Hội nghị thượng đỉnh Biden–Yoon bàn về Bắc Hàn, chuỗi cung ứng, và an ninh
Chuyến công du đầu tiên của ông Biden đến Á Châu nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và khẳng định vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương
LISA BIAN
Hôm 20/05, Tổng thống (TT) Joe Biden đã hạ cánh xuống Nam Hàn trong chuyến công du đầu tiên tới Á Châu kể từ khi nhậm chức. Hành trình kéo dài 5 ngày cũng sẽ đưa ông đến Nhật Bản, nhằm mục đích củng cố các liên minh tại khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Sau khi hạ cánh xuống Seoul, đầu tiên ông Biden đến thăm khu phức hợp vi mạch bán dẫn của Samsung ở Pyeongtaek, đi cùng với tân TT Nam Hàn Yoon Suk-yeol và được Phó Chủ tịch Tập đoàn Samsung Electronics Lee Jae-yong hướng dẫn.
Theo Korea Times, khuôn viên Samsung Electronics Pyeongtaek là một trong những nhà máy sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 15% sản lượng chip nhớ (memory chip) toàn cầu.
Trong chuyến công du, ông Biden nhấn mạnh Nam Hàn là một “đối tác đáng tin cậy, có trách nhiệm với các giá trị chung” trong bối cảnh chiến tranh Nga–Ukraine và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đã làm mất ổn định chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với kinh tế và an ninh quốc gia.
Ông Yoon cho biết ông chia sẻ quan điểm của ông Biden và rằng “chuyến thăm của TT Biden đến khu phức hợp Pyeongtaek… thể hiện tầm quan trọng của chất bán dẫn đối với kinh tế và an ninh quốc gia, và nhắc lại ý nghĩa của liên minh toàn diện toàn cầu Nam Hàn–Hoa Kỳ thông qua chất bán dẫn,” The Korea Times đưa tin.
Hãng thông tấn Yonhap cho biết hôm 21/05 theo giờ địa phương, ông Yoon và ông Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ tại văn phòng tổng thống mới ở quận Yongsan trung tâm của Seoul. Hai nhà lãnh đạo được cho là đã thảo luận về một loạt thách thức an ninh và kinh tế mà các đồng minh và khu vực này phải đối mặt – bao gồm cả chương trình hạt nhân của Bắc Hàn và các rủi ro của chuỗi cung ứng.
Theo tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh, hai nhà lãnh đạo cam kết hợp tác chặt chẽ thông qua Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương (IPEF), tăng cường hợp tác kinh tế trong các vấn đề ưu tiên, trong đó có nền kinh tế kỹ thuật số, chuỗi cung ứng linh hoạt, năng lượng sạch, và các ưu tiên khác hướng tới thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc ngày 11/02 đã đưa ra một khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương (IPEF), trong đó phác thảo các ưu tiên chính của Hoa Kỳ trong việc liên kết với các đồng minh và đối tác để cạnh tranh hiệu quả hơn với Trung Quốc trong cuộc chạy đua công nghệ.
Chiến lược này đề cập đến hành vi quyết đoán và hiếu chiến ngày càng nhiều của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương và tầm quan trọng của việc thiết lập một chuỗi cung ứng công nghệ cao mà không có Trung Quốc.
Ông Biden và ông Yoon cũng đồng ý thảo luận về việc mở rộng các cuộc tập trận chung giữa hai quốc gia trong bối cảnh các mối đe dọa về hạt nhân và hỏa tiễn ngày càng gia tăng từ Bắc Hàn.
Tuyên bố chung cho biết: “Cả hai nhà lãnh đạo đồng ý khởi động các cuộc thảo luận nhằm mở rộng phạm vi và quy mô của các cuộc tập trận và huấn luyện quân sự kết hợp trên và xung quanh Bán đảo Triều Tiên.”
Theo hãng thông tấn Yonhap, ông Kim Tae-hyo, phó giám đốc thứ nhất của Văn phòng An ninh Quốc gia tổng thống, nói với các phóng viên hồi đầu tuần này rằng điều đầu tiên mà hai bên sẽ làm trong hội nghị thượng đỉnh sẽ là đưa ra một “kế hoạch hành động” – về cách Nam Hàn và Hoa Kỳ sẽ “tăng cường khả năng răn đe mở rộng đáng tin cậy và hiệu quả”.
Nhóm cố vấn và chiến lược răn đe mở rộng (EDSCG) được chính phủ cựu TT Trump và cựu TT Moon Jae-in thành lập vào năm 2016 để xúc tiến các cuộc thảo luận về các biện pháp răn đe mở rộng khác nhau chống lại Bắc Hàn. Nhưng các cuộc đàm phán của họ đã không diễn ra kể từ năm 2018, vì cả Hoa Kỳ và Nam Hàn ở thời điểm đó đều làm việc để tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với Bắc Hàn.
Theo tuyên bố chung, “ông Biden tái khẳng định Hoa Kỳ đã mở rộng cam kết [với Nam Hàn] bằng cách sử dụng đầy đủ các vũ khí phòng thủ của Hoa Kỳ, bao gồm cả vũ khí phòng thủ hạt nhân, thông thường và hỏa tiễn.”