Hoa Kỳ, EU lo ngại Trung Quốc thống trị thị trường vi mạch bán dẫn công nghệ cũ
Frank Fang
Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đang hợp tác để giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia liên quan đến nỗ lực của Trung Quốc muốn thống trị thị trường toàn cầu về vi mạch bán dẫn công nghệ cũ bằng cách sử dụng các chính sách và hoạt động “phi thị trường.”
Trong một cuộc họp báo hôm 05/04 ở thành phố Leuven của Bỉ, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết: “Dựa trên báo cáo của chính Trung Quốc, chúng tôi biết được khoảng 60% tổng số vi mạch bán dẫn mới, sản xuất theo ‘công nghệ cũ’ xuất hiện trên thị trường trong vài năm tới sẽ do Trung Quốc sản xuất.”
“Và chúng tôi biết rằng sẽ có một khoản trợ cấp dồi dào cho ngành đó thay mặt cho chính quyền Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến sự biến dạng thị trường rất lớn, và đó là lý do vì sao chúng tôi tập trung vào điều này.”
Bà Raimondo đã đến Leuven để tham dự cuộc họp kéo dài hai ngày của Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU–Hoa Kỳ, cùng với Ngoại trưởng Antony Blinken và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai. Những quan chức Hoa Kỳ này đã gặp các Phó Chủ tịch Điều hành Ủy ban Âu Châu Margrethe Vestager và Valdis Dombrovskis.
Vi mạch bán dẫn công nghệ cũ được định nghĩa là những vi mạch bán dẫn có kích thước 28 nanomet (nm) trở lên và được sản xuất bằng các công nghệ chế tạo chất bán dẫn lâu đời đã tồn tại từ 10 đến 20 năm. Ngược lại, các chất bán dẫn tân tiến nhất, có thể có kích thước nhỏ từ 3 nm đến 10 nm, được chế tạo bằng thiết bị và công nghệ tân tiến.
Chất bán dẫn thế hệ cũ vẫn được sử dụng rộng rãi, bao gồm cả trong xe hơi, các thiết bị điện tử, đồ gia dụng, và thiết bị y tế.
Bà Raimondo nói: “Chúng tôi biết Trung Quốc hết sức tập trung vào những vi mạch bán dẫn lâu đời hơn này và nói thêm rằng các vi mạch bán dẫn công nghệ cũ “giống như những vi mạch bán dẫn ngựa thồ.”
Khảo sát chuỗi cung ứng
Hồi tháng 12/2023, Bộ Thương mại thông báo rằng họ sẽ bắt đầu cuộc khảo sát chuỗi cung ứng chất bán dẫn theo Đạo luật Sản xuất Quốc phòng. Mục đích của cuộc khảo sát là tìm hiểu xem các công ty Hoa Kỳ trong chuỗi cung ứng của các ngành công nghiệp quan trọng của Hoa Kỳ đang mua vi mạch bán dẫn công nghệ cũ như thế nào để tìm cách “giảm thiểu rủi ro an ninh quốc gia” do Trung Quốc gây ra.
Khi công bố cuộc khảo sát, Bộ Thương mại lưu ý rằng trong 10 năm qua, Trung Quốc đã cung cấp khoảng 150 tỷ USD tiền trợ cấp để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước của họ; điều này “có thể đẩy giá của vi mạch bán dẫn công nghệ cũ xuống dưới mức thị trường và tạo ra một sân chơi toàn cầu không bình đẳng cho Hoa Kỳ và các đối thủ ngoại quốc khác.”
“Đó là điều bắt buộc,” bà Raimondo nói về cuộc khảo sát. “Chúng tôi đang cố gắng thu thập dữ liệu trên thị trường để tìm bằng chứng về bất kỳ hình thức biến dạng thị trường nào. Và người Âu Châu cũng đã đưa ra một phiên bản khảo sát tương tự của riêng họ, và chúng tôi sẽ dự định chia sẻ dữ liệu đó.”
Bà Vestager cho biết cuộc khảo sát của EU mang tính tự nguyện.
“Hoa Kỳ đang thực hiện một cuộc khảo sát bắt buộc. Chúng tôi có một cuộc khảo sát tự nguyện. Chúng tôi sẽ so sánh các ghi chú để đưa ra các biện pháp nhằm giúp chuỗi cung ứng của chúng ta trở nên linh hoạt,” bà Vestager cho biết tại buổi họp báo.
“Và ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi đã phối hợp về cách tránh một cuộc chạy đua trợ cấp, tận dụng tối đa các ưu đãi sẵn có cho cả Hoa Kỳ và Âu Châu để gia tăng sự hiện diện của chúng ta trên toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn.”
Tuyên bố chung của liên minh EU–Hoa Kỳ được công bố hôm 05/04 cho biết hai bên “chia sẻ mối lo ngại về các chính sách và hoạt động kinh tế phi thị trường có thể dẫn đến những tác động gây biến dạng hoặc phụ thuộc quá mức” vào vi mạch bán dẫn công nghệ cũ.
“Đến thời điểm thích hợp, chúng tôi dự định sẽ tiếp tục thu thập và chia sẻ thông tin không bí mật cũng như thông tin tình báo thị trường về các chính sách và hoạt động phi thị trường, cam kết bàn thảo với nhau về các hành động đã dự định, và có thể phát triển các biện pháp chung hoặc hợp tác để giải quyết những tác động gây biến dạng chuỗi cung ứng toàn cầu đối với các vi mạch bán dẫn công nghệ cũ,” tuyên bố viết.
Theo một phân tích do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế công bố hôm 05/04, việc áp thuế đối với hàng nhập cảng có chứa vi mạch bán dẫn công nghệ cũ của Trung Quốc có lẽ không đơn giản.
Phân tích cho biết: “Không khó để hình dung ra sự phức tạp sẽ nảy sinh nếu Hoa Kỳ áp thuế lên các mặt hàng nhập cảng có chứa vi mạch bán dẫn Trung Quốc – chẳng hạn như, điều này sẽ ảnh hưởng đến một chiếc xe hơi Nam Hàn có vi mạch bán dẫn được sản xuất tại các nước đối tác và cả ở Trung Quốc.”
“Hơn nữa, việc tăng thuế quan đáng kể của Hoa Kỳ có thể đẩy vi mạch bán dẫn công nghệ cũ của Trung Quốc sang các thị trường ngoại quốc khác, bao gồm cả các nền kinh tế của các nước đồng minh, làm suy yếu nỗ lực của chính họ trong việc tăng cường nguồn cung vi mạch bán dẫn trong nước.”
Hồi tháng Một, các Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa–Wisconsin) và Raja Krishnamoorthi (Dân Chủ–Illinois), hai thành viên hàng đầu của Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ trong Ủy ban Đặc biệt của Hạ viện về Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã gửi một bức thư cho bà Raimondo đề cập đến những lo ngại về vi mạch bán dẫn công nghệ cũ của Trung Quốc.
Một trong những câu hỏi mà họ đặt ra là liệu Hoa Kỳ có thẩm quyền thiết lập “thuế quan thành phần” – nghĩa là áp thuế đối với vi mạch bán dẫn công nghệ cũ của Trung Quốc thay vì thành phẩm – hay không.