Lễ Tạ Ơn và sự thức tỉnh về tôn giáo của Tổng thống Abraham Lincoln
Lễ Tạ Ơn là một trong những ngày lễ quan trọng trong đời sống người dân Hoa Kỳ. Mặc dù những tuyên bố về ngày Lễ Tạ Ơn của quốc gia đã được đưa ra từ thời George Washington, nhưng ngày lễ này đã không trở thành một ngày lễ chính thức của Hoa Kỳ mãi cho đến năm 1863, khi Tổng thống (TT) Abraham Lincoln tuyên bố rằng ngày lễ sẽ rơi vào “thứ Năm cuối cùng của tháng 11” hàng năm.
Nhưng hầu hết mọi người không nhận ra rằng, đối với TT Lincoln, việc ban hành tuyên ngôn Lễ Tạ Ơn đã thể hiện sự đề cao tín ngưỡng và sự tẩy tịnh tâm hồn trong cuộc sống của chính ông.
Mặc dù Lễ Tạ Ơn luôn mang một sự thừa nhận ngầm đối với Thần linh, điều khiến sự ra đời của nó trong cuộc Nội chiến trở nên đặc biệt sâu sắc là việc TT Lincoln đã nhấn mạnh đến sự ăn năn của quốc gia. Trong phần lớn cuộc đời, niềm tin tôn giáo của TT Lincoln đã chuyển từ chủ nghĩa duy vật ngầm lúc còn trẻ đến chủ nghĩa tín thần khi ông trưởng thành. Ông chưa bao giờ là thành viên của một nhà thờ nào, và chính vì điều này mà các đối thủ chính trị của ông thường cố gắng cho rằng ông là phi tôn giáo. TT Lincoln mạnh mẽ phủ nhận điều này, và các bài diễn văn của ông trong suốt cuộc đời đều tràn ngập những hàm ý có liên quan đến Kinh thánh và Thượng Đế.
Khi Nội chiến diễn ra, TT Lincoln ngày càng thấm nhuần cảm giác thôi thúc của Thần linh. Vào đầu cuộc chiến, ông đã nói rõ rằng tiêu diệt chế độ nô lệ không phải là mục tiêu cuối cùng của ông – và mục tiêu là bảo tồn Liên bang miền Bắc. Nhưng trong cuộc chiến mà mọi người cho rằng chỉ kéo dài vài tuần hoặc vài tháng đã kéo dài trong nhiều năm, TT Lincoln càng phải trăn trở sâu sắc hơn với những gì cuối cùng có thể bị mất đi. Ông dần nhận ra rằng chính vì chế độ nô lệ, điều TT Lincoln tin là một tội lỗi, mà Thượng Đế đã trừng phạt đất nước còn non trẻ này.
Trong bối cảnh này, TT Lincoln đã có Tuyên ngôn Lễ Tạ Ơn vào tháng 10 năm 1863. Trong đoạn đầu tiên, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng biết ơn đối với Thượng Đế:
“Sắp kết thúc một năm tràn ngập phước lành từ những cánh đồng trĩu quả và bầu trời tươi đẹp. Cùng với những ân huệ này, vốn liên tục được ban tặng cho chúng ta đến mức chúng ta dễ quên đi chúng khởi nguồn từ đâu, là những ân huệ khác đặc biệt đến nỗi chúng chắc chắn có thể thâm nhập và xoa dịu cả những tâm hồn vô cảm trước sự quan phòng luôn dõi theo của Thượng Đế Toàn Năng.”
TT Lincoln tiếp tục liệt kê nhiều phước lành về kinh tế mà quốc gia đã được hưởng, ngay cả trong bối cảnh chiến tranh. Kết luận của ông thật sâu sắc:
“Không có một ý định của con người hay một bàn tay phàm trần nào có thể làm ra những điều tuyệt vời này. Chúng là những món quà đầy khoan dung của Thượng Đế, Ngài trong khi giận dữ vì tội lỗi của chúng ta, vẫn không quên thương xót chúng ta.”
Đây dường như là lần đầu tiên TT Lincoln xem Nội chiến là tội lỗi của quốc gia, điều mà nhiều người có thể hiểu là ám chỉ đến chế độ nô lệ. Rất ít người Hoa Kỳ hoàn toàn tán thành, chứ đừng nói là đánh giá cao những lời của ông vào thời điểm đó. Các thành viên trong gia đình họ đang đối mặt với cái chết. Họ muốn chiến tranh kết thúc, chứ không phải bị nhắc nhở rằng nó đang diễn ra vì tội lỗi quốc gia. Từ nền tảng này, TT Lincoln đã tiến hành thiết lập những gì sẽ trở thành một ngày lễ quan trọng của Hoa Kỳ:
“Tôi cho rằng sẽ phù hợp và đúng đắn nếu điều này được toàn thể nhân dân Hoa Kỳ ghi nhận một cách trang trọng, tôn kính, và biết ơn. Do đó, tôi xin mời những đồng bào ở khắp mọi miền của Hoa Kỳ, cũng như những người đang ở trên biển và những người đang lưu lạc ở nước ngoài, hãy dành riêng ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11 tới đây như một ngày tạ ơn và ca ngợi Người Cha nhân từ của chúng ta đang ngự trên trời. Và tôi khuyên rằng trong khi dâng lên những lời tán tụng Ngài vì được Ngài cứu giúp và ban phước lành, họ cũng hãy, với lòng sám hối khiêm nhường vì sự ngang ngược và bất tuân của quốc gia chúng ta, ca ngợi sự quan tâm ân cần của Ngài đối với những người đã trở thành góa phụ, mồ côi, tang gia, hoặc những người đang phải chịu đựng trong cuộc xung đột dân sự đáng tiếc không thể tránh khỏi, và thành khẩn cầu xin sự can thiệp của Thượng Đế để chữa lành vết thương của dân tộc và khôi phục nó ngay khi có thể, theo ý muốn của Ngài, để được tận hưởng sự hòa bình, hòa hợp, ổn định, và thống nhất.”
Khó có thể hình dung được việc một chính trị gia hiện đại, chứ đừng nói đến giữa một cuộc khủng hoảng quốc gia lớn, lại có thể nhắc đến “sự ngang ngược và bất tuân của quốc gia chúng ta”. Và đó chính xác là những gì TT Lincoln đã làm. Bên cạnh lòng biết ơn và sự cảm tạ, ông còn kêu gọi sự khiêm tốn và ăn năn. Đối với TT Lincoln, Lễ Tạ Ơn luôn được xem là một ngày tự suy ngẫm về bản thân của quốc gia – về cả những phước lành cũng như tai họa trong cuộc sống; về những thứ chúng ta đang hưởng, cũng như những điều đòi hỏi sự ăn năn. Người ta có cảm giác nghịch lý “một người ăn mừng trong khi sám hối” là một sự gần đúng với những gì TT Lincoln hướng tới – lòng biết ơn khiêm nhường, nhận thức rõ rằng chúng ta có được những thứ này dù vẫn còn tội lỗi.
Đối với TT Lincoln, một sự thay đổi mang tính quyết định đã xảy ra. Ông tin rằng Thượng Đế đang cai quản nhưng không hoàn toàn nghiêng về phía Liên bang miền Bắc hay Liên minh miền Nam. Ngài đang thực hiện việc tiêu diệt chế độ nô lệ, và trong quá trình này, đòi hỏi một sự chuộc tội từ đất nước Hoa Kỳ vốn đã dung thứ cho nó. Theo nghĩa này, Thượng Đế không đứng về “bên” nào. Đối với TT Lincoln, không có thái độ nào có thể mô tả được thực tế này, ngoài lòng biết ơn sâu sắc cho sự tồn tại tiếp tục của đất nước, cũng như sự khiêm tốn và tôn trọng đối với những gì đất nước vẫn chưa phải chịu đựng. Tất cả lên đến đỉnh điểm với bài diễn văn nhậm chức thứ hai của ông, mà cho đến ngày nay, được cho là bài phát biểu thần học sâu sắc và ý nghĩa nhất của bất kỳ tổng thống Hoa Kỳ nào. Thay vì hoàn toàn tán thành phe Liên bang miền Bắc, hay khiển trách phe Liên minh miền Nam, TT Lincoln đã ngầm đổ lỗi cho chế độ nô lệ của cả quốc gia, và mạnh dạn tuyên bố rằng Thượng Đế mà cả hai bên cầu nguyện đều có những mục tiêu riêng của Ngài:
“Tuy nhiên, nếu Chúa muốn nó tiếp tục, cho đến khi tất cả của cải làm ra trong hai trăm năm mươi năm không được đền đáp của người nô lệ bị đánh chìm, và cho đến khi mọi giọt máu được rút ra bằng đòn roi bị trả lại bởi đòn gươm của một người khác, như đã được nói cách đây ba ngàn năm, thì chúng ta vẫn phải nói rằng ‘sự phán xét của Chúa là hoàn toàn đúng đắn và công bình.’” [Thánh Vịnh 19:9]
Bối cảnh đáng chú ý này của ngày Lễ Tạ Ơn đã khơi dậy lòng tôn kính và lòng biết ơn của tôi đối với tổ tiên, những người đã chiến đấu, đổ máu và cuối cùng bảo đảm tự do cho tôi cũng như sự tự do của rất nhiều người khác. Nhờ họ, chúng ta có thể xem một quốc gia không có nô lệ là điều tất nhiên. Trong cuộc chiến đó, họ chống lại một thể chế đã tồn tại hàng ngàn năm dưới dạng thức này hay dạng thức khác, ở mọi quốc gia trên trái đất. Nhưng cuối cùng họ quyết tâm chấp nhận sự trừng phạt của Thượng Đế, và dập tắt nó. Tôi đã không phải trả giá cho việc đó, và bạn cũng vậy. Tổ tiên đã phải trả giá cho chúng ta trong một cuộc chiến không chỉ gây thương vong nhiều nhất Hoa Kỳ từ trước đến nay, mà còn là cuộc chiến gây thương vong nhiều hơn tất cả các cuộc chiến khác cộng lại. Chúng ta là những người hưởng lợi từ nó. Chúng ta coi nhiều điều tốt đẹp là hiển nhiên bởi vì chúng đã được bảo đảm bởi những thế hệ trước. Vì điều đó, cũng như đối với rất nhiều điều khác, trong Lễ Tạ Ơn này, lòng tôi tràn đầy sự biết ơn và khiêm tốn, giống như TT Lincoln đã hy vọng.
Tôi mong rằng chúng ta, giống như TT Lincoln, có thể được dẫn dắt để suy ngẫm về những gì có thể là tội lỗi của thời đại chúng ta – những điều mà bản thân chúng ta cần phải ăn năn khi nhận được phúc lành. Đó là thái độ của TT Lincoln: lòng biết ơn và hối lỗi.
Chúng ta hãy noi gương vị cứu tinh Liên bang miền Bắc của chúng ta trong dịp Lễ Tạ Ơn này.
Tác giả Joshua Charles là cựu thành viên viết bài phát biểu tại Tòa Bạch Ốc cho cựu Phó Tổng thống Mike Pence, ông là nhà sử học, diễn giả và là tác giả của một số cuốn sách bán chạy số 1 trên Thời báo New York Times. Ông cũng là cố vấn lịch sử cho một số bộ phim tài liệu và xuất bản sách về các chủ đề khác nhau, từ Tổ Phụ Lập Quốc, Israel, đến tác động của Kinh Thánh đối với nền văn minh nhân loại.