Khám phá hiệu ứng Lucifer
“Thế giới là một nơi nguy hiểm, không phải bởi những kẻ hành ác, mà bởi những người chỉ nhìn và không làm gì cả.” —Albert Einstein
Điều gì đã khiến một cá nhân muốn kết bạn hoặc thậm chí bảo vệ kẻ phạm tội? Theo tâm lý học hiện đại, lời giải thích hợp lý nhất cho Hội chứng Stockholm bắt nguồn từ nỗi sợ hãi tự nhiên mà nạn nhân dần hình thành và phát triển trong quá trình bị những tên tội phạm bạo hành. Từ đó, sinh ra tâm lý phục tùng hoàn toàn những kẻ bắt giữ họ. Trong trường hợp này, nạn nhân định hình lại hệ thống giá trị của họ một cách lầm lẫn, dẫn đến trạng thái vô thức là bảo vệ kẻ tấn công.
Thử nghiệm Milgram
Một số nhà nghiên cứu, như Tiến sĩ Carver, tin rằng triệu chứng của Hội chứng Stockholm cũng có thể phát triển trong các mối quan hệ có tính lạm dụng, chẳng hạn như ở những phụ nữ bị bạo hành khi từ chối buộc tội chồng mình ngay cả sau nhiều năm chịu đựng sự hành hung về tinh thần và thể chất. Trong khi phần lớn chúng ta không lâm vào tình cảnh này, chúng ta có thể gặp phải các tình huống khác có liên quan đến một nhân vật quyền lực trong chính phủ, và nó cũng dẫn đến những hành vi không như mong đợi.
Thí nghiệm Milgram, một bài kiểm tra tâm lý được phát triển vào năm 1961 của một nhà khoa học cùng tên, đã gây chấn động cộng đồng khoa học vì tác động của nó lên những cá nhân có hệ thần kinh được xem là ổn định.
Một năm sau vụ hành quyết Trung tá Đức Quốc xã và Adolf Eichman – kẻ ủng hộ cuộc thảm sát Holocaust – Stanley Milgram tự hỏi làm thế nào để các cá nhân vốn bình thường, thậm chí rất hòa ái, lại có thể thoái hóa đến mức tham gia vào tội ác diệt chủng.
Với ý tưởng này, Milgram đã lập một danh sách các tình nguyện viên có sức khỏe tâm thần tốt và làm một thí nghiệm đơn giản. Người đóng vai trò là “giáo viên” sẽ sốc điện người tham gia, được gọi là “sinh viên”, khi người đó trả lời sai một câu hỏi. Với mỗi phản hồi không chính xác, điện áp sẽ tăng lên. Tiếng kêu khóc và tiếng nài nỉ của sinh viên tăng lên theo cường độ của điện áp. Các giáo viên được cho biết rằng họ đang hỗ trợ phát triển một hệ thống học tập mới, nhưng họ không hề biết rằng cú sốc điện là giả và sinh viên là những diễn viên chuyên nghiệp.
Bất chấp những tiếng kêu đau đớn và thống khổ của sinh viên, người giáo viên vẫn tiếp tục, hết lần này đến lần khác thực hiện những cú sốc điện ngày càng đau đớn. Mặc dù phần lớn trong số 40 nhà tâm lý học dự đoán rằng sẽ không có giáo viên nào tiếp tục thử nghiệm với điện áp trên 150 volts, nhưng 2/3 số người tham gia mù quáng tuân lệnh của người thiết kế thực nghiệm rằng “cần phải tiếp tục các cú sốc điện”, và cuối cùng họ sử dụng mức điện áp tối đa có thể – 450 volts.
Thí nghiệm Milgram đặt ra một số câu hỏi lạnh sống lưng: Liệu một người có vẻ bình thường sẽ phát triển tính cách tàn bạo trong môi trường không lành mạnh không? Và sự yếu đuối về tinh thần có phải là đặc điểm chung của đa số nhân loại?
Tuân lệnh Sĩ quan Scott
“Tuân lệnh Scott” là một hiện tượng kỳ lạ vào những năm 1990 khi một nhân vật có tên là “Sĩ quan Scott” bắt đầu gọi điện cho các nhà hàng thức ăn nhanh trên khắp Hoa Kỳ. Hắn giả làm cảnh sát địa phương và có trong tay các thông tin quan trọng về từng nhà hàng, chẳng hạn như tên của người quản lý, người giám sát và nhân viên. “Sĩ quan Scott” có thể kích động các cá nhân thực hiện hành vi thái quá.
Chẳng hạn, trong một cuộc điện thoại tới một cửa hàng McDonald’s ở New Hampshire, sau khi tự giới thiệu bản thân, Sĩ quan Scott đã buộc tội một nhân viên mới ăn cắp một chiếc ví. Ông ta yêu cầu trợ lý giám đốc gọi nhân viên đó vào văn phòng. Trợ lý giám đốc đã nghe theo và khóa cửa văn phòng, sau đó nghiêm túc tuân lệnh giọng nói qua điện thoại. Trợ lý giám đốc đã được lệnh lột toàn bộ quần áo của người phụ nữ trẻ ngoại trừ tạp dề của cô ấy và tìm kiếm bằng chứng về chiếc ví bị cho là ăn cắp. Sĩ quan Scott đã thuyết phục trợ lý giám đốc rằng ông ta đang trao đổi với giám đốc cửa hàng McDonald’s ở đầu dây bên kia, và cả quản lý của cửa hàng. Để làm tăng thêm tính xác thực của câu chuyện thì trợ lý giám đốc thậm chí còn nghe thấy âm thanh của radio cảnh sát.
Trong số hàng chục vụ khác liên quan đến các nhà hàng trên khắp đất nước từ năm 1995 đến 2005, yêu cầu của Sĩ quan Scott ngày càng trở nên kinh hoàng, nhưng các nạn nhân vẫn nhất quán tuân lệnh ông ta. Tin chắc rằng họ đang làm theo hướng dẫn của một cảnh sát thực thụ, nhiều nạn nhân của Sĩ quan Scott đã tố cáo về tội danh hiếp dâm và các tội danh khác nhiều tháng sau đó tại tòa án. Các nạn nhân khác của Sĩ quan Scott đã ly hôn vợ/chồng sau khi họ xem đoạn phim an ninh về hậu quả của những cuộc trò chuyện qua điện thoại này.
Một nữ người quản lý đã cởi bỏ quần áo trước mặt một khách hàng mà Scott nói rằng anh ta bị nghi ngờ là tội phạm tình dục. Sĩ quan Scott hứa rằng cảnh sát chìm sẽ ập vào và bắt giữ tên khách hàng ngay khi anh ta định quấy rối cô, nhưng người quản lý rất ngạc nhiên khi cảnh sát không hề đến.
Các nhân viên nhà hàng từng nói chuyện với Sĩ quan Scott đều đồng ý rằng ông ta có sức thuyết phục đáng nể với một giọng nói điềm đạm và uy quyền của một cảnh sát chính hiệu. Ông ta biết rất nhiều về nơi ông ta gọi đến và thường xuyên sử dụng thuật ngữ dành cho cảnh sát.
Cảnh sát đã xác định được “Sĩ quan Scott” khét tiếng là một nhân viên bảo vệ sau khi họ nhìn thấy ông ta trên đoạn phim an ninh của Wal-Mart. Ông ta đang mua thẻ điện thoại để tiếp tục kế hoạch của mình. Luật sư của một trong những nạn nhân mô tả ông ta là “một kẻ quái dị đóng vai Chúa”. Tuy nhiên, mặc dù nhiều lần gây án, nhưng ông ta chưa bao giờ bị kết án với bất kỳ tội danh nào.
Nhiều chuyên gia tin rằng trong cuộc cách mạng cộng sản, khi nhiều người Trung Quốc phá hủy các di tích thiêng liêng, hoặc giết những người được gọi là kẻ thù của nhân dân, nhân cách của họ đã trở nên méo mó. Những người này không còn là những cá nhân lý trí nữa mà là những cỗ máy vô tâm dưới sự chỉ huy của một chế độ độc tài.
Nhưng hành vi này không phải là cá biệt tại Trung Quốc dưới thời Mao. Trên thực tế, các nhà độc tài trên thế giới nhận thức rõ về hiện tượng tâm lý này và nhiều lần sử dụng cho mục đích của họ. Họ dùng kỹ năng này để kiểm soát dân chúng [thành thạo] đến mức ngay cả những người ban đầu hoài nghi [chế độ] cũng sớm phục tùng trước ý thức hệ sai lệch đã lan rộng. Hiện tượng này được Phillip G. Zimbardo gọi là “hiệu ứng Lucifer”.
Trong cuốn sách năm 2007 của mình với tựa đề: “Hiệu ứng Lucifer: Làm thế nào người tốt biến đổi thành kẻ ác” (The Lucifer Effect: Understanding How Good People Turn Evil), Zimbardo khám phá ra sự biến đổi mà một cá nhân phải trải qua khi đối mặt với các ảnh hưởng ngầm từ bên trong.
Năm 1971, Zimbardo sáng tạo ra thí nghiệm Nhà tù Stanford gây tranh cãi, trong đó các sinh viên đại học được giao đóng vai tù nhân hoặc cai ngục. Thí nghiệm được thiết kế thành một dự án kéo dài hai tuần, nhưng Zimbardo đã phải dừng lại chỉ sau 6 ngày vì “lính canh đã trở nên tàn bạo còn các tù nhân trở nên trầm cảm và có dấu hiệu căng thẳng tột độ.”
Tuy nhiên, ông cho rằng những hành động nghĩa hiệp có thể ngăn chặn những tác động không mong muốn của ngoại cảnh lên hành vi của chúng ta. “Mỗi chúng ta đều có ba khả năng: Bị động và không làm gì cả, trở nên xấu xa, hoặc trở thành anh hùng. Tôi ngưỡng mộ những người anh hùng thường ngày, những người bình thường làm được những điều phi thường,” Zimbardo viết.
Sau khi nghiên cứu cẩn thận bản chất con người có thể thoái hóa khủng khiếp như thế nào, Zimbardo trở nên ngưỡng mộ những cá nhân giữ vững được các nguyên tắc đạo đức và lưu ý rằng các tác nhân bên ngoài có thể thúc đẩy một người hành động trái với lương tâm. Tác phẩm mới nhất của ông đề cập đến điều mà ông gọi là “trí tưởng tượng anh hùng”, tôn vinh những cá nhân có thể duy trì đạo đức trong những tình huống đau thương và chống lại chính quyền bất công.