Khám phá lại bản chất tốt đẹp của chúng ta qua ‘Tam Tự Kinh’
“Tam Tự Kinh” hay “San Zi Jing” là tác phẩm kinh điển nổi tiếng nhất của Trung Quốc dành cho trẻ em. “Tam Tự Kinh” được viết bởi Vương Ứng Lân tiên sinh (1223–1296) vào thời nhà Tống và được nhiều thế hệ người Trung Quốc từ già đến trẻ thuộc lòng. Cho đến những năm 1800, “Tam Tự Kinh” là tác phẩm đầu tiên mà mọi đứa trẻ đều học.
Mỗi câu thơ gồm 3 từ, ngắn gọn, đơn giản, nhịp nhàng, dễ đọc và dễ nhớ nhưng lại chứa nhiều nội hàm, thể hiện được nhiều chủ đề. Tác phẩm không chỉ giúp trẻ học các ký tự Trung Quốc thông dụng, cấu trúc ngữ pháp và các bài học lịch sử Trung Quốc mà trên hết giúp trẻ hiểu biết về văn hóa truyền thống và cách ứng xử ngay thẳng để trở thành người tốt.
Bài học đầu tiên trong “Tam Tự Kinh” dạy về bản chất thuần khiết nguyên sơ của mỗi người:
“Nhân chi sơ, Tính bản thiện,
Tính tương cận, Tập tương viễn.”
Nói cách khác, con người từ lúc được sinh ra ai cũng có bản tính tốt. Mỗi đứa trẻ sơ sinh có thể khác nhau về tính cách, nhưng nói chung, chúng có cùng phẩm chất ngây thơ và trong sáng.
Tuy nhiên, khi những đứa trẻ này lớn lên, chúng bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh, môi trường sống và trải nghiệm khác nhau. Chúng hình thành các thói quen, nhân sinh quan, và phát triển thành những cá nhân rất khác nhau.
Ví dụ, một số người xem gia đình và đức hiếu thảo là quan trọng nhất; những người khác lại quý trọng tiền bạc trên hết thảy. Một số tìm thấy sự thỏa mãn qua lợi ích vật chất; những người khác lại tìm thấy ý nghĩa trong việc theo đuổi đời sống tâm linh.
Cùng một hoàn cảnh, tính cách khác nhau
Giai thoại sau đây minh họa cho thực tế rằng hai người sinh trưởng trong cùng một môi trường nhưng có tính cách rất khác nhau. Một nhà văn Trung Quốc kể về cha cô, một thợ mộc tên là Jing. Ông là một người đàn ông tốt bụng, trung thực và tôn trọng người khác; vì vậy, người trong làng rất mến ông.
Ông Jing có một người bạn học cũ tên là Wang. Một hôm, người bạn cũ này mời ông đến nhà ăn tối.
Khi họ đang trò chuyện, ông Jing thấy một ông già trông giống như một người hầu đang nấu ăn và phục vụ họ trà và rượu. Ông hỏi ông Wang: “Người đàn ông lớn tuổi này là ai?”
Khi ông Wang trả lời: “Đó là cha tôi”, ông Jing cảm thấy ngỡ ngàng và nói với cha của bạn mình rằng: “Thưa chú, mời chú hãy ngồi xuống.” Ông đã đỡ người đàn ông lớn tuổi ngồi vào chỗ ngồi của mình, rót cho ông một ly rượu, và trân trọng nói: “Thưa chú, xin hãy tha thứ cho sự khiếm nhã của cháu.”
Sau đó ông quay sang nói với ông Wang rằng: “Kể từ nay chúng ta sẽ không còn là bằng hữu nữa vì anh không kính trọng người thân lớn tuổi của mình.” Nói xong, ông bước ra khỏi cửa.
Ông Jing đã được dạy dỗ từ nhỏ rằng phải kính trọng những người lớn tuổi và thầy giáo, trong khi đó ông Wang không bao giờ học những điều này một cách nghiêm túc. Mặc dù lớn lên cùng nhau, cả hai đã phát triển các tính cách khác nhau.
Khấu Chuẩn nhận được một bài học từ bên kia thế giới
Vậy điều gì khiến một người trở nên giống ông Jing thay vì ông Wang? Câu trả lời nằm ở khổ thơ tiếp theo của “Tam Tự Kinh”:
“Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên,
Giáo chi đạo, Quý dĩ chuyên.”
Bản chất tốt bẩm sinh của một người được duy trì thông qua việc giáo dục và định hướng trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, nếu không được uốn nắn, con người sẽ đánh mất đi phẩm chất tốt đẹp của mình.
Câu chuyện về Khấu Chuẩn, một tể tướng sống dưới triều đại Bắc Tống của Trung Quốc, là một một ví dụ.
Khấu Chuẩn sinh ra trong một gia đình trí thức. Tuy nhiên, cha ông qua đời khi còn nhỏ, nên mẹ ông đã nuôi ông khôn lớn. Mẹ ông làm nghề dệt vải để trang trải cuộc sống.
Mặc dù nghèo khổ, mẹ của Khấu Chuẩn đã dạy dỗ và đôn đúc ông làm việc chăm chỉ để một ngày nào đó ông có đóng góp lớn cho xã hội.
Khấu Chuẩn tỏ ra cực kỳ thông minh; năm 18 tuổi, ông đã vượt qua các kỳ thi với kết quả xuất sắc. Do đó, ông là một trong số ít người được vua chọn làm quan.
Mẹ của ông biết tin tốt lành này, nhưng vào thời điểm đó bà bị bệnh nặng. Trong lúc hấp hối, bà đưa cho một người hầu thân cận bức tranh mình vẽ và dặn rằng:
“Khấu Chuẩn một ngày nào đó sẽ trở thành quan. Nếu tính cách của Khấu Chuẩn trở nên xấu đi, xin vui lòng đưa cho con tôi bức tranh này.”
Tu sửa tính cách khoa trương
Khấu Chuẩn cuối cùng đã trở thành tể tướng, nhưng danh tiếng và cuộc sống xa hoa bắt đầu ảnh hưởng tới con người ông. Để thể hiện sự giàu có và địa vị của mình, ông quyết định tổ chức một lễ mừng sinh nhật (lễ sinh thần) hoang phí, với những màn tiệc tùng và múa hát. Người hầu cận thấy rằng đã đến lúc đưa cho ông bức tranh của mẹ ông. Khấu Chuẩn nhận ra đó là một bức tranh vẽ ông đang đọc một cuốn sách dưới đèn dầu, và mẹ ông ngồi dệt vải bên cạnh.
Trong tranh mẹ ông còn viết rằng:
Nhìn con chịu đựng khó khăn khi học dưới ánh sáng mờ,
Mẹ hy vọng con sẽ trở thành một người tốt và đem lại lợi ích cho nhiều người khác trong tương lai.
Người mẹ tận tụy của con đã dạy con đức tính tiết kiệm,
Khi giàu có, đừng bao giờ quên những người nghèo, như một thời chúng ta đã là.
Đọc những lời của mẹ, Khấu Chuẩn bật khóc. Rõ ràng là ông đã không sống như bà mong mỏi; cuối cùng ông đã hủy bữa tiệc.
Lời nhắc nhở từ mẹ của Khấu Chuẩn bên kia thế giới đã cứu ông thoát khỏi vòng xoáy của danh lợi và tham lam. Từ đó trở đi, Khấu Chuẩn sống thanh đạm, đối xử với người khác một cách hào phóng, làm việc một cách liêm chính và đạo đức. Cuối cùng, ông trở thành một trong những tể tướng nổi tiếng và được kính trọng nhất của nhà Tống.
Câu chuyện này không chỉ nói lên rằng giáo dục và định hướng là cần thiết để nuôi dưỡng nhân cách của một người, mà còn chứa một thông điệp sâu sắc hơn: Vì mọi người sinh ra đều mang bản chất tốt, ngay cả những người đã lạc lối cũng có thể tìm lại sự tốt đẹp và quay trở về với chân ngã của chính mình. Miễn là họ nhận ra sai lầm và quyết tâm thay đổi; không bao giờ là quá muộn.