Lê Tần: Vị dũng tướng Việt Nam đầu tiên đại chiến với quân Mông Cổ (Kỳ I)
Việt Nam vào thế kỷ 13, trong trận chiến chống quân Mông Cổ lần thứ nhất (1258) có một danh tướng trí dũng song toàn đã đi vào sử sách. Người đó là Lê Phụ Trần, tức Lê Tần, người Ái Châu, là một danh tướng của triều Trần, phục vụ qua 3 đời vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, và Trần Nhân Tông.
Sử sách không ghi chép gì về ngày tháng, năm sinh, năm mất của ông. Trong “Đại Việt Sử ký toàn thư”, những ghi chép đầu tiên về ông bắt đầu từ năm 1250 và kết thúc vào năm 1278, khi vợ ông là Chiêu Thánh công chúa mất.
Trần Bá Chí căn cứ vào “Cổ Mai bi ký” và “Lê triều miêu duệ” cho rằng Lê Tần là con Lê Khâm, dòng dõi hoàng đế Lê Đại Hành. Lê Khâm là một công thần đầu thời Trần, có công giúp Trần Thái Tổ và Thái sư Trần Thủ Độ đánh sứ quân Nguyễn Nộn, được phong chức Thượng vị hầu.
Hoàng đế Lê Đại Hành (Lê Hoàn) là một trong những vị vua nổi tiếng vũ dũng, bách chiến bách thắng của Việt Nam với các chiến công phá Tống bình Chiêm, bất bại trên đời từ lúc xuất đạo cho đến lúc quy tiên. Đến thời Trần, dòng họ Lê vẫn còn mang trong mình dòng máu tướng quân nổi tiếng. Xuất thân từ gia tộc lẫy lừng nên Lê Tần tôi luyện được một bản lĩnh văn võ toàn tài, giúp vua trị quốc bình thiên hạ.
Đại chiến Bình Lệ Nguyên, dũng khí đứng đầu ba quân
Nhà Trần kế thừa truyền thống nhà Lý, tiếp tục xây dựng một đội ngũ quân đội tinh nhuệ, đánh đâu thắng đó. Quân đội Đại Việt thời Lý Trần có thể xem là đạo quân hùng mạnh nhất của Đông Nam Á; ngay cả nhà Tống cũng phải đại bại trước đội quân này. Về trình độ quân sĩ cũng như khả năng tác chiến thì quân đội Lý Trần đã vượt rất xa quân nhà Tống thời điểm đó.
Ví dụ cụ thể là cuộc nổi loạn của Nùng Trí Cao thời Lý. Người tù trưởng này dẫn quân tung hoành ở Khâm Châu (Quảng Tây) đánh cho quân Tống tan tác nhiều trận, giết người đốt thành, chiếm đất xưng đế. Cả nước Tống không làm gì nổi mãi cho đến khi Địch Thanh lãnh quân chinh chiến mới bình định được. Trong khi đó, Nùng Trí Cao ở Việt Nam hễ đụng độ quân nhà Lý đều đại bại. Trí Cao liên tục bị bắt sống và được các vua nhà Lý phủ dụ, cho hàng. Điều đó nói lên rằng quân đội Lý Trần đã rất ưu việt so với quân Tống và các nước trong khu vực.
Giữa thế kỷ 13, đội quân dũng mãnh này cuối cùng cũng phải đối đầu với đội quân mạnh nhất lịch sử, quân Mông Cổ dưới sự lãnh đạo của Ngột Lương Hợp Thai. Năm 1258, sau khi thôn tính được lãnh thổ Trung Quốc thì Mông Kha, vua Mông Cổ đã sai tướng Ngột Lương Hợp Thai –lúc này vừa đánh bại vương quốc Đại Lý năm 1254 (vùng Vân Nam, Trung Quốc) đem quân đánh thốc xuống nước ta.
Ngột Lương Hợp Thai (1200–1271) là một chỉ huy quân sự kiệt xuất của quân đội Nguyên Mông, sinh ra trong một gia đình danh tướng bậc nhất đế quốc Mông Cổ. Cha của Ngột Lương Hợp Thai là Tốc Bất Đài, chiến tướng số một của Thành Cát Tư Hãn, người san bằng châu u, Nga, và chiếm Tây Hạ.
Trước khi tiến vào, Ngột Lương Hợp Thai đã nhiều lần cho sứ sang dụ vua Trần hàng phục. Nhưng Trần Thái Tông (1218–1277) đã cương quyết từ chối. Ông cho bắt giam tất cả sứ giả của nhà Nguyên đồng thời xúc tiến công cuộc chuẩn bị kháng chiến, xuống chiếu cử Trần Quốc Tuấn chỉ huy các tướng phòng thủ vùng biên giới Lạng Sơn.
Âm mưu dọa dẫm vua Trần thất bại, Ngột Lương Hợp Thai cho quân tiến vào xâm lược nước ta. Cánh quân đi đầu của Mông Cổ tiến dọc theo bờ sông Thao, lấn sâu vào đất Đại Việt. Còn một cánh do con trai của Ngột Lương Hợp Thai là A Truật đi sau một đoạn để yểm trợ. Hai cánh quân này vừa tiến vừa thăm dò tình hình quân Trần để cấp báo cho đại quân phía sau.
Sau khi nhận được tin, vua Trần Thái Tông đã bàn bạc với các tướng sĩ và quyết định tổ chức một trận đánh chính diện lớn có tính chất quyết chiến ở Bình Lệ Nguyên. Đây là một cánh đồng cao bên cạnh khúc sông Cà Lồ, có nhiều chỗ uốn lượn, tạo ra một bãi chiến trường bằng phẳng nhưng khá phức tạp và bị sông chia cắt.
Trong điều kiện khả năng đánh bộ của ta và Mông Cổ tương đương, thì trên lý thuyết thế địa lợi đã thuộc về Đại Việt. Do quân nhà Trần chưa từng chạm trán với quân Nguyên Mông, nên quân nhà Trần không lường trước được sự dũng mãnh cơ động của kỵ binh Nguyên Mông. Bình Lệ Nguyên xác thực mới chính là nơi dành cho kỵ binh tung hoành. Con sông Cà Lồ cũng không thể ngăn được bước tiến của người ngựa quân Nguyên.
Thuyền binh của Đại Việt chở quân lính, voi, ngựa chiến đến Bình Lệ Nguyên. Quân lính, voi và ngựa đổ bộ lên cánh đồng, dàn trận san sát. Vua Trần thân chinh chỉ huy 6 quân đoàn đi chống giặc (6 quân là các quân Thiên Thuộc, Thiên Chương, Thánh Dực, Chương Thánh, Thần Sách, Củng Thần). Đó cũng là toàn bộ quân chủ lực nhà Trần lúc đó. Thuyền được đưa xuống bến Lãnh Mỹ ở khúc sông phía dưới (nay là xóm Bến, làng Thịnh Kỷ, Mê Linh, Vĩnh Phúc), có nhiệm vụ đón bộ binh nếu thế trận trên bờ bất lợi.
A Truật cho quân đi do thám, biết được tình hình chuẩn bị ứng chiến của quân đội nhà Trần liền thông báo cho cha. Được tin báo, ngày 12 tháng Chạp âm lịch (17/1/1258), Ngột Lương Hợp Thai tiến vào và hồi quân cùng hai cánh đi trước ở Việt Trì ngày nay. Hợp quân xong, đại quân Mông Cổ tiến đến nơi quân Trần chốt giữ và dàn trận bên kia bờ để chuẩn bị tấn công.
Ngột Lương Hợp Thai tưởng dễ thắng nên ra lệnh cho viên tướng tiên phong của y là Triệt Triệt Đô rằng: “Quân ngươi khi đã qua sông, đừng đánh vội, chúng tất đến chống ta. Một cánh quân ta cắt hậu quân của chúng, người rình cướp lấy thuyền. Quân “man” sẽ tan vỡ chạy, song không có thuyền tất bị ta bắt.”
Kế hoạch tác chiến lợi hại của Ngột Lương Hợp Thai đã bị thất bại do sự hung hăng hiếu chiến của tướng tiên phong. Triệt Triệt Đô vừa sang được sông, leo lên bờ, gặp quân Trần là đánh ngay, quên mất nhiệm vụ cướp thuyền. Thành ra chỉ một đạo tiên phong Mông Cổ đã lọt vào trận địa trùng điệp của nhà Trần. Lúng túng trước tình thế ấy, Ngột Lương Hợp Thai vội vã xua đại quân vượt sông tiếp ứng. Ngay cả cánh quân có nhiệm vụ cắt đường tiếp viện của ta cũng xông vào trận địa quân Trần xuất mà đánh.
Đội tượng binh to lớn của quân Trần dàn hàng chữ nhất, đồng loạt xông lên che chắn cho lục quân phía sau tiến lên đánh quân Mông Cổ. Đoàn ngựa chiến Trung Á hoảng sợ trước những thớt voi đồ sộ, quay đầu bỏ chạy. Tiền quân kỵ binh Mông Cổ rối loạn. Quân Trần thừa thắng hăm hở reo hò, ồ ạt tràn lên.
Nhưng đại quân Mông Cổ lại gồm những chiến binh thiện xạ bách phát bách trúng và giàu kinh nghiệm trận mạc. A Truật phất hiệu lệnh, đội kỵ binh chia làm tả hữu dạt sang 2 cánh, những tay cung thiện xạ Mông Cổ gương cung tên bắn vào đội tượng binh Trần. Những yếu điểm của voi là mắt, vòi, tai bị ghim đầy tên, những con voi này hoảng sợ, lồng lên tháo chạy. Đến lượt quân Trần bị hỗn loạn, bầy voi lung chạy càn, giẫm đạp, xé nát các cánh quân, quản tượng hết phương điều khiển.
Thế trận nhà Trần bất lợi dần. Trần Thái Tông nghiến răng tuốt kiếm cùng tham chiến với quân lính. Tinh thần quân Trần phấn khởi trở lại. Nhưng chẳng được lâu, hàng hàng lớp lớp kỵ binh tinh nhuệ Mông Cổ nhắm thẳng vào hướng vua Trần Thái Tông xông tới, quyết giết bằng được quân chủ của Đại Việt. Hỗn chiến dữ dội ngay chỗ của vua Trần, binh sĩ hộ vệ vua ai ai cũng bận tay chống cự giặc.
Nhà vua chiến đấu một hồi, nhìn quanh tả hữu không còn ai, chỉ còn thấy mỗi một vị tướng sắc mặt không động, một người một ngựa tung hoành trong muôn trùng vây quân địch, dũng mãnh che chắn cho vua nhiều đòn tấn công. Vị tướng đó chính là Ngự sử trung tán Lê Tần. Nhờ sự dũng mãnh của Lê Tần, các quan quân hộ vệ mới có thời cơ xốc lại đội ngũ, bảo vệ cho vua. Tuy vậy trận thế của Đại Việt dần suy yếu bởi quân lính chết nhiều do sức mạnh vượt trội của kỵ binh Mông Cổ…
Lúc ấy, có người khuyên đức hoàng đế dừng lại để chỉ huy chiến đấu. Lê Tần cố sức can: “Như thế thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế!“. (Đại Việt sử ký toàn thư)
Bấy giờ, Thái Tông mới lui quân đóng ở sông Lô. Phụ Trần giữ phía sau. Kỵ binh Mông Cổ truy kích, bám theo thuyền của quân Trần đang xuôi dòng. Vừa phóng ngựa dọc bờ, vừa ra sức bắn tên như mưa hòng giết vua Trần. Lê Tần nhanh trí lấy tấm ván thuyền che cho vua. Đến khi chiến thuyền vượt khỏi tầm bắn, tấm ván chi chít tên cắm như lông nhím. Đoàn thuyền xuôi dòng về Phù Lỗ.