Kiên trì với từng mũi thêu
LORRAINE FERRIER
London là nơi bạn có thể nghĩ đến khi muốn ngắm nhìn những tác phẩm trang trí trong nhà của nghệ sĩ thêu tay Susannah Weiland. Đó là hình ảnh của những chú chim Hummingbird bay lượn giữa hoa phong lan và hoa kèn trumpet thiên thần, hay chim công tạo dáng ở những ngôi chùa và trên những băng ghế công viên, còn có những chú ếch màu sặc sỡ nhảy giữa những lá hoa súng và hoa sen khổng lồ.
Ngoài các loài chim Hummingbird, “Bộ sưu tập thực vật” là bộ sưu tập đầu tiên của Weiland, kết hợp cả hệ thực vật và động vật từ khu vườn Kew ở London, một trong hai vườn thực vật hoàng gia.
Vải và giấy dán tường của Weiland đem lại cho người xem nhiều ấn tượng hơn nữa: Mỗi tác phẩm nghệ thuật được thiết kế in kỹ thuật số là thành quả của nhiều tháng làm việc thủ công và kiên nhẫn. Các phác thảo bút chì của cô tạo nên các mẫu họa tiết lặp lại, và bức tranh thêu chỉ thủ công nghệ thuật làm thêm những nét chấm phá của màu sắc, cùng nhau tạo nên một phong cách thẩm mỹ hiện đại khác biệt, giống như vải lanh của Pháp vậy.
Các bức vẽ bằng bút chì của Weiland là yếu tố quyết định trong các bộ sưu tập của cô ấy. Chúng được in trên vải và thêu thùa, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và nổi bật. Năm 2021, tác phẩm “Hyde Park Parakeets”, với sự pha trộn kỹ thuật in đa phương tiện của Weiland (kỹ thuật “tranh vẽ bằng sợi chỉ”), được chọn trưng bày tại Triển lãm Mùa hè danh tiếng của Học viện Nghệ thuật Hoàng gia (Anh), và đã được bán ngay trong ngày ra mắt.
Cô Weiland đã khắc họa chính xác đặc điểm tính cách của từng loài chim hay con vật mà cô thiết kế. Hơn thế nữa, cô còn chụp được những thắng cảnh đích thực của London mà chỉ những người bản xứ và người yêu thích London mới có thể hiểu được. Ví dụ “Những con vẹt đuôi dài ở công viên Hyde” màu xanh lá cây sặc sỡ nổi bật với những hình chỉ thêu đẹp đẽ và rất đáng chiêm ngưỡng, dù vậy người Anh cũng biết rằng vẹt đuôi dài không phải là loài chim bản địa, nên không đặc trưng cho động vật hoang dã vốn có của nước Anh.
Đồ gia dụng làm bằng tay hợp thời trang
Sau khi tốt nghiệp, cô Weiland đã làm việc trong lĩnh vực thời trang trong 20 năm, thiết kế đồ họa và thiết kế in ấn trang phục phụ nữ trên máy tính. Nhưng cô cảm thấy có điều gì đó đang thiếu. Cô thích vẽ bằng tay hơn là lúc nào cũng phải sử dụng máy tính. Trong thời gian đó, cô tham gia các lớp học buổi tối để tìm ra những gì mình đam mê sáng tạo. Cô đã học thêu máy trong một buổi học và rất thích phần thêu tay của khóa học đó.
Cô bắt đầu mày mò ra cách kết hợp niềm đam mê hội họa của mình với công việc thêu thùa thủ công để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có một không hai.
Cô Weiland bắt đầu xây dựng bộ sưu tập đồ gia dụng đầu tiên của mình khi đang làm việc tự do cách đây khoảng sáu năm. Cô đã in kỹ thuật số các bản phác thảo bằng bút chì của mình vào vải cotton-lụa sau khi chuyển đổi chúng thành các họa tiết lặp đi lặp lại trên máy tính. Sau đó cô điểm thêm nhiều màu sắc bằng cách thêu lên các phần hoa văn đã thiết kế.
“Màu sắc mà tôi thêm vào là để làm nổi bật vẻ đẹp của các loài động vật và thiên nhiên hoang dã,” cô giải thích qua điện thoại. Cô Weiland đã thử với nhiều loại chỉ nhưng nhận thấy độ mịn của chỉ thêu bằng máy và màu sắc của các lớp chỉ ánh kim rất lý tưởng cho các chi tiết rực rỡ trong thiết kế của cô ấy.
Cô đã thử nghiệm với nhiều phong cách thiết kế đa dạng cho đến khi phát triển những nét bút chì đơn sắc lặp lại đặc trưng của mình với những điểm nhấn đẹp mắt bằng màu sắc ấn tượng. Tùy thuộc vào mỗi thiết kế mà cô sử dụng các chỉ thêu ở dạng phủ mờ, chỉ lụa và chỉ ánh kim, cũng như các vật trang trí là hạt cườm và kim sa.
Mỗi một mẫu thiết kế sau đó được ghép lại thành một họa tiết lặp lại và kết hợp với các chi tiết khác trước khi được in kỹ thuật số cho hàng dệt may, giấy dán tường và các mặt hàng đồ gia dụng khác.
Ví dụ, đối với thiết kế chim công ở Kew Gardens, cô đã kết hợp thêu hai màu khác nhau: một con công xanh lam và một phiên bản công vui nhộn có màu hồng và tím. Cô cũng sử dụng vải in để làm những chiếc gối độc đáo với những hình ảnh của chim công, chim Hummingbird và hoa cúc, được cô đính hạt và thêu tay.
Thêu tay là một công việc đòi hỏi tính kiên nhẫn
Cô Weiland thêu theo từng giai đoạn, chú trọng vào từng họa tiết. Cô tận hưởng quá trình tỉ mỉ chú tâm nhưng cùng đồng thời cần nghỉ ngơi tinh thần để dừng lại, suy ngẫm và để cho mắt được thư giãn. “Thật tốt khi bạn nghỉ ngơi và sau đó quay lại với nó bởi vì bạn khám phá ra những thứ bạn muốn chỉnh sửa hoặc bổ sung,” cô giải thích.
Cô Weiland thường xuyên chụp ảnh công việc của mình khi bắt đầu và kết thúc mỗi ngày vì làm việc ở tốc độ chậm, với quy mô nhỏ khiến cô dễ mất mạch làm việc.
Cô Weiland yêu thích cách may thủ công với tốc độ riêng của nó. Không có cách nào để làm xong nhanh chóng.
Việc thêu tay của Weiland đã đem lại niềm vui và việc kinh doanh cho cô, và còn đem lại lợi ích cho cô theo những cách khác. “Tôi đã học được tính nhẫn nại; bạn không thể làm loại công việc này nhanh chóng, vì vậy bạn chỉ cần bỏ ra thời gian và tận hưởng nó,” cô giải thích.
Cô thấy đó là một cách làm việc yên tĩnh và dễ chịu hơn là làm việc trong một môi trường có nhịp độ nhanh chóng, nơi mọi thứ được hoàn thành một cách chóng vánh.
Phương pháp may vá hiện tại của Weiland gợi nhớ đến những nét vẽ, với các đường chỉ ngắn và dài tạo nên những tông màu sắc, cường độ và các tác phẩm nghệ thuật tả thực. “Tôi thêu như thể tôi đang vẽ vậy,” cô nói.
Thiên nhiên nơi công viên được tái hiện trong những tác phẩm thêu tay
Cảm hứng nghệ thuật của Weiland thường mở rộng xoay quanh chủ đề cuộc sống hàng ngày của cô. “Royal Park Life” là bộ sưu tập gần đây nhất của cô, mô tả các loài động vật hoang dã từ sáu công viên hoàng gia. Nhiều loài trong số đó có ở gần nhà cô tại Richmond, tây nam London. Cô thường đến các công viên hàng ngày, vì vậy, thật tự nhiên khi cô tạo ra bộ sưu tập “Royal Park Life” mới của mình bằng cách kết nối với những hoạt động ngoài trời mà cô yêu thích.
Cô ấy bắt đầu chụp ảnh cho loạt chủ đề này vào cuối năm 2019. Mặc dù đã chụp những bức ảnh chuyên nghiệp trong công viên, nhưng cô thường tìm thấy bối cảnh hoàn hảo cho một tác phẩm nghệ thuật mỗi khi chạy bộ, vì vậy cô luôn mang theo iPhone của mình để chụp những khoảnh khắc đó.
Khi Anh quốc thực hiện phong tỏa vào năm 2020, cô Weiland đã hoàn thành tất cả 28 mẫu cho bộ sưu tập. Cô đã thực hiện một bộ sưu tập đồ sộ hơn nhiều so với những gì mình mong đợi kể từ khi bị hạn chế đi lại, việc đó cũng giúp cô ấy có nhiều thời gian cho công việc hơn. Năm 2021, cô Weiland đã hoàn thành tất cả các bức tranh thêu và hiện đang cô trong tiến trình triển lãm những tác phẩm đó.
Weiland có thể chạy lướt quanh những công viên nhưng các tác phẩm nghệ thuật của cô là kết quả sự quan sát tỉ mỉ, không vội vàng. Cô phác họa và thêu từng mảng động vật, thực vật với sự thích thú và cẩn trọng. Mỗi khung cảnh của Weiland khiến bạn phải gần như nhón gót và nín thở để không làm phiền những con vật trong tranh. Trong một tác phẩm, có một con quạ xám kỳ quặc đang chuẩn bị bay đi; trong một bức tranh khác, có một chú thỏ ngồi trên hai chân sau, nghe ngóng nguy hiểm rình rập; và còn có một chú thỏ khác cùng một chú chuột đang chú tâm trò chuyện về một điều gì đó mà không ai đoán được.
Weiland cư trú gần Công viên Richmond, một khu bảo tồn động vật hoang dã quốc gia với 630 con hươu đỏ và nai. Tất nhiên là cô đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật như: chú nai đang nghỉ ngơi trên bãi cỏ, tìm kiếm thức ăn hoặc hốt hoảng như thể chúng ta vừa quấy rầy chúng. Các bức vẽ hươu tinh tế bằng bút chì của Weiland làm toát lên một khung cảnh nền lý tưởng cho màu sắc huyền ảo của bộ lông hươu.
Tương lai tươi sáng của nghề thêu
Ngoài việc tổ chức triển lãm các tác phẩm nghệ thuật thêu “Thiên nhiên trong Công viên Hoàng gia,” cô Weiland còn bổ sung thêm màu sắc mới cho các mẫu vải và giấy dán tường. Cô cũng đang học thêu truyền thống tại Trường thêu thùa Hoàng gia, nhờ giành được học bổng QEST (Queen Elizabeth Grant Trust). Gần đây, cô đã hoàn thành một phần đầu tiên ở chương trình thêu Jacobean, một kỹ thuật thêu cổ điển yêu cầu một số mũi thêu riêng biệt. Tổng cộng, cô sẽ học bốn phần, bao gồm cách làm bóng lụa, làm vàng ánh kim hoặc làm đen, thêu trên vải canvas.
Cô dự kiến sẽ tạo ra các bản in trên vải và giấy dán tường từ các tác phẩm nghệ thuật “Royal Park Life” vào cuối năm nay. Đồng thời cô Weiland còn đưa vào số yếu tố mang tính biểu trưng của công viên, chẳng hạn như kiến trúc hàng hải của Công viên Greenwich hoặc hình ảnh chú hươu của Công viên Richmond (hậu duệ đàn hươu của vua Henry VIII). Mục tiêu của cô là tạo ra các bản in đại diện cho từng công viên.
Với công viên rộng hàng trăm mẫu ở London (và khí hậu nhiệt đới, ôn đới, khô cằn và núi cao chỉ trong công viên Kew Gardens), cũng đủ để cô Weiland thỏa sức sáng tạo trên đường dạo bộ của mình.
Để tìm hiểu thêm về Bộ sưu tập Susannah Weiland, vui lòng truy cập SusannahWeiland.co.uk
Cô Lorraine Ferrier chuyên viết về mỹ thuật và thủ công cho The Epoch Times. Cô đặc biệt quan tâm đến những ngành nghệ thuật và thủ công hiếm gặp và ít được biết đến. Cô hy vọng chúng ta có thể bảo tồn di sản nghệ thuật truyền thống. Cô sống và sáng tác tại vùng ngoại ô London, Anh Quốc.