Liên minh Âu Châu thông qua việc sửa đổi các quy định nhập cư
Ella Kietlinska
Hôm 10/04, các nhà lập pháp Liên minh Âu Châu (EU) đã phê chuẩn một hệ thống nhập cư sửa đổi sau nhiều năm đàm phán.
Theo một tuyên bố, các nghị viên của Nghị viện Âu Châu (MEP) đã thông qua Hiệp ước Di cư và Tị nạn mới, nhằm cải tổ luật nhập cư của EU, theo thỏa thuận với các quốc gia thành viên, với hy vọng quản lý được tình trạng nhập cư bất hợp pháp vào liên minh này.
Kế hoạch này được dự thảo ra sau khi 1.3 triệu người – hầu hết là những người chạy khỏi chiến tranh ở Syria và Iraq, tìm nơi ẩn náu ở châu Âu vào năm 2015. Hệ thống tị nạn của EU đã sụp đổ, các trung tâm tiếp nhận ở Hy Lạp và Ý bị quá tải, và các quốc gia ở xa hơn về phía bắc đã xây dựng hàng rào để ngăn chặn người nhập cư bất hợp pháp vượt biên vào.
Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, trong năm nay, hơn 46,000 người đã di cư bất hợp pháp vào EU, đồng thời ước tính được rằng 400 người đã tử vong khi tìm cách vượt biên giới vào EU.
‘Đoàn kết bắt buộc’
Theo một tuyên bố và trong văn bản của dự luật, luật này thiết lập một “quy chế đoàn kết bắt buộc mới” trong đó sẽ yêu cầu tất cả các thành viên EU giúp đỡ các thành viên khác bị quá tải bởi tình trạng nhập cư bất hợp pháp ồ ạt.
Tuyên bố này cho biết EU sẽ thành lập một quỹ thường niên mà mỗi thành viên EU sẽ phải đóng góp bằng việc hoặc là giúp tái định cư những người nhập cư bất hợp pháp đến lãnh thổ của mình hoặc là đóng góp tài chính.
Theo như quy định trong luật, hạn ngạch đóng góp hàng năm được tính bằng mức trung bình trọng số (weighted average) của tỷ lệ tổng dân số và GDP của mỗi quốc gia so với tổng dân số và GDP của khối 27 thành viên. Mỗi thành phần được ấn định một trọng số là 50%.
Lấy ví dụ: dân số của một quốc gia thành viên EU có tỷ lệ là 20% tổng dân số EU và GDP của quốc gia đó chiếm 10% GDP của khối này. Khi đó, mức đóng góp trung bình theo trọng số của quốc gia đó là 15% – được tính bằng tổng của một nửa của 20% dân số và một nửa của 10% GDP ((20% + 10%) x 50%).
Dự luật nêu rõ, quốc gia này phải đóng góp theo hạn ngạch được giao, nhưng có quyền được tự do quyết định hình thức đóng góp, có thể dưới hình thức tiếp nhận người nhập cư bất hợp pháp vào lãnh thổ của mình hoặc trang trải chi phí cho các nước EU khác để họ tiếp nhận người nhập cư.
Luật này cũng đặt ra ngưỡng đóng góp tối thiểu. Mỗi quốc gia thành viên được yêu cầu tiếp nhận ít nhất 30,000 người nhập cư và đóng góp 600 triệu euro (640 triệu USD) mỗi năm.
Theo tuyên bố này, các thành viên EU cũng có thể cung cấp viện trợ cho các quốc gia không thuộc EU nào bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dòng người di cư sang EU.
Ứng phó với khủng hoảng nhập cư
Dự luật này cũng quy định rằng tất cả các quốc gia thành viên phải đóng góp viện trợ cho một thành viên EU nếu hệ thống nhập cư và tị nạn của thành viên này đã trở nên “không thể hoạt động” do làn sóng người nhập cư bất hợp pháp tràn vào bằng đường bộ, đường hàng không, hoặc đường biển.
Tuyên bố này cho biết điều khoản này cũng áp dụng cho trường hợp “người di cư bị công cụ hóa” (bị biến thành công cụ lợi dụng).
Tuyên bố cho biết, việc công cụ hóa như vậy xảy ra khi một quốc gia thứ ba hoặc một tổ chức phi chính phủ thù nghịch lợi dụng tình hình di cư và sau đó khuyến khích hoặc tạo điều kiện cho họ di chuyển tới biên giới bên ngoài EU nhằm gây bất ổn cho EU hoặc một quốc gia thành viên. Tuy nhiên, tuyên bố cho biết, các hoạt động viện trợ nhân đạo không nên được xem là trường hợp công cụ hóa vì các hoạt động như vậy không nhằm mục đích gây bất ổn cho EU hoặc các thành viên của khối này.
Sàng lọc người di cư tại biên giới EU
Theo một tuyên bố, dự luật này còn thiết lập các quy tắc sàng lọc mới bao gồm việc nhận dạng, kiểm tra sức khỏe và an ninh, cũng như thu thập dữ liệu sinh trắc học.
Một tuyên bố cho biết hệ thống quản lý dữ liệu dấu vân tay hiện tại của EU, tên là Eurodac, sẽ được nâng cấp để lưu trữ và quản lý hình ảnh khuôn mặt cũng như thông tin bổ sung cho người nhập cư bất hợp pháp và người xin tị nạn. Luật cũng hạ thấp độ tuổi tối thiểu để thu thập dữ liệu sinh trắc học của trẻ em, từ 14 xuống còn 6 tuổi.
Eurodac đã được sử dụng từ năm 2000 và có thể được truy cập bởi cảnh sát Liên minh Âu Châu (Europol), cũng như lực lượng cảnh sát quốc gia của tất cả các quốc gia thành viên và bốn quốc gia ngoài EU – Iceland, Na Uy, Thụy Sĩ, và Liechtenstein.
Thủ tục tị nạn và trục xuất
Một tuyên bố cho biết các quy định mới vốn yêu cầu giải quyết đơn xin tị nạn và trục xuất nhanh hơn này sẽ thay thế các thủ tục ở cấp quốc gia ở tất cả các nước thành viên khối EU.
Theo tuyên bố, dự luật này thiết lập giới hạn thời gian nhiều nhất là 12 tuần đối với các thủ tục tị nạn được thực hiện tại chỗ hoặc gần biên giới, hoặc khu vực quá cảnh bên ngoài EU. Quy định cũng nêu rõ những người xin tị nạn bị từ chối đơn xin tị nạn sẽ bị trục xuất trong vòng 12 tuần.
Tuyên bố này cho biết những người nhập cư bất hợp pháp sẽ được tư vấn pháp lý miễn phí trong mọi thủ tục hành chính.
Theo tuyên bố, mỗi quốc gia sẽ được Ủy ban Âu Châu, cơ quan điều hành của EU, ấn định hạn mức hàng năm về số lượng đơn xin tị nạn cần được giải quyết. Mức này sẽ được tăng dần trong ba năm sau khi luật mới này có hiệu lực.
Tiếp nhận người xin tị nạn
Theo một tuyên bố, dự luật này giảm bớt thời hạn để các nhà chức trách cấp giấy phép lao động cho những người xin tị nạn từ 9 tháng xuống còn 6 tháng. Ngoài ra, những người xin tị nạn “sẽ được tiếp cận các khóa học ngôn ngữ, khóa học giáo dục công dân, hoặc khóa đào tạo nghề.”
Tuyên bố này cũng cho biết, trẻ em phải đến trường trong vòng hai tháng sau khi đến nơi, và trẻ vị thành niên không có người đi kèm phải được chỉ định người giám hộ ngay sau khi nộp đơn xin tị nạn.
Tuyên bố cho biết, các quốc gia EU có thể chỉ định một địa điểm cụ thể để những người xin tị nạn sinh sống nhưng chỉ có thể giam giữ họ trong một số tình huống cụ thể căn cứ vào luật pháp quốc gia của nước đó.
Chương trình tái định cư EU
Theo một tuyên bố, các nước EU có thể tự nguyện tham gia chương trình tái định cư dành cho người nhập cư của EU, nhưng EU cũng có thể đặt ra mục tiêu tái định cư dành cho các khu vực và quốc gia cụ thể trong hai năm.
Theo văn bản của luật này, những người ứng viên tái định cư hầu hết sẽ được Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) giới thiệu và được một quốc gia thành viên EU cụ thể chấp nhận. Tuyên bố này cho biết, “những ứng viên phải đủ điều kiện để được hưởng quy chế tị nạn hoặc bảo vệ bổ sung ở EU.”
Quy chế bảo vệ bổ sung có thể được cấp cho những người không đủ điều kiện để được tị nạn nhưng có thể chịu tổn thương nghiêm trọng khi trở về đất nước của họ, chẳng hạn như do xung đột vũ trang ở nước đó.
Tuyên bố cho biết, “Những người đủ điều kiện tham gia chương trình tái định cư sẽ được trao tư cách pháp nhân với quyền tiếp cận tất cả các quyền cơ bản liên quan đến tư cách này.”
Kết quả biểu quyết của các nghị viên
Theo tuyên bố, Hiệp ước Di cư và Tị nạn mới bao gồm mười văn bản lập pháp, mỗi văn bản được biểu quyết riêng rẽ.
Một nửa số văn bản lập pháp này được thông qua với tỷ lệ sít sao trong Nghị viện Âu Châu gồm 705 thành viên.
Một phần của dự luật này giải quyết các cuộc khủng hoảng do làn sóng nhập cư bất hợp pháp ồ ạt đã được phê chuẩn với tỷ lệ sít sao với cách biệt chỉ 29 phiếu bầu và 46 phiếu trắng. Tuyên bố cho biết, phần sửa đổi thủ tục tị nạn đã được thông qua với tỷ lệ sít sao với cách biệt chỉ 32 phiếu bầu và 51 phiếu trắng.
Ngược lại, theo tuyên bố này, phần dự luật quy định về chương trình tái định cư đã được thông qua với tỷ lệ cách biệt khá xa, với cách biệt 300 phiếu bầu và 14 phiếu trắng.
Tuyên bố cho biết, phần dự luật quy định việc giải quyết về người xin tị nạn đã được thông qua với tỷ lệ chênh lệch lớn là 236 phiếu, và phần dự luật về việc mở rộng hệ thống sinh trắc học tập trung của EU được thông qua với tỷ lệ cách biệt lớn là 232 phiếu.
Dự luật này phải được Hội đồng Âu Châu, một cơ quan lập pháp khác, phê chuẩn để trở thành luật.
Theo tuyên bố, các quy định sẽ bắt đầu được áp dụng sau hai năm nữa. Tuyên bố cho biết, đối với chỉ thị về việc tiếp nhận người nhập cư, “các quốc gia thành viên sẽ có hai năm để đưa ra những thay đổi trong luật pháp quốc gia của mình.”
Nhiều tranh cãi
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk bày tỏ trong một cuộc họp báo trước khi dự luật này được đưa ra biểu quyết rằng hiệp ước này là “không thể chấp nhận được đối với Ba Lan.”
Ông Tusk giải thích, chính sách di cư hiệu quả cần bảo vệ biên giới hiệu quả và kiểm soát hiệu quả những ai đặt chân vào nước này.
Ông Tusk nói với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ tìm cách để ngay cả khi hiệp ước di cư này có hiệu lực ở dạng gần như không thay đổi, chúng tôi sẽ bảo vệ Ba Lan khỏi quy chế tái định cư [hoặc chi trả cho việc tái định cư].”
Bà Beata Szydlo – nghị viên Nghị viện Âu Châu đại diện cho đảng đối lập cánh hữu Luật pháp và Công lý của Ba Lan đồng thời là cựu thủ tướng – đã chỉ trích hiệp ước này trong một bài đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X. Bà nói: “Chính sách di cư của EU rất sai lầm và cần phải được thay đổi. Nhưng quý vị không thể dập lửa bằng cách đổ thêm dầu vào lửa.”
Bà Szydlo cho biết trong một bài đăng sau khi luật được thông qua rằng bà đã không biểu quyết ủng hộ luật này. Luật này “sẽ không giúp làm tăng sự an toàn của người dân Âu Châu cũng như không giúp ích gì cho những người di cư đến châu Âu,” bà giải thích. “Luật này sẽ chỉ khuyến khích những kẻ buôn người đưa ngày càng nhiều người di cư bất hợp pháp đến châu Âu vì họ biết sẽ có tiền [tài trợ cho việc nhập cư]. Những quốc gia không muốn tiếp nhận người nhập cư bất hợp pháp sẽ phải chi trả cho việc đó.”
Quá trình biểu quyết tại nghị viện này bị một nhóm người biểu tình ít người nhưng khá ồn ào trong phòng trưng bày công cộng làm gián đoạn trong một thời gian ngắn, những người này mặc áo T-shirt có dòng chữ “This pact kills” (Hiệp ước này sẽ gây thiệt hại nhân mạng) và hô lớn, “Vote no!” (Hãy bỏ phiếu chống!)
Theo một tuyên bố, Tổ chức Ân xá Quốc tế, một tổ chức nhân quyền, đã chỉ trích hiệp ước này, đồng thời gọi cuộc biểu quyết thông qua dự luật là “một cơ hội bị bỏ lỡ”.
Bà Eve Geddie, giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc tế, cho biết: “Đây là sự thất bại trong vai trò lãnh đạo toàn cầu về việc bảo vệ người tị nạn và xây dựng những con đường an toàn, công bằng, và xứng đáng để người dân đặt chân đến Âu Châu, dù là để tìm kiếm sự an toàn hay cơ hội.”