Kiểm duyệt trực tuyến hủy bỏ quyền tự do ngôn luận
Có một xu hướng đáng kinh ngạc đang diễn ra, và nếu chúng ta không làm gì để ngăn chặn xu hướng tồi tệ đó thì quyền tự do bày tỏ ý kiến sẽ bị đe dọa.
[Cựu] Tổng thống (TT) Donald Trump có thể là người bị chỉ trích nhiều nhất ở Hoa Kỳ ngay lúc này, nhưng những hành động công khai bịt miệng ông và những người có cùng tư tưởng, là một thực tế đáng sợ.
Các nền tảng truyền thông xã hội Twitter, Facebook và Instagram đã tuyên bố kế hoạch xóa vĩnh viễn tất cả các tài khoản của ông Trump. Không chỉ là cho đến khi ông rời chức vị mà là mãi mãi.
Ở đâu mà họ lại có thể vĩnh viễn cấm một công dân Hoa Kỳ thực hiện quyền cơ bản về tự do ngôn luận tại một nơi có hàng triệu người cùng tham gia trao đổi ý kiến? Và chính sách trục xuất của Twitter thiên lệch đến mức nào khi họ cho phép Ayatollah Ali Khamenei của Iran đăng đủ các bài viết có nội dung đầy bạo lực và thù hận về Hoa Kỳ, Israel và những bên được coi là kẻ thù khác?
Ayatollah thì được, nhưng tổng thống của Hoa Kỳ thì không?
Liệu tôi có phải là người duy nhất muốn biết vị giám đốc điều hành của chúng ta đang nghĩ gì không, bất kể thông điệp này là gì? Tốt hơn là chúng ta nên biết những người có quyền thế này đang muốn gì hơn là phớt lờ họ. Mọi người nên cảnh giác về việc bị ngắt kết nối đến người quyền lực nhất hành tinh [TT Trump] này.
Ngoài việc các phương tiện truyền thông xã hội bịt miệng vĩnh viễn ngài tổng thống, các công ty công nghệ nổi tiếng đang kiểm soát việc tải các ứng dụng, Google và Apple đã loại bỏ ứng dụng Parler khỏi các nền tảng dịch vụ của họ. Parler được mô tả là “sự thay thế bảo thủ cho Twitter” và là một lựa chọn hợp lý cho mạng truyền thông xã hội tiếp theo của ông Trump.
Trong một hành động dường như là có sự nỗ lực phối hợp, Amazon đã nhanh chóng tham gia và thông báo cho Parler rằng nền tảng của họ trên Internet sẽ bị thủ tiêu. Điều đó đã dẫn đến một vụ kiện từ Parler.
Lý do được nêu ra để loại bỏ ứng dụng đang phát triển nhanh của Parler là gì? Đó là Parler không đủ nhanh để xóa các bài đăng đáng ngờ nhằm kích động bạo lực và tội phạm. Có người nói rằng vài người dùng đã lên một phần kế hoạch cho cuộc bao vây Điện Capitol của Hoa Kỳ thông qua Parler.
Điều thú vị là các hành động tương tự đã không được thực hiện đối với Twitter, Facebook hoặc Instagram khi những ứng dụng này được sử dụng để điều phối các cuộc biểu tình của phe cánh tả năm ngoái, vốn thường trở nên bạo lực. Tại sao việc kiểm duyệt này lại có tiêu chuẩn kép?
Một điều thú vị nữa là hợp đồng xuất bản sách của Simon & Schuster với thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa Josh Hawley vừa đột ngột bị hủy bỏ sau khi ông phản đối một số kết quả bầu cử năm 2020. Tên của cuốn sách là gì? “Sự chuyên chế của những Big Tech.” Quý vị có thấy cái mô típ ở đây không? Ông Trump, Parler, ông Hawley. Họ đã bịt miệng (chỉ) những quan điểm bảo thủ. Thật rõ ràng đến kinh ngạc.
Nhiều người trong số 74 triệu cử tri bỏ phiếu cho ông Trump tin rằng những hành động loại bỏ này được thực hiện để gây thiện cảm với chính quyền sắp tới của Đảng Dân Chủ. Có thể. Nhưng đây thực sự không phải là về vấn đề chính trị. Đó là về một hình thức kiểm duyệt, về sự đối xử công bằng đối với tất cả các hệ tư tưởng, và về quyền tự do bày tỏ ý kiến của mọi người đã được bảo vệ trong hiến pháp.
Có một ngoại lệ: Nếu ai đó xúi giục trên mạng những phát ngôn thù hận hoặc âm mưu bạo lực, thì đó lại là phạm tội và là việc của cảnh sát, vốn đã vô cùng chậm chạp khi truy tìm những dấu vết trên Internet trước khi các tình trạng hỗn loạn xảy ra.
Ngay cả những thượng nghị sỹ cấp tiến của Đảng Dân Chủ như Bernie Sanders và Elizabeth Warren cũng đã kêu gọi việc chia nhỏ các công ty công nghệ lớn. Và Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU, American Civil Liberties Union), một tổ chức theo khuynh hướng tự do, đã đưa ra những cảnh báo về việc Big Tech sẽ trở thành một Big Brother không mong đợi. Một luật sư của ACLU viết: “Mọi người cần phải lo ngại khi các công ty như Facebook và Twitter sử dụng quyền lực không được kiểm soát của họ để loại bỏ người ta khỏi các nền tảng đã trở nên không thể thiếu cho ngôn luận của hàng tỷ người.”
Nói cách khác, nếu một vài anh chàng lập dị ở Thung lũng Silicon có thể quyết định loại bỏ ông Donald Trump ra bên lề của các kỹ thuật số, thì quý vị có thể là người tiếp theo.
Tuần trước, tôi đã viết để ủng hộ việc cấm tạm thời các tài khoản của ông Trump trên mạng xã hội. Sau vụ bạo loạn chết người ở Điện Capitol Hoa Kỳ, đối với tôi, đó dường như là một bước cần thiết — giống như việc đặt một đứa trẻ đang đánh nhau vào một góc để ngăn lại. Nhưng việc từ chối vĩnh viễn một công dân Hoa Kỳ quyền tự do bày tỏ ý kiến của họ – cho dù đó là ý kiến mà số đông có đồng tình hay không – là một lời nguyền rủa cho tất cả những gì mà chúng ta đại diện ở đất nước này.
Lập luận rằng, “Chà, đây là các công ty tư nhân, vì vậy họ có thể làm những gì họ muốn” vẫn chưa thuyết phục. Các Big Tech đã trở thành nhà độc quyền khổng lồ cho các đàm luận của công chúng. Và tệ hơn nữa, Quốc hội của chúng ta đã trao cho họ quyền lực đó và cho phép họ lạm dụng nó.
Như ngài Harry Truman đã từng nói, “Một khi chính phủ thực hiện việc bịt miệng tiếng nói đối lập, nó chỉ có một con đường để đi, và đó là đi xuống con đường của những biện pháp đàn áp, cho đến khi nó trở thành nguồn gốc của sự sợ hãi cho tất cả các công dân, tạo ra một đất nước mà mọi người đều sống trong lo sợ.”
Lời này rất đúng.
Bà Diane Dimond là nhà văn và nhà báo điều tra. Cuốn sách mới nhất của bà là “Suy nghĩ bên ngoài phạm vi tội ác và công lý.”
Quan điểm được trình bày trong bài viết này là ý kiến của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.