Hoa Kỳ ‘lo ngại sâu sắc’ sau khi Trung Quốc kêu gọi toàn dân ‘theo dõi lẫn nhau’
Katabella Roberts
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “lo ngại” rằng việc chính quyền cộng sản Trung Quốc kêu gọi dân chúng tham gia vào hoạt động phản gián, theo dõi lẫn nhau theo một sáng kiến mới được công bố có thể gây nguy hiểm cho sự an toàn của công dân hoặc doanh nhân Hoa Kỳ đang sống và làm việc tại Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Matthew Miller cho biết trong cuộc họp báo hôm 02/08 rằng: “Chúng tôi lo ngại về điều đó; chắc chắn việc khuyến khích công dân theo dõi lẫn nhau là điều rất đáng lo ngại,” ông Miller nói. “Chúng tôi đang theo sát việc thực thi luật chống gián điệp mới của Trung Quốc – như chúng tôi trước giờ vẫn đang làm – mà trong đó mở rộng đáng kể phạm vi của những hoạt động được xem là gián điệp, như được viết.”
“Ngoài lo ngại về những thông tin mới này, chúng tôi còn lo ngại về nguy cơ bị bắt và giam giữ tùy tiện tại CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa], như được phản ánh trong Khuyến cáo Đi lại Cấp độ 3 của chúng tôi.”
Tháng 07/2023, Bộ Ngoại giao đã ban hành một khuyến nghị cập nhật cảnh báo công dân Hoa Kỳ xem xét lại kế hoạch đến Hoa lục do “việc thực thi tùy tiện luật pháp sở tại, trong đó có liên quan đến lệnh cấm xuất cảnh, và nguy cơ bị giam giữ bất công.”
Ông Miller lưu ý rằng Ngoại trưởng Antony Blinken cũng đã đưa ra những vấn đề tương tự trong các cuộc họp với giới chức Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 18/06. Trong chuyến đi ngắn ngủi đó, ông Blinken trở thành quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ công du Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức.
Bộ An ninh Quốc gia Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa – cơ quan chính giám sát hoạt động tình báo của ngoại quốc và hoạt động phản gián cả trong và ngoài nước – đã đăng một thông điệp trên trang mạng xã hội WeChat của Trung Quốc vào ngày 02/08 với tiêu đề “Hoạt động chống gián điệp đòi hỏi vận động toàn xã hội”.
Trong thông điệp, bộ này kêu gọi người dân “sáng tạo cách đưa thông tin hữu ích về kẻ thù [được bộ phận an ninh quốc gia xác định] và tuyên truyền pháp luật, giải thích các vụ án, giáo dục quần chúng qua các vụ án điển hình, nâng cao nhận thức về phản gián của toàn xã hội, và tạo thành một lực lượng chung mạnh mẽ để duy trì an ninh quốc gia.”
Lo lắng cho các công ty ngoại quốc
Bộ này cũng cho biết chính quyền Trung Quốc nên khuyến khích người dân tham gia vào các hoạt động phản gián bằng cách khen thưởng và hoàn thiện cơ chế trình báo cho những cá nhân đó.
Họ cũng cho biết nhiệm vụ của “các cơ quan quốc gia, các tổ chức dân sự, và doanh nghiệp thương mại” là thực hiện các biện pháp chống gián điệp, và rằng chính phủ nhân dân các cấp cũng như “những người đứng đầu ngành” phải chịu trách nhiệm về công tác này.
Bài đăng WeChat này được đăng tải không lâu sau khi Trung Quốc ban hành luật chống gián điệp sửa đổi, có hiệu lực hôm 01/07. Theo luật mở rộng này, việc chuyển thông tin liên quan đến an ninh quốc gia sẽ bị cấm, trong khi đó, định nghĩa về an ninh quốc gia cũng được sửa đổi theo hướng chung chung và mơ hồ.
Luật cũng mở rộng phạm vi của những gì tạo thành tội gián điệp – khiến chính phủ Hoa Kỳ đặc biệt lo ngại rằng các doanh nghiệp ngoại quốc ở Trung Quốc có thể bị trừng phạt vì tiến hành các hoạt động kinh doanh bình thường.
Theo luật sửa đổi này, những cá nhân như vậy có thể bị kết tội vì “các hoạt động do các cơ quan, tổ chức và cá nhân ngoại quốc thực hiện, xúi giục, hoặc tài trợ ngoài các tổ chức gián điệp và đại diện của họ, hoặc trong đó cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước thông đồng.”
Theo luật mới được mở rộng này, hoạt động gián điệp giờ đây có thể bao gồm “các tổ chức hoặc cá nhân [có hành vi] thông đồng để đánh cắp, tọc mạch muốn biết bí mật nhà nước, thông tin tình báo và các tài liệu, dữ liệu, tư liệu khác.”
Luật cũng trao cho các điều tra viên quyền truy cập dữ liệu, tài liệu, hoặc các vật phẩm từ “các cá nhân và tổ chức có liên quan” – những người phải hợp tác với các cuộc điều tra.
Trung Quốc bảo vệ luật mở rộng
Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia Hoa Kỳ (NCSC) đã cảnh báo rằng các điều luật mới được cập nhật của Trung Cộng trao cho chế độ này “cơ sở pháp lý mở rộng để truy cập và kiểm soát dữ liệu do các công ty Hoa Kỳ nắm giữ ở Trung Quốc” và có thể buộc “các công dân Trung Quốc được tuyển dụng tại địa phương đang làm việc trong các công ty Hoa Kỳ phải trợ giúp cho các nỗ lực tình báo của CHND Trung Hoa.”
Tuy nhiên, ông Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết Bắc Kinh “sẽ tiếp tục thúc đẩy mở cửa ở mức độ cao và cung cấp một môi trường kinh doanh quốc tế và dựa trên luật pháp hơn cho các công ty từ tất cả các quốc gia, trong đó có cả Hoa Kỳ.”
Trong những năm gần đây, Trung Cộng đã bắt và giam giữ nhiều công dân Trung Quốc cũng như ngoại quốc vì bị tình nghi hoạt động gián điệp, trong đó có công dân Hoa Kỳ Lương Thành Vận (John Shing-wan Leung), 78 tuổi, người đã bị kết án tù chung thân vì tội gián điệp ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô hôm 15/05.
Hồi tháng Ba, một giám đốc điều hành tại văn phòng Bắc Kinh của hãng dược phẩm Astellas Pharmaceuticals Nhật Bản đã bị bắt vì cáo buộc gián điệp. Trong cùng tháng đó, chính quyền Trung Quốc đã đột kích vào văn phòng Bắc Kinh của Mintz Group, một công ty điều tra có trụ sở tại Hoa Kỳ và bắt giữ năm nhân viên Trung Quốc.
Một tháng sau, tức tháng 04/2023, các quan chức của Trung Cộng đã mở một cuộc điều tra về các hoạt động của Bain & Co, một công ty cố vấn quản lý của Hoa Kỳ.
Một loạt công dân ngoại quốc, bao gồm ký giả Úc Thành Lôi (Cheng Lei) và doanh nhân Đài Loan Lý Mạnh Cư (Lee Meng-chu), còn được biết đến với cái tên Morrison Lee, đã bị giam giữ, mặc dù gần đây ông Lý đã được phép rời khỏi nước này sau gần hai năm ngồi tù vì bị cáo buộc làm gián điệp khi ông chụp hình công an ở Thâm Quyến.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters