Kết cục khi từ chối dấu chỉ của Chúa: Câu chuyện về nhà vua Ahaz
Nếu lắng nghe các buổi lễ tại nhà thờ Cơ Đốc Giáo, chúng ta sẽ thấy quen thuộc với phân đoạn trong Chương 7 của nhà tiên tri Isaiah; đoạn này nói về một em bé có tên Immanuel chào đời.
Đây là một trong những lời tiên tri nổi tiếng nhất trong Kinh Cựu Ước và thường xuyên được đọc cùng với một đoạn trong Kinh Tân Ước nói về Chúa giáng sinh, như một bằng chứng rằng Chúa Jesus là Đấng Christ – đương nhiên Đấng Christ nghĩa là Chúa cứu thế mà người Do Thái mong đợi từ lâu. Nhưng còn hơn thế nữa, nguyên nghĩa của từ “Immanuel” là “Chúa cùng với chúng ta”, vì vậy chỉ ra toàn bộ ý nghĩa của sự hiện thân này là: Chúa đã mang hình hài con người và sống giữa chúng ta.
Tuy nhiên, bối cảnh xuất hiện lời tiên tri lại ít được biết đến. Tại sao lời tiên tri này được đưa ra, và nhắm vào ai? Và nó gửi tới chúng ta thông điệp gì trong hoàn cảnh hiện tại? Tôi nghĩ rằng câu chuyện này thật đáng kinh ngạc.
Lời tiên tri này nhắm vào vua Ahaz tại thời điểm sau khi Israel bị chia cắt thành vùng phía Bắc (lúc đó do vua Pekah trị vì) và vùng phía Nam Judah (từ “Jew” – Do Thái – bắt nguồn từ đây) do vua Ahaz trị vì. Cả hai vương quốc này đều tiếp giáp với biển Địa Trung Hải, đồng thời cũng chịu áp lực từ vua Tiglath-Pileser III người Assyria. Tại thời điểm đó, Assyria là một quốc gia mạnh đang chinh phục thế giới; quân đội của họ rất tàn ác và không thể đánh bại.
Nhưng vua Pekah đã liên minh với vua Rezin xứ Syria để chống lại quân đội Assyrian và kêu gọi vua Ahaz tham gia.
Cầu xin dấu chỉ từ Chúa
Nhà tiên tri Isaiah đến gặp và nói với vua Ahaz rằng Chúa đã nói Ahaz không nên tin vào bất kỳ liên minh nào với Pekah và Rezin, mà hãy tin tưởng vào Chúa và cưỡng lại cám dỗ gia nhập liên minh đó. Hơn nữa – và đây là điểm mấu chốt dẫn đến lời tiên tri – Chúa muốn ban cho vua một dấu chỉ để chứng minh rằng lời tiên tri này là sự thật, và vua nên cầu xin dấu chỉ đó. Không chỉ có vậy, Chúa còn đặc biệt cho phép Ahaz yêu cầu bất kỳ dấu chỉ nào từ địa ngục sâu thẳm hay từ thiên đường trên cao. Nhưng vua Ahaz đã từ chối điều đó, và lời tiên tri Immanuel là dành cho ông.
Đây là trích đoạn trong Isaiah 7:
Sau đó, Chúa lại nói với Ahaz rằng,
“Hãy cầu xin một dấu chỉ từ Chúa Trời của con;
dấu chỉ đó là sâu như địa ngục hay cao như thiên đường.”
Nhưng Ahaz nói, “Ta sẽ không hỏi, và cũng không thử Chúa!”
Được quyền yêu cầu một dấu chỉ từ Chúa là điều hiếm có, đặc biệt là phạm vi của dấu chỉ này; quả thật, khó có thể nghĩ ra lời đề nghị nào tương tự trong toàn bộ Kinh Thánh. Trước tiên, tại sao Đức Chúa ban cho nhà vua quyền đó? Thường thì một người nào đó nhận được lời tiên tri, và những người khác mong đợi người đó chấp nhận lời tiên tri bởi vì đây là “lời của Chúa”.
Jonah là một nhà tiên tri chân chính nhưng lại trốn tránh thông điệp và chỉ dẫn từ Chúa. Hậu quả là ông bị cá voi nuốt chửng* và buộc phải đến Nineveh để truyền tải thông điệp của Chúa về sự huỷ diệt sắp tới. Không nghi ngờ rằng Jonah đã nhận được dấu chỉ xác nhận rằng ông cần phải đến Nineveh, dù dấu chỉ đó xảy ra theo cách nào.
Nhưng trong trường hợp của vua Ahaz, đó không phải là một nhà tiên tri giả hay bất đắc dĩ, mà ông là vua của Judea và Jerusalem, là hậu duệ của vua David. Rõ ràng ông là một người sùng đạo khi ông đã trích dẫn kinh rằng – “Bạn không thể thử Đức Chúa của mình… ” (Deuteronomy 6:16) – để chối bỏ mệnh lệnh về một dấu chỉ xác nhận và làm theo điều mà Đức Chúa thực sự muốn.
Vậy thì, nhà vua có vẻ như ngoan đạo, nhưng lòng mộ đạo ấy lại chính xác là đi theo an bài của Satan khi cám dỗ Chúa Jesus nơi vắng vẻ, vì Satan cũng trích dẫn Kinh Thánh để làm rối loạn nội hàm thực sự. Khi cám dỗ Chúa Jesus rời bỏ đền thờ, Satan đã nói rằng: “Ngài sẽ ra lệnh cho thiên sứ của Ngài trông coi ông… Để ông không vấp vào hòn đá” (Psalm 91:11-12)” Chúa Jesus đã bác bỏ điều này bằng chính đoạn kinh thánh mà vua Ahaz sử dụng “Ngươi không thể thử Chúa của mình…” (Luke 4:12).
Vì vậy, một mặt, chúng ta lên án vua Ahaz (Isaiah đã nói ngay lập tức rằng việc vua Ahaz từ chối xin dấu chỉ từ Chúa chính là “thử lòng kiên nhẫn của Chúa”) khi thấy vua đã viện dẫn đoạn kinh này, và một mặt khác, chúng ta lại nói rằng Chúa Jesus đã đúng khi đã dùng chính đoạn kinh thánh đó bác lại cám dỗ của Satan. Vậy là sao, và bài học quan trọng ở đây là gì?
Giao tiếp với Đức Chúa
Đầu tiên, chúng ta thấy rằng hai hoàn cảnh móc nối với nhau qua lời nói “thử” Chúa. Do đó, đối với mỗi cá nhân hay tập thể, thì trọng tâm của việc làm điều “đúng đắn” chính là phân biệt được điều mà Đức Chúa muốn chúng ta làm. Nhưng làm sao phân biệt đâu là điều “đúng đắn” để làm theo khi cùng một đoạn lời nói, trong ngữ cảnh này là biện minh cho chúa Jesus nhưng ngữ cảnh khác lại lên án vua Ahaz?
Đây là một vấn đề quan trọng bởi vì có rất nhiều người phản đối các tác phẩm tôn giáo và tâm linh do chúng mâu thuẫn với nhau. Theo họ thì bất kỳ tác phẩm tín ngưỡng nào có liên quan đến các vị Thần hay bản thân các vị Thần đều có mâu thuẫn, nên các tác phẩm đó vô giá trị.
Nhưng theo tôi, quan điểm này hoàn toàn phiến diện. Khi nhớ đến câu thuyết với hàm nghĩa thâm sâu của Ralph Waldo Emerson: “Trong một cuộc trò chuyện thú vị, những người tham gia không diễn đạt bằng ngôn từ bề mặt mà bằng nội hàm của nó.” Điều này diễn đạt chính xác hoàn cảnh chúng ta có: “Thật kỳ lạ, khi đọc những lời của Chúa, chúng ta không chỉ là xem những từ ngữ đó trên bề mặt và còn cần xét hoàn cảnh, nội hàm của chúng nữa.”
Nói cách khác, Đức Chúa đang giao tiếp với chúng ta, và chúng ta phải chú ý vào nội hàm của từ ngữ; để có thể hiểu những vấn đề tâm linh thì chúng ta cần tìm hiểu dụng ý của nó một cách thâm sâu hơn.
‘Ra vẻ đức độ’: Vua Ahaz và chúng ta
Chúng ta nhìn thấy ở vua Ahaz một điều mà rất phổ biến trong thế giới hiện đại: “ra vẻ đức độ”. Nó thực sự che giấu một tội ác sâu xa hơn hoặc một tà tâm bên trong. Nhà tâm thần học và tác giả Norman Doidge có nói rằng: “Ra vẻ đức độ có thể là hành vi xấu xa phổ biến nhất của chúng ta.”
Vua Ahaz tỏ ra ngoan đạo trong việc trích dẫn kinh sách, nhưng trong thâm tâm, ông đã quyết định hành động như thể mình là Chúa, và quyết định rằng ông biết rõ hơn cả Chúa: Ông sẽ thành lập một liên minh với Tiglath-Pileser III, và do đó với trí thông minh của mình, ông sẽ ngăn chặn thảm họa đang tấn công Jerusalem. Chối bỏ đặc ân từ Chúa ở một mức độ lớn như vậy cho thấy rằng ông đã lãng quên Đức Chúa cũng như thế giới tâm linh như thế nào. Chẳng có bằng chứng nào có thể biện hộ cho ông.
Khi liên tưởng đến chủ nghĩa Marxist, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội, và những nhà triết học ra vẻ đạo đức khác mà một số người đang theo đuổi, thì chúng ta sẽ thấy chính xác cùng một khuôn mẫu. Như Jordan B. Peterson đã nhận xét: “Vào năm 1917, nếu như luôn có một lời xin lỗi khi ai đó theo chủ nghĩa Marxist, thì hiện tại sẽ chẳng có một lời xin lỗi nào hết.” Cho đến hiện giờ, hệ tư tưởng này vẫn tự cho là đi theo hướng đúng đắn, mặc dù các bằng chứng lịch sử chứng minh rằng những hệ tưởng này không đúng và chỉ đưa đến sự nô dịch toàn bộ dân số.
Một lần nữa, trích dẫn lời của Norman Doidge: “Những nhà tư tưởng là những người giả vờ rằng họ biết cách làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn trước khi họ giải quyết được mớ hỗn độn của chính họ.”
Cấp dưỡng cho ma quỷ
Cuối cùng, chúng ta thấy rằng vua Ahaz đã chối bỏ chỉ dẫn của Chúa; vua đã chọn chống lại cái ác (sự xâm lăng của Assyria) bằng một cái ác khác, và ở đây có sự liên hệ.
Người xưa nói những người ăn chung với ma quỷ thì cần trang bị cái muỗng thật dài. Thật đúng như thế; thực tế đã xảy ra trái ngược hoàn toàn với điều mà vua Ahaz dự liệu: Người Do Thái trở thành chư hầu của Tiglath-Pileser và Jerusalem không thể tránh khỏi sự hủy diệt.
Việc vua Ahaz biến thành tà ác là không thể bàn cãi. Bên cạnh chi tiết từ chối dấu chỉ của Đức Chúa thì một chi tiết khác được đề cập đến trong bản Hai Vị Vua 16:3 rằng vua Ahaz đã phạm một tội lỗi ghê tởm khi “thiêu con trai của chính mình”, và khiến những quốc gia lân cận cũng áp dụng nghi thức tà giáo này. Ý nghĩa của hành động này có thể gây tranh cãi: Nó có thể là một người con của ông trải qua nghi lễ thanh tẩy, nhưng rất có thể đây ám chỉ buổi hiến tế một em bé sơ sinh. Sử ký 2 Chronicles 28:3 ghi lại rõ ràng rằng ông đã “thiêu sống con trai của mình.”
Đối với tôi, chính sự thờ ơ với sự sống và những gì con người thực sự mong cầu lại là dấu chỉ của những ý thức hệ sai lầm: Cái chết của hàng triệu người chỉ là “số liệu thống kê” trên con đường hướng tới “sự bình đẳng” và thế giới không tưởng của xã hội chủ nghĩa.
Bước vào một thập kỷ mới, chúng ta đang đón nhận những dấu chỉ nào, hay chọn cách bỏ qua chúng? Và nếu chúng ta nghĩ rằng không có dấu chỉ nào, có lẽ chúng ta cần cầu nguyện nhiều hơn để xin chỉ dẫn – để được dẫn hướng thêm nữa – để chúng ta đi đúng đường. Xét cho cùng, như chúng ta cũng học được từ Kinh Thánh, Đức Chúa là người hào phóng cho đi. Vì vậy, đừng giống như Ahaz – không cầu xin và cũng không muốn nhận được sự chỉ dẫn của Đức Chúa; chúng ta nên làm ngược lại.
Tất cả các trích dẫn lấy từ phiên bản Kinh Thánh theo tiêu chuẩn mới của Hoa Kỳ.
James Sale là một doanh nhân người Anh sở hữu công ty Motivational Maps Ltd., hoạt động tại 14 quốc gia. Ông là tác giả của hơn 40 cuốn sách về quản trị và giáo dục từ các nhà xuất bản quốc tế lớn như Macmillan, Pearson và Routledge. Ông đã giành giải nhất trong cuộc thi của Hội các nhà thơ cổ điển năm 2017 và phát biểu tại hội nghị chuyên đề đầu tiên của nhóm được tổ chức tại Câu lạc bộ Princeton ở New York vào ngày 17/6/2019.
*Jonah bị cá voi nuốt và phải sống trong bụng cá ba ngày ba đêm. Trong bụng cá, Jonah nguyện cầu với Chúa và nguyện làm theo ý Chúa. Chúa tha tội và bảo con cá nôn Jonah ra. Jonah ra khỏi bụng cá, lên bờ, và đến Nineveh để tiên tri.