Học giả Trung Quốc: Bắc Kinh không cách nào tránh khỏi khủng hoảng
Theo một học giả Trung Quốc thì không có điều gì có thể giúp Trung Cộng tránh khỏi việc đối mặt với các cuộc khủng hoảng trên nhiều lĩnh vực. Ông cũng chính là người hồi đầu năm nay đã kêu gọi ông Tập Cận Bình từ chức.
Hồi tháng 4, ông Leng Jiefu, một giáo sư đã nghỉ hưu và là cựu giám đốc khoa chính trị của Đại học Nhân Dân, một trường đại học danh tiếng của Trung Quốc, đã viết một bức thư cho ông Uông Dương (Wang Yang), Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, một cơ quan cố vấn chính trị. Trong thư ông Leng đề nghị rằng ông Tập nên từ chức để đáp lại ngày càng nhiều những lời kêu gọi từ cộng đồng quốc tế rằng chế độ này phải chịu trách nhiệm vì đã gây ra sự lây lan toàn cầu của virus Trung Cộng.
Ông cũng thúc giục chế độ chấp nhận và thực hiện một hệ thống liên bang dân chủ, tạo ra một “Hợp chủng quốc Trung Quốc” để giải quyết các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ và người Tây Tạng.
Bức thư bắt đầu lan truyền trên mạng vào đầu tháng 9, thu hút sự chú ý của cư dân mạng Trung Quốc.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Epoch Times, ông Leng xác nhận ông đã gửi bức thư đó, nhưng than thở rằng dựa vào một loạt các diễn biến đáng lo ngại trong những tháng gần đây, các khuyến nghị đó hiện đã “lỗi thời”.
“Bây giờ đã quá muộn! Có lẽ ngay cả chế độ liên bang và chế độ của ông Tập cũng không thể giải quyết được các vấn đề,” ông nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Ông Leng đã chỉ ra một loạt các cuộc khủng hoảng xuất phát từ sự xâm lược Hồng Kông và Đài Loan, những đàn áp đối với các dân tộc thiểu số, và mối quan hệ đang xấu đi với các nước khác.
Ông nói, tại Hồng Kông Trung Cộng đã áp đặt một bộ luật an ninh quốc gia có hiệu lực từ tháng 7, dẫn đến sự lên án rộng rãi của quốc tế, các lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ, và phản ứng dữ dội trên diện rộng của người dân thành phố này.
Chế độ Trung Cộng cũng tăng cường hoạt động quân sự ở eo biển Đài Loan, làm thúc đẩy thêm nhiều hành động của hải quân Hoa Kỳ trong khu vực.
Ở Nội Mông, Trung Cộng gần đây đã đưa ra chính sách loại bỏ việc giảng dạy tiếng Mông Cổ trong các lớp học, làm dấy lên những cuộc tẩy chay rộng rãi tại địa phương và khiến người dân gốc Mông Cổ trên khắp thế giới tức giận.
Ở nước ngoài, ông Leng nói rằng chế độ này đã khiến mối quan hệ với một loạt các nước phương Tây như Hoa Kỳ, Úc, Canada, và Cộng hòa Czech trở nên tồi tệ hơn.
Bức thư tháng Tư
Trong bức thư hồi tháng 4, ông Leng đã viết về việc chế độ này nên trả lời như thế nào trước các yêu cầu ngày càng tăng từ khắp thế giới, kêu gọi Bắc Kinh phải bồi thường hàng tỷ US dollar vì đã che đậy virus Trung Cộng, dẫn đến việc lây lan lan trên toàn cầu.
“Chúng ta sẽ giải quyết vấn đề bồi thường như thế nào? Chúng ta có nên chiến đấu với tất cả các nước này?” ông Leng viết trong thư. “Nếu chúng ta chiến đấu, chúng ta sẽ không có bất kỳ người bạn nào trên thế giới mà chỉ có gánh nặng – Bắc Hàn.”
“Chiến lược tốt nhất là để Tập Cận Bình từ chức khỏi tất cả các vị trí của ông ta… Lúc đó áp lực từ cộng đồng quốc tế sẽ được giảm xuống mức thấp nhất… Khi đó, người lãnh đạo chế độ mới có thể dễ dàng giải quyết các vấn đề đối ngoại,” ông Leng nói thêm.
Ông Leng cũng nói đến vấn đề Đài Loan, “Việc chúng ta (Trung Quốc đại lục) có thể thống nhất với Đài Loan là ngày càng không thể vì Đài Loan có sự hỗ trợ của Hoa Kỳ.”
Trung Cộng coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, mặc dù hòn đảo dân chủ này là tự trị với chính phủ, quân đội, và tiền tệ riêng.
Ông Leng cho biết lý do Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan là vì hòn đảo này ủng hộ dân chủ. Sau đó, ông gợi ý, “Việc áp dụng một thể chế liên bang dân chủ là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề Đài Loan.”
Một thể chế liên bang như vậy sẽ khiến Trung Quốc được chia thành nhiều khu vực, với mỗi khu vực được quản lý bởi một chế độ tự trị. Mỗi chế độ tự trị này cũng sẽ thuộc quyền quản lý của chính phủ liên bang ở Bắc Kinh. Ông Leng cho biết, bằng cách thành lập chính phủ liên bang, các vấn đề ở Hồng Kông và Tân Cương sẽ được giải quyết.
“Việc trao quyền tự trị cho người dân Hồng Kông có thể khôi phục địa vị của Hồng Kông như một cảng tự do và phát triển nền kinh tế của nó,” ông Leng viết. “Thể chế liên bang này có thể giải quyết các xung đột sắc tộc của Trung Quốc bởi vì xung đột sắc tộc chỉ có thể được giải quyết bằng hòa giải, chứ không phải bằng cách đàn áp.”
Trái ngược với các quan điểm chính thức của Trung Quốc đang đối đầu với Hoa Kỳ, ông Leng coi nước này là “người bạn tốt nhất” của Trung Quốc.
“Họ chưa xâm phạm bất kỳ vùng đất nào của chúng ta. Sự hỗ trợ mà chúng ta nhận được từ Hoa Kỳ là lớn hơn nhiều sự hỗ trợ từ bất kỳ quốc gia nào khác trong lịch sử,” ông viết.
Ông Leng cũng đề cập đến các vấn đề trong nước của Trung Quốc, chẳng hạn như nông nghiệp. Ông viết, trong hai thập kỷ qua, ngày càng nhiều nông dân Trung Quốc đã trở thành những người lao động nhập cư lũ lượt kéo đến các thành phố vì Bắc Kinh đã không có chính sách hỗ trợ nông dân.
Ông đã đề nghị chế độ này tạo ra các động lực để khuyến khích người nông dân ở lại làng và thúc đẩy nông nghiệp.
Năm nay, đại dịch virus Trung Cộng, lũ lụt, hạn hán và sâu bệnh đã tàn phá mùa màng trong nước. Trung Quốc hiện đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực và đang phải tăng nhập cảng nông sản để nuôi sống người dân.