Hoa Kỳ yêu cầu các tổ chức nghiên cứu công khai nguồn tài trợ, do lo ngại về Trung Quốc và Nga
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, viện dẫn lo ngại về ảnh hưởng ngầm của Trung Quốc và Nga, đang yêu cầu các tổ chức nghiên cứu muốn hợp tác với bộ liệt kê rõ ràng tất cả các khoản tài trợ mà họ nhận được từ các chính phủ nước ngoài và các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu.
Hôm 13/10, Bộ Ngoại giao cho biết, “Vai trò độc nhất của các tổ chức nghiên cứu trong việc tiến hành các hoạt động đối ngoại khiến cho sự minh bạch về nguồn tài trợ nước ngoài trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để bảo vệ tính toàn vẹn của các thể chế xã hội dân sự, Bộ Ngoại Giao yêu cầu từ nay trở đi các tổ chức nghiên cứu và các tổ chức chính sách đối ngoại khác mà muốn hợp tác với Bộ Ngoại giao phải công bố rõ ràng trên trang web của mình nguồn tài trợ nhận được từ các chính phủ nước ngoài, bao gồm cả các tổ chức chi nhánh do nhà nước sở hữu hoặc điều hành.”
Một số tổ chức nghiên cứu có ảnh hưởng nhất ở Hoa Kỳ có mối liên hệ đáng kể với Trung Quốc. Chẳng hạn, Viện Brookings đã thành lập một trung tâm ở Bắc Kinh vào năm 2006. Một số tổ chức nghiên cứu do các trường đại học ưu tú điều hành đã báo cáo nhận hàng triệu USD quà tặng và hợp đồng từ Trung Quốc.
Theo hồ sơ lưu trữ của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ, Đại học Pennsylvania, nơi tổ chức Trung tâm Đạo đức và Pháp quyền đã nhận hơn 77 triệu USD từ Trung Quốc. Viện Trái Đất, một trong những tổ chức tư vấn trực thuộc đại học hàng đầu, được điều hành bởi Đại học Columbia, báo cáo đã nhận hơn 40 triệu USD quà tặng và hợp đồng từ Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lưu ý rằng yêu cầu này không có tính ràng buộc, nhưng yêu cầu các quan chức của bộ xem xét liệu các tổ chức nghiên cứu mà họ đang cân nhắc để cộng tác có công bố nguồn tài trợ nước ngoài hay không. Họ đặc biệt lưu ý những lo ngại về những nỗ lực của Trung Quốc và Nga nhằm “tìm cách gây ảnh hưởng đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ thông qua các nhà vận động hành lang, các chuyên gia bên ngoài và các tổ chức tư vấn”.
Hôm 8/10, Dân biểu Lance Gooden (Cộng Hòa-Texas) đã viết thư cho giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường, thúc giục một cuộc điều tra về nguồn tài trợ tiềm năng của Nga và Trung Quốc cho các tổ chức nghiên cứu môi trường và các tổ chức bất vụ lợi.
Ông Gooden cáo buộc Tổ chức Biến đổi Biển (Sea Change Foundation), Câu lạc bộ Sierra và Phong trào Mặt trời mọc (Sunrise Movement) đã nhận tiền tài trợ của nước ngoài nhưng trong thư ông không đưa ra bằng chứng hoặc phản hồi câu hỏi của The Epoch Times.
Ông Gooden viết, “Dựa trên thông tin mà gần đây khiến tôi chú ý, tôi tin rằng có bằng chứng đáng kể về sự can thiệp của nước ngoài vào chính phủ của chúng ta, được thực hiện thông qua các nhóm môi trường, giống như những nhóm này đang ẩn náu phía sau tư cách bất vụ lợi của nhà tài trợ giấu tên.”
Ông Gooden không phải là nhà lập pháp đầu tiên cáo buộc ảnh hưởng của nước ngoài đối với các tổ chức môi trường và các tổ chức nghiên cứu. Dân biểu Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming) cũng đã gửi một bức thư tương tự cho Tổng chưởng lý William Barr vào hồi tháng 9 vừa qua.