm phát nhất thời với Cục Dự trữ Liên bang, tôi đang cảm thấy bất ổn hơn khi Hoa Thịnh Đốn có thể là đang hơi quá tay một chút.”
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng chi tiêu của liên bang có thể thúc đẩy thêm việc tăng nhiệt của nền kinh tế.