Ký giả Lee Smith: Truyền thông thao túng công chúng về cuộc chiến Israel-Hamas
Samantha Flom và Jan Jekielek
Việc đưa tin tức không chính xác của giới truyền thông đã khiến sự chia rẽ về cuộc Chiến tranh Israel–Hamas thêm phần trầm trọng, giữa bối cảnh có sự nhầm lẫn về vụ nổ tại một bệnh viện ở thành phố Gaza.
Sau khi các quan chức Hoa Kỳ ủng hộ tuyên bố của Israel rằng họ vô tội trong vụ nổ này, các hãng thông tấn lớn nào đã dựa vào cách giải thích của Hamas về vụ việc này – như New York Times – buộc phải đưa ra những đính chính, cho dù lặng lẽ và miễn cưỡng.
Những ai chờ đợi một lời xin lỗi chân thành có thể sẽ thất vọng, vì theo ký giả và tác giả điều tra Lee Smith, trong nhiều năm qua, giới truyền thông đã đồng lõa với một cỗ máy tuyên truyền có chủ định “làm mất phương hướng và mất tinh thần” của công chúng Mỹ.
Hôm 20/10, ông Smith nói trên chương trình “Những nhà lãnh đạo Tư tưởng Hoa Kỳ” (American Thought Leaders) của EpochTV: “Kỳ thực, đối với hầu hết mọi người ở phe cánh hữu, lần đầu tiên họ tiếp xúc với thông tin giả thực sự, các chiến dịch thông tin thực sự, [đến từ việc họ] đã và đang theo dõi những gì đang diễn ra ở Trung Đông kể từ đầu Thế kỷ 21.”
Từ cuộc chiến ở Iraq đến Chiến tranh Lebanon năm 2006 và bây giờ là Chiến tranh Israel–Hamas, ông Smith lưu ý rằng chiến tranh thông tin là một chiến thuật quan trọng được các chế độ phiến quân ở Trung Đông sử dụng để phá hủy ủng hộ dành cho kẻ thù của họ.
Tuy nhiên, ông cho rằng chính phủ Tổng thống (TT) Obama đã cố tình tạo ra một “phòng dội âm” [echo chamber: chỉ quảng bá thông tin họ muốn] để thuyết phục công chúng Mỹ vốn mơ hồ về thỏa thuận hạt nhân của chính phủ này với Iran. Và ông cáo buộc rằng cơ sở hạ tầng truyền thông tin đó hiện đang được sử dụng để truyền bá thông tin giả về Chiến tranh Israel–Hamas.
“Phòng dội âm” trước đây
Ông Smith lưu ý rằng khi chính phủ TT Obama đạt được thỏa thuận gây tranh cãi với Iran hồi năm 2015, thì hầu hết người Mỹ đều phản đối.
“Chúng ta biết rằng năm 1979, họ đã bắt các nhà ngoại giao của chúng ta làm con tin,” ông nói. “Chúng ta biết rằng họ đã sát hại người Mỹ ở Iraq. Chúng ta biết rằng năm 1982, họ đã sát hại người Mỹ ở Lebanon, và họ phải chịu trách nhiệm cho hầu hết những người Mỹ đã thiệt mạng ở Iraq. … Vì vậy, hầu hết người Mỹ đang xem xét điều này, thỏa thuận với Iran, nói rằng, ‘Điều này thật điên rồ.’”
Vào thời điểm đó, chính phủ đã thúc đẩy “Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung” như một biện pháp ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Nhưng theo ông Smith, mục đích thực sự của thỏa thuận này là hoàn toàn ngược lại.
“Thỏa thuận này chưa bao giờ có chủ định là ngăn Iran có được loại bom này,” ông lập luận. “Mà thỏa thuận này có chủ định là để Iran có được loại bom đó và hợp pháp hóa việc đó trong mắt cộng đồng quốc tế.”
Ông Smith cho biết, về mặt khác, để thuyết phục công chúng, chính phủ dựa chủ yếu vào các ký giả thân thiện, các tổ chức tư vấn, và những người được gọi là “chuyên gia” để nhại lại các quan điểm thảo luận của Tòa Bạch Ốc.
“Ông Barack Obama có sức mạnh truyền thông hậu thuẫn – một lần nữa, đó là cơ sở hạ tầng truyền thông đã được xây dựng vào thời điểm đó. Và bây giờ cơ sở này hạ tầng được dùng để tuyên truyền mọi thứ, từ vụ Russiagate cho đến cuộc nổi dậy ngày 06/01.”
Xem xét lại thỏa thuận Iran
Ông Smith cho biết thông điệp mà phòng dội âm này hiện đang thuyết phục là Israel không được phép tự vệ trước thứ mà ông gọi là một chính quyền “bệnh hoạn”.
“Chúng ta không nói về một chế độ quyền lực tập trung; chúng ta không nói về một nền dân chủ, một chế độ chuyên chế, một chế độ quân chủ,” ông nói.
“Chúng ta đang nói về sự cai trị của cái ác bệnh hoạn, hay sự cai trị bệnh hoạn. Và đó là những gì chúng ta đang thấy với Hamas và Hezbollah.”
Ông lưu ý rằng việc Hamas sử dụng [thường dân làm] lá chắn sống “là thật bất bình thường – điều này thật kinh tởm, điều này thật bệnh hoạn.” Và mặc dù một số người đã kêu gọi ngừng bắn, nhưng theo ông, hướng đi đó cuối cùng sẽ tước bỏ quyền tự vệ của Israel trước một chế độ như vậy.
“Tôi không nói rằng mọi người đều biết kết cục của cuộc tranh luận đó,” ông nói. “Nhưng đó chính là nơi mà cuộc tranh luận diễn ra – rằng Israel không thể bảo vệ chính mình.”
Về phần mình, chính phủ TT Biden đã nỗ lực thể hiện sự ủng hộ của mình về mặt quân sự đối với Israel, gửi đạn dược, phi cơ, và hàng không mẫu hạm sau khi cuộc tấn công xảy ra.
Hôm 23/10, cùng với một số nhà lãnh đạo thế giới, TT Joe Biden nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với Israel và quyền tự vệ của quốc gia này.
Tuy nhiên, ông Smith lưu ý rằng chính phủ đã hạ thấp khả năng Iran liên quan đến vụ tấn công mặc dù nhiều tin tức cho biết rằng các quan chức an ninh của Iran đã giúp sắp xếp tất cả.
“Chúng tôi có hồ sơ về tất cả cuộc họp giữa các quan chức cao cấp của Iran, và lãnh đạo Hamas, Ismail Haniyeh, và lãnh đạo Hezbollah, Hassan Nasrallah, huấn luyện các đặc vụ chuyên biệt cho cuộc tấn công này bằng dù lượn. Rất là bệnh hoạn,” ông nói.
“Và lý do mà chính phủ ông Biden đang che giấu điều này là vì chính phủ này vẫn muốn khôi phục thỏa thuận hạt nhân với Iran,” ông cho biết.
Khi nhậm chức, cựu TT Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này, loại bỏ Iran và các bên ủy nhiệm của nước này để ủng hộ việc củng cố bang giao với những đồng minh hiện có ở Trung Đông thông qua Hiệp định Abraham.
Ông Smith cho rằng chính phủ TT Biden đã phá hoại thỏa thuận đó với hy vọng “làm sụp đổ” chính phủ của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và đưa Iran trở lại bàn đàm phán.
Và những mục tiêu đó, ông nói, đặt ra câu hỏi tại sao.
“Tại sao giới lãnh đạo Mỹ quốc và Âu Châu muốn hợp pháp hóa chương trình vũ khí hạt nhân của một quốc gia bệnh hoạn? Chúng ta biết họ là gì… Tại sao họ lại đang bình thường hóa các chế độ như của Hamas, của Hezbollah, và như Cộng hòa Hồi Giáo Iran khi đây là những chính thể bệnh hoạn và điên cuồng?”
Niềm tin đang suy giảm
Mặc dù “phòng dội âm” trong giới truyền thông thiên tả có thể vẫn còn hoạt động, nhưng đối với nhiều người, thì hiệu quả đã suy yếu.
Từ đại dịch COVID-19 đến những lo ngại về tính liêm chính bầu cử và việc vũ khí hóa chính phủ liên bang, nhiều người Mỹ không còn tin tưởng vào những nguồn tin mà họ từng tin là đáng tin cậy.
Và đối với ông Smith, sự ngờ vực sâu sắc đó thể hiện một mối lo ngại khác cần được giải quyết.
Ông nói: “Những người vốn không có niềm tin vào thông tin mà họ nhận được và sẵn sàng tin mọi thứ đã trở nên vô cùng, vô cùng dễ bị tổn thương.”
“Và một lần nữa, đó là dấu hiệu rất xấu đối với đất nước chúng ta, bởi vì đó là dấu hiệu cho thấy mọi người cảm thấy họ không có gì để tin cậy. Họ tin rằng mọi thứ về đất nước chúng ta, mọi thứ về thực tại của chúng ta đều là giả,” ông nói. “Nhưng tất nhiên, điều đó không đúng.”
Ông Smith cho rằng để giúp những người đó phân biệt sự thật với điều bịa đặt thì xã hội phải quay trở lại “nhìn vào những sự việc có thật và giải thích những điều có thật đó khi chúng xảy ra” – chớ đừng thêu dệt thêm.