Kỳ 8: Long tộc thời Nguyễn
Con đường Nam tiến vinh quang nghìn năm khởi đầu từ Tiền Lê Thái Tổ đã hoàn thành mỹ mãn kỳ diệu suốt 200 năm mở cõi của họ Nguyễn. Một triều đại thống nhất với lãnh thổ to lớn chưa từng có trong lịch sử đã xuất hiện, long tộc Thần Nông phương Nam đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình.
Đặc điểm rồng thời Nguyễn
Rồng thời Nguyễn là con rồng của triều đại phong kiến cuối cùng, cũng là triều đại lâu dài và cai quản phần lãnh thổ to lớn nhất trong lịch sử nước ta. Nên hình tượng con rồng Nguyễn cũng được truyền thừa và phát triển từ các hình tượng rồng Lý Trần Lê trước đó.
Hình tượng rồng thời Nguyễn có thân to kiểu thời Lê, kích thước ngắn hơn nhưng vẫn uốn lượn mềm mại uyển chuyển. Đuôi kiểu xoắn xòe tròn theo con rồng thời Lê khoảng thế kỷ 18. Rồng có mắt to tròn, râu tóc tạo hình chi tiết hơn nhưng vẫn giữ kiểu má của rồng thời Lý Trần vốn ảnh hưởng của con Makara trong nghệ thuật Phật giáo (có thể do con rồng Lý là con rồng bảo hộ Phật giáo). Mang của rồng thời Nguyễn không chỉ có một xoáy như rồng Lý mà được cách điệu thành các tia lửa dài và mảnh tỏa ra sau đầu.
Như đã nói trong các phần trước, tia lửa hay mây lửa nhiều tượng trưng cho việc binh đao và binh uy. Triều đại nhà Nguyễn là một triều đại có thế mạnh về quân sự, có thể nói là vô cùng nổi tiếng, nhưng cũng hứng chịu nhiều thiệt hại với rất nhiều cuộc chiến. Ta có thể thấy điều này qua thần thái của rồng thời Nguyễn, đó là thần thái uy nghiêm và hung mãnh chứ không còn thong dong nhẹ nhàng như Lý Trần, hay điềm đạm uy vũ như thời Lê trước đó.
Người xưa có câu “Có thể lấy được thiên hạ trên lưng ngựa nhưng không thể trị thiên hạ trên lưng ngựa.” Vì thế việc triều chính thành công sau khi tiếp quản lãnh thổ mới là thứ quyết định tương lai của vùng đất đó, chứ không phải sức mạnh quân sự.
Nhà Nguyễn đã thi hành một nền chính trị xuất sắc kết hợp hoàn hảo giữa Nho và Phật trên vùng đất phương Nam non trẻ và phức tạp, đem lại cho chúng ta dải đất miền Nam tươi đẹp đến ngày nay.
Hoằng dương Chính Pháp, Nho Phật cùng trị thiên hạ
Sau khi Nguyễn Hoàng mất, các con cháu ông nối nghiệp đã tiếp tục mở rộng lãnh thổ Đàng Trong, đánh bại tất cả các cuộc xâm lấn của quân Đàng Ngoài, biến Đàng Trong trở thành một vương quốc hùng mạnh bậc nhất khu vực. Đúng như lời nhận xét của đình thần nhà Thanh khi chúa Minh Vương dâng thư xin sắc phong:
“Nước Quảng Nam hùng trị một phương, Chiêm Thành, Chân Lạp đều bị thôn tính, sau tất sẽ lớn.Tuy nhiên nước An Nam còn có nhà Lê ở đó, chưa có thể phong riêng được.”
Sự hùng mạnh đó của Đàng Trong bắt đầu từ Nguyễn Hoàng và dần phát triển rực rỡ đỉnh cao dưới thời vị Chúa thứ sáu là Minh Vương Nguyễn Phúc Chu. Tuy các vị Chúa trước của Đàng Trong đều là người có năng lực, thi hành đức chính và chính trị rất tốt nhưng vẫn còn thiếu một thứ vô cùng quan trọng để gầy dựng một vương triều to lớn, đó là Đạo trị quốc.
Đàng Trong là một miền đất mới và hoàn toàn khác miền Đàng Ngoài, nên Đạo trị quốc càng cần phải phù hợp hơn mới có thể phát triển sức mạnh vùng đất này. Sau 5 đời Chúa thì đã đến lúc sự phát triển của Đàng Trong cần có một nội lực mạnh mẽ hơn để có thể chuyển mình, và đây chính là lúc mà Minh Vương Nguyễn Phúc Chu được sinh ra để thi hành nhiệm vụ của Trời giao phó, giúp họ Nguyễn gây dựng cơ đồ to lớn hơn (thời Minh Vương cũng là thời mà Đàng Trong mở rộng đến tận Hà Tiên, cũng là năm mà Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược, sáp nhập lãnh thổ Thủy Chân Lạp vào bản đồ Đại Việt).
Sự kiện vô cùng quan trọng đánh dấu sự chuyển mình của Đàng Trong là khi Minh Vương mời được vị hòa thượng đức độ, tài năng bậc nhất là Thiền sư Thạch Liêm về giảng Pháp, nhân đó mà học được Phật Pháp, vận dụng sự viên dung giữa hai trường phái Nho Phật trong việc trị quốc.
Năm 1694, thiền sư Thạch Liêm nhận lời của Minh Vương đến Đàng Trong thuyết Pháp.
Năm 1695, sau khi đến nơi, Hòa thượng đã tổ chức giới đàn để truyền giới Bồ tát cho Chúa và quyến thuộc, quan lại và 1400 tăng ni ở Phú Xuân. Đồng thời cũng trao cho Chúa một bản điều trần về việc dùng Chính Pháp cai trị quốc gia.
Khai phá miền Nam, Cửu Long hộ quốc
Chỉ trong thời gian ngắn sau khi hòa thượng Thạch Liêm sang Đàng Trong hoằng truyền Chính Pháp và Minh Vương áp dụng pháp độ mới trị quốc, thì đã có những tin vui cho vùng đất mới này. Các tướng lãnh tài năng dưới sự chỉ huy của vị Chúa trẻ tuổi đã thành công mở rộng bờ cõi về phương Nam rộng hơn bất kỳ thời đại nào trước đó. Trong cuộc mở mang bờ cõi đó đã hoàn toàn thắng hai quốc gia, đưa lãnh thổ phát triển đến cực Tây, thu đất Hà Tiên vào bản đồ.
“Năm Mậu Dần (1698) mùa xuân, chúa sai Hữu Cảnh làm Thống suất, đem quân đi kinh lược Chân Lạp, lấy đất Đồng Phố, đặt làm phủ Gia Định phân chia đất ấy, lấy Đồng Nai làm huyện Phước Long, đặt doanh Trấn Biên, lấy Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng doanh Phiên Trấn. Mở đất nghìn dặm, dân được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ lưu dân từ châu Bố Chính trở vào nam cho ở đất ấy. Đặt xã, thôn, phường ấp, khai khẩn ruộng đất, định ngạch tô thuế, làm sổ đinh. Đến lúc về, Hữu Cảnh lại lĩnh trấn như cũ.”
(Đại Nam Liệt Truyện – Nguyễn Hữu Cảnh)
Nhà họ Nguyễn chịu nhận Thiên mệnh mở rộng quốc gia về phía Nam để hình thành một cục diện Nam Bắc, Âm Dương cân bằng cho Đại Việt. Song song với quá trình phát triển thế lực của mình về phương Nam, nhà Nguyễn cũng làm mạnh thêm cho long mạch khu vực miền Trung và khai phá thêm long mạch mới rất hùng mạnh và vô cùng quan trọng cho tương lai đất nước trong tương lai, là long mạch Cửu Long Giang, vùng đất Chín Rồng.
Vì sao long mạch Cửu Long lại quan trọng như thế? Phong thủy Tả Ao có câu ca quyết như sau:
“Bình dương lấy nước làm thầy
Thứ nhất khai khẩu, thứ nhì nhũ long
Thứ ba mạch thắt cổ bồng
Thứ tư sơn chỉ hồi long càng tài”
Ý nghĩa các câu trên nói về long mạch dạng thủy ở vùng đồng bằng, một loại long mạch gắn liền với sức mạnh kinh tế, phải đạt được sau khi đã thành công về binh quyền và chính trị nếu muốn duy trì triều đại hùng mạnh lâu dài.
Long mạch nước ta tại miền Bắc qua mấy triều đại đã không đủ vượng khí cho vận hội phát triển mới của đất nước trong đà tiến tới hình thành một quốc gia có địa thế Âm Dương cân bằng hoàn chỉnh. Để có thể phát triển thành một quốc gia thịnh vượng với diện tích lớn hơn gần gấp đôi thì cần phải có thêm sự bổ trợ của vượng khí từ các long mạch vùng đất mới như miền Trung và đặc biệt là miền Nam.
Vì miền Nam là long mạch vùng đồng bằng, lấy nước làm chủ đạo, tượng trưng cho tài phú thịnh vượng, vốn là điều quan trọng nhất cho dân sinh của một đất nước. Điều này thì long mạch đồng bằng sông Hồng cũng như toàn bộ duyên hải miền Trung không đạt được. Long mạch các nơi đó (Bắc và Trung) dùng để bình định thiên hạ qua loạn lạc, để nắm quyền chính trị chứ không để đem lại sự thịnh vượng vững mạnh về đời sống kinh tế cho người dân như đại long mạch Cửu Long được.
Long mạch đồng bằng sông Cửu Long vốn bắt nguồn từ sông Mekong, đứng thứ 10 về lưu lượng nước trong các con sông lớn nhất của thế giới. Nó khởi nguồn từ cao nguyên Thanh Hải ở Tây Tạng, như một con rồng khổng lồ vươn mình ra biển Đông tại nước ta với 9 cái đầu hùng vĩ (hay cũng có thể là 9 con rồng). Chính vùng đất này đã giúp chúa Nguyễn vượt qua cơn binh lửa Tây Sơn, vững vàng thống nhất đất nước và cai trị thêm 143 năm nữa.
Triều đại nhà Nguyễn vốn nắm giữ Thiên mệnh to lớn, nhận lãnh nhiệm vụ khó khăn mà Trời giao để khai phá mở mang nước ta thành một nước lớn, đầy đủ về Âm Dương Phong thủy có thể đứng ngang hàng trong thế cân bằng với Trung Hoa. Nhìn trên bản đồ thì phải đến khi lãnh thổ chúng ta trải dài thành hình chữ S thì mới thể hiện đầy đủ một đồ hình Âm Dương thu nhỏ. Đó là công lao nghìn năm của tất cả các triều đại mà nhà Nguyễn đã kỳ công hoàn tất. Họ đã phải trải qua 200 năm khổ nhọc từ khi lấy được ngôi long mạch Thiên táng huyền thoại, sau đó dùng Đức độ của mình, liên tục thi hành các chính sách hợp lòng trời, mở mang bờ cõi, an cư lạc nghiệp cho vô số dân chúng cơ khổ của một nước Đại Việt loạn lạc, chia rẽ.
Thế mà qua một thời gian dài mấy chục năm, vì triều đại nhà Nguyễn đã biểu hiện nhiều yếu kém vào thời suy tàn (bất kỳ chế độ hay triều đại nào cũng sẽ như thế), mà bị bao thế hệ sử gia gần như phủ nhận sạch trơn công đức vĩ đại của dòng họ này. Vì họ Nguyễn nhận mệnh trời mà mở nước, làm thế có khác nào phủ nhận ân sủng của Thần đã ban cho dân ta một vùng đất tươi đẹp như miền Nam hay sao. Vì sao mà mấy mươi năm qua dân ta ở vùng đất này mãi vẫn không giàu có; vì sao ở trên đất vàng mà vẫn khốn khó; vì sao không được Thần ân tứ để giàu mạnh? Chẳng phải là điều đáng suy ngẫm hay sao?
Đông Phong