Làm việc xấu, tại sao bốn đời sau mới chịu báo ứng?
Hoài Nhẫn Nhẫn
Ở Gia Thiện (nay là huyện Gia Thiện, tỉnh Chiết Giang) có một trí thức họ Chi với tài học nổi danh. Mùa hè năm Kỷ Dậu, ông ta đến Gia Hưng chuẩn bị tham gia khảo thí khoa cử. Một hôm, đột nhiên ông ta cảm thấy có thứ gì đó tiến nhập vào cơ thể, lập tức thân thể không khỏe, ngã gục xuống đất. Lúc này, thư đồng hầu cạnh nghe thấy từ trong miệng ông ta phát ra giọng nói của một người lạ, muốn đến lấy mạng trí thức họ Chi. Thư đồng vội vã đưa ông trở về nhà.
Sau khi về nhà, người nhà họ Chi quyết định cầu cứu sự giúp đỡ của trụ trì chùa U Lan – Pháp sư Tây Liên. Pháp sư Tây Liên đến, cật vấn hồn bám trên thân người trí thức: “Ngươi là tà quỷ phương nào, lại cư nhiên dám đến quấy phá Chi Tướng công?” Quỷ kia lớn tiếng trả lời: “Tôi không phải là tà quỷ. Bởi vì có oán thù từ kiếp trước với ông ta, nay nhân duyên đã đến, cho nên tôi mới tới đây đòi mạng hắn.”
Pháp sư Tây Liên hỏi nguyên nhân vì sao quỷ oán hận. Quỷ nói: “Vào những năm đầu triều đại nhà Minh, tôi là phó tướng dưới quyền của khai quốc công thần Trung Sơn Vương Từ Đạt, tên gọi là Hồng Chu, có Chủ tướng họ Diêu. Tên họ Diêu nhìn thấy thê tử xinh đẹp của tôi là Vương Thị liền nổi sắc tâm dâm đãng. Bấy giờ ở nơi đó có tặc binh phản loạn, họ Diêu liền phái bảy trăm tàn binh già yếu, bảo tôi mang đội quân này đi dẹp loạn. Lực lượng của tôi mỏng manh yếu ớt, không sao đối kháng nổi tặc binh, kết quả toàn quân bị tiêu diệt. Họ Diêu nhân cơ hội uy hiếp thê tử của tôi làm thê tử của hắn. Thê tử tôi không chịu nên tự vẫn. Tôi mang mối thâm thù đại hận này, mấy đời đều tìm cơ hội để báo thù.”
Quỷ hồn Hồng Chu nói tiếp: “Đời đó, họ Diêu đã sám hối tội ác, phát tâm tu hành, kết quả chuyển sinh thành một vị cao tăng. Tiếp đó lại chuyển sinh làm đại văn hào. Đời thứ ba lại chuyển thành một tăng nhân giữ giới. Đời thứ tư thành một người giàu có chuyên tâm làm việc thiện. Do đó tôi chưa đợi được cơ hội báo thù. Nay là đời thứ năm, mệnh của ông ta trong năm nay và năm sau đều có tên trên bảng khoa thí. Nhưng vào năm kia, ông ta từng viết đơn kiện làm hại bốn người bán trà ở huyện Dư Hàng, Minh phủ nên bị tước bỏ quan lộc rồi. Cho nên giờ đây tôi có thể đến lấy mạng của ông ta rồi.”
Pháp Sư Tây Liên nghe quỷ hồn Hồng Chu nói rõ nguyên cớ, gật đầu và khai thị: “Những gì ngươi nói đều có bằng chứng, ta tin ngươi không vu oan cho Chi Tướng công. Nhưng ta cũng tin rằng, ngoài việc đòi mạng còn có một cách giải quyết tốt hơn. Phật giáo có phương pháp tụng kinh sám hối rất vi diệu, có thể giải trừ nghiệp chướng tiền kiếp, siêu độ ngươi chuyển sinh đến nơi tốt đẹp hơn. Sao phải khổ sở vì uất hận nhất thời mà tìm cách báo thù mãi?”
Quỷ hồn Hồng Chu nghe xong, cung kính nói: “Nếu có thể được như vậy, đấy là điều quá tốt rồi, nhưng tôi sợ các ông chỉ nói vui để lừa gạt. Nếu bây giờ dựng đạo tràng, tôi sẽ lập tức rời khỏi thân thể ông Chi, đến Chánh điện lễ Phật.”
Thế là, pháp sư Tây Liên viết ra những gì mình đã hứa, và đốt gửi cho hồn ma. Sau khi pháp sự hoàn tất, ông Chi đã tỉnh dậy một cách kỳ diệu.
Tuy nhiên, vài ngày sau, ông Chi lại đột nhiên ngã xuống đất, trong miệng lại phát ra giọng phương bắc nên gia đình mời pháp sư Tây Liên đến lần nữa. Pháp sư trách mắng quỷ hồn: “Ngươi đã được siêu độ rồi, nên ra khỏi thân thể ông ấy, tại sao lại ở đây?”
Quỷ hồn Hồng Chu giải thích, bản thân đã được pháp lực siêu độ rồi, nhưng có bốn người khác đến đòi mạng, đó là bốn người bán trà. Nó đặc biệt đến là để nói cho Pháp sư biết, biểu thị bản thân giữ chữ tín, không nên hiểu nhầm. Quỷ hồn Hồng Chu nói xong liền rời đi.
Không lâu sau đó, ông Chi phát bệnh, không đến hai ngày thì qua đời.
Câu chuyện này phản ánh câu nói trong Phật giáo “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Không phải là không có báo ứng, mà là thời cơ chưa đến. Khi thời cơ đến, hết thảy đều được hoàn trả”, thật sự là như vậy. Trước khi một sinh mệnh chưa hưởng hết phúc báo, thì không thể thực hiện báo ứng cho những điều xấu anh ta đã làm. Chờ đến khi phúc báo đã hưởng hết, thì đó là lúc trả nghiệp báo cho mọi việc xấu đã làm. Hơn nữa quá trình này không phải một đời một kiếp là kết thúc. Ví như quỷ hồn Hồng Chu trong câu chuyện đã đợi đằng đẵng bốn kiếp, đến kiếp thứ năm đối phương làm điều xấu không còn phúc lộc, thì mới có được cơ hội để xâm chiếm thân thể ông ta trả thù. Vì vậy nói, chúng ta thấy thiện ác báo ứng ở nhân gian, đơn thuần chỉ thấy trong một đời, mà nhiều oan khuất không thể thấy rõ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến con người sống trong mê.
Nguồn tư liệu: “Hiện quả tùy lục” của Thích Giới Hiển thời nhà Thanh.