Làm việc theo thời khóa biểu hay theo ngẫu hứng?
Làm thế nào để cân bằng giữa việc đã sắp đặt và việc xảy ra ngoài dự tính? Cuộc sống hiện đại đòi hỏi chúng ta phải sắp xếp lịch làm việc thật hợp lý. Tuy nhiên, một chút ngẫu hứng sẽ khiến cuộc sống đỡ phần nhàm chán.
Tôi là một người sống theo thói quen và lịch trình.
Phải thú thật rằng tính chất công việc và hoàn cảnh cá nhân của tôi từ lâu đã đưa tôi vào nề nếp và khuôn khổ. Trong ba năm qua, tôi đã luôn thức dậy trước khi mặt trời kịp tỉnh giấc, rồi tự pha một tách cà phê; tiếp đó lướt mắt đọc tin trên những trang báo mạng, và sau cùng dành một vài giờ cho sự nghiệp viết lách.
Với thời gian còn lại, tôi chia thành nhiều phần để sắp xếp và dọn dẹp nhà cửa; viết lách thêm; thực hiện một số công việc sân vườn (theo mùa); ra thị trấn từ bốn đến năm lần mỗi tuần để mua sắm hoặc viết lách tại một quán cà phê hoặc tại thư viện công cộng; trả lời email và giải quyết các công việc làm ăn; thưởng thức rượu vang hay xem một bộ phim hoặc đọc một cuốn sách trước khi ngủ.
Tôi biết lịch trình này nghe khá đơn điệu.
Tuy nhiên, tôi biết rằng, làm việc theo lịch trình là việc mà hầu hết mọi người đều làm.
Hãy thử tìm trên Google từ khóa “Lợi ích của thời gian biểu và lịch trình”, bạn sẽ thấy rất nhiều lợi điểm đến từ việc sắp xếp hợp lý các công việc trong ngày.
Một số trang mạng nhấn mạnh đến lợi ích sức khỏe tinh thần khi làm việc theo lịch trình; trong khi những trang khác lại đưa ra những lợi ích về thể chất, chẳng hạn như tập thể dục, ăn uống lành mạnh, và ngủ ngon hơn. Một số trang còn đánh giá cao hiệu năng công việc mà việc sắp xếp lịch trình hợp lý đem lại.
Và thời khóa biểu hàng ngày cũng góp phần hâm nóng tình cảm gia đình. Trong bài “Tầm quan trọng của việc hình thành thói quen và nếp sống” (The Importance of Creating Habits and Routine) được đăng trên Tạp chí Y học Lối sống Hoa Kỳ (Journal of Lifestyle Medicine), tác giả Katherine Arlinghaus và Craig Johnston đã có cái nhìn tổng quát về những lợi điểm mà thói quen đem lại.
Bài viết có đoạn, “Sinh hoạt gia đình luôn quan trọng đối với trẻ em,” và “Những việc làm [cho trẻ em] trước giờ ngủ giúp hâm nóng vai trò của gia đình, đồng thời giúp cải thiện các thói quen ngủ.” Các thói quen sinh hoạt thường ngày trong gia đình có liên quan mật thiết đến sự phát triển các kỹ năng xã hội và sự thành công trong việc học tập của trẻ con. Chưa hết, việc theo sát lịch trình tại gia đình rất quan trọng đối với khả năng hàn gắn gia đình trong giai đoạn khủng hoảng.
Tất nhiên, việc tuân theo một lịch trình ngày này qua ngày khác một cách cứng nhắc đôi khi có thể khiến tâm trí và tinh thần của chúng ta suy sụp. Nếu cố gắng hoàn thành nghĩa vụ của bản thân nhưng lại phớt lờ những người và sự kiện chung quanh, chúng ta có nguy cơ trở thành “kẻ mộng du”.
Trong cuốn “Tại Sao Việc Bỏ các Thói Quen lại Quan Trọng” (Why It’s Important to Break Routines), tác giả Lisa Firestone đã chỉ ra việc tuân theo một thói quen một cách mù quáng có thể làm giảm khả năng sáng tạo và nhận thức của chúng ta, và có thể làm mất đi “cảm giác hồi hộp, tính tò mò, và sự háo hức.” Cô Firestone thực ra vẫn ủng hộ việc bám sát lịch trình và những thói quen, nhưng cô lưu ý rằng khi chúng ta tuân thủ một cách quá cứng nhắc các thói quen, chúng ta rất có thể mất đi “cảm giác hiếu kỳ về thế giới ngoài kia – bản năng tự nhiên của một đứa trẻ.”
Trong cuộc sống với nhiều điều cần đối mặt, sự cân bằng chính là chìa khóa của vấn đề. Chúng ta có thể sinh hoạt chiểu theo lịch trình sẵn có trong khi vẫn sẵn sàng đón nhận những việc không mong muốn và thậm chí chào đón những cơ hội bất ngờ để khiến cho một ngày của ta thêm phần khởi sắc. Hãy thử mường tượng thế này nhé, bạn hãy thỉnh thoảng tạm dừng đọc quyển “George Hiếu Kỳ” (Curious George) cho đứa con 4 tuổi, thay vào đó hãy đưa bạn đời của mình đi dạo sau bữa ăn tối. Hoặc bạn có thể đặt chiếc smartphone xuống để cùng trò chuyện với cô con gái tuổi dậy thì về những chuyện xảy ra trong ngày của cô.
Và đôi lúc, thời gian nghỉ giải lao dài giữa lịch trình quen thuộc cũng đem đến những món quà thú vị và cần thiết. Ví như việc nghỉ phép ra bãi biển thưởng thức hải sản dưới nắng vàng giúp ta thoát khỏi sự đơn điệu của những thói quen thường nhật. (Viết đến đây, tôi cười thầm khi nhớ đến kỳ nghỉ năm ngày tại nhà con gái trong dịp Giáng Sinh. Thú thật, trong hai ngày đầu, tôi đã cảm nhận được sự bồn chồn vì mất đi mục đích sống. Tâm trí tôi lơ đãng trôi mà không được sợi dây “lịch làm việc” dẫn dắt. Rõ ràng là tôi cần phải nghỉ ngơi và tạm xa rời cái lịch thường nhật đó.)
Trong khi lịch trình sẵn có khiến công việc của ta đi vào khuôn khổ, việc sẵn lòng đón nhận những chuyến “phiêu lưu” bất ngờ, những việc bất ngờ chen vào, và những món quà “từ trên trời rơi xuống” sẽ đem đến niềm hứng khởi.
Khi tìm thấy điểm thăng bằng, chúng ta sẽ nhận được những điều tốt đẹp đến từ hai phương diện đối lập này.
Ông Jeff Minick có bốn người con và rất nhiều cháu ở tuổi đang lớn. Trong 20 năm, ông đã dạy lịch sử, văn học, và ngôn ngữ Latin cho các học sinh tại Asheville, North Carolina.