Kế hoạch của người Amish để có các trường học tốt hơn
Annie Holmquist
Hãy tưởng tượng đó là một ngày mùa thu đẹp trời. Bạn đang lướt trên những con đường miền quê, tận hưởng màu sắc tươi sáng của những cây phong đỏ và vàng, thì đột nhiên, một hình tam giác màu cam rực rỡ ập vào mắt bạn. Dừng xe, bạn nhận ra một chiếc xe ngựa của người Amish đang ở ngay phía trước, và bạn hiếu kỳ vươn cổ nhìn, hy vọng có thể nhìn được thoáng qua những người ăn vận giản dị bên trong.
Than ôi, tốc độ được giảm chậm lại của chiếc xe cũng chỉ giúp bạn thoáng nhìn, và rồi bạn lại tăng tốc, vui mừng vì đang quay trở lại sự hiện đại và tiện nghi, hơn là bị kẹt sau một con ngựa.
Nhiều người trong chúng ta sẽ không muốn rời bỏ cuộc sống mà chúng ta đang biết đến và gia nhập cộng đồng Amish, nhưng thực tế là, họ có rất nhiều thứ đặc biệt đáng để ta học hỏi. Vì vậy, gần đây khi tôi xem qua một vài bài viết về hệ thống trường học Amish, nhờ cuốn sách “Vũ Khí Hủy Diệt Hàng Loạt” (Weapons of Mass Instruction) của tác giả John Taylor Gatto, tôi đã dừng lại để đọc kỹ hơn.
Ông Gatto giải thích, vào những năm 1970, tiểu bang Wisconsin đã cố gắng ép buộc người Amish gia nhập hệ thống giáo dục tiểu bang. Đương nhiên gặp phải sự chống đối, tiểu bang đã phải chấp nhận bảy yêu cầu sau đây của người Amish – các yêu cầu này đặt cha mẹ và cộng đồng ở vị trí trọng yếu trong hệ thống trường học.
Gần gũi về mặt cảm xúc và gần gũi với gia đình
“Trường học phải ở trong khoảng cách có thể đi bộ từ nhà.”
Các trường học trong khoảng cách có thể đi bộ từ nhà là điều quan trọng của khu dân cư. Mọi người đều biết chuyện gì đang xảy ra ở đó, và không có cơ hội cho việc che giấu hành vi xấu của học sinh hay cách dạy học nhồi nhét không thể chấp nhận được từ phía giáo viên.
Một trường học cộng đồng mang lại lợi ích chung cho khu dân cư, có người trẻ và người cao niên tham gia vào việc chăm sóc và duy trì hoạt động của trường, tạo ra một nơi chốn cho mọi người tụ họp, gặp gỡ, và gắn kết với những người mà vốn dĩ không có mối liên hệ nào ngoài cùng sống trong một khu dân cư.
Còn phần thưởng bổ sung thì sao? Các trường cộng đồng khuyến khích trẻ em tập thể dục hằng ngày để giữ sức khỏe và giúp các em chú tâm vào bài học. Và bởi vì mọi người đều quan tâm đến trường học, nên người lớn sẽ tự nhiên trông chừng trẻ em đi học và về nhà mỗi ngày, giảm thiểu khả năng xảy ra các vụ bắt cóc mà Mỹ quốc đã báo động trong nhiều năm.
Chú ý đến từng người
“Không có trường học nào lớn đến mức học sinh phải bị phân loại thành các khối khác nhau và mỗi năm phải học với các giáo viên khác nhau.”
Sự hợp nhất các học khu trên quy mô lớn trong những thập niên gần đây ngụ ý rằng lớn hơn là tốt hơn. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây lại cho thấy các trường học càng lớn thì càng dễ sinh ra bạo lực hơn. Khi trẻ em ở trong một cộng đồng, được bạn bè và anh chị em vây quanh, các em sẽ có cảm giác thân thuộc, và trường học càng nhỏ, các em càng dễ chịu ảnh hưởng tích cực [từ hành vi tốt] của bạn bè và khuyến khích lẫn nhau làm điều đúng đắn.
Ngoài ra, các trường học nhỏ bảo đảm rằng giáo viên dễ quan sát học sinh hơn. Nếu một giáo viên không dạy cho học sinh biết đọc trong năm đầu tiên, thì họ không thể đơn giản là chuyển đứa bé đó cho một giáo viên khác của lớp kế tiếp trong ngôi trường rộng lớn vào năm sau và coi như xong chuyện. Sống giữa cộng đồng có nghĩa là giáo viên và học sinh phải giải quyết các vấn đề về học tập và tính cách, tìm ra giải pháp thực sự hơn là khắc phục bề mặt.
Làm mới lại từ đầu
“Niên khóa không dài hơn tám tháng.”
Đôi khi, chúng ta bị cuốn vào việc phải thúc đẩy bản thân thành công đến nỗi quên cả nghỉ ngơi. Những năm học hoặc ngày học kéo dài mà nhiều người hiện nay đang ủng hộ có thể giúp tăng kết quả học tập, nhưng liệu chúng ta quan tâm đến kết quả học tập này hay là quan tâm đến việc có nơi giữ con hơn?
Chúng ta càng giữ học sinh ở lại trường nhiều giờ, gia đình càng có ít thời gian bên con. Và học sinh ở trường càng lâu, các em càng xa cách với gia đình và hàng xóm, cũng như càng ít có các hoạt động ngoài trời và sự tự do. Do đó, đặt ra những giới hạn lành mạnh cho phép việc cân bằng giữa học tập, gia đình, và thời gian rảnh rỗi là ưu tiên quan trọng đối với bất kỳ trường học tốt nào.
Quyền của cha mẹ
“Các quyết định quan trọng sẽ thuộc quyền của cha mẹ, không phải của quan chức.’’
Cha mẹ chịu trách nhiệm chính đối với các con, một điều ngày càng lạ lẫm trong thế giới mà nhà nước tự coi mình có quyền lực toàn năng đối với cuộc sống của công dân. Bằng cách giữ cho trường học của họ ở quy mô địa phương, người Amish giữ quyền kiểm soát, bảo vệ con cái và bảo vệ quyền tự quyết của họ trước những chính sách tùy tiện của nhà nước.
Các giá trị nhất quán
“Các giáo viên được tuyển dụng phải hiểu biết, và đồng cảm với các giá trị và lối sống thôn dã của người Amish.”
Người Amish dường như hiểu rằng giáo viên dành phần lớn thời gian trong ngày cho con cái của họ, và như vậy, các giáo viên có ảnh hưởng lớn đến tâm trí non nớt của trẻ em. Do đó, điều cần thiết là giáo viên phải có cùng giá trị với cha mẹ, vì nếu không, trẻ nhỏ sẽ nhanh chóng rời xa khỏi đức tin, cha mẹ, và cộng đồng của mình.
Các bậc cha mẹ thời nay chỉ mới bắt đầu thức tỉnh về sự thật này; đáng buồn thay, nhận thức như vậy thường chỉ xuất hiện sau khi một giáo viên với suy nghĩ “khẳng định giới tính” hoặc “theo chủ nghĩa Marx” đã chiếm được trái tim và tâm trí của các bạn trẻ trong lớp học. Nếu các bậc cha mẹ thời nay cảnh giác như người Amish, kiên quyết rằng giáo viên cần giữ các giá trị tương tự như họ, thì nghị trình trong các trường học của chúng ta có thể đã xoay chuyển sang hướng tốt hơn từ lâu.
Giảng dạy trí tuệ, không phải chỉ kiến thức
“Trẻ em phải được dạy rằng trí tuệ và kiến thức học thuật là hai điều khác nhau.”
Trí tuệ và kiến thức học thuật là những điều mà nhiều người thời nay gọi là giáo dục và học tập. Hệ thống giáo dục ngày nay cố định vào cái sau (kiến thức học thuật), dạy học sinh làm các bài tập lắt léo bằng cách đánh dấu vào các ô đúng và nhận lấy bằng cấp phù hợp. Tuy nhiên, giáo dục phải mang tính toàn diện, dạy học sinh cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống nói chung, bao gồm các khía cạnh tâm linh, tinh thần và cảm xúc.
Bằng cách phân biệt giữa trí tuệ và kiến thức học thuật, người Amish bảo vệ trẻ em của họ khỏi việc biến thành “những con quỷ khôn ngoan”. Những cá nhân như thế có đủ kiến thức trong đầu để trở nên nguy hiểm nhưng về phương diện tình cảm và tâm hồn trong cuộc sống, họ không có đủ hiểu biết để chế ngự những ham muốn xấu xa và sống như những thành viên có trách nhiệm, chính trực của xã hội.
Nhưng khi học sinh được học cả trí tuệ và kiến thức, hiểu được sự khác biệt giữa chúng, các em bước vào thế giới thực như những cá nhân toàn diện, có tính cách và trách nhiệm, sử dụng kiến thức của mình một cách đúng đắn để thành công.
Giáo dục vượt qua giới hạn của lớp học
“Mỗi học sinh sẽ có những kỳ thực tập và học nghề thực tế được cha mẹ giám sát.”
Bằng cách nhấn mạnh vào việc học nghề, người Amish một lần nữa thành công trong việc phân biệt giữa việc đến trường và giáo dục thực sự, như đã được nhắc đến ở trên.
Nhưng bạn hãy lưu ý vế thứ hai của điều kiện trên – việc đào tạo như vậy phải được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các bậc cha mẹ. Tại sao? Lý do đơn giản có thể là cha mẹ hiểu và yêu thương con của họ. Họ có thể không phải là “những chuyên gia” có bằng cấp về tâm lý trẻ em hay giáo dục mầm non, nhưng họ biết điều gì khiến các con họ gắn bó, và do đó họ sẽ phù hợp hơn cả để dẫn dắt và gợi ý các con vào những con đường và vị trí mà sẽ trợ giúp cho công việc và mong muốn của các con trong tương lai.
Đi theo hình mẫu của người Amish
Không khó để thấy rằng các trường học của chúng ta có vấn đề. Nhưng trong những thập niên gần đây, chúng ta đã cố gắng giải quyết những vấn đề đó bằng cách thử áp dụng lần lượt các thiết bị công nghệ và lý thuyết giáo dục mới nhất.
Có lẽ tất cả những gì chúng ta cần làm là thử một điều gì đó đơn giản, và đó chính là mô hình trường học của người Amish: Các trường học dựa trên nền tảng gia đình và cộng đồng.