Idaho ban hành luật chống lại hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Cộng
Frank Fang
Thống đốc Idaho Brad Little đã ký ban hành luật nhằm bảo đảm rằng người dân không vô tình đồng lõa với hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.
Kể từ ngày 01/07/2024, tại Idaho, việc các công ty bảo hiểm y tế chi trả cho hoạt động cấy ghép nội tạng hoặc chăm sóc sau cấy ghép được thực hiện ở Trung Quốc hoặc bất kỳ quốc gia nào được biết là đã tham gia vào hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức sẽ bị xem là bất hợp pháp. Hôm 10/04, ông Little đã ký đạo luật vốn đã được cả Thượng viện và Hạ viện tiểu bang đồng thuận thông qua hồi đầu tháng này (04/2024).
Luật mới cũng sẽ cấm các cơ sở nghiên cứu và y tế ở Idaho sử dụng máy móc hoặc nhu liệu phân giải trình tự gene có xuất xứ từ các địch thủ ngoại quốc, chẳng hạn như chế độ cộng sản Trung Quốc.
Idaho không phải là tiểu bang đầu tiên giải quyết vấn đề này. Texas là tiểu bang đầu tiên ban hành luật giống như vậy, và Utah là tiểu bang thứ hai. Luật của Texas có hiệu lực vào ngày 01/09/2023, và luật của Utah sẽ có hiệu lực vào ngày 01/05/2024.
Trong hơn một thập niên, Trung Quốc là điểm đến hàng đầu cho khách du lịch y tế để cấy ghép nội tạng, vì các bệnh viện Trung Quốc luôn có thời gian chờ đợi để có được nội tạng phù hợp khá ngắn – ngắn hơn rất nhiều so với các quốc gia phát triển có chương trình hiến tạng công khai.
Lý do mà các bệnh viện Trung Quốc có thể cung cấp nội tạng theo yêu cầu cho khách hàng trả tiền là vì Trung Cộng đã xây dựng một ngân hàng nội tạng sống. Vào năm 2019, Tòa án độc lập điều tra Trung Quốc (China Tribunal) ở London kết luận rằng Trung Cộng đã thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ các tù nhân lương tâm trong nhiều năm “trên quy mô lớn”, trong đó các học viên Pháp Luân Công là “nguồn chính” của nội tạng người.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là môn tu luyện được truyền ra công chúng Trung Quốc vào năm 1992 nhằm khuyến khích các học viên sống theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Đến năm 1999, theo ước tính chính thức vào thời điểm đó, có từ 70 triệu đến 100 triệu người đã tập môn này.
Do lo sợ về sự phổ biến của Pháp Luân Công, nên Trung Cộng đã phát động chiến dịch tàn bạo vào tháng 07/1999 để tiêu diệt môn tu luyện này. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, trong hơn 24 năm, hàng triệu học viên đã bị giam giữ phi pháp trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người đã bị tra tấn trong khi bị giam giữ.
Theo báo cáo từ Minghui.org, trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên theo dõi cuộc đàn áp này ở Trung Quốc, trong năm 2023, có 209 trường hợp học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến tử vong. Báo cáo này bao gồm cả trường hợp của phát thanh viên 30 tuổi Bàng Huân (Pang Xun) – được cho là đã bị đánh đến tử vong vào tháng 12/2022 khi đang ở trong tù.
Theo báo cáo vào năm 2023 của tổ chức Các Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), tổ chức này tuyên bố rằng Bắc Kinh đã cố tình che giấu thông tin về ngành cấy ghép của mình. DAFOH là một tổ chức bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn và đã được đề cử Giải Nobel Hòa bình năm 2024.
Báo cáo này viết: “Sự thiếu minh bạch và không thể truy xuất nguồn gốc là một phần trong chiến lược che đậy và giấu giếm của Trung Quốc.”
“Thật khó để đánh giá con số thực tế các học viên Pháp Luân Công đã bị sát hại trong khi bị giam giữ. Theo một số ước tính, có từ 50,000 đến 100,000 học viên bị sát hại để lấy nội tạng mỗi năm; mặc dù con số này có vẻ mơ hồ, nhưng con số thực tế có thể còn cao hơn.”
Báo cáo của DAFOH cũng trích dẫn một số lời kể từ thân nhân của các nạn nhân bị thu hoạch nội tạng cưỡng bức, trong đó có cô Jiang Li và cô Han Yu.
Quốc hội Hoa Kỳ đã có những nỗ lực nhằm ngăn chặn hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Trung Cộng.
Tháng 03/2023, Hạ Viện đã thông qua một dự luật (H.R. 1154) mang tính bước ngoặt, theo đó sẽ xử phạt bất kỳ ai liên quan đến hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức và yêu cầu chính phủ báo cáo định kỳ hàng năm về các hoạt động như vậy diễn ra ở ngoại quốc. Phiên bản luật này của Thượng viện (S.761) đã không được Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua kể từ khi được đưa ra vào năm 2023.
Hồi tháng Ba, ông Levi Browde – giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp – đã đăng bài trên X, trước đây gọi là Twitter, để thúc giục Thượng viện thông qua luật này.
“Cách đây một năm, Đạo luật Ngăn chặn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức, H.R.1154, đã được chuyển đến Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng viện sau khi được Hạ viện thông qua,” ông Browde viết, đồng thời gắn thẻ (tag) hai Thượng nghị sĩ Ben Cardin (Dân Chủ–Maryland) và James Risch (Cộng Hòa–Idaho) – những thành viên hàng đầu của Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa tại Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện.
“Hãy tiếp tục thúc đẩy hành động chống lại nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.”