Làn sóng tăng giá thực phẩm sẽ ảnh hưởng đến người Mỹ mùa thu này
KEVIN STOCKLIN
Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang đã bắt đầu điều mà nhiều người dự đoán là một loạt các đợt tăng lãi suất liên tục, vốn dĩ đã gây ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và nhà ở, với khả năng mất việc làm sẽ diễn ra sau đó. Tuy nhiên, khi người dân Mỹ mệt mỏi vì phải chi trả giá xăng và giá thức ăn cao kỷ lục, một đợt tăng giá khác đang diễn ra thông qua chuỗi cung ứng thực phẩm và dự kiến sẽ đến người tiêu dùng mùa thu này.
“Mọi người không nhận ra điều gì đang cố gắng tấn công họ,” người nông dân Texas Lynn “Bugsy” Allen nói. “Họ nghĩ rằng ngay bây giờ đã khó khăn rồi; quý vị hãy đợi đến tháng Mười đi. Giá thực phẩm sẽ tăng gấp đôi.”
Mức tăng giá lương thực 8.8% mà người dân Mỹ đã chứng kiến chưa tính vào đó sự gia tăng chi phí đáng kể mà nông dân đang phải trải qua. Đó là do người nông dân trả trước chi phí của họ và chỉ lấy lại tiền tại điểm bán, vài tháng sau đó.
Ông John Chester, một nông dân trồng bắp, lúa mì, và đậu nành ở Tennessee cho biết: “Thông thường, những gì chúng tôi thấy ở trang trại bây giờ, người tiêu dùng sẽ thấy 18 tháng sau. Nhưng với mức độ nghiêm trọng của sự gia tăng chi phí này, người tiêu dùng có thể cảm thấy tác động sớm hơn nhiều, đặc biệt nếu thời tiết trở thành một yếu tố.”
Cô Lorenda Overman, một nông dân ở North Carolina, người chăn nuôi heo và trồng ngô, đậu nành và khoai lang, cho biết chi phí nhiên liệu tăng vọt đã khiến trang trại của cô chìm trong thua lỗ trong năm nay. “Không có khoản tiền nào mà người tiêu dùng đang trả sẽ thu hẹp chênh lệch [giữa giá sản xuất và giá bán] cho nông dân ngay bây giờ,” cô nói. “Mức giá hiện tại vẫn chưa ảnh hưởng đến các cửa hàng thực phẩm,” nhưng cô dự kiến rằng giá sẽ bắt đầu tăng vào cuối mùa hè.
Phần lớn chi phí lương thực phụ thuộc vào giá dầu.
“Họ không có xe tải điện vận chuyển số lương thực đó và cũng không có máy kéo điện,” ông Allen nói. “Cần có động cơ diesel để chạy tất cả những thứ này.”
Ông Chester nói rằng nhiên liệu và phân bón chiếm 55% tổng chi phí của ông. Giá nhiên liệu diesel đã tăng hơn gấp đôi, từ 2.50 USD/gallon vào cuối năm 2020 lên hơn 5 USD/gallon hiện nay. Nông dân cho biết chi phí phân bón, một chất dẫn xuất từ dầu mỏ, đã tăng gấp ba lần và trong một số trường hợp, tăng gấp bốn lần.
Ông Daniel Turner, Giám đốc điều hành của Power the Future, một nhóm vận động năng lượng, cho biết: “Khi quý vị nhìn vào máy móc sử dụng dầu diesel, đó là thiết bị nông nghiệp, đường sắt, và xe tải.” Dầu diesel “chuyên chở tất cả hàng hóa của chúng ta, nó khiến lương thực của chúng ta tăng giá. Từ tàu chở hàng từ ngoại quốc đến xe tải hay tàu hỏa đưa hàng hóa đó đi khắp đất nước. Tất cả những thứ đó giờ đây có chi phí tăng thêm mà người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu.”
“Chi phí thực phẩm và năng lượng tăng cao đang hủy hoại nhu cầu của các gia đình Hoa Kỳ,” ông Joseph Lavorgna, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Natixis, một ngân hàng Âu Châu, cho biết. “Nếu quý vị phải chi trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm, sưởi ấm hoặc làm mát nhà của quý vị, hoặc đổ xăng vào xe để đi làm, thì sẽ có ít tiền hơn cho những thứ khác.” Giá xăng và thực phẩm tăng cao sẽ khiến người dân Mỹ có ít tiền hơn để chi tiêu cho các mặt hàng khác; điều này sẽ khiến nhu cầu giảm và có tác động dây chuyền đến nền kinh tế rộng lớn hơn.
Các báo cáo kinh tế chỉ ra rằng người dân Mỹ vốn đang không thể theo kịp lạm phát. Tiết kiệm của các gia đình đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 14 năm, do người dân phải chật vật để duy trì mức sống của mình. Nợ thẻ tín dụng đang lên đến mức cao kỷ lục, và các nhà bán lẻ cho biết họ đang chuẩn bị cho tình hình nhiều người tiêu dùng hơn sẽ chỉ chi tiêu những thứ “căn bản nhất”.
Mặc dù có thể việc người dân Mỹ mất khả năng chi tiêu có thể giúp giảm lạm phát, nhưng một số nhà kinh tế lo ngại sự quay trở lại của “lạm phát đình trệ” thời những năm 1970 – khi giá cả tăng xảy ra cùng lúc với tình trạng kinh tế trì trệ và tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng. Thời kỳ lạm phát đó cuối cùng đã được khắc phục bằng việc Fed tăng lãi suất lên gần 20%.
Trái ngược với cuộc khủng hoảng năng lượng thời ông Carter, do lệnh cấm vận từ các nhà sản xuất dầu ngoại quốc gây ra vào thời điểm sản lượng dầu của Mỹ giảm, tình trạng thiếu hụt năng lượng ngày nay phần lớn là hậu quả của các chính sách nội địa của chính phủ Hoa Kỳ, khi chính phủ Tổng thống Biden cố gắng buộc người dân Mỹ chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng gió, năng lượng mặt trời, và điện. Nỗ lực này bao gồm việc đóng cửa các đường ống dẫn, đình chỉ các hợp đồng thuê dầu khí, và đặt ra các rào cản quy định – tất cả đều làm giảm đầu tư mới vào sản xuất dầu khí của Mỹ.
Tuần trước (23/05), ông Biden tuyên bố rằng sự tăng vọt của giá dầu là “một quá trình chuyển đổi đáng kinh ngạc đang diễn ra, mà Chúa cho phép, khi tình huống này qua đi, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn và thế giới sẽ mạnh mẽ hơn và ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch hơn.”
Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết hồi tuần trước rằng giá dầu tăng là “một dấu chấm than” cho sự cần thiết của việc chuyển đổi sang năng lượng gió và năng lượng mặt trời và “xây dựng năng lượng sạch cây nhà lá vườn”. Bà Granholm trước đây đã tuyên bố rằng “nếu quý vị lái một chiếc xe điện, điều này sẽ không ảnh hưởng đến quý vị.”
Với giá khí đốt tự nhiên hiện lên mức cao nhất trong 14 năm, gần đây Bộ Năng lượng của ông Biden đã đăng “một số mẹo về cách quý vị có thể chuẩn bị cho ngôi nhà và văn phòng của mình để thoát khỏi tình trạng mất điện một cách an toàn.”
Bà Samantha Power, người đứng đầu Cơ quan Phát triển Quốc tế của ông Biden, cho biết giải pháp cho việc giá phân bón tăng cao là “các giải pháp tự nhiên như phân chuồng và phân hữu cơ, và điều này có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi vốn đằng nào cũng có lợi cho nông dân. Đừng bao giờ để một cuộc khủng hoảng trở nên vô ích.”
“Đó không phải là thế giới thực,” cô Overman nói. “Chúng tôi đang có mật độ chăn nuôi heo cao nhất trong cả nước và không có đủ phân heo hoặc phân gà tây hoặc phân gà để bón cho cây trồng của chúng tôi. Mùa thu này, chúng tôi đã cố gắng nhốt một số lứa gà và gà tây để rải rác trên cây trồng của chúng tôi và chẳng có chút nào. Chỉ là không có đủ động vật để sản xuất lượng phân bón mà chúng ta cần.”
“Năng lượng là một ngành kinh doanh sử dụng rất nhiều vốn, và về căn bản mức đầu tư vào tài sản thiết bị trong năng lượng đã giảm xuống khoảng một nửa mức mà chúng ta từng có vài năm trước đây,” ông Lavorgna cho biết. “Phần lớn điều đó liên quan đến thực tế là các công ty dầu khí không phải là không lắng nghe ý muốn của cổ đông hay quan trọng hơn là những gì mà các nhà quản lý và chính trị gia muốn.”
“Thật kỳ lạ khi trong tất cả những lời hùng biện của ông Biden, tôi vẫn chưa nghe thấy bất cứ điều gì theo hướng ‘chúng tôi sẽ làm mọi thứ để tăng sản lượng ở Mỹ,’” ông Turner nói. “Họ cảm thấy thoải mái với tình trạng hiện tại vì triết lý xanh của họ, và chúng ta chỉ là nạn nhân cần thiết.”
Cùng với sự rạn nứt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giá dầu và lương thực là nguyên nhân chính khiến nhiều nhà kinh tế cho rằng Fed sẽ gặp khó khăn đặc biệt trong việc kiềm chế lạm phát. Cô Natasha Kaneva, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa và dầu mỏ toàn cầu tại JPMorgan Chase, nói với báo chí: “Có một rủi ro thực sự là giá xăng có thể đạt 6 USD/gallon vào tháng Tám. Giá bán lẻ của Mỹ có thể tăng thêm 37% nữa vào tháng Tám.”
Giá càng leo thang, Fed càng phải quyết liệt hơn để kiềm chế lạm phát.
Các nhà kinh tế từ Deutsche Bank cho biết trong một báo cáo nghiên cứu có nhan đề “Tại sao cuộc suy thoái sắp tới sẽ tồi tệ hơn dự kiến,” cho biết: “Chúng tôi nghĩ rằng rủi ro nghiêng về một cuộc suy thoái lớn hơn nhiều, vì lạm phát đã dai dẳng hơn dự kiến chung… các bước đi từ Fed hiện được các thị trường hình dung là sẽ quá chậm để kiềm chế lạm phát.”
Ông Lavorgna nói: “Một cuộc suy thoái nhẹ sẽ là một sự gia tăng tương đối nhỏ trong tỷ lệ thất nghiệp. Tuy nhiên, nếu Fed cảm thấy rằng họ cần phải nén nhu cầu hơn nữa, thì chúng ta có thể thấy một cuộc suy thoái nặng hơn nhiều, với tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng gấp đôi hoặc nhiều hơn.”
Một trong những đặc điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là mức độ được thúc đẩy do các hành động của chính phủ, chứ không phải sự thất bại của thị trường. Điều này bao gồm hàng ngàn tỷ USD chi tiêu liên bang hỗ trợ một nền kinh tế đang quay cuồng với các cuộc phong tỏa hà khắc của chính phủ – mà giờ đây dường như đã không thành công trong việc ngăn chặn virus corona. Khoản chi này cộng với việc Cục Dự trữ Liên bang giữ lãi suất gần bằng 0 trong khi mở rộng bảng cân đối kế toán lên 9 ngàn tỷ USD, khiến nước Mỹ tràn ngập tiền mặt. Những vấn đề này sau đó càng trở nên nghiêm trọng hơn khi chính phủ Tổng thống Biden tái điều tiết nền kinh tế và ôm giữ ác cảm đối với ngành nhiên liệu hóa thạch Mỹ, cùng với việc phương Tây tẩy chay xuất cảng dầu và phân bón Nga sau khi Nga xâm lược Ukraine.
Lạm phát là hậu quả của việc quá nhiều dollar theo đuổi quá ít hàng hóa, và trong trường hợp này, nó là một “cơn bão hoàn hảo” ở cả hai bên của phương trình. Khi Fed nỗ lực hạ nhiệt nhu cầu bằng cách tăng lãi suất, một số nhà kinh tế cho rằng chính phủ ông Biden phải đảo ngược các chính sách mà họ đã áp dụng vốn đang làm suy yếu năng suất và kìm hãm nguồn cung.
Ông Jonathan Williams, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Hội đồng Trao đổi Lập pháp Hoa Kỳ cho biết: “Nếu quý vị muốn giải quyết vấn đề lạm phát, quý vị phải làm điều đó thông qua hành động đau đớn của Cục Dự trữ Liên bang cùng với lãi suất và chi phí đi vay cao hơn.” Nhưng đồng thời, “quý vị làm điều đó thông qua phía cung ứng, giúp giảm thuế, và tăng năng suất trên khắp Hoa Kỳ.”
Cho đến nay, do sự miễn cưỡng của chính phủ liên bang trong việc thực hiện các bước cần thiết, một số tiểu bang đã đẩy mạnh các giải pháp của riêng mình, ông Williams nói. Kể từ tháng Ba, bốn tiểu bang – Iowa, Mississippi, Georgia, và Arizona – đã chuyển khung thuế suất thu nhập cao 8% sang mức thuế cố định khoảng 2–4%. Tiểu bang North Carolina đã loại bỏ thuế thu nhập doanh nghiệp, và 9 tiểu bang khác hiện không có thuế thu nhập tiểu bang nào cả.
Hôm 17/05, Thượng nghị sĩ John Barrasso (Cộng Hòa–Wyoming) và các Thành viên Đảng Cộng Hòa khác đã giới thiệu Đạo luật ONSHORE (Nội địa). Đạo luật này sẽ trao cho các tiểu bang quyền điều hành sản xuất dầu và khí đốt trên các vùng đất liên bang trong biên giới của họ. Họ đồng thời đưa ra Đạo luật Cho thuê Ngay (Lease Now Act), trong đó yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục bán các hợp đồng thuê dầu khí.
Khi được hỏi ông Biden có thể làm gì để giúp nông dân, ông Allen nói, “Hãy hạ giá nhiên liệu. Điều đó sẽ cứu những người thuộc tầng lớp trung lưu. Điều đó sẽ giúp họ khi mua thực phẩm.”