Hơn 7.700 nhân viên tại công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc Tencent là thành viên chi bộ của ĐCSTQ được thành lập ngay tại công ty, theo danh sách tên nội bộ mà The Epoch Times có được.
Theo luật, các công ty hoạt động tại Trung Quốc được yêu cầu thành lập các chi bộ của ĐCSTQ ngay tại văn phòng của họ để đảm bảo rằng các hoạt động kinh doanh và nhân viên tuân theo đường lối của ĐCSTQ.
Các lãnh đạo của tổ chức Đảng này đều là những giám đốc điều hành hàng đầu của công ty, đồng thời công ty cũng đã thành lập các chi bộ Đảng nhỏ hơn trong nhiều phòng ban công ty, theo bộ tài liệu mà The Epoch Times có được từ một nguồn tin đáng tin cậy.
Danh sách này chưa đầy đủ, nên không rõ chính xác có bao nhiêu Đảng viên hoặc Đảng ủy viên trong số khoảng 54.600 nhân viên của công ty.
Quy mô lớn của Đảng ủy Tencent cho thấy mối quan hệ chặt chẽ của công ty với ĐCSTQ.
Vào đầu tháng 8, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh cấm các giao dịch của Hoa Kỳ với Tencent liên quan đến ứng dụng WeChat phổ biến của công ty này, với lý do ứng dụng này có thể cho phép ĐCSTQ truy cập vào dữ liệu của người dùng Hoa Kỳ. Các chuyên gia an ninh mạng cũng cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể khai thác các ứng dụng Trung Quốc với khả năng thu thập một lượng lớn dữ liệu cá nhân.
Trên thực tế, công ty này có một lịch sử lâu dài trong việc hỗ trợ bộ máy giám sát ĐCSTQ. Nhiều nhà bất đồng chính kiến ở Trung Quốc đã bị bắt và giam giữ vì các bài đăng trên WeChat và các ứng dụng khác do Tencent phát triển mà chính quyền cho là quá nhạy cảm về mặt chính trị.
Tencent làm theo nguyên tắc của ĐCSTQ
Tencent được thành lập tại thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc vào năm 1998, và sở hữu một danh mục lớn các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến internet, bao gồm các ứng dụng phổ biến như WeChat và QQ.
Tencent thành lập chi bộ Đảng đầu tiên vào năm 2005. Truyền thông Trung Quốc Nanfang Daily dẫn lời người đứng đầu tập đoàn này vào năm 2018 cho biết Tencent đã thành lập 226 chi bộ Đảng với tổng số 10.962 đảng viên. “Mục tiêu công việc của chúng tôi là đảm bảo rằng doanh nghiệp phát triển ở đâu thì tổ chức của Đảng và công việc của Đảng sẽ theo kịp tới đó”, một trưởng nhóm giấu tên cho biết.
Tính đến năm 2017, Tencent có khoảng 7.000 Đảng viên, chiếm 23% số nhân viên của công ty, cổng thông tin Trung Quốc Sina đưa tin.
Trong một tài liệu dài 19 trang mà The Epoch Times có được, công ty đã liệt kê 7.723 Đảng viên. Tuy nhiên, danh sách không có tên của Giám đốc điều hành Mã Hóa Đằng (Ma Huateng) và các giám đốc điều hành khác, những người được công khai là Đảng viên, có nghĩa là danh sách này chưa đầy đủ.
Theo tài liệu này, công ty có các chi bộ ĐCSTQ nhỏ hơn được thành lập ở nhiều phòng ban của công ty, bao gồm các hoạt động mạng xã hội và các ứng dụng ở các trụ sở của công ty, các sản phẩm từ điện toán đám mây, phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo, bộ phận tiếp thị, đầu tư và văn phòng chủ tịch.
Một số phòng ban có các tiểu ban thuộc các chi bộ Đảng của nó. Ví dụ, Tập đoàn Truyền thông Trực tuyến của Tencent có tám chi bộ, trong khi các bộ phận mạng xã hội, nền tảng dữ liệu và thanh toán WeChat của công ty có ba chi bộ.
Các chi bộ Đảng khác cũng có mặt tại các văn phòng khu vực của công ty, chẳng hạn như Hàng Châu, Bắc Kinh, Thâm Quyến, Thiên Tân, Thành Đô, Vũ Hán, Hợp Phì và Tây An.
Lòng trung thành với Đảng bắt đầu từ cấp lãnh đạo cao nhất. Người sáng lập và Giám đốc điều hành Tencent Mã Hóa Đằng đã nhiều lần công khai lên tiếng ủng hộ Bắc Kinh. Vào đầu tháng 6/2018, một bức ảnh chụp ông Mã mặc đồng phục thời Nội chiến Trung Quốc và đội mũ hình bát giác trong chuyến thăm thành phố Diên An, được biết đến là căn cứ của ĐCSTQ trong cuộc xung đột giữa ĐCSTQ và Quốc Dân Đảng, được lan truyền rộng rãi trên mạng.
Đảng ủy của Tencent, cơ quan giám sát tất cả các tổ chức của ĐCSTQ ở công ty, bao gồm 11 thành viên, theo tin tức từ các phương tiện truyền thông nhà nước trước đây. Bí thư Đảng ủy của Tencent là ông Guo Kaitian, đồng thời là phó chủ tịch cao cấp của công ty, chuyên giám sát các vấn đề pháp lý, quản trị và quản lý an ninh của công ty. Ba phó bí thư Đảng ủy là các phó chủ tịch và tổng giám đốc phụ trách các mảng kinh doanh chủ chốt của công ty, như quản lý an ninh thông tin, truyền thông trực tuyến và các vấn đề liên quan đến chính phủ.
Tencent chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Tencent giám sát nhân viên
Tencent đã công khai thể hiện sự nhiệt tình của trong việc thúc đẩy các mục tiêu của ĐCSTQ.
Năm 2005, chi bộ Đảng của công ty đã thành lập tạp chí Đảng đầu tiên trong số các công ty internet của Trung Quốc, có tên là “Tengxiang”.
Năm 2016, Đảng ủy của Tencent được Bắc Kinh công nhận là “tổ chức cơ sở Đảng tiên tiến” duy nhất trong số các công ty internet của Trung Quốc.
Công ty cũng đã thiết lập một trang web cộng đồng, nền tảng WeChat và trung tâm dịch vụ cho các Đảng viên của mình.
The Epoch Times cũng có được một tài liệu từ China Unicom thuộc sở hữu nhà nước, tiết lộ cách Tencent đã giúp phát triển một ứng dụng “xây dựng Đảng” giữa các Đảng viên. Khái niệm này thường liên quan đến việc nghiên cứu các học thuyết của ĐCSTQ và đưa ra các quy tắc phù hợp với học thuyết của Đảng.
Tài liệu, có tiêu đề “Internet + Giải pháp xây dựng Đảng thông minh”, có nguồn gốc từ văn phòng của China Unicom tại thành phố Nam Dương, tỉnh Hà Nam.
Theo thông báo, ứng dụng “xây dựng Đảng” này được sử dụng bởi các công ty khác nhau. Trong số các chức năng của ứng dụng này có chức năng tìm kiếm, giám sát và theo dõi hành vi của một Đảng viên hoặc một cán bộ, mặc dù nó không giải thích chính xác cách thức hoạt động của những chức năng đó.
Vai trò của Tencent trong việc giám sát và tống giam những người bất đồng chính kiến
Tencent cũng đóng một vai trò trong việc giam giữ và tống giam những blogger và những người bất đồng chính kiến [với ĐCSTQ] sử dụng các ứng dụng của công ty, đặc biệt là WeChat, ứng dụng phổ biến nhất của công ty.
Vào ngày 2/3/2019, tạp chí The Diplomat dẫn chứng cách thức tin tặc Hà Lan Victor Gevers phát hiện ra rằng “nội dung của hàng triệu cuộc trò chuyện trên ứng dụng Tencent giữa những người dùng tại các quán cà phê internet đang được chuyển tiếp, cùng với danh tính của người dùng, tới các đồn cảnh sát trên khắp Trung Quốc”, và rằng các cơ quan an ninh của ĐCSTQ đã sử dụng dữ liệu từ các ứng dụng của Tencent “để nhổ tận gốc hoạt động tôn giáo trái phép”.
Trong một ví dụ nổi tiếng, bác sĩ Lý Văn Lượng, người Vũ Hán, lần đầu tiên đăng tải thông tin [cảnh báo] về một căn bệnh viêm phổi bí ẩn đang lây lan trong thành phố trên một nhóm trò chuyện WeChat riêng tư. Đó là lần đầu tiên thông tin về virus ĐCSTQ (chủng virus corona mới) được công bố rộng rãi.
Sau khi bài đăng của anh được lan truyền rộng rãi, bác sỹ Lý đã bị triệu tập đến đồn cảnh sát địa phương. Sau khi cảnh sát thẩm vấn, anh được thả với điều kiện phải hứa sẽ không phát tán thêm bất kỳ “tin đồn” nào nữa.
Nhiều công dân Trung Quốc lên tiếng phản đối hoặc chỉ trích ĐCSTQ thông qua WeChat đã bị bắt và giam giữ.
Vào tháng 5, một nhóm học viên Pháp Luân Công thuộc cùng một nhóm WeChat đã bị bắt cùng một lúc. Kể từ tháng 7/1999, các học viên tu luyện Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ đàn áp nghiêm trọng với hàng trăm nghìn người bị bắt, tạm giam, và tra tấn. Thông tin về Pháp Luân Công bị kiểm duyệt ở Trung Quốc.
Theo một báo cáo ngày 30/7 của Minghui.org, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên cung cấp thông tin cập nhật trực tiếp về cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc, hơn 300 người trong nhóm trò chuyện đã bị bắt cóc và nhà của họ bị cảnh sát lục soát.
Người lập nhóm trò chuyện đã bị giam giữ hơn 2 tháng. Báo cáo lưu ý rằng hiếm khi một nhóm lớn người trong cùng một nhóm trò chuyện bị bắt cùng lúc trên toàn quốc.
Minghui.org cũng đưa tin vào ngày 15/7 rằng, vào đầu tháng 1/2019, học viên Pháp Luân Công Wang Bin đã bị kết tội bằng một “bản án hình sự”. Tòa án quận Bồng Giang, thành phố Giang Môn, tỉnh Quảng Đông tuyên bố rằng ông Wang đã bị kết án 8 năm tù giam và bị phạt 30.000 Nhân dân tệ (tương đương 4.300 USD) vì “truyền bá thông tin” về Pháp Luân Công thông qua tài khoản WeChat và các cuộc trò chuyện nhóm trên nền tảng này.
Vào ngày 14 tháng 7, cảnh sát đã bắt giữ và lục soát nhà của một học viên Pháp Luân Công khác, Guo Zhenjia, ở quận Túc Ninh, tỉnh Hà Bắc. Anh bị buộc tội nói về Pháp Luân Công trên WeChat.
Hồi tháng 4, tờ New York Times đưa tin rằng Bắc Kinh đã bắt giữ 5 cựu nhân viên của hãng viễn thông Huawei, sau khi họ tham gia một cuộc trò chuyện nhóm trên WeChat và thảo luận về cách mà công ty lách các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ và đã bán thiết bị cho Iran. Trong một vụ việc đang tiếp diễn, các công tố viên Hoa Kỳ cáo buộc rằng Huawei và giám đốc tài chính của họ đã vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
Vào tháng 8/2019, bà Bao Yan, vợ của chủ doanh nghiệp Li Huaiqing, đã đưa ra một bức thư ngỏ tiết lộ rằng chồng bà đã bị cảnh sát bắt vì nói về lịch sử bạo lực của quân đội ĐCSTQ trên WeChat. Ông Li bị buộc tội “kích động lật đổ chính quyền nhà nước” và các giới chức đã tịch thu tài sản của công ty trị giá hơn 100 triệu Nhân dân tệ.
Vào tháng 9/2017, Liu Pengfei, người lập một nhóm WeChat, đã bị cảnh sát Bắc Kinh bắt giữ. Nhóm này thảo luận về các tin tức chính trị và các vấn đề xã hội hiện nay. Vào tháng 4/2019, anh Liu bị kết án 2.5 năm tù giam với tội danh “gây rối và kích động rắc rối”, một cáo buộc mơ hồ thường được sử dụng để giam giữ những người bất đồng chính kiến ở Trung Quốc.
Tác giả: Gu Qing-er