IMF: Nền kinh tế toàn cầu do dự giữa dollar Mỹ và các loại tiền tệ khác
Một quan chức IMF cho biết không có nguy hiểm nào sắp xảy ra đối với đồng dollar Mỹ
Trong một cuộc thảo luận hôm 22/03, Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Gita Gopinath cho biết Chiến tranh Nga–Ukraine có thể gây ra sự phân tán trong các hệ thống thanh toán toàn cầu, cho thấy sự chuyển dịch tiềm năng khỏi đồng dollar Mỹ trên thế giới.
Bà Gopinath nói trong cuộc thảo luận được phát trên kênh YouTube của IMF: “Những gì chúng ta đang thấy trên toàn thế giới là sự phân tán ngày càng tăng của các hệ thống thanh toán và có thể sẽ tiếp tục gia tăng sau cuộc chiến này.”
Bà Gopinath nói: “Chúng tôi biết rằng thương mại năng lượng sẽ không bao giờ trở lại như cũ sau cuộc chiến này. Và chúng ta có thể thấy một số quốc gia đang xem xét lại mức độ nắm giữ một số loại tiền tệ nhất định trong kho dự trữ của họ. Vì vậy, sự phân mảnh thực sự là một mối lo ngại hệ trọng.”
Tuy nhiên, bà nói thêm rằng các lệnh trừng phạt Nga và các sự kiện liên quan không cho thấy bất kỳ “sự sụp đổ sắp xảy ra” nào của đồng dollar Mỹ.
Bà Gopinath cho thấy tiền tệ thường có “những vai trò bổ sung”. Ví dụ, chúng có vai trò như một công cụ thanh toán và một vai trò khác như lưu trữ giá trị.
Bà nói thêm, nếu một số nơi trên thế giới bắt đầu thực hiện thanh toán thương mại bằng các đơn vị tiền tệ khác với đồng dollar hoặc bắt đầu tiết kiệm bằng các hình thức tài sản tiền tệ khác, “thì chúng tôi có thể mường tượng về những túi tiền, nơi chúng ta sẽ thấy đang có sự chuyển dịch,” đồng thời lưu ý rằng cuộc chiến Nga–Ukraina diễn ra càng lâu, ảnh hưởng sẽ càng lớn.
Đối với các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga vì cuộc xâm lược Ukraine, bà Gopinath cho biết bà cảm thấy điều đó là “chính đáng”, và tác động của các lệnh trừng phạt này lên tiền tệ và thị trường tài chính của Nga là “khá nghiêm trọng”.
Vị Phó Giám đốc tổ chức này cho biết IMF sẽ đưa ra đánh giá về hậu quả kinh tế của các lệnh trừng phạt này khi công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới định kỳ mỗi sáu tháng vào tháng 04/2022.
Về việc liệu Nga có thể sử dụng tiền kỹ thuật số (digital currencies) để trốn tránh các lệnh trừng phạt hay không, bà Gopinath cho biết, tại thời điểm hiện tại, IMF vẫn chưa có một bức tranh rõ ràng về vấn đề này. Tuy nhiên, tổ chức này đang theo dõi vấn đề này “rất sát sao”.
Các sự kiện gần đây sẽ “đẩy nhanh” việc xem xét các loại tiền điện toán của ngân hàng trung ương trên khắp thế giới. Bà Gopinath tuyên bố rằng cần phải làm nhiều việc hơn nữa về mặt pháp lý khi nói đến tiền điện toán.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã khiến lượng dự trữ vàng và forex (ngoại hối) của ngân hàng trung ương trị giá khoảng 300 tỷ USD bị đóng băng. Ngoài ra, Liên minh Âu Châu cũng đã cắt đứt liên kết của bảy ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.
Truyền thông Nga đưa tin, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gọi việc đóng băng 300 tỷ USD này là một “hành vi trộm cắp”.
Theo dữ liệu từ IMF, đồng dollar Mỹ chiếm 7 ngàn tỷ USD, hay hơn 55% trong số 12.8 ngàn tỷ USD trong các quỹ dự trữ của các ngân hàng trung ương tính đến quý III năm 2021. Đồng euro đứng thứ hai với 2.5 nghìn tỷ USD, hay chỉ hơn 19%. Với 318 tỷ USD, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc chiếm 2.47% lượng dự trữ của ngân hàng trung ương toàn cầu, và đứng ở vị trí thứ năm sau đồng yên Nhật và đồng bảng Anh.