Khi chủ nghĩa Marx trở thành ‘sách Phúc Âm’
Augusto Zimmermann
Vào ngày 17/10/2022, khoảng 300 linh mục và nữ tu Công Giáo đã gặp ứng cử viên tổng thống đương thời Luiz Inácio Lula da Silva để công khai tuyên bố ủng hộ ông ấy trong vòng bầu cử thứ hai diễn ra vào ngày 30/10 cùng năm.
Các nhà lãnh đạo Công Giáo này đến từ các vùng khác nhau của đất nước để công khai tuyên bố ủng hộ cho ứng cử viên khuynh tả.
Họ cũng truyền đạt lại tinh thần ủng hộ đó với tư cách đại diện cho các linh mục và nữ tu khác đến từ nhiều giáo phận, tổ chức, và giáo đoàn Công Giáo.
Nhân dịp đó, những linh mục và nữ tu này cũng đã đưa ra bức Thư ngỏ có tựa đề “Sự cam kết của các Linh mục và Tu sĩ đối với Tổng thống (TT) Lula”.
Trong bức thư này, họ viện dẫn một hành vi được cho là “thao túng công chúng thông qua tin tức giả mạo” và “những lời nói thù hận chứa đầy thành kiến.”
Chủ nghĩa toàn trị mang đặc điểm của ông Lula
Như mọi người đều biết, chính quyền của ông Lula ở Brazil kiểm soát hoàn toàn các hãng truyền thông chính thống của nước này. Thêm vào đó, các công ty công nghệ cao như Google, Facebook, Uber, Instagram, và WhatsApp đang cung cấp dữ liệu ghi danh và các số điện thoại cho chế độ này.
Người đứng đầu kế hoạch kiểm duyệt sâu rộng này là ông Alexandre de Moraes, chủ tịch Tòa án Bầu cử Cấp cao kiêm thẩm phán của Tòa án Tối cao Liên bang. Ông đang dẫn đầu cố gắng không mệt mỏi nhằm trấn áp người bất đồng chính kiến, kể cả việc bỏ tù người dân vì nội dung được chia sẻ trên web.
Hôm 21/11/2024, TT Lula đã trao tặng Huân chương Rio Branco cho Thẩm phán Moraes – một vinh dự chỉ được trao cho những người có “công trạng và đạo đức công dân” đối với chính phủ.
Theo ký giả người Mỹ Michael Shellenberger, “TT Lula da Silva đang tham gia vào việc thúc đẩy chủ nghĩa toàn trị… Những gì ông Lula và ông de Moraes đang làm là sự vi phạm trắng trợn Hiến Pháp Brazil và Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hiệp quốc.”
Các linh mục cấp tiến nói rằng: Tình yêu không dành cho người giàu
Thật không may, nhiều linh mục người Brazil tin vào một hình thức “thần học giải phóng” mặc nhiên thừa nhận rằng những người “bị áp bức” đang phạm “tội” vì không nổi dậy chống lại cái gọi là “hệ thống tư bản chủ nghĩa”.
Những linh mục này coi mong muốn được truyền tải trong các thông tri của Giáo hoàng về sự chung sống hài hòa giữa các giai tầng xã hội là “sự tự lừa dối”.
Theo ông Leonardo Boff, cựu linh mục Công Giáo, hệ thống tư bản tương đương với “dấu ấn [quỷ Satan] ‘666’ của kỹ nữ thành Babylon”.
“Hệ thống này đã hết thuốc chữa. Hệ thống này phải bị thay thế,” ông tuyên bố.
Với lối suy nghĩ cấp tiến này, Đức Hồng y Joseph Ratzinger quá cố, được biết đến nhiều hơn với danh phận cựu Giáo hoàng Benedict XVI, đã đưa ra nhận xét:
“Mong muốn yêu thương mọi người ngay bây giờ, bất kể giai tầng của anh ta, và đến gặp anh ta bằng các phương pháp đối thoại cũng như thuyết phục bất bạo động, bị lên án là phản tác dụng và đối lập với tình thương.
“Nếu ai đó cho rằng một con người không nên trở thành đối tượng bị căm ghét, thì vẫn phải khẳng định rằng, nếu anh ta thuộc giai tầng mục tiêu là nhóm người giàu, thì đầu tiên anh ta là một kẻ thù mà [chúng ta] cần tranh đấu.”
Ông Leonardo Boff rời bỏ chức linh mục vào năm 1992 nhưng ông vẫn là một nhân vật Công Giáo nổi bật ở Brazil.
Trong cuốn sách xuất bản năm 1987 của mình, “O socialismo como desafio teológico” – có thể được dịch là “Chủ nghĩa xã hội như một Thách thức Thần học” – ông mặc nhiên thừa nhận rằng các chế độ cộng sản cũ ở Đông Âu, đặc biệt là Liên Xô, “đã mang lại cơ hội khách quan tốt nhất để sống theo tinh thần Phúc Âm và tuân giữ các Điều Răn dễ dàng hơn.”
Trở về sau chuyến thăm Liên Xô năm 1987, chỉ vài năm trước khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Đông Âu, ông đưa ra lập luận tai tiếng rằng những chế độ áp bức này “rất hợp luân thường đạo lý và… trong sạch về mặt đạo đức,” và rằng ông đã “không nhận thấy có bất kỳ hạn chế nào ở các quốc gia đó đối với quyền tự do ngôn luận.”
Khi ông Boff được Thánh Bộ Giáo lý Đức tin triệu tập đến Vatican vào những năm 1980, chỉ có hai vị hồng y của Brazil đi cùng ông đến cuộc chất vấn.
Chịu trách nhiệm về các vấn đề đức tin và giáo lý, thánh bộ này của Giáo triều Roma đã yêu cầu ông Boff giải thích khái niệm của ông về “sự phân công lao động trong Giáo hội” mà theo đó hệ thống cấp bậc của Giáo hội được cho là đã tham gia “vào việc tước đoạt dần dần phương tiện của các tác phẩm tôn giáo từ mọi tín hữu Cơ Đốc.”
Việc chỉ có hai vị hồng y trong nước đi cùng ông đến cuộc chất vấn được hiểu là “sự ủng hộ chưa từng có” đối với các quan điểm cấp tiến của ông.
Tất nhiên, không quá khó để giải thích mối quan tâm của những kẻ cực đoan trong việc thâm nhập vào Giáo hội Công Giáo. Không có cuộc cách mạng nào có thể thành công trong một xã hội có cội rễ tôn giáo sâu xa như Brazil nếu thiếu đi sự ủng hộ của giới tu sĩ Công Giáo đầy quyền lực.
Cũng như các quốc gia Mỹ Latinh khác, Giáo hội Công Giáo “vẫn có thể hợp pháp hóa hoặc làm mất uy tín những giá trị và thái độ có những tác động sâu sắc đến tiền đồ của người dân.”
Nhận thức được điều này, nhà cách mạng người Cuba gốc Argentina Ernesto Che Guevara đã từng tuyên bố: “Khi những tín đồ Thiên Chúa Giáo có can đảm dấn thân hoàn toàn cho cuộc cách mạng Mỹ Latinh, thì cuộc cách mạng Mỹ Latinh sẽ bất khả chiến bại.”
Trường hợp của Linh mục Frei Betto
Một ví dụ về những linh mục cấp tiến như vậy là ông Carlos Libânio Christo OP, còn gọi là “thầy dòng” Frei Betto, một tu sĩ dòng Đa Minh tham gia hoạt động chính trị.
Ông Frei Betto cáo buộc những người bị tra tấn trong các trại cải tạo ở Cuba, hoặc bị chính quyền cộng sản ở đó hành quyết, hoặc những người đã tìm cách chạy thoát khỏi quốc đảo này, đều là tội phạm hoặc vô cùng ích kỷ.
Vì vậy, trong bài báo đăng trên tờ báo hàng đầu Folha de S. Paulo của Brazil vào ngày 04/01/2004, ông đã đưa ra quan điểm rằng:
“Nếu Cuba tiến bộ như vậy về mặt xã hội, thì tại sao một số người lại cố gắng đào thoát khỏi đất nước này?
“Nền kinh tế Cuba mang tính xã hội chủ nghĩa và không chấp nhận được những cá nhân du lịch ra khỏi đất nước này; nghĩa là, họ không chấp nhận việc thoái vốn nhằm mục đích thỏa mãn cá nhân.
“Tuy nhiên, điều này không ngăn cản bất kỳ công dân Cuba nào đi ra hải ngoại với chi phí do nhà nước chi trả vì các lý do khoa học, nghệ thuật, thương mại, hoặc ngoại giao. Đối với những người đã rời bỏ Cuba để tìm kiếm ‘lối sống kiểu Mỹ’, tôi chưa từng nghe thấy bất kỳ người nào như vậy đang cố gắng cải thiện điều kiện sống của người nghèo ở các quốc gia mà họ hiện đang sinh sống.”
Phiên bản chủ nghĩa Marx của ‘Phúc Âm’
Ở Brazil ngày nay, một vấn đề cơ bản bắt nguồn từ thực tế là có quá nhiều linh mục vẫn đưa các khái niệm của chủ nghĩa Marx cấp tiến vào quan điểm thần học của họ. Tất nhiên, chủ nghĩa Marx không ủng hộ dân chủ hay pháp quyền.
Như Vladimir Lenin đã thẳng thắn giải thích trong bài diễn thuyết năm 1919, dưới chủ nghĩa Marx, luật pháp chủ yếu là cơ cấu “để buộc các giai cấp phụ thuộc khác phải phục tùng một giai cấp.”
Trong lý thuyết pháp luật của chủ nghĩa Marx, chức năng của cơ quan tư pháp về cơ bản là buộc mọi người phải phục tùng giai cấp thống trị đang kiểm soát nhà nước, bất kể giai cấp này là gì.
Tất nhiên, thế giới đã biết rằng, ở Brazil, một tổng thống xã hội chủ nghĩa không được lòng dân đã được bầu chọn qua hệ thống bầu cử gây tranh cãi. Hiện nay người này đang sử dụng các thẩm phán liên bang hàng đầu để đàn áp và bắt giữ những người bất đồng chính kiến với ông.
Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, những thành viên cơ quan tư pháp liên bang đã ban hành nhiều lệnh chống lại những điều được cho là “tin giả”. Họ đã ra lệnh cho các nền tảng xã hội gỡ bỏ hàng ngàn bài đăng và bắt giữ nhiều người ủng hộ tổng thống tiền nhiệm mà không qua xét xử vì các bài đăng trên mạng xã hội mà họ tuyên bố “đã tấn công các cơ quan của Brazil”.
Khoảng 14 năm trước, trong nhiệm kỳ thứ hai của TT Lula, ông đã gửi một bức thư cho chủ tịch Hội đồng Giám mục Quốc gia Brazil (CNBB) cảm ơn vị chủ tịch này vì “sự ủng hộ mà Giáo hội Công Giáo mang lại trong gần 8 năm tại nhiệm của mình.”
Tài liệu nêu rõ rằng sự ủng hộ của Giáo hội là nền tảng để chính phủ xã hội chủ nghĩa thực hiện các chính sách cấp tiến nhất của mình. Trước đó, CNBB đã xuất bản một tài liệu tuyên bố “thần học giải phóng” theo định hướng chủ nghĩa Marx không chỉ “hợp thời” mà còn “hữu ích và phù hợp với Phúc âm”.
Ở một quốc gia mà Công Giáo chiếm ưu thế, cả về văn hóa lẫn “tinh thần”, thì việc những người theo chủ nghĩa Marx cực đoan xâm nhập vào Giáo hội Brazil như vậy đã đưa đến hậu quả là sự khuyến khích một chế độ xã hội chủ nghĩa không coi trọng pháp quyền – hiện chịu trách nhiệm cho những hành vi xâm phạm nhân quyền và tự do căn bản một cách thô bạo và vi hiến.
Ông Augusto Zimmermann là giáo sư và trưởng khoa luật tại Viện Giáo dục Đại học Sheridan ở Perth. Ông cũng là chủ tịch của Hiệp hội Lý thuyết Pháp lý Tây Úc (WA) và là thành viên của ủy ban cải cách luật của WA từ năm 2012 đến năm 2017. Ông Zimmermann là trợ giảng của Đại học Notre Dame Australia, và đã đồng tác giả một số cuốn sách bao gồm COVID-19 Hạn chế & Tiêm chủng Bắt buộc – Quan điểm về Pháp luật (Tòa án Connor).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.