Hoa Kỳ lên án việc Nga giam giữ học viên Pháp Luân Công
Eva Fu
Vụ việc Nga bỏ tù một học viên Pháp Luân Công trong bối cảnh nước này ngày càng thân thiết hơn với chính quyền Trung Quốc đang gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Hoa Thịnh Đốn, khiến Bộ Ngoại giao và các nhà lập pháp Hoa Kỳ lên án hành động này.
Hôm 04/05, một ngày sau khi cảnh sát đột kích vào nhà của năm học viên Pháp Luân Công, một tòa án ở Moscow ra phán quyết giam giữ một học viên gần hai tháng chỉ vì tín ngưỡng của bà.
Bà Natalya Minenkova đang bị giam giữ cho đến ngày 27/06 theo một luật gây tranh cãi không cho “thực hiện các hoạt động của một tổ chức không được hoan nghênh.” Luật này trước đây đã được sử dụng đối với các ký giả và những nhà hoạt động nhân quyền.
Cuộc điều tra hình sự của nhà chức trách Nga đối với bà Minenkova đang được tiến hành trong bối cảnh Nga trở nên ngày càng lệ thuộc vào Bắc Kinh.
Tại Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đàn áp nghiêm trọng Pháp Luân Công kể từ năm 1999, kể cả các hành vi xâm phạm như lao động nô lệ và thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Pháp Luân Công là môn tu luyện dựa trên các nguyên lý đạo đức, ước tính có khoảng 70 triệu đến 100 triệu người tu luyện môn này vào thời điểm đó.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao cho biết họ “lo lắng, buồn phiền” trước các báo cáo về cuộc đột kích nói trên.
“Chúng tôi vô cùng lo ngại về cuộc đàn áp các học viên Pháp Luân Công trên toàn cầu,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với The Epoch Times. “Các nhà chức trách Nga và những nước khác sách nhiễu, phạt tiền, và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công chỉ vì những hành động đơn giản như thiền định và sở hữu các sách tu luyện.”
Phát ngôn viên này lưu ý rằng Ngoại trưởng Antony Blinken đã xác định Nga là “quốc gia đặc biệt đáng lo ngại” kể từ năm 2021 vì đã có “những vi phạm đặc biệt nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo.”
Phát ngôn viên này cho biết: “Những hành vi này bao gồm hành hạ thân thể, tra tấn, và bỏ tù các cá nhân dựa trên niềm tin tôn giáo của họ và xác định một cách bất công các nhóm tôn giáo và tâm linh ôn hòa như Pháp Luân Công là ‘cực đoan,’ ‘khủng bố,’ hoặc ‘không được hoan nghênh’.”
“Các nhà chức trách Nga phải thực hiện nghĩa vụ của mình về nhân quyền và các quyền tự do căn bản, đồng thời phải trả tự do cho tất cả những người bị cầm tù hoặc giam giữ vì thực hành quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng.”
Hợp pháp hóa các hành vi vi phạm nhân quyền
Bà Minenkova đang bị giam giữ để điều tra. Các tài liệu của tòa án cho thấy lời buộc tội nêu rõ là nếu bị kết án thì bà có thể bị phạt tù lên tới chín năm.
Các quan chức và quan sát viên của Hoa Kỳ đã nhận thấy Moscow rõ ràng là muốn xoa dịu Bắc Kinh. Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã công bố kế hoạch công du Trung Quốc trong tháng này, trong khi Trung Quốc đã và đang trợ giúp quân sự cho Nga để giúp duy trì các cố gắng chiến tranh của nước này ở Ukraine.
“Chúng ta đã thấy Trung Quốc và Nga cố gắng xích lại gần nhau hơn,” cố vấn truyền thông an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby cho biết trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc hôm 06/05.
Ông Kirby nói rằng ông chưa xem các bản tin về việc bà Minenkova bị giam giữ, nhưng gọi điều đó là “đáng lo ngại”.
Ông nói rằng, khuynh hướng của Nga và Trung Quốc đều là “tự xác định mình hoặc là đối lập với các mục tiêu chính sách đối ngoại của chúng ta, hoặc là cố gắng trở thành chướng ngại đối với các mục tiêu này theo nhiều cách khác nhau.”
Bà Katrina Lantos Swett – chủ tịch Quỹ Nhân quyền và Công lý Lantos và là cựu chủ tịch ủy ban lưỡng đảng Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ – cũng cho rằng Moscow đang thực hiện những mong muốn của Bắc Kinh.
“Chúng ta biết rằng Nga đang ngày càng trở nên thân thiết với chính quyền Trung Quốc và quan trọng hơn là, phụ thuộc vào sự ủng hộ của nước này. Không khó để hình dung rằng Bắc Kinh đã bắt đầu gây áp lực lên Moscow để nhắm vào các nhóm mà ĐCSTQ đã đàn áp trong lịch sử, nhằm làm suy yếu hơn nữa tính hợp pháp của những nhóm này,” bà Swett nói với The Epoch Times, đồng thời lưu ý rằng các học viên Pháp Luân Công là những người “ôn hòa” và “tập trung vào các giá trị phổ quát”.
Mối quan hệ đối tác ‘không giới hạn’
Các nhà lập pháp và các cựu quan chức của Hoa Kỳ cũng nhận thấy diễn biến ở Nga là hết sức đáng lo ngại.
“Trong nhiều năm, Bắc Kinh và Moscow đã làm suy yếu quyền tự do tôn giáo khi họ hăng hái nhắm mục tiêu vào bất kỳ ai chỉ vì người đó đang cố gắng sống theo đức tin của mình,” Thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa–Florida) nói với The Epoch Times. “Trong lúc Điện Kremlin tiếp tục đàn áp các học viên Pháp Luân Công, thì cộng đồng quốc tế phải lên án những hành động này.”
Ngay trước khi Nga tiến hành cuộc chiến ở Ukraine, ông Putin đã tham dự lễ khai mạc Thế vận hội mùa Đông năm 2022 ở Bắc Kinh và công bố hiệp ước với chính quyền Trung Quốc, tuyên bố rằng quan hệ đối tác giữa hai nước là “không giới hạn”.
Cựu đại sứ toàn quyền của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế Sam Brownback nói với The Epoch Times: “Một phần của ‘mối quan hệ đối tác không giới hạn’ giữa Trung Quốc và Nga mở rộng sang đàn áp tôn giáo.”
“Đảng Cộng sản Trung Quốc thù ghét Pháp Luân Công và giờ đây họ đã mở rộng tầm với sang Nga,” ông nói. “Các quốc gia thuộc Trục Ma quỷ bức hại những người có đức tin mà họ không kiểm soát được.”
“Việc này phải dừng lại.”
Trong cuộc đột kích được công bố rộng rãi hôm 03/05, một đoạn video được cảnh sát Moscow đăng lên kênh mạng xã hội chính thức của họ cho thấy các sĩ quan cảnh sát đang đá vào cửa một căn chung cư.
Tiếp đó, tin tức của các hãng truyền thông nhà nước Nga phần lớn đều đưa ra những thông tin giả của Trung Quốc nhằm phỉ báng Pháp Luân Công.
Ông Levi Browde, giám đốc điều hành của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, nói với NTD rằng vụ việc này vẽ ra “bức tranh gây xáo động” về việc Nga tiến xa đến mức nào để “hợp tác với Trung Quốc cộng sản.”
Dân biểu Ralph Norman (Cộng Hòa–South Carolina) cũng là một trong những nhà lập pháp lên tiếng ủng hộ nhóm tín ngưỡng này trong bối cảnh bầu không khí [đàn áp] ở Nga.
“ĐCSTQ đã bôi nhọ và cô lập những người tu luyện Pháp Luân Công, trong khi họ biết đó chỉ đơn giản là một nhóm thiền định ôn hòa. Không có gì đáng ngạc nhiên khi Nga cũng bắt chước khi bức hại bà Minenkova,” ông nói với The Epoch Times.
“Tôi hy vọng rằng những người tu luyện Pháp Luân Công trên toàn thế giới sẽ đứng vững và không cảm thấy hổ thẹn vì đi theo những gì họ tin tưởng.”
Dân biểu Pat Ryan (Dân Chủ–New York) cho biết những báo cáo về việc giam giữ các học viên Pháp Luân Công khiến ông “hết sức lo ngại.” Ông nói với The Epoch Times rằng ông sẽ lên tiếng “kiên quyết chống lại việc hạn chế nhân quyền và đàn áp các nhóm tôn giáo, bất kể xảy ra ở đâu.”
Dân biểu André Carson (Dân Chủ–Indiana), thành viên của Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ, đã lên án những gì ông mô tả là “các hành động quấy rối có chủ đích của các chính phủ độc tài.”
Ông nói với The Epoch Times: “Việc chính phủ đàn áp và quấy rối các nhóm thiểu số tôn giáo là không bao giờ có thể được chấp nhận.”
Một vụ truy tố đáng lo ngại
Ông Browde cho rằng việc Nga bợ đỡ Trung Quốc cộng sản có thể là sai lầm lớn.
“Họ đang tự liên kết với một chế độ có nhiều dấu hiệu cho thấy là thực sự đang đi đến hồi kết. Làm đối tác với Trung Quốc cộng sản thực sự không phải là điều hợp lý đối với bất kỳ quốc gia nào, kể cả Nga,” ông nói.
Theo ông Browde, tuy rằng nhiều nước ở phương Tây coi cả Nga và Trung Quốc là những tác nhân có hại vì sự chuyên chế đè nặng lên người dân của chính họ và những ảnh hưởng xấu bên trong Hoa Kỳ, nhưng chính quyền Trung Quốc “vượt xa bất kỳ ai khác,” khiến cho hành động mới nhất của Điện Kremlin là “bước đi rất đáng lo ngại.”
Nhiều bằng hữu của bà Minenkova mô tả bà là người thân thiện, hay cười, và tốt bụng. Người phụ nữ 46 tuổi này đã bỏ rượu và thuốc lá sau khi bước vào tu luyện hồi năm 2010.
Bạn của bà, bà Anna Chlebnickova, hiện là giảng viên ngoại ngữ ở Đức, chia sẻ rằng bà cũng có một hành trình tương tự khi cai nghiện ma túy nhờ đức tin của mình cách đây 11 năm.
“Chị ấy không làm gì sai cả,” bà nói với đài truyền hình NTD của The Epoch Times. “Chị ấy đang cố gắng sống cuộc sống lành mạnh và chị ấy đang cố gắng trở thành người tốt.”
“Pháp Luân Công dựa trên chân, thiện, và nhẫn – tại sao phải đối chọi với những người tốt?”
Bà Chlebnickova nói rằng đối với người dân ở Nga, việc truy tố bà Minenkova gửi đi một thông điệp đáng sợ.
“Chẳng biết được chuyện gì sẽ xảy ra; chẳng biết được người nào có thể bị ghét bỏ.”