Hôn ước và đạo nghĩa vợ chồng
Nếu trước khi kết hôn, hay tin vị hôn thê của mình tướng mạo xấu xí hoặc bệnh tật khắp thân thì bạn sẽ làm như thế nào? Đối diện với sự việc như vậy, rất nhiều người thời xưa đã đưa ra sự lựa chọn khiến người đời không khỏi cảm phục.
Cô gái câm có nơi gửi gắm
Thời nhà Tống có một người tên là Trịnh Thúc Thông, thuở nhỏ phụ mẫu đã định hôn ước cho anh; người hôn phối là con gái nhà họ Hạ. Trịnh Thúc Thông sau khi trưởng thành thì đến kinh đô thi cử; đỗ đạt xong anh quay trở về chuẩn bị thành hôn. Nhưng khi anh về đến nhà thì hay tin con gái nhà họ Hạ vì bị bệnh mà đã trở thành một người câm. Bác của anh dự định lựa chọn một người khác cho anh.
Tuy nhiên, Trịnh Thúc Thông đã cự tuyệt lòng tốt của bác mình, anh nói rằng: “Nếu con không cưới con gái nhà họ Hạ thì cả đời cô ấy cũng không thể gả cho ai được. Hơn nữa, lúc người ta khỏe mạnh lành lặn thì đính hôn, lúc người ta thân mang tật bệnh thì lại ruồng bỏ; điều này có lẽ nào là hành vi của một người quân tử sao?”
Trịnh gia vẫn cử hành hôn lễ như thường. Hai người sau khi kết hôn thì phu thê gắn bó. Về sau Trịnh Thúc Thông làm quan đến chức Triều phụng đại phu; con trai do người vợ câm sinh ra sau khi trưởng thành cũng đỗ đạt khoa cử và làm quan.
Trăm năm hòa hợp với người vợ xấu xí
Tô Nhữ Huệ người tỉnh Thiểm Tây sống dưới triều nhà Tống, lúc sáu tuổi thì phụ thân qua đời. Mẫu thân định hôn ước cho anh. Nửa năm sau, mẫu thân của anh cũng qua đời. Tô Nhữ Huệ dần dần lớn lên nhờ vào sự giúp đỡ của người thân và bạn bè.
Tô Nhữ Huệ sau khi trưởng thành thì chuẩn bị thành hôn. Lúc này anh nghe nói vị hôn thê của mình tướng mạo xấu xí, hơn nữa một bên chân còn có tật, nhưng anh không hề để tâm đến điều này mà vẫn cưới cô gái về nhà. Hai người sau khi kết hôn thì vô cùng yêu thương hòa hợp.
Một ngày kia, một người bạn của Tô Nhữ Huệ nói đùa rằng: “Nghe nói rằng phu nhân của anh dung mạo xấu xí, sao anh không mua một tỳ nữ về hầu hạ mình?” Tô Nhữ Huệ đáp: “Đây là hôn sự do mẫu thân của tôi đã định lúc người còn sống, hoa tai và trâm cài tóc mà phu nhân tôi đeo đều là di vật của mẫu thân để lại. Nếu như tôi ghét bỏ nàng ấy thì chính là không nhớ đến mẫu thân. Luận về tình thì gần như là tham sắc, luận về tội thì bằng như là bất hiếu, tôi sao có thể nhẫn tâm làm như vậy được?” Người bạn nghe xong thì vẻ mặt trêu đùa cũng biến mất, mà thay vào đó là sự kính nể dành cho anh.
Không quên mẫu thân, không phụ thê tử, Tô Nhữ Huệ từ một diễn viên kịch sau này ra làm quan, cuối cùng làm đến chức Tổng binh.
Hàn Vân Môn sống đến già cùng với cô gái mù
Thời nhà Minh, ở huyện Hạng Thành, tỉnh Hà Nam, có một người tên gọi là Hàn Vân Môn, có hôn ước với con gái nhà họ Thích. Tuy nhiên, nào ai đoán được chữ ngờ, sau khi đính hôn không lâu thì cô con gái nhà họ Thích đột nhiên hai mắt bị mù. Thích gia nghĩ rằng Hàn Vân Môn tuổi còn trẻ, lại giỏi văn chương, sau này ắt sẽ thành tài, kết hôn với một người con gái mù thì không thích hợp lắm, do vậy mà đề nghị hủy hôn, đồng thời dự định sẽ để con gái ở vậy đến già.
Phụ mẫu của Hàn Vân Môn cảm thấy rằng giải quyết như vậy cũng hợp lý, định bụng đồng ý từ hôn, nhưng Hàn Vân Môn lại kiên quyết không đồng ý, vẫn theo nghi lễ thông thường chuẩn bị rước cô gái mù về nhà. Thích gia vô cùng cảm động liền thêm một tỳ nữ xinh đẹp làm của hồi môn.
Hàn Vân Môn lại nói: “Về tình lý mà nói, người một khi nhìn thấy nữ tử xinh đẹp thì trong lòng nhất định sẽ bị rung động, do vậy chi bằng không nhìn thấy, như vậy có thể bảo đảm được sự hòa hợp giữa hai vợ chồng chúng con,” nói rồi liền cho tỳ nữ quay trở về Thích gia.
Về sau, Hàn Vân Môn đảm nhiệm chức quan chưởng quản giáo dục. Ông đem phu nhân theo cùng, vợ chồng hết mức thân mật gắn bó. Người Hà Nam sau khi nghe nói về chuyện này thì đều ca ngợi hành vi quân tử của ông.
Những người trong câu chuyện được kể trên đây đều là người quân tử có cảnh giới đạo đức cao thượng. Trong Tả truyện có lời rằng: “Phu hòa nhi nghĩa, thê nhu nhi chính”, trong Lễ Ký Lễ Vận đề rằng: “Phu nghĩa, phụ thính”, có nghĩa là người chồng thì nhân phẩm phải đoan chính, hết lòng có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ vợ mình, phải làm được vừa chính trực vừa nhân nghĩa; người vợ phải vừa dịu dàng chu đáo, vừa đoan trang hòa thuận. Những người chồng được kể trong những câu chuyện trên đây đều thực hiện phu hòa thê nhu (chồng hòa khí vợ dịu dàng); họ để lại hết giai thoại này đến giai thoại khác cho hậu nhân.
Tài liệu tham khảo: Thái thượng cảm ứng thiên; Cô Thặng, thời nhà Thanh; Thanh bại loại sao‧Hôn nhân loại bảy.