Hoa Kỳ sẽ có năng lực xuất cảng khí tự nhiên đứng đầu thế giới vào năm 2022
Hoa Kỳ đang trên đường trở thành quốc gia có năng lực xuất cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới vào năm 2022, vượt qua Qatar và Úc, do sản xuất trong nước tăng và nhu cầu tăng vọt từ các thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc.
Nhu cầu toàn cầu về LNG tăng trưởng ổn định, đạt mức cao kỷ lục hàng năm kể từ năm 2015. Các nền kinh tế Âu Châu và các thị trường Á Châu mới nổi phụ thuộc vào LNG để sản xuất điện và sưởi ấm. Nhu cầu này đã được cung ứng bởi các công ty Hoa Kỳ xuất cảng khí tự nhiên hóa lỏng từ năm 2016.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA), xuất cảng khí tự nhiên hóa lỏng từ Hoa Kỳ sẽ đạt 11.5 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) vào năm 2022, chiếm gần 22% nhu cầu toàn cầu.
Nguồn cung của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tăng cùng với các cơ sở hóa lỏng LNG mới tại cơ sở Sabine Pass và Calcasieu Pass ở Louisiana. Cơ sở số 6 tại Sabine Pass sẽ tăng thêm 0.76 tỷ bcfd, và các chuyến hàng đầu tiên được dự kiến giao trước cuối năm 2021. Có 18 cơ sở hóa lỏng ở Calcasieu Pass sản xuất 1.6 bcfd hoặc 12 triệu tấn mỗi năm.
Khi cả hai cơ sở hóa lỏng hoạt động và bắt đầu xuất cảng vào cuối năm 2022, Hoa Kỳ với 13.9 bcfd sẽ vượt qua Úc với 11.4 bcfd, và Qatar với 10.3 bcfd, để giành vị trí hàng đầu.
Qatar có thể giành lại danh hiệu này vào năm 2025 khi khu vực mở rộng North Field của họ đi vào hoạt động. Tuy nhiên, xét trên quỹ đạo hiện tại, nếu các nhà cung cấp Hoa Kỳ có thể duy trì việc gia tăng nguồn cung thông qua vận hành các nhà máy mới, Hoa Kỳ sẽ có thể duy trì vị trí dẫn đầu.
Nhu cầu gia tăng kết hợp với sự gián đoạn chuỗi cung ứng mà các nền kinh tế trên toàn thế giới đang phải đối mặt đã đẩy lượng khí chuyển đến các nhà ga xuất cảng ở Hoa Kỳ lên mức cao nhất mọi thời đại – là 12.43 bcfd – hôm 26/11.
Các nhà xuất cảng LNG của Mỹ như Cheniere Energy có trụ sở tại Houston và Venture Global đã ký hợp đồng dài hạn với các khách hàng quốc tế, nhiều người trong số họ đến từ Trung Quốc.
Ông Nikos Tsafos từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho biết: “Sau nhiều năm né tránh cam kết mua LNG của Mỹ, các công ty Trung Quốc cuối cùng đã hành động.”
Dựa trên dữ liệu năng lượng Hoa Kỳ, Á Châu là những khách hàng nổi bật nhất mua LNG của Hoa Kỳ. Cho đến nay, Trung Quốc đã nhập cảng khoảng 13% từ Hoa Kỳ trong năm 2021, Nam Hàn cũng tương đương, trong khi Nhật Bản nhập cảng 10%. Năm 2020, Trung Quốc nhập cảng 9%.
LNG được cho là ít gây ô nhiễm hơn so với than và dầu. Các công ty tiện ích đã và đang sử dụng khí đốt nhiều hơn vì giá cả phải chăng và sự sẵn có, khi họ chuyển đổi từ than sang các nguồn tái tạo.
Tuy nhiên, sẽ cần thời gian để các nhà máy LNG có thể tăng sản xuất lên hết công suất, nghĩa là tình trạng lượng xuất cảng thấp hơn công suất có thể vẫn tiếp tục.