Làm thế nào để người cha kết nối với cậu con trai tuổi teen sau nhiều năm xa cách?
JUNE KELLUM
June thân mến,
Tháng 11 năm nay, con trai của tôi sẽ bước sang tuổi 18. Trong 15 năm qua, tôi đã không sống cùng cháu do sự lựa chọn của mình. Lời cầu nguyện tha thiết nhất của tôi lúc này đây là được ở bên cạnh cháu dẫu chỉ một ngày.
Trong nhiều năm qua, tôi đã nhiều lần cố gắng nhưng không thể liên lạc được với cháu. Con trai tôi đang sống cùng với mẹ, và tôi thật sự băn khoăn liệu cô ấy có khuyến khích con trai liên lạc với tôi không. Tuy nhiên, cô ấy đã gửi các bức ảnh của con trai cho cha tôi.
Tất nhiên, có rất nhiều vấn đề cuộc sống đằng sau tất cả những điều này. Tôi sống cùng với mẹ cho đến năm 6 tuổi, sau đó thì sống cùng cha cho đến năm 13 tuổi. Và đến tận hôm nay, mối quan hệ của tôi và cha mình vô cùng căng thẳng.
Tôi tự hỏi liệu mình có nên thuê một thám tử tư để tìm gặp con trai khi cháu bước sang tuổi 18 hay không? Tôi biết rằng mình có lỗi khi đã không gần gũi con trai. Cô có thể giúp tôi một lời khuyên không?
Một người Cha bị xa lánh,
Thân gửi người Cha bị xa lánh,
Thật cảm kích khi anh vẫn muốn là một phần trong cuộc đời của con trai sau khoảng thời gian dài như vậy. Đúng vậy, tôi nghĩ rằng bạn (xin được mạn phép xưng hô như vậy) nên làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để tìm cách kết nối lại với cậu bé. Điều đó sẽ giúp thay đổi cuộc sống, và thậm chí chữa lành tổn thương cho cả cha và con trai.
Một khi con trai bạn trở thành người lớn, bạn có quyền cả về mặt pháp lý lẫn đạo đức để thiết lập lại mối quan hệ với cháu. Tôi chắc chắn rằng một thám tử tư giỏi có thể làm việc đó, nhưng tôi tự hỏi rằng bạn có nên nhờ gia đình giúp đỡ không? Cách này sẽ giúp ích nhiều hơn cho bạn và con trai. Hãy để tôi giải thích thêm.
Bởi vì bạn hầu như không giao tiếp với con trai kể từ khi cháu chưa đầy 3 tuổi, bạn sẽ cần phải xây dựng lại mối quan hệ này gần như từ số không. Hiện tại, việc xây dựng mối quan hệ này có thể dễ dàng – như xây một lâu đài cát; tuy nhiên cũng có thể không dễ chút nào – như xây một pháo đài thời Trung cổ. Vì vậy, tôi nghĩ rằng bước chuẩn bị là rất quan trọng bởi vì bạn không thể xây một pháo đài mà không có một số bí quyết.
Có một sự thật là khi một đứa trẻ không có cha ở bên cạnh, cháu sẽ luôn thắc mắc mình có giá trị đến mức nào.
Cô Meg Meeker, tác giả và là bác sĩ nhi khoa chia sẻ rằng sâu thẳm trong trái tim của mỗi đứa trẻ, chúng cần cả cha và mẹ trả lời ba câu hỏi căn bản về bản thân mình:
1.Cha mẹ tin tưởng điều gì ở con trẻ? (Con có tốt không? Có thông minh không? Có khờ khạo không?)
2.Cha mẹ cảm thấy như thế nào về con? (Con có đáng yêu không? Cha mẹ có hổ thẹn về con không? Cha mẹ có cảm thấy xấu hổ vì con không?)
3.Cha mẹ hy vọng điều gì cho con? (Con sẽ có tương lai không?)
Các bậc cha mẹ cũng cần trả lời những câu hỏi này bằng cả lời nói và biểu hiện phù hợp.
Trong một buổi thảo luận của tổ chức TED, cô Meeker đã nói rằng những đứa trẻ không có cha trả lời những câu hỏi này thường sẽ sống trong sự hỗn loạn.
“Các nhà tù của chúng ta chật kín những người có tâm hồn bị tổn thương chỉ bởi vì họ không được nghe câu trả lời cho những câu hỏi này từ cha mình.”
Ngay cả những người thành đạt cũng phải chật vật nếu họ không có cha ở bên cạnh. Cô Meeker nói rằng cô từng làm việc với nhiều vận động viên chuyên nghiệp, dạy cho họ cách làm cha như thế nào. Mặc dù những vận động viên này đã đạt được danh tiếng và vinh quang trên thế giới, họ cũng phải vật lộn với sự hỗn loạn trong tâm hồn mình – bởi vì sâu thẳm trong tâm, họ không có được đáp án cho những câu hỏi này. Điều tương tự cũng xảy ra với giới tinh hoa trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Bạn có nhắc đến mối quan hệ khá căng thẳng với cha mình, vậy có lẽ sẽ hữu ích nếu bạn nghĩ xem ông sẽ trả lời bạn thế nào cho các câu hỏi trên. Có thể ông đã không làm tốt vai trò người cha. Nếu đúng là vậy, nếu ông không tin vào tiềm năng của bạn, vào giá trị vốn có của bạn, thì có thể chính điều này đã khiến bạn phạm phải sai lầm trong mối quan hệ với con trai bạn.
Tuy nhiên, chắc chắn hiện tại bạn không thể đổ lỗi cho ông, có thể ông đã bị cuộc đời đánh gục theo một cách nào đó. Cách tốt nhất hiện nay là thừa nhận những tổn thương vẫn chưa được chữa lành bên trong bạn, chấp nhận sự thật rằng cha của bạn có nhiều lỗi lầm, và hãy tha thứ cho ông. Tôi đoán rằng ông đã cố gắng hết sức, và hầu hết chúng ta đều như vậy.
Việc bạn mong muốn được hiện diện trong cuộc đời của con trai, bất chấp thời gian dài xa cách, đã nói lên tinh thần cao đẹp và sức mạnh bên trong con người bạn. Theo kinh nghiệm của tôi, việc làm cha mẹ đòi hỏi sự mạnh mẽ, bởi vì khi chúng ta yêu thương và quan tâm quá nhiều đến con cái, thì cũng có thể đem đến cho bọn trẻ nhiều nỗi lo sợ. Vào những lúc tôi thật sự bị thử thách bởi chính cậu con trai của mình, tôi liền nghĩ đến việc tôi đã cảm thấy như thế nào khi cậu bé còn là một đứa trẻ sơ sinh – làm thế nào tôi biết rằng cậu bé có tiềm năng đáng kinh ngạc và rằng tôi sẽ làm và hy sinh rất nhiều cho con trai mình. Chính điều này đã cho tôi sức mạnh để vượt qua tất cả những khó khăn đang thách thức mối quan hệ của chúng tôi.
Tôi đề cập đến việc này bởi vì có thể điều đó sẽ xảy ra khi bạn gặp con trai mình; cậu bé có thể không phải là người mà bạn đã hy vọng sẽ trở thành, hoặc có thể cậu bé có một cái nhìn sai lệch về bạn (chúng ta không biết chắc người mẹ đã nói với cậu bé những gì) và bạn có thể phải chứng minh rằng bạn vẫn xứng đáng làm một người cha.
Nói cách khác, tôi nghĩ việc bạn tìm kiếm lại đứa con của mình là một thách thức dành cho một siêu anh hùng thực thụ, và do đó, bạn sẽ gặp phải những thử thách, có thể bị từ chối, cũng có thể không được tôn trọng, và cũng sẽ có nhiều lúc bạn nghi ngờ chính mình. Tuy nhiên, bản chất tự nhiên của thách thức chính là sự khó khăn mà.
Và đối với câu hỏi của bạn về việc liên hệ với cậu bé như thế nào, bạn có thể thuê một thám tử tư; tuy nhiên liệu bạn có thể đầu tiên giảm bớt căng thẳng trong mối quan hệ với cha mình không? Và mẹ của con trai bạn thì sao? Bạn có thể trở nên thân thiết hơn với cô ấy? Lợi ích của việc này là bạn sẽ bắt đầu thiết lập lại mối quan hệ gia đình xung quanh con trai – điều này có thể dẫn đến một mối liên hệ tự nhiên với con trai bạn, và quan trọng là, thông qua quá trình này bạn sẽ có thể đạt được sức mạnh và sự sáng suốt.
Tôi nghĩ rằng nếu ngẫm nghĩ kỹ, bạn sẽ biết cách tốt nhất mà mình nên làm.
Một đề nghị khác của tôi là bạn hãy nghĩ đến việc đọc sách – để đem đến cho bạn cách nhìn nhận, dũng cảm và trí tuệ. Bạn có thể lựa chọn những câu chuyện anh hùng như Hercules hoặc tiểu sử của những vĩ nhân như Ngài George Washington.
Bạn cũng có thể đọc và xem thêm những quyển sách hoặc phim của Dr. Meg Meeker; quyển “12 Quy Tắc của Cuộc Đời: Thuốc Giải cho những Hỗn Loạn” của Dr. Jordan Peterson, viết về một số quy tắc chung để giữ cho cuộc sống vững vàng; quyển “Điều Đó đã Không Bắt Đầu với Bạn” của Mark Wolynn, nói về cách chữa lành các tổn thương giữa các thế hệ; và quyển “Con Người Bằng Thép và Bằng Nhung” của Aubrey Andelin, một quyển sách hướng dẫn cổ điển về nhân cách.
Bạn cũng có thể liên hệ với Tổ Chức Thế Hệ Không Có Cha (Fatherless Generation Foundation), một tổ chức bất vụ lợi ở tiểu bang Georgia chuyên giúp đỡ những gia đình tái hợp. Họ sẽ đưa ra các lời khuyên và trợ giúp bạn.
Trân trọng,
June
________
Nếu bạn có câu hỏi về gia đình liên quan đến chuyên mục “Dear June”, hãy gửi câu hỏi đến [email protected] hoặc Dear June, The Epoch Times, 5 Penn Plaza, Floor 8, New York, 10001.
June Kellum là một bà mẹ ba con đã kết hôn và là ký giả lâu năm của Epoch Times. Cô chuyên viết về chủ đề gia đình, các mối quan hệ và sức khỏe.