Hoa Kỳ nhắm mục tiêu chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc
Shawn Lin
Theo nhà bình luận Nhật Bản Ji Lin, Hoa Kỳ đang thực hiện một số biện pháp nhằm thúc đẩy tiến trình “phi Trung Quốc hóa” chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm giải quyết các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Trung Cộng. Một diễn biến đáng chú ý khác về xu hướng này là việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ đã đồng thuận thông qua “Đạo luật Chấm dứt Vị thế Quốc gia Đang phát triển của Trung Quốc” hôm 08/06. Dự luật này kêu gọi ngoại trưởng Hoa Kỳ tìm cách đạt được việc thay đổi tư cách của Trung Quốc từ một nước đang phát triển thành một nước phát triển thông qua những hiệp ước hiện có và các quy định khác.
Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là một quốc gia nhận được nhiều khoản đầu tư ngoại quốc đáng kể, nhưng Trung Quốc vẫn trước sau khẳng định vị thế là một quốc gia đang phát triển – điều mang lại cho nước này những đặc quyền và sự linh hoạt nhất định. Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ (TNS) Chris Van Hollen (Dân Chủ–Maryland) cho biết: “Từ quy mô kinh tế và quân sự của Trung Quốc cho đến các khoản đầu tư lớn vào các quốc gia trên thế giới, rõ ràng Trung Quốc không còn là một quốc gia đang phát triển nữa. Trong một thời gian dài, Trung Quốc (Trung Cộng) đã lợi dụng danh nghĩa này để đạt được những lợi thế không công bằng trong các hiệp định đa phương.”
Tương tự, TNS Dan Sullivan (Cộng Hòa–Alaska) tuyên bố: “Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Đây là một trong những quốc gia công nghiệp hóa nhất trên thế giới. Trung Quốc (Trung Cộng) sở hữu một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Ngân hàng Thế giới thậm chí còn phân loại Trung Quốc là quốc gia có ‘thu nhập trung bình cao.’ Ý tưởng cho rằng Trung Quốc là một ‘đất nước đang phát triển’ đúng là ngớ ngẩn.”
Nghị quyết hôm 08/06 do Ủy ban Đối ngoại Thượng viện thông qua giờ đây sẽ được đưa ra tại toàn thể Thượng viện.
Một dự luật tương tự có tên “Đạo luật PRC Không phải là một Quốc gia Đang phát triển”, đề cập đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, trước đó đã được Hạ viện Hoa Kỳ thông qua hồi tháng Ba với kết quả 415 phiếu thuận–0 phiếu chống. Bất chấp sự chia rẽ chính trị trong nội bộ Hoa Kỳ, dường như có sự đồng thuận đáng kể khi nói đến việc đối phó với Trung Cộng.
Trao đổi với Epoch Times hôm 12/06, ông Lin giải thích rằng Trung Cộng lợi dụng vị thế quốc gia đang phát triển của mình để được hưởng các biện pháp trợ giúp thương mại, miễn trừ chống bán phá giá từ Tổ chức Thương mại Thế giới, ưu đãi thuế quan đối với các sản phẩm khác nhau, trợ giúp tài chính từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, và các chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Nếu Trung Quốc mất đi vị thế là quốc gia đang phát triển, thì những lợi ích tương ứng này sẽ chấm dứt.
Ông Lin cũng lưu ý rằng mặc dù có hàng trăm triệu người nghèo khổ ở Trung Quốc, nhưng Trung Cộng không sử dụng những lợi ích nhận được để nâng đỡ những công dân bình thường. Thay vào đó, họ chuyển hàng trăm tỷ dollar vào các dự án cơ sở hạ tầng để mở rộng ảnh hưởng thông qua các sáng kiến như sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
‘Phi Trung Quốc hóa’ chuỗi cung ứng đã bắt đầu
Tiến triển đã đạt được trong “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương–Thái Bình Dương” (IPEF), khi Hoa Kỳ công bố hồi cuối tháng Năm rằng 14 quốc gia thành viên đã đạt được những bước tiến đáng kể trong việc bảo đảm chuỗi cung ứng an toàn và linh hoạt hơn. Sự việc này thể hiện một kết quả hữu hình của IPEF vốn được đưa ra cách đây một năm.
Bà Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, đã nhấn mạnh trong cuộc họp báo rằng thỏa thuận được thiết lập gần đây là thỏa thuận đầu tiên thuộc loại này, yêu cầu mỗi quốc gia tham gia thành lập một ủy ban chuyên điều phối các hoạt động của chuỗi cung ứng. Ngoài ra, “mạng lưới ứng phó với khủng hoảng” sẽ được thiết lập để đưa ra các cảnh báo về khả năng gián đoạn nguồn cung ứng cho toàn bộ các quốc gia thành viên của IPEF.
Thỏa thuận này nhằm cung cấp cho các quốc gia IPEF đường dây liên lạc khẩn cấp để tìm kiếm sự trợ giúp trong trường hợp chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Bằng cách thúc đẩy sự phối hợp và hợp tác chặt chẽ hơn, các quốc gia thành viên có thể ứng phó hiệu quả hơn và phục hồi nhanh hơn trong các cuộc khủng hoảng.
Các cuộc đàm phán chuỗi cung ứng đại diện cho một trong bốn trụ cột của IPEF, bên cạnh thương mại, năng lượng sạch, và nền kinh tế công bằng. Các cuộc đàm phán này dự kiến sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn để đạt được các thỏa thuận quan trọng.
Được Hoa Kỳ dẫn dắt, IPEF đã chính thức ra mắt hồi tháng 05/2022. Các thành viên khác là Nam Hàn, Nhật Bản, Úc, New Zealand, Ấn Độ, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam, và Fiji. Gộp cả lại, 14 quốc gia này đóng góp khoảng 40% sản lượng kinh tế toàn cầu.
Điều quan trọng cần lưu ý là Trung Quốc không phải là một phần của IPEF. Một trong những ý định chính đằng sau việc Hoa Kỳ thiết lập khuôn khổ này là cung cấp cho các quốc gia trong khu vực một giải pháp thay thế cho Trung Quốc.
Nhà phân tích Lin đã bày tỏ niềm tin rằng nếu chuỗi cung ứng toàn cầu này tiếp tục chứng kiến xu hướng “phi Trung Quốc hóa”, đặc trưng bằng việc các quốc gia giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm Trung Quốc và áp đặt mức thuế cao hơn đối với chúng, thì xu hướng này sẽ khiến nền kinh tế Trung Quốc tổn thất nặng nề.
“Bản chất của IPEF là hợp tác kinh tế dựa trên các giá trị phổ quát được chia sẻ,” ông Lin nói. “Các quốc gia có giá trị như vậy có nhiều khả năng hợp tác và định hình lại trật tự kinh tế thế giới. Trung Cộng đã là một thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hơn 20 năm nhưng đã không thực hiện các cam kết của mình, bản thân WTO cũng không có cơ chế trừng phạt mạnh, nên Hoa Kỳ chỉ có thể tự mình giải quyết.”
Ông Lin nói thêm: “Các hành động gần đây của Hoa Kỳ, gồm cả việc chấm dứt vị thế quốc gia đang phát triển của Trung Quốc và thúc đẩy phi Trung Quốc hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, là nhằm chống lại hành vi cạnh tranh không lành mạnh của Trung Cộng.” Ông Lin tin rằng việc nâng cao nhận thức giữa các nền kinh tế lớn về các hành vi không công bằng của Trung Cộng là điều cần thiết để khái niệm phi Trung Quốc hóa nhận được nhiều chú ý hơn.
Ngày 09/06, Hoa Kỳ cùng với 5 quốc gia đồng minh là Úc, Canada, Nhật Bản, New Zealand, và Vương quốc Anh đã ra tuyên bố chung lên án chính sách cưỡng bức kinh tế và phi thị trường trong thương mại và đầu tư toàn cầu. Mặc dù tuyên bố này không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc, nhưng nhiều người hiểu rằng tuyên bố đang nói đến các hành động của Bắc Kinh.
Trong những năm gần đây, thị phần của Trung Quốc trong ngoại thương của Hoa Kỳ đã giảm dần. Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố hôm 07/06 rằng trong khoảng thời gian 12 tháng kết thúc vào tháng Tư năm nay, Trung Quốc chỉ chiếm 15.4% hàng hóa nhập cảng của Hoa Kỳ. Con số đó thể hiện tỷ lệ nhỏ nhất kể từ tháng 10/2006 và là giá trị thấp nhất trong 17 năm qua. Xu hướng giảm này phản ánh sự thay đổi trong động lực của quan hệ thương mại Hoa Kỳ–Trung Quốc.