Hợp tác Trung–Nga có thể bị thử thách bởi một Afghanistan ‘thời trước 11/09’
Trung Cộng đã ca ngợi các cuộc tập trận quân sự với Nga hồi đầu tháng 08/2021 như là một sự bảo đảm rằng bạo lực xuất phát từ tình hình đang xấu đi ở Afghanistan sẽ không tràn qua biên giới vào Trung Quốc.
Các cuộc tập trận này cho thấy khoảng 10,000 binh sĩ tham gia vào các cuộc diễn tập chống chủ nghĩa khủng bố tại Khu Tự trị dân tộc Hồi Ninh Hạ, nơi sinh sống của hơn hai triệu người Hồi, một nhóm dân tộc thiểu số chủ yếu theo đạo Hồi.
Bất chấp sự phô trương ầm ỹ đó, các chuyên gia cho rằng việc hợp tác quân sự giữa hai quốc gia này không cùng trật tự như kiểu hợp tác mà người ta có thể mong đợi từ phía Hoa Kỳ và các đồng minh của họ.
Hơn nữa, với sự trỗi dậy của Taliban ở Afghanistan, thì cả Bắc Kinh và Moscow đều phải đối mặt với khả năng bất ổn gia tăng ở một khu vực mà họ xem là sân sau của mình – Trung Á – vì các chuyên gia cảnh báo rằng khu vực này có thể trở về nguyên trạng như “trước ngày 11/09” trong vấn đề nguy cơ khủng bố.
Hợp tác dựa trên chủ quyền
Mối liên kết đối tác Trung–Nga “chủ yếu là về việc đối xử bình đẳng lẫn nhau,” ông Arik Burakovsky, Trợ lý Giám đốc Chương trình Nga và Á–Âu của Trường Fletcher thuộc Đại học Tufts, cho biết.
Ông Burakovsky nói với The Epoch Times rằng, “Tất nhiên, Trung Quốc hiểu rằng họ là một cường quốc đang trỗi dậy và Nga là một cường quốc đang xuống dốc, nhưng dù sao thì họ có sức mạnh quân sự tương tự bất chấp sự không cân bằng trong sức mạnh kinh tế.”
Ông cho hay mối bang giao của họ đã phát triển từ đầu những năm 2000.
Bắt đầu bằng các nỗ lực chống khủng bố sau ngày 11/09 và cuộc tập trận chung đầu tiên của họ, “Sứ mệnh Hòa bình 2005”, mối liên kết giữa Bắc Kinh và Moscow đã tăng trở lại vào năm 2014, phần lớn là để đáp ứng nhu cầu của Nga về an ninh kinh tế sau một loạt các lệnh trừng phạt quốc tế do việc nước này thôn tính Bán đảo Crimea.
Kể từ đó, hai quốc gia này thường xuyên tổ chức các cuộc trao đổi và tham vấn quân sự, bao gồm cả các cuộc diễn tập quân sự song phương hàng năm kể từ năm 2018.
Tuy nhiên, ông Burakovsky lưu ý rằng các cuộc diễn tập quân sự Trung–Nga khác xa so với những gì mà hầu hết người Mỹ nghĩ khi nghe đến thuật ngữ này.
Ông Burakovsky cho biết, “Điều quan trọng cần lưu ý là các cuộc tập trận này thông thường bị hạn chế về quy mô và phạm vi. Chúng thường được tiến hành song song hơn là tiến hành chung.”
Ông Paul Stevenage, một nhà phân tích tình báo độc lập và là thành viên hỗ trợ tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Mỹ, cũng nói với Epoch Times rằng chiều sâu của thỏa thuận này thường bị hiểu sai về bản chất.
“Dù cho rất nhiều người có nói thế nào, thì tôi vẫn nghĩ rằng mức độ hòa hợp mà Nga và Trung Quốc đang cố gắng đạt tới còn chưa rõ ràng,” ông Stevenage cho biết.
Ông nói thêm rằng, “Họ có thể có khả năng cùng hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, nhưng đó không phải là sự hòa hợp.”
Hai chuyên gia này nhấn mạnh rằng Nga và Trung Cộng có những lý thuyết và phương pháp đánh trận khác nhau. Ngoài hai khía cạnh đó còn có những khác biệt về văn hóa giữa hai cường quốc này, sự hợp tác quân sự mà hai nước thể hiện không giống với các liên minh quân sự truyền thống của phương Tây.
Để đáp lại vấn đề này, ông Burakovsky nói rằng liên minh Trung-Nga không phải dựa trên bất kỳ sự tương đồng ý thức hệ thực sự nào, mà là đặt nặng vào việc tôn trọng chủ quyền của nhau lên trên hết thảy các yếu tố khác như nhân quyền.
Ông Burakovsky nói: “Họ không để các vấn đề nhân quyền cản trở mối bang giao của họ. Thật khó để tưởng tượng ra cảnh ông Vladimir Putin đang chỉ trích việc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay ông Tập Cận Bình kêu gọi Chechnya giải trình về hành động đối xử với người đồng tính của họ. Điều đó sẽ không xảy ra.”
Các nhu cầu khác nhau ở Afghanistan
Việc tập trung trước nhất vào chủ quyền đã đưa hai quốc gia này đến một điểm mấu chốt trong mối bang giao của họ, khi mỗi cường quốc hiện cố gắng điều hướng một mối bang giao đang đâm chồi nảy lộc với lực lượng Taliban đang trỗi dậy ở Afghanistan. Cuối cùng, việc liên đới với Taliban trông sẽ ra sao đối với Nga và Trung Cộng có thể rất khác nhau.
Ông Stevenage cho hay, “Tôi không nghĩ rằng lợi ích lâu dài của Nga và Trung Quốc ở Afghanistan là giống nhau.”
Tuy nhiên, dường như là Nga đang trong thời kỳ quan sát và chờ đợi Taliban. Ông Burakovsky tin rằng khả năng Taliban được Điện Kremlin công nhận là một tổ chức nhà nước hợp pháp sẽ vẫn còn rất mong manh cho đến khi tình hình ở Afghanistan trở nên ngày càng ổn định hơn.
Ngược lại, theo ông Stevenage, mối bang giao giữa Trung Cộng và Taliban chủ yếu dựa trên tham vọng kinh tế chung. Trung Cộng mong muốn mở rộng Sáng kiến Vành đai và Con đường của họ, một dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quy mô toàn cầu, trong khi Taliban đang tìm kiếm nguồn tài trợ tốt hơn từ thương mại quốc tế.
Ông nói: “Tôi không nghĩ Taliban đặc biệt thích Trung Cộng, nhưng Trung Cộng sẽ có thể khai thác khoáng sản và trả tiền cho họ. Đó là một mối liên kết mang tính giao dịch hơn là một mối liên kết mang tính ý thức hệ.”
Có khoảng 1 ngàn tỷ USD khoáng sản ở Afghanistan, mà Trung Cộng hiện có cơ hội để khai thác.
Một viễn cảnh ‘tiền 11/09’
Cách Nga và Trung Cộng độc lập quyết định đối phó với Taliban có thể ảnh hưởng đến quỹ đạo của liên kết đối tác của họ về lâu dài. Tuy nhiên, bất kể việc tiếp tục hiệp ước thân thiện của họ ra sao, thì những sự kiện gần đây ở Afghanistan sẽ tạo ra hiệu ứng dây chuyền khổng lồ đến toàn bộ khu vực này trong những năm tới.
Cả ông Burakovsky và ông Stevenage đều bày tỏ lo ngại rằng tình hình mới này có thể đánh dấu một thời đại gia tăng chủ nghĩa khủng bố quốc tế.
Ông Burakovsky cho biết, “Nếu Taliban không thể duy trì quyền lực, nếu họ không thể đạt được tính hợp pháp quốc tế và sự công nhận từ người dân Afghanistan, hoặc nếu có một cuộc nổi dậy xảy ra sau đó, thì tôi nghĩ Afghanistan có thể trở thành một nhà nước thất bại đồng thời là một nơi trú ẩn an toàn cho các tổ chức khủng bố như nhóm Nhà nước Hồi giáo.”
“Tình hình có thể trở nên khá hỗn loạn đối với khu vực Trung Á.”
Ông Stevenage đã ví tình huống này như một quả bom hẹn giờ bất kể sự thành công của Taliban. Ông dự đoán rằng một Taliban hồi sinh sẽ sớm được theo sau bởi một Al Qaeda hồi sinh, cuối cùng mở đường cho một ‘nguyên trạng trước cuộc chiến’ (status quo ante bellum) khi các nhóm huấn luyện khủng bố tăng cường sự oán giận giữa các nhóm thiểu số Hồi giáo trên khắp thế giới, cho dù đó là ở Tân Cương, Chechnya hay ở nơi khác.
Ông Stevenage nói, “Tôi nghĩ quý vị sẽ thấy sự thù hận ngày càng tăng. Những kẻ khủng bố cũng sẽ xem xét mô hình đã khởi tác dụng này: Ta sẽ chờ đến khi quyền lực này yếu dần. Có một câu nói quen thuộc: ‘Các vị có thể có đồng hồ, nhưng chúng tôi có thời gian.’”
Ông Stevenage nói thêm, “Thậm chí quý vị có thể thấy một sự suy giảm trong ISIS khi người dân quay trở lại với cách thức truyền thống hơn, nhưng quý vị sẽ thấy nhiều khủng bố hơn trên khắp thế giới. Có thể không ngay lập tức, nhưng nó sẽ quay trở lại tình trạng trước ngày 11/09.”
Ông Stevenage lưu ý rằng Taliban không bao giờ là một tổ chức khủng bố quốc tế theo đúng nghĩa của họ, nhưng họ cho phép các nhóm, chẳng hạn như Al-Qaeda, phát triển bên trong biên giới của họ.
Ông lo ngại rằng bây giờ sẽ có sự trở lại của việc huấn luyện và xuất cảng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan từ Afghanistan, khi Trung Quốc và Nga nỗ lực để ổn định quyền lực của Taliban.
Ông Stevenage cho hay, “Một điều chúng tôi có thể nói là AQ [Al-Qaeda] sẽ dần dần quay trở lại. Họ sẽ thành lập các trại huấn luyện và sẽ trở lại tình trạng như thời tiền 11/09.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ về lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.