Hoài niệm hành trình xuôi dòng sông Mê Kông, từ Campuchia đến Việt Nam
Là một dòng sông thần thoại với chiều dài hơn 4,000 km, sông Mê Kông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và sau đó đổ xuống chân núi dãy Himalaya. Con sông đã hình thành nên các hẻm núi trên đất Trung Quốc, vẽ ra biên giới giữa Miến Điện và Thái Lan, tạo thành những thác nước hùng vĩ xung quanh khu vực 4,000 hòn đảo ven sông của Lào, được gọi là Si Phan Don trong tiếng Lào, trước khi đổ vào Campuchia theo một lộ trình êm ả hơn, phù hợp cho những chuyến du ngoạn trên thuyền. Tuy nhiên, trên phụ lưu là dòng Tonle Sap (Biển Hồ), cuộc phiêu lưu mới thực sự bắt đầu, để cuối cùng đưa du khách đến Việt Nam.
Đất cho người Campuchia, nước cho người Việt Nam
Chúng tôi nhổ neo từ Campuchia để bắt đầu hành trình vào lúc sáu giờ sáng. Cuộc sống trên sông nơi đây thật giản dị, những ghe máy lướt trên mặt nước, ngư dân ngồi xổm trên mũi thuyền chăm chú nhìn lưới bắt cá của mình. Trên những chiếc ghe máy khác, bọn trẻ mặc đồng phục được đưa qua sông để đến trường. Những mái chùa vươn lên giữa bầu trời như nhắc nhở rằng Phật giáo tại Campuchia một lần nữa đã trở thành quốc giáo kể từ khi chế độ độc tài Khmer Đỏ kết thúc. Chùa chiền ở đây không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào ngoài sự quyên góp từ các phật tử còn rất nghèo.

Người Campuchia đã cải tạo những con đê thành nơi để đóng cọc dựng nhà gỗ mái tôn, những căn nhà nhỏ lơ lửng trên không trung nhưng lại rất cân bằng. Một bên là những khoảnh đất để canh tác, một bên là những chiếc thang mộc đặt trên đê để lên xuống. Một số người trồng sen trên ruộng vì chúng đem lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Hoa, hạt, mầm, thân, lá non của sen, mọi thứ đều bán được.

Một cộng đồng người Việt nhập cư sống ở đây nhưng họ không có đất đai để cư ngụ. Họ sống trên sông và gầy dựng cuộc sống giống như trên chính quê nhà của họ. Những ngôi nhà nhỏ được dựng trên một chiếc sàn bằng tre, gắn vào các thùng nhựa và dựa vào những chiếc thuyền. Các gia đình bao quanh những khoảnh vườn nước bằng cách buộc bèo lục bình trên những chiếc cọc tre để tạo thành bể cá. Những con cá hớn hở bơi trong tổ thủy sinh mới này, nhưng chúng nhanh chóng nhận ra là bị nhốt trong lồng để làm nguồn thực phẩm cho cộng đồng dân cư.
Khám phá một phong cách sống
Chúng tôi đặt chân lên những ngôi làng ven sông, và khám phá cuộc sống của một nhóm nhỏ sống bằng nghề làm gốm. Phụ nữ ở đây làm ra vật phẩm từ một khối đất ướt đặt trên một bàn xoay bằng gỗ. Họ uốn nắn đất sét cho đến khi chúng thành hình mà họ muốn. Sau đó, họ phơi khô sản phẩm dưới ánh nắng mặt trời, rồi phủ bằng lớp vỏ trấu bên ngoài trước khi nung trong lò gạch. Những gì còn lại là đợi cho lò nung nguội đi rồi xếp những sản phẩm đã hoàn thiện (chủ yếu là chum, vại) cạnh đường để giao cho các chợ.

Đến đây du khách cũng có cơ hội để ngắm cây thốt nốt, được xem là quốc thụ của Campuchia. Rễ cây được dùng trong y học cổ truyền, thân cây dài và thẳng cho ra những chiếc lá có hình quạt, dưới bàn tay nhanh nhẹn và khéo léo của phụ nữ những chiếc lá đã được đan thành nón, mái lá lợp nhà, hoặc làm chiếu. Chúng tôi thưởng thức trái và mật hoa được hứng trong ống tre để làm rượu thốt nốt, hoặc làm một loại đường nâu ngọt ngào.


Thành phố Phnom Penh
Đến gần thủ đô Campuchia, cảnh quan mở rộng, các ngôi làng trở nên đông đúc hơn; những ngôi nhà kiên cố nằm dọc theo những con đê mới thẳng tắp, và những hệ thống kênh được đào để tưới tiêu cho những cánh đồng lúa trải dài bên kia con đường.


Chúng tôi ghé thăm bảo tàng Quốc gia, nơi có thể giải mã các hình tượng về thần được điêu khắc từ thời kỳ Angkor, chiêm ngưỡng cách trang trí phong phú và đa dạng của Cung điện Hoàng gia được xây dựng năm 1866.
Tuy nhiên, điều làm nên sự khác biệt của hành trình là chuyến viếng thăm nhà tù S-21 trước đây của chế độ Khmer Đỏ, ngày nay đã trở thành Bảo tàng Diệt chủng. Du khách không khỏi xót xa trong tâm khi tham quan nơi này. Chúng tôi bị cuốn vào một loạt ảnh tư liệu đen trắng mà những kẻ tra tấn đã lưu giữ lại; chúng tôi nhìn thấy rất nhiều ánh mắt của những nạn nhân lộ rõ sự đau khổ mà họ phải trải qua.
Không thể cảm nhận được đất nước này nếu không nhớ lại rằng vào năm 1975, một cuộc cách mạng tổng lực do chế độ Pol Pot đã áp đặt lên quốc gia này. Gần 5 năm của chủ nghĩa man rợ toàn trị, đã làm “biến mất một cách lặng lẽ” gần một nửa dân số ở đây. Chúng tôi hiểu rằng một dân tộc từng bị đè nén dưới những đau khổ sẽ cảm thấy nhẹ nhõm khi không còn phải trải qua các cuộc xung đột như vậy nữa. Khi những người trẻ hiện nay đang khám phá thế giới qua Internet, không ai biết họ suy nghĩ gì về chế độ hiện tại, một chế độ “dân chủ” như ở các nước khác.
Từ Campuchia đến Việt Nam
Khi du khách lựa chọn di chuyển bằng du thuyền trên sông Mê Kông thì dường như không thấy đường biên giới nào khi đến Việt Nam. Dòng sông ngày càng mở rộng, điểm xuyết là những cù lao, cánh đồng lúa mơn mởn và những chiếc thuyền nạo vét cát dưới đáy sông, những chiếc xà lan chở đầy cát cuốn theo những cơn sóng vỗ mạn thuyền. Những núi cát trên xà lan đến và đi không ngừng đồng hành cùng chúng tôi đến tận Sài Gòn.

Chúng tôi nhanh chóng nhận ra rằng dòng sông Mê Kông đã trở thành một mê cung thủy sinh khi vào đến Việt Nam, vô số nhánh sông hòa lẫn vào các kênh đào, tất cả đều được khai thác bởi các công ty nuôi trồng thủy sản (có khoảng gần 3,000 công ty như thế).

Những khu vườn của sông Mê Kông
Vùng châu thổ không chỉ có những ao cá khổng lồ, mà còn là khu vườn tươi tốt nằm giữa cánh đồng lúa, với nào là cây ngô, mía, ớt, đậu, khoai lang, và không thể quên được những khu vườn xum xuê của dứa, xoài, dừa, bưởi, khế, mít… Đi dạo trên những con đường mòn của cù lao Bình Hòa Phước, bạn có thể khám phá những ngôi làng siêu nhỏ, nơi hòa lẫn giữa nhà sàn truyền thống và những biệt thự đá mới xây sang trọng.

Không thể bỏ qua chợ Sa Đéc, thành phố nổi tiếng lưu giữ câu chuyện tình của nhà văn Marguerite Duras trong tác phẩm L’Amant nổi tiếng. Một bên, trong một lán lớn có mái che, những người đàn ông đang bận rộn bán buôn trái cây và rau quả; bên kia, những phụ nữ nông dân đang ngồi xổm trên mặt đất, bên cạnh những quang gánh chất đầy sản phẩm từ vườn nhà của họ. Khi nhìn về phía các quầy hàng [bán thịt], chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về những cách làm có phần hoang dã nhưng lại bảo đảm sự tươi ngon của động vật được làm sạch và cắt khúc theo yêu cầu tại chỗ. Bầu không khí lôi cuốn bước chân du khách, màu sắc sặc sỡ và náo nhiệt, khác xa với những cửa hiệu nhỏ ở Campuchia ngay trước cửa nhà và chủ nhân thường mặc quần áo tối màu. Trong những lối đi chật hẹp với những giỏ chất đầy rau và trái cây chín mọng, chúng tôi thấy những chiếc nón lá được cố định dưới cằm phụ nữ bằng một dải ruy băng đủ màu, chúng bay phập phồng theo nhịp điệu trò chuyện, còn trang phục của họ là quần dài màu sáng và áo cánh rất nhiều họa tiết hoa sặc sỡ.
Điểm đến Sài Gòn

Là trung tâm kinh tế của đất nước với khoảng 9 triệu cư dân và 6 triệu xe gắn máy, giao thông ở đây nổi tiếng hỗn loạn đối với du khách phương Tây như chúng tôi, một bản hòa tấu không ngừng của tiếng còi xe. Trung tâm của thành phố vẫn giữ được sức hấp dẫn tự nhiên giữa các cửa hàng sang trọng nằm dọc theo đường Rue Catinat cũ [nay là đường Đồng Khởi] và một số di tích được bảo tồn từ thời thuộc địa Pháp. Nhà thờ Đức Bà được xây dựng theo phong cách tân Romanesque với gạch đỏ được mang trực tiếp từ Toulouse, cao 40 mét trước Bưu điện Trung tâm, một trong những viên ngọc của kiến trúc thuộc địa Pháp, với khung kim loại do ông Eiffel sáng chế, làm cho Bưu điện trông giống như một nhà ga xe lửa.

Chợ Lớn, khu đô thị cổ của người Hoa trên đất Việt, vẫn giữ được những nét độc đáo nguyên sơ. Các chữ tượng hình rất khó đọc; các cửa hàng tối lấn chiếm vỉa hè để bán các loại thảo mộc khác thường, rễ và vỏ cây thuốc. Chợ Lớn cũng là nơi tụ họp của nhiều tôn giáo khác nhau, là nơi có đền chùa đẹp như tranh vẽ. Trong đền thờ Bà Thiên Hậu thờ nữ thần biển, chúng tôi rất ấn tượng với lượng lớn các dải màu đỏ giống như những chiếc vòng cổ và gợi lại sử thi của những người đi biển. Ngạc nhiên hơn nữa là ngôi đền Thánh thất của đạo Cao Đài, một tôn giáo được thành lập vào năm 1925 nhằm dung hòa Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, và Cơ đốc giáo. Du khách cũng có cơ hội khám phá rằng tín đồ của đạo Cao Đài tôn vinh cả những nhân vật như Victor Hugo, Joan of Arc, hoặc Churchill!

Buổi tối kết thúc hành trình, chúng tôi ở lại trên tàu Indochina II, neo đậu không xa trung tâm thành phố, chúng tôi thao thức cùng ánh đèn của Sài Gòn.